Dân bị phạt vì trí tưởng tượng?

RFA

2024.07.09

Sư Thích Minh TuệAFP

Hôm 4 tháng 7 vừa qua, hai YouTuber ở An Giang bị cơ quan chức năng tỉnh này ra quyết định xử phạt hành chính với cáo buộc đăng video sai sự thật liên quan ông Thích Minh Tuệ. Cụ thể, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh An Giang cho biết đã phát hiện hai tài khoản YouTube đăng tải các video mà cơ quan này gọi là bịa đặt, sai sự thật về một tảng đá có hình người, giống sư Thích Minh Tuệ.

Cả hai chủ tài khoản bị cơ quan chức năng tỉnh An Giang phạt hành chính với cáo buộc vi phạm khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15 về “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.

Một số người cho rằng, việc hai YouTuber thấy tảng đá giống ai hay giống vật gì là quyền con người, chính quyền không có quyền phạt trí tưởng tượng của người dân.

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA:

“Tôi không biết cụ thể video này đưa lên mạng như thế nào, kèm theo những bình luận gì. Nhưng căn cứ theo những thông tin chính thống từ báo chí nhà nước thì tôi thấy hai điều ở đây. Thứ nhất, người ra quyết định phạt tiền là hoàn toàn vô lối, không đúng. Người dân hoàn toàn có quyền tưởng tượng, suy diễn hòn đá giống cái này cái khác, không thể tùy tiện phạt họ như vậy được. Tôi nghĩ, việc phạt này là rất sai trái. Đó là về phía cơ quan xử phạt.

Thứ hai, về phía người bị phạt, theo báo chí nhà nước thì họ thành khẩn nhận vi phạm và đồng ý nộp phạt. Tôi thấy bản thân họ chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật để hiểu mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì, cho nên họ đã dễ dàng chấp nhận để cơ quan chức năng của nhà nước xử phạt”.

Theo luật pháp Việt Nam, quyền khiếu nại và khởi kiện đều là quyền của công dân khi có cơ sở cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.  

Với việc xử phạt hai YouTuber với cáo buộc suy diễn, bịa đặt và không đúng thực tế, một số nghệ sĩ mà RFA trao đổi cho rằng, đây là một hình thức “trói buộc tự do sáng tác” từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở cả miền Nam.

Nhà thơ/dịch giả Hoàng Hưng, người từng bị tù 3 năm vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động” đầu thập niên 80 chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm, nói với RFA nhận định của ông;

“Việc quy kết một người hình dung một tảng đá ra hình ảnh gì đó theo trí tưởng tượng của người ta là một quy kết quá là ấu trĩ. Không thể hình dung nó lại xảy ra trong thời đại này.

Khi người ta nhìn một hòn đá, một cái cây hay một mô đất… người ta có quyền tưởng tượng ra cái gì theo ý người ta, chả có vấn đề gì cả, chả có hại gì cả. Đó là cái quyền tối thiểu của con người. Đó là quyền tự nhiên mà pháp luật không cấm. Chả có luật nào có thể quy đó thành một tội hay thành một vi phạm để phạt hay xử tội cả. Không có chính quyền nào được phép làm điều đó cả. Nó nói lên một điều quan trọng nhất là những quyền tự do cơ bản của con người, tức nhân quyền, không được tôn trọng”.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, vì có quyền lực trong tay nên chính quyền cho cái nhìn của chính họ là đúng, cho dù cũng là suy diễn, còn cái nhìn của dân bị coi là bịa đặt, sai sự thật.

Một họa sĩ kỹ thuật số ẩn danh, nêu quan điểm của ông với RFA:

“Những người dân bị phạt vạ, họ không có nơi nào để có thể nói lại và chứng minh về quyền tự do ngôn luận của bản thân mình. Vì có thể họ sẽ đặt câu hỏi rằng thay vì họ thấy cục đá đó giống ông Thích Minh Tuệ, thì họ thấy cục đá đó giống ông Hồ Chí Minh họ có bị phạt không? Và vì sao họ nghĩ cục đá đó giống ông Thích Minh Tuệ thì họ lại bị phạt?

Việc phạt vạ vô cớ và vô văn hóa của các quan chức rõ là đang bóp nghẹt sự tự do suy tưởng và văn hóa nhận thức đa chiều theo quyền cá nhân, nhưng quan trọng hơn hết là cho thấy xã hội Việt Nam đang bị bao vây trong những chủ kiến cầm quyền mơ hồ và áp đặt. Công dân bị dán nhãn và đóng dấu không khác gì những con vật trong chuồng theo ý những kẻ có quyền”.

Chuyện phạt hai YouTuber ở An Giang không phải là chuyện chưa từng xảy ra, mà chỉ thêm vào danh sách những người dân bị “phạt vạ” từ trước đến nay. Mới hôm 9 tháng 7 năm 2024, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính một chủ danh khoản Facebook về hành vi mà họ gọi là “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, do facebooker đưa thông tin liên quan ca bạch hầu ở tỉnh này.

Tháng 10 năm 2023, một Facebooker ở Quảng Ninh bị phạt tiền do loan tin dân đồng loạt rút tiền ngân hàng. Theo cơ quan chức năng, Facebooker này bị phạt là do “đưa tin đồn thất thiệt”.

Để quản lý chặt hơn những thông tin trên mạng xã hội, tháng 10 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Phát biểu với truyền thông trong nước, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: “Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng”.

Điều đó có nghĩa, chủ danh khoản Facebook có thể bị phạt nếu bảo mật kém, hay nói cách khác là chủ danh khoản Facebook đã bị hack còn bị phạt!

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Cộng sản và tự do ngôn luận. Bookmark the permalink.