Căn cứ quân sự Ream của Campuchia quan trọng thế nào nếu Việt Nam rơi vào xung đột quân sự? (Bài 3)

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt

5 tháng 7 2024

Vai trò của căn cứ quân sự Ream sẽ quan trọng như thế nào trong trường hợp Việt Nam rơi vào một cuộc xung đột quân sự trên biển hoặc trên đất liền?

Vùng biển Tây Nam của Việt Nam có hơn 150 đảo, nằm trong Vịnh Thái Lan. 

Trong hơn 150 đảo này có các đảo, quần đảo lớn có cư dân như Phú Quốc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Châu…

Vùng biển này có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam, bao gồm bờ biển dài khoảng 450 km, diện tích khoảng 150.000 km², giáp ranh với vùng biển của các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân Việt Nam đang quản lý vùng biển đặc biệt quan trọng về chiến lược an ninh – quốc phòng này.

Bình luận về các kịch bản xung đột có khả năng xảy ra, ba chuyên gia về an ninh quốc phòng đề cập với BBC về xung đột trên Biển Đông và xung đột Việt Nam – Campuchia.

Khi đó căn cứ Ream sẽ đóng vai trò như thế nào nếu Bắc Kinh kiểm soát?

Xung đột trên Biển Đông

Nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, cho rằng căn cứ Ream giúp Trung Quốc trong việc liên lạc vệ tinh vì Trung Quốc không có gì nằm gần với đường xích đạo để liên lạc và theo dõi vệ tinh.

“Hệ thống theo dõi radar từ căn cứ Ream có thể giúp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong các hoạt động xung quanh eo biển Malacca và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Poling nói với BBC News Tiếng Việt.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá xung đột ở Biển Đông không nằm trong lợi ích của Trung Quốc, do đó Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì chiến thuật vùng xám.

“Tôi nghĩ có rất nhiều khả năng, không chỉ đơn thuần là xung đột trên Biển Đông. Khả năng xung đột trên Biển Đông thật ra là nhỏ, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng chiến thuật vùng xám để lấn lướt ở Biển Đông, không để dẫn đến xung đột”.

Bản đồ Ream so với Hải Nam

Chiến thuật vùng xám nghĩa là các hoạt động trong “khoảng tối” giữa hòa bình và chiến tranh. Những hành động như vậy có nguy cơ làm xói mòn quyền tự do hàng hải, một khái niệm giữ vai trò trung tâm trong việc củng cố sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Trong thời kỳ chứng kiến một số biến động trên biển, các chiến thuật vùng xám đã trở thành một công cụ ưu tiên cho các bên nhằm thúc đẩy lợi ích của họ mà không phải tìm tới xung đột quân sự. 

“Xung đột Biển Đông không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Nếu xung đột ở Biển Đông xảy ra thì có rủi ro với Trung Quốc, ở chỗ là Mỹ có thể tham gia với tư cách là đồng minh của Philippines. Và khi Mỹ mà tham gia rồi thì chuyện sẽ trở nên hết sức khó khăn với Trung Quốc”, Giáo sư Vuving nói.

Đường băng, nhà cửa… trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, ảnh được chụp vào ngày 25/10/2022

Giáo sư Vuving đánh giá trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông thì các đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa rất đơn giản. 

“Mấy trăm tên lửa, rồi thì máy bay không người lái (drone) đem chất nổ đến là tiêu diệt, không có gì che chở, hoàn toàn chơ vơ ở đại dương”.

Do đó, có cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giáo sư Vuving đánh giá nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát căn cứ Ream, với hệ thống radar có ở những đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát bao phủ một vùng rất rộng lớn đối với Việt Nam, cụ thể là toàn bộ vùng biển phía nam Việt Nam, rộng hơn là toàn bộ trung tâm khu vực Đông Nam Á.

“Đây chỉ mới là vấn đề radar để nghe, nhìn tất cả những gì diễn ra, chưa nói đến chuyện căn cứ mà từ đó người ta có thể xuất phát đưa tàu, phương tiện để làm chủ vùng trời, vùng biển, hoặc những khu vực gần đó. Đây cũng là một điều có thể xảy ra”, ông nhận định thêm.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ (Center for a New American Security), cho rằng phía Trung Quốc cũng đã có sự chuẩn bị trong trường hợp rơi vào thế kẹt tại eo biển Malacca và có hướng dẫn phòng vệ trong trường hợp đó.

“Giống như căn cứ Djibouti, nếu tôi là Trung Quốc thì sẽ xây dựng một hệ thống để đảm bảo liên lạc thông suốt trên biển trong trường hợp xảy ra xung đột không chỉ là trên Biển Đông mà còn là chiến tranh Đài Loan. Tôi chắc rằng Trung Quốc cũng lo ngại trong tình huống đó Mỹ sẽ đánh chặn bằng cách cắt đường tiếp cận năng lượng và cơ sở hạ tầng của quân đội nước này”.

“Trong tình huống xung đột trên Biển Đông, tôi nghĩ căn cứ này sẽ giúp bổ trợ cho những căn cứ trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở giữa Biển Đông và ngoài ra còn có lực lượng hỗ trợ từ miền nam Trung Quốc và đảo Hải Nam nữa”.

“Căn cứ này cũng có thể là nơi tiếp cận để Trung Quốc cử lực lượng từ phía tây xuống Biển Đông trong tình huống nổ ra xung đột”, ông đánh giá.

Thế gọng kìm

Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, khi bắt đầu quá trình chạy thử kéo dài 8 ngày vào ngày 8/5/2024 trước khi quay trở lại xưởng đóng tàu ở Thượng Hải

Hai chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ bị vây thế ba gọng kìm từ ba hướng, trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, nếu Ream nằm trong tay Bắc Kinh.

Giáo sư Alexander L Vuving nhận định trong kịch bản này, căn cứ quân sự Ream hoàn toàn có thể trở thành hậu phương, bị biến thành gọng kìm thứ hai đối với Việt Nam. 

“Trung Quốc từ đó sẽ tạo sức ép cho Việt Nam, thêm hai mặt trận nữa là biên giới phía bắc và biên giới phía tây, đặc biệt với Campuchia, không kể thêm Lào nữa. Lúc đó là toàn bộ nước Việt Nam sẽ bị bao bọc”, ông nhận định.

Nhà nghiên cứu Gregory B Poling nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa hai quốc gia trong thế kỷ 20.

Cũng theo ông Gregory B Poling, trong kịch bản xung đột Việt – Trung xảy ra thì Việt Nam sẽ bị gọng kìm bao vây từ ba hướng.

“Tôi nghĩ cả Việt Nam và Thái Lan đều ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành do thám từ căn cứ này. Điều này mang tính chất nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã phải đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc từ hai mặt trận, từ biên giới trên bộ và từ Biển Đông, chẳng hạn tại quần đảo Hoàng Sa”.

“Có một mặt trận thứ ba, bị Trung Quốc do thám từ phía nam, là một vấn đề cho Việt Nam khi lực lượng quân sự Việt Nam cảm thấy bị bao vây”.

Xung đột Việt Nam – Campuchia?

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn ra sức gìn giữ mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia.

Cựu Thủ tướng Hun Sen và con trai mình, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, luôn gọi Việt Nam là “láng giềng tốt”. Rõ ràng, lợi ích của cả hai quốc gia là duy trì hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam và Campuchia vẫn trầm tích nhiều mâu thuẫn ngầm, từ lịch sử xa xưa cho tới thời kỳ Việt Nam đóng quân tại Campuchia trong cuộc chiến với Khmer Đỏ. 

Gần đây, căng thẳng lại dâng cao liên quan siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo, mà Campuchia tuyên bố là sẽ khởi công vào ngày 5/8.

Theo website của Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung trên đất liền dài khoảng 1.255 km, kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum – Rattanakiri đến cặp tỉnh Kiên Giang – Kampot.

Đường biên giới này đi qua 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 9 tỉnh của Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot.

Trên tuyến biên giới này, 1.045 km đã được cắm mốc, theo số liệu từ Việt Nam tính đến tháng 11/2023.

Cho đến nay, phân định ranh giới cho vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm giữa hai nước.

Xung đột giữa Việt Nam và Campuchia cũng là một khả năng được Giáo sư Vuving nhắc đến. Ông nhấn mạnh khả năng này còn “cao hơn” là một cuộc xung đột trên Biển Đông.

Ông đánh giá một cuộc xung đột quân sự giữa Campuchia và Việt Nam “sẽ nằm trong lợi ích của Bắc Kinh” với hai lý do sau đây:

“Thứ nhất, khi đó Campuchia sẽ ngả hoàn toàn vào Trung Quốc, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và Trung Quốc cung cấp quân sự, vũ khí, lương thực… Đây không phải là gánh nặng quá lớn vì nước Campuchia chỉ khoảng bằng một tỉnh của Trung Quốc”.

“Thứ hai là Trung Quốc sẽ không bị cấm vận vì Trung Quốc không phải là bên tham gia”.

“Trung Quốc sẽ nói là tôi không tham gia, tôi chỉ giúp đỡ thôi, như phương Tây giúp đỡ Ukraine hiện nay. Khi đó thì hai anh sứt đầu mẻ trán là anh Việt Nam và Campuchia. Và Trung Quốc rất vui khi Việt Nam bị sứt đầu, mẻ trán, chảy máu”.

Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc vẫn âm ỉ tại Campuchia, trong đó có một lập luận nổi bật là Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ) từng thuộc Vương quốc Kampuchea và đã bị thực dân Pháp cắt khỏi quốc gia này rồi cho sáp nhập vào Việt Nam. Lập luận này dẫn đến việc chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Trong chính trị, những tuyên bố rằng đảo Phú Quốc, mà người Khmer gọi là Koh Tral, thuộc về Campuchia luôn tạo sức hấp dẫn đối với lòng tự hào dân tộc của không ít dân chúng xứ sở chùa tháp.

Phái đoàn quân đội Việt Nam đến thăm căn cứ hải quân Ream của Campuchia vào ngày 11/1/2006

Giáo sư Vuving đánh giá: “Mục đích biện minh cho phương tiện. Đối với những phe phái chính trị Campuchia thì một cuộc xung đột với Việt Nam, tuy rằng là điều mà họ muốn tránh, nhưng nếu cần thì họ không tránh làm gì”.

Giáo sư Alexander L Vuving nhắc đến làn sóng dân tộc chủ nghĩa, bài Việt Nam ở Campuchia góp phần kéo quốc gia này ngày càng xa rời tầm ảnh hưởng của Việt Nam và đã được giới chính trị gia tận dụng để khuếch trương tầm ảnh hưởng và lôi kéo sự ủng hộ.

“Những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thì họ sẽ có mối thù, là Việt Nam và Thái Lan chiếm đất của họ, rồi biến nước họ từ nước lớn thành nước nhỏ”.

“Với các nhà lãnh đạo của Campuchia cưỡi lên được làn sóng của chủ nghĩa dân túy, rồi chủ nghĩa dân tộc, thì rất có lợi cho họ trong vấn đề bầu cử”.

“Họ thường xuyên đưa vấn đề người Việt Nam ra làm con dê tế thần. Tất cả các cuộc bầu cử của Campuchia, kể cả phe đối lập, phe cầm quyền của ông Hun Sen, đều muốn chứng tỏ cho dân chúng Campuchia rằng họ là người bảo vệ quyền lợi của Campuchia trước sự chèn ép, bắt nạt, bành trướng của Việt Nam và Thái Lan”.

“Tôi sợ là vì việc các phe đấu nhau thế nào đó, mà họ mang Việt Nam ra làm con dê tế thần và dẫn đến gây ra xung đột với Việt Nam, có thể là một sự khiêu khích nào đó của họ đối với Việt Nam dẫn đến xung đột”, ông đánh giá.

‘Con ngựa thành Troy’ của Trung Quốc?

Ông Hun Sen khi đương chức thủ tướng Campuchia gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 29/4/2019.

Giới quan sát cho rằng mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc đã ấm lên nhanh chóng từ năm 2015. 

Cả Lào và Campuchia đều đang rất cần nguồn vốn từ Trung Quốc để phát triển đất nước, và Bắc Kinh không thể bỏ qua cơ hội này để kéo hai quốc gia “anh em, đồng chí” với Việt Nam về dưới tầm ảnh hưởng của mình.

Hiện Lào và Campuchia đã trở thành những mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Bắc Kinh là nhà đầu tư FDI số một tại Campuchia, hậu thuẫn mạnh mẽ cho Đảng Nhân dân (CPP) của cựu Thủ tướng Hun Sen và người kế nhiệm ông là con trai cả Hun Manet.

Theo Ngân hàng Quốc gia Campuchia, FDI từ Trung Quốc đạt 45,86 tỷ USD và chiếm 45% tổng FDI tại Campuchia tính tới thời điểm hết quý 1/2023, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Nhà nghiên cứu Gregory B Poling đánh giá “rõ ràng” Campuchia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc.

“Chuyện Campuchia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc là từ chế độ do CPP lãnh đạo và hiện nay thì Hun Manet căn bản là theo chế độ đạo tặc trị [kleptoracy]”.

“Đó là một mạng lưới đi tìm kiếm nhà bảo trợ và cần tiền để nuôi hệ thống này. Nếu cạn tiền, CPP sẽ sụp đổ.

“Trung Quốc là nơi duy nhất mà họ có thể kiếm tiền. Và miễn là Trung Quốc còn bơm tiền cho Campuchia thì dù là Hun Sen hay Hun Manet có thích hay không, họ cũng không có lựa chọn nào khác, ngoài việc ngày càng tiếp tục là một khách hàng của Bắc Kinh”.

“Điều này không có nghĩa Campuchia sẽ bị Trung Quốc dồn vào chân tường vĩnh viễn. Nhân dân Campuchia thì tôi nghĩ là họ ngày càng ngờ vực Trung Quốc, xem Trung Quốc là tha hóa”.

“Do đó, mạng lưới này chỉ có thể sống được khi Hun Sen và Hun Manet còn nắm quyền”.

Giáo sư Vuving đánh giá về sự chọn lựa địa chính trị của Campuchia hiện nay:

“Từ góc độ địa chính trị của một nước như Campuchia thì họ có xu hướng dựa vào một anh to ở xa một chút, đó là Trung Quốc”.

“Trên thực tế thì Trung Quốc cũng rất muốn đóng vai trò là người bảo trợ cho Campuchia trước sự chèn ép của Việt Nam và Thái Lan”.

Ông đánh giá Campuchia đang quay trở lại “vai trò con ngựa thành Troy” của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

“Tiếp theo là sự trở lại của Trung Quốc với vai trò là người bảo trợ cho Campuchia, và dùng Campuchia như là chiến binh hàng đầu cho họ. Chiến lược để khống chế ba nước Đông Dương và sau đó là đến Đông Nam Á”.

“Sự trở lại của Campuchia với vai trò là con dao găm mà Trung Quốc thủ vào đấy, để cần thì dí vào sườn Việt Nam, dí vào sườn Thái Lan”, chuyên gia quan hệ quốc tế Vuving nhận định.

H.T.

Đồ họa do Aghnia Adzkia, Andro Saini, Arvin Supriyadi, Ayu Idjaja từ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Căn cứ Ream, Quan hệ Campuchia - Việt Nam, Quốc phòng. Bookmark the permalink.