Thứ Bảy, 29-6-2024
1. Không nên/ không được đánh đồng đề thi với văn bản ngữ liệu, không đánh đồng tác giả đề thi với tác giả ngữ liệu. Tuy nhiên, quan sát những bàn luận trên MXH mấy ngày qua, tôi thấy dường như đang có xu hướng ngược lại.
Một tác giả văn học có nhiều bài hay nhưng cũng có thể có không ít tác phẩm không hay, thậm chí dở tệ. Điều ấy bình thường. Việc của người ra đề thi là phải có năng lực phân biệt để chọn cái hay, bỏ cái dở. Và chất lượng đề thi thuộc về trách nhiệm của người ra đề, chứ không thể quy kết cho tác giả ngữ liệu. Việc quy kết này là sai lầm và bất công.
Chúng ta có thể phản biện, phê phán cái bài mà mình cho là dở ấy của tác giả nhưng không thể quy trách nhiệm cho ông ta về chất lượng của đề. Vì khi làm đề, hội đồng đâu có hỏi ý kiến hay xin phép tác giả. Họ thấy trên sách báo thì lấy, thế thôi. Mà giả sử có hỏi ý kiến đi chăng nữa, thì trước sau, tác giả ấy vẫn không phải người phải gánh lấy trách nhiệm. Tức, sự phê phán này đối với một bài viết/ tác phẩm của tác giả nào đó (nếu muốn phê phán) phải được tách ra khỏi trách nhiệm về chất lượng đề thi.
2. Cần phân biệt đặc trưng thể loại. Tôi thấy đang có một xu hướng bênh vực cái ngữ liệu trong đề thi 2024 theo lập luận rằng, đây là văn học nên không thể đọc như đọc báo hay đọc một văn bản khoa học được. Nói thế là chưa chính xác.
Dù ngữ liệu này được đưa vào đề thi Văn nhưng nó không phải tác phẩm văn học (hiểu theo nghĩa hẹp). Có nhiều loại văn bản, gắn với các đặc trưng ngôn ngữ riêng, như văn bản sinh hoạt, văn bản hành chính, văn bản báo chí, văn bản khoa học, văn bản nghệ thuật. Ngữ liệu trong đề Văn 2024 không phải văn bản nghệ thuật. Nếu cần gọi tên thì tôi thấy nó gần với văn bản khoa học nhất. Vì sao? Vì nếu ta coi lý luận hay phê bình văn học là một khoa học thì bài viết trong ngữ liệu kia thuộc vào thể loại ấy, hay chí ít cũng là gần với thể loại ấy nhất. Còn nếu xét về phương thức biểu đạt thì văn bản này thuộc vào kiểu văn nghị luận.
Một văn bản khoa học và một phương thức nghị luận thì phải được đánh giá trên đặc trưng của nó, chứ không thể đem đặc trưng của văn bản nghệ thuật ra để biện minh hoặc lý giải. Theo đó, hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng và lập luận phải bảo đảm những phẩm chất đặc thù, như logic, chặt chẽ, mạch lạc. Nó khác với tính hình tượng, tính ẩn dụ, tính đa nghĩa… của văn bản nghệ thuật. Mang đặc trưng của loại hình văn bản này để gán cho đặc trưng của loại hình văn bản kia nhằm lý giải hoặc biện minh cho nó, là một sự nhầm lẫn rất cơ bản và không nên có.
3. Như vẫn thế, môn Văn là môn thường được/ bị bàn luận nhiều nhất sau mỗi kỳ thi. Lý do cũng dễ hiểu, vì văn hiểu theo nghĩa rộng là việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, và ai là người Việt thì cũng đang nói và đọc tiếng Việt hàng ngày.
Các môn học khác thì học xong là xong! Có khi cả đời không ngó đến nữa, còn văn thì ta dùng suốt đời, đến khi chết mới thôi. Việc đọc sách và viết mạng xã hội mỗi ngày cũng chính là đang dùng văn, viết văn. Vì thế, ai cũng ít nhiều có “thẩm quyền” về môn này, hay ít nhất là có một sự quan tâm. Và ta phải thấy rằng việc xã hội thường bàn luận sôi nổi về đề Văn cũng là điều dễ hiểu, và có phần lành mạnh nữa.
Nếu có điều gì đáng tiếc ở đây, thì phải là các môn khác như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử… lại không thấy nhiều người đang dạy các môn này hoặc những người có cùng chuyên môn bàn bạc, mổ xẻ, thảo luận. Theo tôi, việc thiếu vắng sự thảo luận ấy không thể dùng để phê phán một sự trao đổi sôi nổi ở một môn khác, mà phải là ngược lại mới đúng.
T.H.
Tác giả gửi BVN