Việt Nam tiếp tục bận rộn cân bằng ngoại giao với hai cường quốc Nga và Mỹ

BBC

21 tháng 6 2024

Một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin rời khỏi Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink đến Việt Nam, nhấn mạnh đến một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.

Trước đó, theo Reuters, Mỹ đã chỉ trích gay gắt việc Việt Nam đón tiếp ông Putin, một nguyên thủ quốc gia đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã. 

Tuyên bố của phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nêu rõ: “Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược [Ukaine]…”.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/6, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink “sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ cho một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, tự cường và thịnh vượng” trong chuyến công du đến Hà Nội kéo dài hai ngày từ 21 đến 22/6.

Ông Daniel Kritenbrink sẽ gặp các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ, đồng thời thảo luận về các mục tiêu cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 27/7 tại thủ đô ​​Vientiane của Lào.

Chụp lại hình ảnh: Ông Daniel Kritenbrink là người rất am hiểu Việt Nam và châu Á. Ảnh chụp vào năm 2018, khi ông là đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Nguồn hình ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/GETTY IMAGES

Trong một phản ứng khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố việc Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn diện không đồng nghĩa với việc yêu cầu Việt Nam phải làm xấu đi mối quan hệ với Nga hay Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi từ báo giới về việc liệu khi Nga và Việt Nam ký một loạt các thỏa thuận từ dầu mỏ và khí đốt cho đến điện hạt nhân có khiến Washington quan ngại hay không, bà Janet Yellen nói:

“Việt Nam có chính sách và chiến lược phối hợp làm việc với nhiều quốc gia khác nhau và mối quan hệ hợp tác của chúng tôi không phải là điều kiện buộc họ phải làm xấu đi mối quan hệ với Nga hay Trung Quốc”, bà Yellen trả lời trong cuộc họp báo ở thành phố Atlanta (Mỹ) vào ngày 20/6.

Liên minh châu Âu (EU) thì tránh chỉ trích trực tiếp việc Việt Nam đón ông Putin, trong khi nhân dịp này đã lên án gay gắt vị tổng thống Nga và cuộc chiến mà ông ta gây ra tại Ukraine.

Theo Reuters ngày 20/6, người phát ngôn Phái đoàn EU tại Việt Nam nói Hà Nội có quyền phát triển chính sách đối ngoại của mình nhưng nói rằng cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraine cho thấy Moscow không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Việt Nam tiếp tục ‘muốn làm bạn với các nước dân chủ và không gây thù oán với ai’?

Chụp lại hình ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng vào ngày 20/6. Nguồn hình ảnh: GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP/GETTY IMAGES

Xuyên suốt trong triết lý ngoại giao “cây tre” là tuyên bố mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đưa ra vào năm 2016:

“Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: ‘Dĩ bất biến ứng vạn biến’, ‘thêm bạn bớt thù’, ‘làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai'”.

Tuy nhiên, thời gian với sự căng thẳng ngày càng dâng cao giữa các cường quốc, lập trường “không chọn phe” của Việt Nam cũng đối mặt với thách thức lớn.

Tuyên bố chung Việt Nam và Nga vào ngày 20/6 bao gồm ý về “cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng”.

Theo đó, Việt Nam và Nga “cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại châu Á-Thái Bình Dương cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng, không chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, bao trùm dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của ASEAN, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại chung của khu vực”.

Trang Sputnik thân chính phủ Nga ngày 21/6 có bài viết “Hai điều quan trọng bậc nhất trong thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Tô Lâm”.

Theo Sputnik phân tích:

“Điều quan trọng bậc nhất thứ nhất là hai bên đã thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời hai bên đều nhất trí không ‘gia nhập liên minh hay hiệp ước với bên thứ ba để gây tổn hại cho độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau'”.

“Điều quan trọng bậc nhất thứ hai là Liên bang Nga khẳng định Việt Nam đại diện cho một cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng và không thể chia cắt ở khu vực châu Á Thái Bình Dương với vai trò trung tâm là ASEAN”.

Vào thứ Năm 20/6, Tổng thống Vladimir Putin đã tận dụng cuộc họp báo khép lại chuyến thăm Việt Nam để đưa ra cáo buộc rằng liên minh quân sự NATO tạo ra mối đe dọa an ninh cho Nga và các quốc gia châu Á khác.

“Hãy xem điều gì đang xảy ra ở châu Á: một hệ thống khối đang được tập hợp lại”, ông Putin nói từ Hà Nội.

“NATO đã ‘chuyển tới’ đó (châu Á) như thể đó là nơi thường trú của họ vậy. Tất nhiên điều này tạo ra mối đe dọa an ninh cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Liên bang Nga. Chúng tôi có bổn phận phải đáp trả và chúng tôi sẽ làm điều đó”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga đưa ra thông điệp này theo cách có thể hiểu là Nga đang muốn và sẵn sàng lãnh nhận vai trò đầu tàu trong việc đứng ra bảo vệ lợi ích chung của các nước châu Á. Bằng cách này, theo một số nhà phân tích, ông Putin muốn các nước châu Á cùng chia sẻ một mối quan ngại chung về NATO, để từ đó có thể tập hợp lại quanh nước Nga. Đây lại là một áp lực nữa cho lập trường “không chọn phe” của Việt Nam. 

Trước đó, ông Putin từng nhiều lần phản bác mạnh mẽ cái mà ông gọi là liên minh quân sự theo kiểu NATO ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bài viết của Sputnik cùng tuyên bố của ông Vladimir Putin phần nào cho thấy an ninh là một trong những vấn đề hàng đầu mà Nga muốn đạt được sự đảm bảo, rằng Việt Nam rằng sẽ không tham gia vào một liên minh quân sự nào ở châu Á-Thái Bình Dương do phương Tây hay Mỹ dẫn đầu.

Chụp lại hình ảnh: Ngày 20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, đa dạng và đa phương, nhưng vẫn luôn xem Nga là người bạn truyền thống quan trọng. Nguồn hình ảnh: Gavriil Grigorov/POOL/AFP/GETTY IMAGES

Trả lời Reuters, nhà nghiên cứu Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Center for Strategic and International Studies, CSIS) đánh giá mặc dù chuyến đi của Putin khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại, Hà Nội đã tính toán đúng về việc sẽ không chịu hậu quả.

“Tôi không nghĩ chuyến đi này sẽ tạo một tác động trong dài hạn… Mỹ thường dễ dàng cho qua chuyện”, ông Hiebert nhấn mạnh đến việc Washington đang phụ thuộc nặng nề vào mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi đó, trả lời New York Times, bà Hoàng Thị Hà, nhà nghiên cứu cấp cao từ viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng:

“Dù Nga có thể đề nghị gì đi chăng nữa thì tôi cũng không cho rằng Việt Nam sẽ vồ vập đón nhận và tạo bất kỳ ấn tượng nào rằng chúng tôi đang cùng phe với Nga trong một mặt trận chống phương Tây”.

Trước đó, nhận định với BBC News Tiếng Việt vào ngày 18/6 về cách Việt Nam đang duy trì nền ngoại giao “cây tre”, Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Nga giúp Việt Nam giảm áp lực từ Mỹ và Trung Quốc.

“Nga là một cường quốc thứ ba rất quan trọng đối với Việt Nam trong ứng xử với các cường quốc. Về Biển Đông, các công ty dầu khí của Nga góp phần giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Mặt khác, khi Nga giúp Việt Nam ở Biển Đông thì không bị Trung Quốc phản ứng mạnh như khi Mỹ hay Nhật Bản giúp”.

“Làm sao để vẫn chơi được với cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga”, ông bình luận.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in Quan hệ Việt - Mỹ - Nga -Tàu. Bookmark the permalink.