Thư Kiến Nghị

(VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG PHẢN GIÁO DỤC VÀ HỦY HOẠI PHẬT PHÁP)

Hà Nội, Ngày Nhà báo Việt Nam, 21.6. 2024

Kính gửi:

– Ban Tuyên giáo Trung ương

– Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch

– Bộ Giáo dục & Đào tạo

– Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương (GHPGVN)

Tôi là Mai An Nguyễn Anh Tuấn, một phụ huynh học sinh đang làm công tác văn hóa – giáo dục, xin khẩn cấp kính gửi tới các quý Cơ quan Kiến nghị sau đây:

Thời gian vừa qua, các buổi thuyết giảng về Phật pháp (hoặc mượn Phật pháp để giảng nhiều điều xa lạ với Phật pháp, phản Phật pháp), các thực hành mê tín dị đoan (đón xá lị tóc, gọi vong, trục vong, giải hạn), những trò diễn về tu hạnh Đầu đà, các thủ đoạn tinh vi và trắng trợn kêu gọi cúng dường, các khóa tu thường kỳ, Khóa tu mùa hè, v.v, tại các chùa Phật Quang, Ba Vàng… – đặc biệt nổi cộm là tại Khu Tâm linh Tôn giáo trá hình “đích danh thủ phạm” mang tên Ba Vàng – đã gây nên bao nỗi bức xúc, lo âu trên phạm vi toàn xã hội.

Triết lý và đạo hạnh “Từ, Bi, Hỷ, Xả” đã thấm vào hồn dân tộc ta tự cổ xưa cho tới hôm nay, như một thước đo của nhân phẩm. Xã hội ta, đang cố vượt lên bao hỗn độn để tồn tại và phát triển, cũng chỉ là để bảo lưu gìn giữ sức mạnh Tình thương – cái gốc của “Từ, Bi, Hỷ, Xả” đó. Thế nhưng, qua rất nhiều hình ảnh & lời phát ngôn của các vị tu hành có “máu mặt” ở các cơ sở nói trên, “Từ, Bi, Hỷ, Xả” cần có, vốn có của đạo Phật dường đã bay biến đâu hết, còn lại trần trụi là sự trục lợi trắng trợn, đã chà đạp lên không chỉ giới luật kinh điển mà cả Tình thương giữa con người với con người…

Nhiều bài viết, nhiều hình ảnh vừa qua được cộng đồng mạng sưu tầm đã phơi bày tận đáy bản chất của những kẻ giả tu hành, mượn áo Phật để ngang nhiên phỉ báng bản chất Từ Bi thiêng liêng của Đạo Phật! Vậy là, Đạo Phật Việt đã rơi vào cái thời mà “Từ, Bi, Hỷ, Xả” chỉ còn là câu kinh đầu lưỡi của những kẻ đang sống trong nhung lụa và trơ tráo “vét máu mỡ của dân” – như một danh sĩ xưa kia nói về hiện trạng Phật giáo suy đồi!

Biết bao sự phản đối mạnh mẽ gay gắt từ các giới nhà giáo, nhà báo, văn nghệ sĩ, các bậc phụ huynh ở nhiều địa phương! Nhà văn Văn Giá thống thiết kêu gọi: “Hãy cứu lấy tuổi thơ”, nhà giáo Thái Hạo cảnh báo: “Gieo rắc nỗi sợ hãi ma quỷ, cài cắm vào đầu thế hệ trẻ những ý nghĩ hoang đường, hình thành tâm lý nô lệ và quy phục thần quyền, chỉ biết lễ lạy, cúng dường và hối lộ âm binh, đó là các hành động công nhiên chống lại mục tiêu của nền giáo dục, hủy hoại nhân cách và làm méo mó các giá trị nền tảng”, còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến phẫn nộ nói thay nhiều người: “Đây thực sự là một tội ác gieo rắc mê tín dị đoan sự mông muội vào thanh thiếu niên ở những khóa tu ở chùa Ba Vàng. Sư hay là ma tăng? Muốn những thế hệ trẻ tin vào những điều sàm báng bằng lớp kịch thô bỉ này hay sao? Pháp luật, các ngành chức năng và Chính quyền cần chặn ngay lại những tội ác đầu độc lớp trẻ như thế này lại! Họ đang thách thức sự tiến bộ, thách thức khoa học, thách thức lương tri, thách thức pháp luật, thách thức tất cả… Quá phẫn nộ!”.

Tôi từng được nghe một vị Hòa thượng dạy rằng, Phật giáo có 5 cấp: cấp thứ nhất là Phật giáo đại chúng, cấp thứ hai là Phật giáo học thuật, cấp thứ ba là Phật giáo tổ chức, cấp thứ tư là Phật giáo thực nghiệm, cấp thứ năm là Phật giáo chứng ngộ.

Như vậy là, việc giảng dạy về Phật pháp & Phật học cho tăng ni – Phật tử nằm trong cấp thứ hai, một Phật sự quan trọng trong mọi hoạt động của Giáo hội, đã được Giáo hội Phật giáo VN hết sức coi trọng suốt mấy chục năm qua. Giữa tháng 5.2012, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học lớn đầu tiên của Phật giáo Việt: “Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển”. Hàng chục bản tham luận đầy tâm huyết và công phu của các nhà nghiên cứu Phật học, Tiến sĩ khoa học… được tập hợp lại trong cuốn kỷ yếu dày hơn 600 trang in khổ lớn có thể nói đã đặt những nền tảng quan trọng nhất cho Giáo dục Phật giáo, đặc biệt là giáo dục Phật giáo cho thế hệ trẻ, để “Ở chốn Thiền môn, họ không còn ảnh hưởng bởi thói hư tật xấu, những trò lố làm đạo đức con người suy đồi. Họ sẽ được dạy những điều cơ bản nhất để hoàn thiện một con người có ích cho xã hội, gạt bỏ đi những Tham Sân Si đang ngự trị trong tâm trí họ” ("Tầm quan trọng của Phật giáo trong Giáo dục quốc dân". Thích Quán Như. Sách: “Giáo dục Phật giáo Việt Nam – Định hướng và phát triển”, Nxb. Tôn giáo 2012, tr.481).

Vậy mà, xin hãy xem lại những clip chân thực mô tả các lời giảng của ông Thích Trúc Thái Minh, bà Phạm Thị Yến (cần kể cả ông Thích Chân Quang và vài vị sư khác) tại các lớp học Phật pháp, các Khóa tu…, thấy rõ các vị này đã toàn dùng những xàm ngôn cùng những thứ rác văn hóa có khả năng đầu độc tâm hồn Phật tử và trẻ thơ – những điều chỉ có tác dụng khuyến khích, dụ dỗ, kích thích “thói hư tật xấu, những trò lố làm đạo đức con người suy đồi” mà thôi!

Trong cuốn sách "The Quantum and the Lotus" (Lượng tử và Hoa sen) ghi lại cuộc đối thoại thú vị giữa Tiến sĩ Matthieu Ricard – một Thiền sư Phật Giáo Tây Tạng và Giáo sư Trịnh Xuân Thuận – Giáo sư vật lý thiên văn xuất thân từ một gia đình Phật Giáo, hai tác giả này đã trân trọng nhắc đến một luận điểm cơ bản của Einstein về cái được gọi là Tình yêu bao trùm trong “hành trình giác ngộ Phật giáo”, sẽ giúp Phật tử thoát khỏi “ảo giác của ý thức” cá nhân hạn hẹp, giống một loại tù ngục nội tâm – như sau: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải tự giải thoát khỏi tù ngục này bằng cách mở rộng phạm vi thương cảm của chúng ta để ôm lấy mọi tạo vật và toàn bộ vẻ đẹp của nó” (“Lượng tử và Hoa sen”, Lưu Văn Hy dịch, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2005, tr.99). Ở cuối cuốn sách trên, hai tác giả còn nói đến cái “Từ tâm” này, khi kết hợp với các bản Kinh Phật thì sẽ có thể “làm tan chảy quặng trong tâm trí chúng ta, phóng thích vàng của bản chất cơ bản” – tức là làm cho đạo Phật trở thành một thứ Tôn giáo như nhà bác học Einstein nói: “có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại, đấy sẽ là Đạo Phật”.

Và “những nhu cầu của khoa học hiện đại đó “lại xuất phát từ một điều rất giản dị, song lại cốt tử với đạo Phật mà hiện nay rất nhiều bài thuyết giảng về đạo Phật tại các chùa lớn đã cố tình bỏ qua: “Với từ tâm, người ta có mọi giáo huấn/ Không từ tâm, người ta chẳng có giáo huấn nào” (Shabkar, ẩn sĩ Tây Tạng). Chỉ cần lấy một luận điểm Từ tâm này làm cơ sở, mọi người sẽ nhận ra hầu hết những bài thuyết giảng ở chùa Ba Vàng và một số nơi khác cho Phật tử và các Khóa sinh đều xuất phát từ “dục lạc” cá nhân ích kỷ, không những phản lại triết lý Phật giáo mà còn đi ngược lại tất cả những giá trị nhân văn cốt lõi…

Không hiểu sao, các hoạt động phản giáo dục và góp phần hủy hoại Phật pháp khủng khiếp như thế mà vẫn duy trì được suốt trong nhiều năm qua, làm mê hoặc hàng ngàn hàng vạn phụ huynh học sinh, có thể sai khiến được cả Đài Truyền hình Quốc gia quảng bá cho về một Khóa tu phản giáo dục sau khi nó đã bị phê phán nhiều trên công luận?! Dù ông Thích Chân Quang đã bị cấm thuyết giảng trong hai năm, dù chùa Ba Vàng bị dừng tuyển sinh Khóa tu 2024, song công chúng không bằng lòng với hình thức tạm bợ có tính chất “xì bớt” hơi như thế, mà cần có sự thanh tra toàn diện để đi tới kết luận chính xác, công bằng về những gì phản giáo dục và phá hoại Đạo pháp của họ trong một thời gian dài!

Đạo Phật không có phép lạ. Vậy thì toàn thể những công dân lương thiện chúng tôi chỉ còn trông mong vào tính nghiêm minh của Pháp luật, vào đòi hỏi về Mục tiêu Giáo dục Công dân nói chung và Giáo dục Phật giáo nói riêng trong hoạt động Phật giáo, mà các quý vị đang thay mặt Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý! Và nhà khoa học Nguyễn Văn Phước đã có kiến nghị cụ thể nhằm lấy lại sự trong sạch của Phật giáo Việt Nam: “Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải làm cuộc thanh lọc thật nghiêm túc: rà soát, xem xét thật kỹ lưỡng từ trên xuống, mạnh dạn loại hẳn bất kỳ cá nhân nào đã gây tai tiếng rất xấu cho Phật Giáo nước nhà. Đó là yêu cầu và khát vọng của toàn dân Việt Nam!”

Trân trọng,

Đạo diễn điện ảnh, nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn

This entry was posted in kiến nghị, Tu thật tu giả. Bookmark the permalink.