Hải Đăng
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Năm (13/6) đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm nhằm mục đích thúc đẩy nền quốc phòng của Ukraine và đưa Kyiv tiến gần hơn tới vị thế thành viên chính thức của NATO. |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thỏa thuận an ninh song phương tại Masseria San Domenico, bên lền Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Ý tổ chức ở khu vực Apulia vào ngày 13 tháng 6 năm 2024. (Nguồn ảnh: FILIPPO MONTEFORTE/AFP via Getty Images)
Thỏa thuận an ninh song phương Mỹ – Ukraine được hai tổng thống Biden và Zelensky ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ý.
Các quan chức Mỹ nói rằng thỏa thuận này nhằm mục đích cam kết các chính phủ Mỹ tương lai sẽ ủng hộ Ukraine, ngay cả khi cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Phát biểu trong buổi họp báo chung với Tổng thống Zenlensky, Tổng thống Biden cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là củng cố các khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn”.
Ông Biden nói rằng thông điệp của G7 gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin là: “Ông không thể đợi chúng tôi rút ra. Ông không thể chia rẽ chúng tôi”. G7 trước đó cũng đã nhất trí cho Ukraine vay ít nhất 50 tỷ USD, thế chấp bằng các tài sản của Nga đang bị phương Tây phong tỏa.
Tổng thống Zelensky gọi thỏa thuận với Mỹ là lịch sử, cho rằng văn kiện này là cầu nối hướng tới việc đất nước của ông cuối cùng sẽ trở thành thành viên chính thức của NATO.
Nội dung thỏa thuận cũng nêu rõ đây là khung làm việc cho nỗ lực dài hạn nhằm giúp phát triển lực lượng vũ trang đã lỗi thời của Ukraine và là bước đi hướng tới Kyiv trở thành thành viên chính thức của NATO.
Theo thỏa thuận, trong trường hợp một cuộc tấn công vũ trang hoặc đe dọa tấn công vũ trang nhắm vào Ukraine, thì các quan chức hàng đầu của Mỹ và Ukraine sẽ nhóm họp trong vòng 24 giờ để tham vấn về cách phản ứng và quyết định xem Ukraine cần thêm những vũ trang gì để phòng vệ.
Thỏa thuận an ninh dài hạn này cũng vạch ra các kế hoạch phát triển nền công nghiệp quốc phòng của chính Ukraine và mở rộng quân đội nước này.
Ukraine cần lực lượng quân sự “đáng kể” và các khoản đầu tư lâu dài vào cơ sở công nghiệp quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO, theo nội dung bản thỏa thuận.
Khung thỏa thuận vừa được ký cũng sẽ cho phép Mỹ và Ukraine chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chương trình huấn luyện và đào tạo quân sự và tiến hành các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp.
Mặc dù thỏa thuận được ký 10 năm, nhưng tương lai của nó cũng không rõ ràng nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng Mười Một.
Ông Trump đã bày tỏ nghi ngờ về cuộc chiến tranh tiếp diễn của Ukraine, nhiều lần nói rằng ông sẽ kết thúc cuộc xung đột vũ trang này trong vòng 24 giờ sau khi trở lại Phòng Bầu Dục. Ông Trump cũng đã đang thúc ép châu Âu phải đảm đương gánh nặng lớn hơn trong việc hỗ trợ Kyiv.
Khi được hỏi về việc điều gì có thể xảy ra đối với Ukraine nếu có sự thay đổi vị trí lãnh đạo tại Mỹ và các quốc gia đồng minh khác, Tổng thống Zelensky nói rằng mọi người sát cánh cùng với Ukraine bởi vì họ có những giá trị cùng chia sẻ chung và đồng cảm với người dân Ukraine.
Ông Zelensky nói rằng ông không nghĩ sự ủng hộ của số đông dành cho Ukraine sẽ thay đổi. “Nếu người dân sát cánh cùng chúng tôi, thì bất cứ vị lãnh đạo nào cũng sẽ cùng chúng tôi trong cuộc đấu tranh vì tự do”, ông Zelensky nói.
Cho đến nay, ngoài Mỹ đã có 15 quốc gia khác ký các thỏa thuận an ninh song phương riêng rẽ với Ukraine, trong đó có Nhật Bản, Lativa, Phần Lan, Canada, Ý, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch.
H.Đ (T/h)
Nguồn: Trithucvn.co