Cấp báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Về bắt buộc dạy học trực tuyến

Chu Mộng Long

6-6-2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, yêu cầu “Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm” (Tiêu chí 3.4).

Trên cơ sở đó, nhà trường ra văn bản yêu cầu “Chuẩn bị đầy đủ hệ thống học liệu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến với số lượng đạt yêu cầu của tiêu chí, chất lượng không thấp hơn dạy và học trực tiếp“.

Nhà trường đang triển khai như là sự bắt buộc phải làm, đối với các lớp chính quy, kể từ năm học tới.

Cá nhân tôi “sẵn sàng” ngay từ khi diễn ra dịch Covid. “Hệ thống học liệu” của học phần lý thuyết chỉ đơn giản là giáo trình và hướng dẫn sinh viên chuẩn bị học liệu. Kết quả, trang học liệu hiện nay chỉ là nơi cho các quán photocopy sử dụng để in và bán cho sinh viên. Giảng viên thành công cụ cho các quán photocopy làm giàu.

Sĩ số các lớp do tôi đảm nhận, từ chính quy đến hệ vừa làm vừa học, đa số không lớp nào dưới 70 sinh viên. Thực tế, mỗi lần truy nhập online, thầy giáo phải chờ ít nhất 15 đến 20 phút bấm chấp nhận người học vào học. Rất nhiều lần mạng quá tải, không thể dạy thông suốt.

Đa số sinh viên không dùng máy tính mà dùng điện thoại truy nhập, cho nên hình ảnh, sơ đồ hiện ra không rõ ràng. Và hiển nhiên, nhiều sinh viên lợi dụng đông người, khó quản nên chỉ truy cập vào cho có mặt chứ không thực học. Giáo trình dạy học phát triển năng lực rất cần hoạt động trải nghiệm và thảo luận kiến thức, dạy trực tuyến với số lượng người học như vậy thì tổ chức hoạt động kiểu gì?

Cá nhân tôi không chỉ “sẵn sàng” mà đã dạy qua nhiều lớp, chính quy lẫn hệ vừa làm vừa học. Tuy nhiên, qua thực tiễn đã làm, tôi không lấy gì đảm bảo yêu cầu “chất lượng không thấp hơn dạy và học trực tiếp”.

Bắt buộc tôi phải dạy trực tuyến với yêu cầu trên thì tôi có yêu cầu ngược lại theo chuẩn gần với quốc tế: Mỗi lớp học online không được quá 30 người học.

Nếu Thông tư của Bộ dùng chữ “sẵn sàng” trong nghĩa dự phòng tình huống chiến tranh, dịch bệnh… thì không thành vấn đề. Đã vậy thì 100% chứ cứ gì phải 10%? Còn yêu cầu bắt buộc tối thiểu 10% thì chữ “sẵn sàng” ấy vô nghĩa. Nói thẳng, chỉ tiêu bắt buộc 10% ấy, nếu không máy móc thì cũng chỉ là làm màu cho ra vẻ hiện đại.

Ứng dụng công nghệ thông tin đâu có nghĩa phải là dạy học trực tuyến? Khi dạy học trực tiếp, tôi vẫn phải sử dụng công nghệ thông tin từ đầu đến cuối kia mà! Còn “hiện đại” thì ở nội dung, phương pháp dạy học chứ đâu cứ phải dạy học trực tuyến mới là hiện đại? Hiện đại được hiểu như vậy thì sao Bộ không mua luôn robot làm thầy, chẳng phải rẻ hơn trả lương cho hàng triệu giảng viên sao?

Đòi “chất lượng không thấp hơn dạy học trực tiếp” thì lãnh đạo Bộ thử làm mẫu cho chúng tôi xem!

Thú thật, hiện tại tôi không thể nghĩ ra cách dạy học trực tuyến tốt ngang bằng dạy học trực tiếp. Tìm hiểu trên thế giới cũng chưa thấy có phát minh hay sáng tạo nào. Nếu dạy học trực tuyến có chất lượng tốt ngang hoặc hơn dạy học trực tiếp thì nên đóng cửa trường, chuyển đổi đất giáo dục thành đất kinh doanh để khỏi lãng phí đất đai.

Trong khi các hiệu trưởng trường đại học không dám lên tiếng, các giảng viên nhắm mắt làm chiếu lệ để đối phó, thì tôi lên tiếng cấp báo vậy! Không cấp báo chuyện này, cứ nhắm mắt làm theo là vô trách nhiệm với giáo dục!

Kính báo,

TS. Chu Mộng Long

________

Chú thêm: Thông tư này duy ý chí ngang với Thông tư trước đó yêu cầu 10% học phần dạy bằng tiếng Anh. Tôi thử làm rồi, chỉ trong giới hạn dạy tiếng Anh phần thuật ngữ và một số trích dẫn nguồn tiếng Anh. Sinh viên nghe như vịt nghe sấm, cho nên phải kết hợp diễn giải bằng tiếng Việt. Bộ nghĩ sinh viên ta giỏi tiếng Anh lắm sao?

Mà Luật Giáo dục đại học quy định dạy học bằng tiếng Việt (trừ học phần Tiếng Anh và nội dung đặc biệt) để bảo vệ tiếng mẹ đẻ, chứ dạy bằng tiếng Anh để thành người Anh – Mỹ à?

Có thể là hình ảnh về văn bản

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Chu Mộng Long, Dạy học trực tuyến, Giáo dục. Bookmark the permalink.