BBC – 30 tháng 5 2024
Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố sẽ khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vào tháng 8, theo Khmer Times.
Chụp lại hình ảnh: Campuchia từng thông báo sẽ khởi công kênh đào Phù Nam Techo vào quý 4 năm nay, giờ đây họ nói rằng sẽ khởi công vào tháng 8. Nguồn hình ảnh: BBC/GETTY IMAGES
Ông Hun Manet đưa ra tuyên bố trên trong một buổi lễ tại một trung tâm văn hóa Phật giáo ở huyện Phnom Sruoch, tỉnh Kampong Speu vào sáng nay (30/5).
Ông Hun Manet tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ được xây dựng trên lãnh thổ của Campuchia, phục vụ lợi ích của người Khmer, trong khi phần lớn kinh phí cũng từ nước này.
Ông Hun Manet tuyên bố: “Chúng ta sẽ không trì hoãn công trình [xây dựng kênh đào Phù Nam Techo]. Khi công tác xây dựng bắt đầu, hầu hết người dân Campuchia sẽ tham gia. Dĩ nhiên chúng ta đang thương lượng với một công ty đầu tư Trung Quốc vì họ có công nghệ và cũng có một ít đầu tư. Chúng ta sẽ động thổ xây dựng vào tháng 8”.
Từ trước đến nay, Campuchia chỉ nói rằng siêu dự án sẽ được khởi công vào quý 4 năm nay.
Như vậy, với việc thông báo thời điểm khởi công vào tháng 8, có thể thấy Campuchia muốn nhanh chóng triển khai siêu dự án có kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD.
Trước đó, vào ngày 25/5, cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng Viện Campuchia, đã bác bỏ thông tin cho rằng kênh đào này sẽ được khởi công vào tháng 6.
“Những ngày này, người ta đồn rằng tôi đã quyết định khởi công xây dựng kênh Funan Techo vào ngày 12 tháng 6 năm 2024. Không hề có chuyện đó. Quyết định khi nào động thổ xây dựng hoàn toàn thuộc về Thủ tướng Hun Manet”, ông viết trên trang Facebook chính thức.
Vào ngày 16/5, ông Hun Sen đã hối thúc chính phủ của ông Hun Manet bắt đầu khởi công dự án này càng sớm càng tốt và khẳng định không có tác động xã hội hay môi trường đáng kể nào nào từ kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Hun Manet đã không nêu cụ thể tên của công ty Trung Quốc đầu tư vào dự án này.
Trước đó, theo tường thuật của Khmer Times vào ngày 20/5, ông Hun Sen đã tuyên bố: “Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng”.
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.
Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.
Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).
Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia:
· 180 km và 1,7 tỷ USD: Độ dài và chi phí ước tính
· Rộng 100 m ở thượng nguồn
· Rộng 80 m ở hạ nguồn
· Độ sâu 5,4 m
· Thời gian xây dựng 4 năm
Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)
Thông báo mới nhất của ông Hun Manet được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 4 lần chính thức lên tiếng về dự án và đề nghị Phnom Penh cung cấp thêm thông tin để thẩm định dự án đầy đủ liên quan đến các tác động môi trường.
Các nhà khoa học Việt Nam hiện vẫn có những ý kiến khác nhau trong việc đánh giá mức sụt giảm nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.
Tuy nhiên, các nhà khoa học mà BBC đã trao đổi đều có những quan điểm chung, đó là cần phải có đánh giá tác động đầy đủ, thành lập nhóm nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC), Việt Nam và Campuchia.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định lượng nước bị chuyển hướng từ dự án kênh đào Phù Nam Techo “chỉ bằng giọt nước trong xô”, theo Reuters ngày 5/5.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol cũng nói với người đồng cấp Việt Nam Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5 rằng lượng nước hiện tại chảy từ sông Mekong ra biển là 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh đào Phù Nam Techo chỉ sử dụng 5 mét khối/giây.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt hôm 30/5 rằng lưu lượng nước từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây, là con số trung bình của cả năm, nghĩa là trung bình cả mùa mưa lũ và mùa khô.
“Dùng con số trung bình này để lập luận là không hợp lý, mà phải lấy con số mùa khô mới có ý nghĩa tác động vì người dân cần nước cho mùa khô để sử dụng canh tác, cấp nước… hơn là mùa mưa”.
“Mùa khô, lưu lượng trung bình sông Mekong đổ về châu thổ sông Cửu Long khoảng 2.500 mét khối/giây, nhưng trong các tháng 3, tháng 4 hằng năm, lưu lượng trung bình chỉ còn khoảng 1.700 – 1.800 mét khối/giây, chia cho phần sông Bassac (sông Hậu, qua trạm Châu Đốc ) chỉ xấp xỉ 5%, phần Trans-Bassac (sông Tiền, qua trạm Tân Châu) xấp xỉ 95% lưu lượng”, ông phân tích với BBC.
PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội, ngày 28/5 nêu ý kiến với BBC News Tiếng Việt rằng việc đào kênh và sử dụng nước là nhu cầu chính đáng của Campuchia.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để hạn chế thấp nhất các tác động môi trường, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thì “Việt Nam và Campuchia cần có những trao đổi, cung cấp đầy đủ nhất các số liệu để đánh giá một cách chính xác nhất các tác động môi trường nhằm xây dựng chính sách ứng phó phù hợp, phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995 và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.
Nguồn: BBC Tiếng Việt