Đàn em của Trung Quốc

Vũ Hiến

May 24th, 2024

Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong tuần qua là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặt nổi của chuyến viếng thăm này là để thể hiện tình đoàn kết của một liên minh nhằm chống lại một trật tự toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Washington Times

Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt chìm, mối quan hệ của liên minh này chỉ là một chiều. Hay nói một cách rõ hơn, sự áp đảo của mối quan hệ này rõ ràng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

Với lệnh cấm vận kinh tế do phương Tây áp đặt kể từ sau khi Nga xâm lăng Ukraine, Bắc Kinh đã đóng vai trò tiếp máu cho nền kinh tế Nga, cung cấp cho quốc gia này mọi thứ, từ đồ điện tử, máy giặt đến xe kéo. Hậu quả là trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 33% trong tổng số thương mại của Nga thì Nga chỉ đạt được 4% trong tổng số thương mại của Trung Quốc.

Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp quan trọng về quang học, vi điện tử, động cơ máy bay không người lái (drones) và nhiều loại vật liệu khác cho việc sản xuất vũ khí của Nga, trong khi việc xuất cảng vũ khí của Nga sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, dầu khí của Nga hiện đang bị Châu Âu cấm vận, Nga đã phải bán với giá hạ đáng kể cho Trung Quốc. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt quan trọng từ Nga đi xuyên ngang Mông Cổ vào Trung Quốc và sử dụng nó như một vũ khí mặc cả để ép giá với Nga.

Theo nhận định của Alexander Gabuev, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Âu-Á, cái gọi là đối tác chiến lược là khi cả hai bên đều cần đến nhau, nhưng sự liên minh giữa Nga và Trung Quốc cho thấy ngày càng mất cân đối theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là đối tác mạnh hơn mà còn là nước có nhiều lựa chọn hơn Nga và chiến tranh Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Nói cách khác, Nga hiện đang tự biến mình thành chư hầu của Trung Quốc.

Ngày càng bị lệ thuộc

Các giới chức Nga đã lên tiếng bác bỏ quan điểm cho rằng đất nước họ đang ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc và bênh vực mối quan hệ đối tác chiến lược được cho là đặc biệt này. Đây chỉ là lời bào chữa gượng gạo vì chỉ cần nhìn vào các số liệu thì ai cũng thấy rõ điều thực tế.

Chuyến viếng thăm 2 ngày của ông Putin bắt đầu ngày thứ Năm 16 tháng 5 đánh dấu chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông kể từ khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử được cho là đã có sắp đặt vào tháng 3, cho thấy rõ hơn ưu tiên của Moscow là mở rộng hơn nữa mối quan hệ an ninh và kinh tế với Trung Quốc.

Mặc dù trong lịch sử, mối quan hệ giữa hai quốc gia luôn có những dao động giữa các giai đoạn, lúc thì hỗ trợ lẫn nhau, lúc thì cạnh tranh ý thức hệ và thậm chí từng là thù địch của nhau, nhưng Moscow và Bắc Kinh từ lâu vẫn coi Hoa Kỳ là đối thủ chính của họ và tìm cách làm suy yếu sức ảnh hưởng toàn cầu của Washington.

Sau khi Nga chiếm và sáp nhập trái phép bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Moscow đã chuyển trục sang Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế quốc gia do các lệnh cấm vận của phương Tây. Ít hơn 3 tuần trước khi xe tăng Nga tràn qua biên giới Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Putin và Tập Cận Bình gặp nhau và đưa ra tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa hai quốc gia “không có giới hạn” và không có “lĩnh vực hợp tác nào bị cấm cản”.

Kể từ đó mối quan hệ ngày càng thắt chặt hơn, với một loạt các cuộc gặp gỡ ngoại giao, quân sự và kinh doanh liên tiếp diễn ra. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi về sự quân bình trong mối quan hệ đó, chủ yếu là các chuyến đi gặp gỡ hầu như chỉ diễn ra một chiều, với các giới chức cao cấp và giới lãnh đạo doanh nghiệp Nga đến Trung Quốc thường xuyên hơn nhiều so với những chuyến đi từ Trung Quốc sang Nga.

Hàng chờ xuất cảng sang Nga – voanews.com

Lệ thuộc về nhập cảng

Về mặt quân sự, theo một bài phân tích gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố, việc trao đổi các mặt hàng quan trọng có công dụng kép, trong đó bao gồm các bộ phận về cơ khí và điện tử được sử dụng trong các hệ thống vũ khí của Nga, đã tăng mạnh sau cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình với Putin vào tháng 3 năm ngoái. Điều đó đã giúp giảm bớt áp lực lên ngành kỹ nghệ quốc phòng của Nga, tạo điều kiện cho Nga tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài chống lại Ukraine.

Có thể nói Trung Quốc hầu như có tất cả mọi thứ mà Nga đang thiếu do bị cấm vận. Nếu không có hàng nhập cảng từ Trung Quốc, nền kinh tế Nga gần như sẽ bị sụp đổ ngay lập tức. Đương nhiên Trung Quốc cũng nhìn ra điều thực tế đó và đã mang lại cho Bắc Kinh rất nhiều lợi thế trong các cuộc mặc cả với Moscow.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện đã thay thế đồng đô la Mỹ trong việc thanh toán các món hàng xuất cảng của Nga, trong khi các công ty Nga ngày càng phải vay mượn bằng đồng nhân dân tệ và các gia đình ở Nga phải gửi tiền tiết kiệm vào đó.

Mặc dù các giới chức trong chính phủ Nga nhiều lần lên tiếng biện hộ cho mối quan hệ, hợp tác giữa hai quốc gia, có nhiều dấu hiệu cho thấy Moscow ngày càng lo ngại về sự lệ thuộc của Nga vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, Nga không còn sự lựa chọn nào khác và sự lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng thực sự là giải pháp duy nhất để không bị cô lập với thế giới bên ngoài, là điều mà Nga tìm cách tránh bằng mọi giá.

Lệ thuộc về xuất cảng

Năng lượng từ lâu được cho là nguồn thu nhập chính của kinh tế Nga và Bắc Kinh cũng đang nắm phần chủ động.

Cuộc xâm lăng Ukraine đã khiến Châu Âu hoàn toàn cắt đứt việc mua dầu khí kéo dài trong nhiều thập niên từ Nga, và Trung Quốc đã nhảy vào thay thế vai trò là khách hàng mới. Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp các bộ phận rất cần thiết cho ngành dầu khí của Nga mà trước đây được mua từ phương Tây.

Vừa là khách hàng vừa là nhà cung cấp trong lĩnh vực năng lượng có nghĩa là Trung Quốc có quyền đòi để được giá đặc biệt. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Argus Media, giá dầu mỗi thùng mà Nga bán cho Trung Quốc rẻ hơn $5 so với các loại dầu thô tương đương từ các quốc gia khác bán cho Trung Quốc. Mà nếu Trung Quốc đòi mua với giá rẻ hơn nữa thì có lẽ Nga cũng phải cắn răng chịu, vì ông Putin đang cần rất nhiều tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến đầy tốn kém và kéo dài ở Ukraine.

Trung Quốc hưởng lợi nhập cảng năng lượng từ Nga – Getty Images

Trở thành đàn em

Sự lệ thuộc của Moscow vào Trung Quốc sẽ còn kéo dài kể cả sau khi chiến tranh Ukraine kết thúc. Sự lệ thuộc đó sẽ định hình vị thế tương lai của Nga trên trường quốc tế – từ kinh tế, quân sự đến chính trị – theo chiều hướng xấu đi chứ không thể khá hơn.

Thời còn mồ ma của Liên Xô cũ, Nga nghiễm nhiên được coi là đàn anh của Trung Quốc. Nhưng rồi thời thế đảo ngược, từ một đàn anh nay Nga bỗng dưng thấy mình biến thành đàn em do hậu quả từ những chính sách sai lầm của ông Putin. Thay vì tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế và phát triển kỹ thuật thì ông Putin lại chỉ lo tạo bất ổn an ninh để gây ảnh hưởng ở nhiều nơi trên thế giới, và lỗi lầm lớn nhất là xâm lăng Ukraine khiến Nga bị thế giới cô lập. Chiến tranh tại Ukraine rồi đây sẽ phải chấm dứt bởi các cuộc đàm phán. Rất có thể Nga sẽ nhận được một phần đất nào đó nhưng phải trả với cái giá quá đắt là bị thế giới phương Tây rẻ rúng, ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, và tệ hại hơn hết là trở thành một chư hầu đàn em của Bắc Kinh.

V.H.

Nguồn: Báo Trẻ online

 

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Trung - Nga. Bookmark the permalink.