Chủ nhật, 26-5-2024
Thầy cô, cha mẹ, hay con buôn?Tạ Duy Anh 26-5-2024 Một bộ phim tôi xem từ lâu, nếu tôi nhớ không nhầm thì tên của nó là “Ngôi nhà trong sương hồng”, đã khiến tôi day dứt suốt nhiều năm. Điều khiến tôi không thoát khỏi nỗi ám ảnh là tất cả các nhân vật trong phim đều hành động không sai về mặt lý, nhưng kết cục cuối cùng là một thảm họa cả về pháp lý và đạo đức.
Có lẽ bộ phim muốn gửi đến người xem thông điệp: Nếu sống với nhau chỉ thuần dựa vào lý trí, con người hoàn toàn vẫn có thể mù lòa và đưa tất cả xuống địa ngục.
Cái chết của thằng bé trong phim, lời gào lên của người cha: “Tôi không cần gì nữa, chỉ cần con tôi sống lại”, là tiếng gào thê thảm của tất cả cái nhân loại đang đánh mất dần sự sáng suốt của trái tim và để cho tình trạng nhân tính mỗi ngày một khô kiệt này.
Tôi rất ngại nhắc tới miếng ăn, bởi nó hàm chứa trong đó cả niềm hân hoan tận cùng, lẫn nỗi tủi nhục vô tận. Một hành xử có văn hóa với miếng ăn, là phải biết xóa đi khía cạnh gây tủi nhục của nó.
Với tôi câu chuyện một cháu bé ngồi nhìn 31 bạn cháu cùng các cô vui vẻ ăn liên hoan chỉ vì mẹ cháu không đóng quỹ Phụ huynh, là thảm họa đáng sợ của văn hóa, của giáo dục và cao hơn nữa là của lương tâm con người. Bản thân việc tranh cãi đúng, sai của người lớn quanh mấy chục ngàn đồng, đặt cạnh sự tổn thương ghê gớm của một cháu bé 6 tuổi, cũng đã phản ánh về một sự suy đồi trầm trọng trong lối sống, lối nghĩ thực dụng hiện nay.
Cứ cho là không người lớn nào sai trong câu chuyện này. Nhưng nếu chỉ bám vào ý nghĩ như vậy để yên trí với việc làm của mình, để tự giải thoát khỏi ánh mắt của cháu bé, thì các vị là ai? Là cha mẹ, là thầy cô hay là những con buôn?
Có cả trăm ngàn cách hành xử mang tinh thần sư phạm, tinh thần yêu thương cao cả mà một người thầy, một bậc cha mẹ thực sự có thể đưa ra không cần quá một tích tắc suy nghĩ, nhưng các vị đã lựa chọn duy nhất cách hành xử phản sư phạm, phản con người.
Cái tích tắc phát sáng từ bản năng thiên lương là tối quan trọng và là hạt minh châu của tâm hồn con người vì nó vượt qua mọi tính toán đúng sai của lý trí. Nó không thể kết tinh được khi chỉ còn lại thứ duy nhất là tiền làm chuẩn mực cho mọi hành động, mặc dù không ai có thể sống, làm việc mà không có tiền! Cái nghịch lý, cái thực trạng nhọc nhằn đó những người tham gia vào nền giáo dục phải vượt qua, như một sứ mệnh. Bằng không, xin xóa bỏ danh xưng người thầy.
Hành hạ tinh thần (thậm chí không khác gì làm nhục), một cháu bé chỉ vì một việc làm cứ cho là vô lý của người lớn, phải gọi đúng bản chất của nó là sự độc ác. Những gì tốt đẹp các vị dày công nhét vào đầu, vào tâm hồn đứa trẻ có thể thành công cốc, có thể mang đến kết quả ngược lại: biến nó thành một kẻ lạnh lùng, thù hận, chỉ bằng việc làm cằn cỗi ấy.
Không ai xét xử quý vị nhưng tôi nói thật, có nhiều hành vi thà bị xét xử, bị trừng phạt lương tâm còn đỡ nặng nề hơn. Giáo dục cũng chính là để con người thấm thía điều đó, từ tấm bé. Nguồn: FB Lao Ta |
1.
Câu chuyện một em bé học sinh lớp 1 ở Hải Dương phải ngồi nhìn cả lớp ăn liên hoan vì mẹ bé không đóng “Quỹ phụ huynh” đang gây bức xúc trong dư luận. Trước khi nói đến chuyện hay dở, tốt xấu, ta cần xem xét vấn đề trên khía cạnh đúng – sai.
Theo thông tin trên báo chí và chính chia sẻ từ những người có liên quan, thì lớp này có 2 loại quỹ, là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Buổi liên hoan ấy chi 40k/em, nhưng vì quỹ lớp không đủ nên phụ huynh đã huy động đóng thêm quỹ phụ huynh, 100k/phụ huynh.
Đầu tiên phải nói ngay rằng, cả hai loại quỹ này (quỹ lớp và quỹ phụ huynh) đều là những khoản trái quy định của pháp luật, không có cái gọi là quỹ lớp hay quỹ phụ huynh, chỉ có KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí này lấy từ đâu? Theo thông tư 55 quy định: Kinh phí này “có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”. Hãy nhớ “ủng hộ tự nguyện” và “nguồn tài trợ hợp pháp”, chứ không phải bổ đầu phụ huynh ra thu. Nếu thông tin trên báo là chính xác thì việc lớp này thu cuối năm 100k/phụ huynh là sai quy định. Ngay cả việc sử dụng quỹ này vào việc liên hoan cũng là chưa đúng so với quy định trong thông tư 55, vì kinh phí này chỉ dùng cho hoạt động của Ban đại diện, mà hoạt động của cái ban này thì, theo Thông tư, chỉ là các cuộc họp, không có quy định nào cho phép ban đại diện dùng tiền kinh phí để tổ chức liên hoan.
Sai chồng sai, từ việc tự ý quy định 2 loại quỹ không được pháp luật cho phép đến việc tự ý bổ đầu phụ huynh ra thu, rồi dùng quỹ ấy để liên hoan ngay trong nhà trường cũng là chưa thỏa đáng.
Việc tự ý đặt ra các loại quỹ và thực hiện các khoản thu trái quy định đã diễn ra từ lâu nay trong hầu hết các nhà trường; nó gây bức xúc, bất mãn và cả khó xử cho rất nhiều phụ huynh, đồng thời gây rối loạn cho các hoạt động giáo dục khi chồng chéo, lẫn lộn về nhiệm vụ, chức năng của các thành phần khác nhau.
2.
Liên hoan không phải là công việc thuộc chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các lớp nếu muốn vẫn có thể tổ chức các buổi liên hoan, nhưng phải trên nguyên tắc tự nguyện và không được đặt nằm trong khung hoạt động của trường của lớp với tư cách như một hoạt động giáo dục bắt buộc.
Những cha mẹ nào nếu muốn con cái mình có một buổi liên hoan thì “hú nhau”, tự thỏa thuận mức đóng góp và tìm địa điểm, tổ chức theo ý thích, chứ không thể coi đó [liên hoan] như một hoạt động của lớp để bổ đầu phụ huynh ra thu tiền và ngầm ý rằng nếu phụ huynh nào không đóng nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ! Nhà trường chứ không phải nhà hàng. Tất nhiên, nếu nhóm phụ huynh này sau khi xin phép nhà trường mà được sự đồng ý thì có thể sử dụng không gian trường lớp để tổ chức, nhưng phải hiểu rằng đây là “mượn địa điểm”, chứ không phải là hoạt động bắt buộc trong giáo dục của nhà trường.
Cái nhóm “thích liên hoan” này có thể 5 người, 10 người hay vài ba chục, tùy, miễn là những người đó có cùng sở thích và nhu cầu, không có chuyện các vị sử dụng không gian và thời gian của lớp học để tổ chức liên hoan rồi đẩy những đứa trẻ không đóng tiền ra ngồi nhìn mồm được. Việc làm này sai thì đã đành, mà còn vừa rất tồi tệ, phản giáo dục, nếu không nói là ác độc.
Cũng trên tinh thần đó, những học sinh và phụ huynh không muốn tham gia buổi liên hoan ấy thì hãy tự mình làm cho con một bữa tiệc nho nhỏ hoặc cho các cháu đi chơi cùng gia đình hay tặng cho bé một món quà, v.v.. Không ai có quyền bắt các vị phải nộp tiền, cũng không ai có quyền đuổi con bạn ra ngoài để chiếm lấy lớp học, trường học để phục vụ riêng cho nhu cầu cá nhân của cái nhóm ấy. Nếu nhóm này mượn được địa điểm ở trường để liên hoan thì buổi liên hoan đó phải nằm ngoài khung giờ chính khóa của năm học.
Mọi sự rắc rối bắt đầu từ việc không tuân thủ quy định cuả luật pháp, làm sai, làm bừa, làm càn quấy, tùy tiện và có biểu hiện của việc cửa quyền. Và như chúng ta biết, chuyện “nhìn mồm” này không phải là lần đầu tiên, mấy năm nay hầu như năm nào cũng lặp lại, rồi dư luận rộ lên ca thán, rồi lại chìm đi. Đến hẹn lại lên.
Với tất cả những cái sai, cái dở, cái xấu ấy trong ứng xử, những thầy cô giáo và phụ huynh trong lớp này là rất đáng chê trách, thậm chí cần thanh tra hoạt động của nhà trường và các giáo viên liên quan trong việc thu chi và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý nhà nước về giáo dục. Theo thời gian, các khoản thu sai trái, những chi tiêu bất minh, những hoạt động không đúng quy định không những không được chấn chỉnh mà ngày càng trăm hoa đua nở, đang gây mất niềm tin nặng nề trong dân, làm dư luận bức xúc và trực tiếp làm hỏng môi trường giáo dục một cách nghiêm trọng.
T.H.
Tác giả gửi BVN