Đạo Phật, Đạo Chùa

Thục-Quyên

Một người luật sư trẻ, sanh ra, lớn lên và vẫn đang sống tại Việt Nam, có lần nói với tôi là khi khai trên giấy tờ, anh luôn luôn điền vào là mình không có tôn giáo, mặc dù gia đình anh và chính bản thân anh theo Đạo Phật, tại nhà anh có ban thờ Phật và anh cũng cố gắng giữ năm giới trong cuộc sống hàng ngày.

Anh cắt nghĩa cho tôi là tại Việt Nam hiện nay, cái mà được gọi là Đạo Phật thì không có liên quan gì đến con đường giải thoát khỏi tham sân si, như anh vẫn hiểu là cốt lõi của Đạo Phật. Cái Đạo Phật được nhà cầm quyền cho phép hoạt động và khuyếch trương được anh gọi là Đạo Chùa, vì có đặc điểm là chỉ xoay quanh chuyện buôn thần bán thánh và xây chùa.

Do đó anh nói không thể đặt bút xuống ghi là mình theo cái Đạo Phật đó được.

Cách hành xử của anh luật sư trẻ, hay cách tu tập của hành giả Thích minh Tuệ, cho thấy họ là những người đang học và hành theo giáo lý nhà Phật: chú tâm vào cốt lõi những lời Phật dạy, không bị hình thức ràng buộc.

Không bị hình thức ràng buộc chính là sức mạnh và sự tự do của Đạo Phật.

Tu là sửa chính bản thân để tự giải thoát khỏi những thói hư tật xấu đang vây hãm sai xử mình, là không mất thời gian ngồi tìm kiếm những sai lầm yếu kém của người khác, mà đầu tư tâm trí và sức lực để tìm hiểu cốt lõi những lời Phật dạy, rồi áp dụng vào đời sống thực tế để kiểm chứng xem những lời dạy này có giúp ta xử lý được sợ hãi, khổ đau, chế tác được niềm vui thanh thản trong đời sống hàng ngày, vượt thoát được những hệ lụy của danh vọng, tiền tài, quyền hành và sắc dục, tiếp xúc được tới tự tính vô sinh bất diệt của mọi pháp, hay không?

Những người tu theo con đường Phật chỉ dạy, có thể tự nhận là con Phật (phật tử) nếu muốn, mà không cần phải trải qua nghi lễ phiền phức gì cả. Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam thì một người muốn đánh dấu ngày mình công bố tu tập theo giáo pháp của Phật dưới sự hướng dẫn của một vị tăng thì có thể xin dự một buổi lễ quy y tam bảo (Phật-pháp-tăng) để nhận sẽ hành trì năm giới (Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu).

Thầy tôi, một vị Hoà thượng, lúc cử hành lễ luôn luôn nghiêm túc dặn phật tử đã xin quy y tam bảo phải luôn cố gắng sống theo Năm Giới và ôn tụng thường xuyên giới tướng mỗi tháng ít nhất là một lần, để sự học hỏi và hành trì Năm Giới càng ngày càng sâu sắc và lớn rộng. Ngoài ra nếu không ôn tụng và không cố gắng sống theo Năm Giới thì coi như việc quy y không còn hiệu lực.

Như vậy, tu sĩ hay cư sĩ đều là phật tử đã hứa trước Phật là sẽ giữ những giới luật. Nếu không còn giữ giới luật thì dù có mang chức sắc Hoà thượng, Thượng tọa gì chăng nữa, thì cũng không còn ý nghĩa.

Thân giáo

Thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng trong ba phương thức giáo dục Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, mà thân giáo là quan trọng nhất.

Ý tưởng và lời nói là những khả năng có thể dùng sự thông minh để học hỏi rồi truyền tiếp. Nhưng tự thân hành Phật thì cần phải thực nghiệm, sống được những gì mà người khác có thể nhìn vào và noi theo.

Dù người dạy có ý tưởng cao hay, lời nói hoa mỹ, cuốn hút, mà thân hành không trang nghiêm, lời nói không đi đôi với việc làm, thì về lâu về dài không thể tạo ra sức thuyết phục và chuyển hóa người khác.

Người luật sư trẻ tôi quen, dù trên giấy tờ không phải là phật tử, nhưng theo học đạo với những người tu sĩ Phật giáo có và không có chùa, và anh cũng học cả từ những người phật tử cư sĩ mà anh đánh giá là có một cuộc sống đậm dấu ấn của Phật giáo.

Hiện tượng hành giả Thích Minh Tuệ đang “gây bão” trên mạng xã hội và báo chí từ nhiều tuần nay có vẻ cũng do cách hành trì giới luật của ông làm người khác nhận ra là giới luật của Phật giáo không chỉ để tụng niệm mà để áp dụng vào cuộc sống thật.

Nhìn sâu vào hiện tượng này còn có thể thấy thuyết duyên sinh trong Phật giáo: duyên sinh là nương vào nhau mà phát sinh, mà biểu hiện. Điều này diễn tả trong kinh điển bằng câu: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không.

Không có ngoài thì sao có trong, cái trái có vì cái phải có, có cái dưới thì mới có cái trên…

Nếu Việt Nam ngày nay không có nhiều người mang hình dáng nhà tu, béo mũm mĩm, mắt liếc ngang dọc, phát ngôn lố lăng, thì ai để ý tới một ông cũng mang hình dáng nhà tu lại gầy gò, mắt trong sáng, nói ít và khi nói thì nhỏ nhẹ?

Nếu không có nhan nhản các ông mang hình dáng nhà tu đeo đồng hồ Rolex, đi xe hơi sang trọng, lặn hụp trong tiền bạc, chùa chiền, thì ai thèm để ý tới cái ông mang hình dáng nhà tu mặc áo vá đắp, đi chân đất, ngủ ngoài nghĩa địa?

Hành giả Thích Minh Tuệ nghe nói đã đi bộ vài lần Nam-Bắc và ngược lại, cũng như, tối thiểu là tại miền Nam Việt Nam ông đâu phải là người duy nhất tu tập “theo hạnh đầu đà” (như ông chia sẻ), tại sao bây giờ mới có hiện tượng “bão” trên truyền thông?

Có lẽ trong sự bát nháo, lố lăng những năm qua, đây là cách khẳng định không nhiều lời nhưng dứt khoát của đám đông: chúng tôi tu theo Đạo Phật, không theo Đạo Chùa.

Th.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Phật giáo nhà nước, Sư thật sư giả, Thích Minh Tuệ, Thục Quyên. Bookmark the permalink.