Việt Nam nên sửa Luật Báo chí để phù hợp thực tế

Cát Tường

(VNTB) – Luật Báo chí nên sửa đổi theo hướng “chỉ được phép tác nghiệp trong khuôn khổ riêng theo yêu cầu từ phía cơ quan chuyên trách”.

Luật Báo chí, ở Điều 25.2 cho biết: “Nhà báo có các quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;

b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;

đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;

e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật”.

Nội dung điều luật trên cần tu chỉnh phần “d)” về việc “Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”, bằng sửa đổi bổ sung thêm 8 từ đằng sau cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng việc làm rõ ràng hơn “theo quy định của pháp luật từ phía cơ quan quản lý chuyên trách” (!).

Dẫn chứng: ở hầu hết các vụ án có tính thu hút sự quan tâm của công luận như vụ xét xử ba thành viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn hay Vụ án Đồng Tâm là ví dụ khác cho cả việc ngay cả máy tính cá nhân của luật sư tham gia bào chữa cũng phải bị “tạm giữ” trước khi vào phòng xét xử.

Mới đây, tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) kéo dài hơn một tháng, nhà báo được bố trí tác nghiệp trong phòng báo chí, xem qua màn hình ti vi.

Thoạt lúc đầu, phía tòa án cho nhà báo mang máy ảnh vào phòng báo chí nhưng sau đó lại cấm. Tòa chỉ cho phép nhà báo ghi hình 15 phút, trước khi Hội đồng xét xử vào làm việc. Khi tòa vào làm việc, nhà báo không được mang bất cứ đồ nghề tác nghiệp như máy ảnh, máy quay, ghi âm, máy tính, điện thoại vào phòng báo chí. Trong khi đó, âm thanh phòng báo chí lúc thì quá nhỏ, lúc thì mất cả âm thanh và hình ảnh.

Tương tự, tại hai phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh và kit test Việt Á, cùng diễn ra tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, nhà báo chỉ được ghi chép bằng giấy bút. Vì không được ghi âm để nghe lại cho chính xác những chỗ chưa ghi chép kịp, nhà báo không thể truyền tải đến bạn đọc nhiều thông tin quan trọng của vụ án.

Thậm chí một vụ án không mấy thu hút công luận như vụ đầu tuần tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Minh Thành và đồng phạm về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”. Thời điểm đó, các phóng viên đến tham dự, đưa tin diễn biến phiên tòa bị thư ký phiên xử yêu cầu “không ghi âm, ghi hình”…

Với thực tiễn ghi nhận từ một số vụ án kể trên, cho thấy để tránh lại tiếp tục đôi co với các viện dẫn luật, cần thiết tu chỉnh Luật Báo chí sao cho tương thích với ý chí quyền lực của cơ quan công quyền các cấp tòa án.

C.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Luật Báo chí. Bookmark the permalink.