Bọ Lập viết “Ba Đồn mạn thuật” – khó thế mà cũng làm được

Nguyễn Thông 

Tôi không như người ta “nhà nghèo ham sách không có tiền mua sách mà cũng sưu tập được mấy trăm cuốn cho tủ sách cá nhân”. Ấy báo chí ca ngợi vậy về một ông từng là cột trong tứ trụ. Hồi bé, tôi nghe bạn quần thủng đít truyền nhau kinh nghiệm “tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”. Sách hay, khi dành dụm đủ tiền thì tôi mua, tuyệt không xin xỏ đề nghị cho tặng bao giờ, dù tác giả bạn chí cốt mấy chăng nữa. Đơn giản, tôi hiểu, đẻ được sách còn khó hơn bà chửa trâu vượt cạn.

Hè 2024, Giáp Thìn tháng 4. Thiên hạ nói với nhau Sài Gòn chưa khi nào nóng gay gắt và kéo dài như năm nay. Đang ci trần, ting cái tin nhắn, rằng “Ông cho tôi địa chỉ, tôi gửi biếu ông cuốn sách. Bọ”. Ngắn gọn, dứt khoát, không nhiều lời à ơi. Tôi biết tính lão, nhưng còn cố vớt vát sĩ diện “Thôi thì cụ đã có lòng, nhà cháu xin nhận, hay để nhà cháu trả tiền síp (ship)”. Bọ nhắn lại, chắc vừa gõ vừa cười “Tiền sách mới nhiều chứ síp siếc đáng bao nhiêu”.

Trên đời này thiếu gì người tên Lập. Cái Lập mà nhà cháu đang nhắc là Nguyễn Quang Lập, một kẻ rạch giời nhảy xuống hạ giới. Quê Quảng Bình, nơi thời chiến tranh bị gọi là Quảng Bọ, nên y chết tên Bọ Lập. Có một thời, cũng khá dài, thiên hạ ùn ùn rủ nhau đọc blog Quê Choa, có người còn bảo chỉ hai mình “Quê Choa” và “Anh Ba Sàm” đủ chấp hết báo chí tivi mậu dịch, cung cấp đủ thông tin và văn hóa cho đời. Đời sống xã hội xứ ta có một thời lề trái thăng hoa lẫy lừng như thế. Sau này có “nhà” nào viết sử, tất nhiên không phải kiểu Phạm Hồng Tung… thì đừng quên nha. Đó có lẽ là chặng đẹp đẽ ý nghĩa nhất của tự do dân chủ trước khi nó bị đàn áp, chết uất ức, tồn tại vật vờ như bây giờ. 

Ông bạn tôi ở Hà Nội có lần thủ thỉ, tài của người đời thì cũng chỉ đến mức Bọ Lập là kịch khung. Hỏi sao, y bảo y vừa đọc bài kể về tay diễn viên đóng vai cụ Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi, hình như có tên “Kinh tế Bác Hồ”, đọc xong cả nhà lăn ra cười, tranh nhau khen tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Bọ Lập. Vợ y còn đòi làm cái đơn cả nhà ký đề nghị phong ngay cho Bọ nghệ sĩ nhân dân (đốt cháy giai đoạn, đi tắt, bỏ qua bước nghệ sĩ ưu tú), tặng ngay giải thưởng Hồ Chí Minh trong đêm, v.v. Tôi cười, vợ chồng con cái mày mà được đọc đủ những sách lão ta viết như Bạn văn, Ký ức vụn, Đời cát… thì có khi còn bầu lão í là trời không chừng. Nó nhắn lại bằng cái mặt biểu tượng cười ha ha.

Nhớ hồi Bọ mới ở 6 Phan Đăng Lưu về, tá túc bên khu dân cư Thảo Điền quận 2, bác Nguyễn Khắc Nhượng rủ tôi tới “dò xét tình hình”. Ba anh em làm hết chai rượu với đĩa vịt luộc, nồi cháo vịt, chuyện trò bắp rang… Ngó bọ bình thản như chưa từng xảy ra chuyện gì, không hề có phan đăng lưu đăng liếc, chợt hiểu rằng cái con người suýt què chân do bị đâm xe kia đã vượt qua mức cảnh giới rồi, mình được bá vai bá cổ thế ni là may mắn lắm.

Cũng không ít lần những cuộc tụ bạ tình nghĩa, huynh đệ giang hồ vặt do tay Nguyễn Một chủ trì, chiếc ghế hình như ở vị trí đẹp nhất được ngấm ngầm chừa cho Bọ Lập. Y tới, không khí nhậu nhẹt tán chuyện sinh sắc hẳn lên. Y là thứ bột nêm không thể thiếu để chữa những nồi canh có nguy cơ nhạt. Hôm nào đủ cả y và Đỗ Trung Quân, giang hồ vặt tự động tắt đài. Lần trưa ấy, y và Yên Ba thi nhau nhớ lại thời làm báo Văn nghệ trẻ, mọi người cười bò quên cả ăn uống, tôi mấy hôm sau vẫn còn khan cổ dù đã ngậm hết 4 vỉ Bảo Thanh.

*

Có nhẽ cần nói ngay để khỏi gây thất vọng cho ai đó. Vẫn biết người nước nam ta rất ham đọc, thích đọc sách, thường ngâm nga câu thơ cổ “vạn ban giai hạ phẩm/duy hữu độc thư cao” (mọi thứ trên đời đều thấp kém tầm thường, chỉ có đọc sách mới cao quý đáng tôn trọng) nhưng… Hồi nhỏ tôi có nghe thày tôi kể người viết ra câu ấy là nhà thơ bên Tàu, nhưng nhỏ tuổi lắm, nghe đâu mới chín mười tuổi. Đại loại cũng kiểu thần đồng Trần Đăng Khoa bên ta sau này. Anh trai tôi, một tay học giỏi toán nhất trường cấp 3, sau phải đi bộ đội đánh nhau nên chẳng dùng toán vào việc gì, bĩu môi (tất nhiên nói với chị em tôi chứ không phải với thày), đọc với chả cao, không có người làm ruộng cày cấy thì có khối gạo để bỏ vào mồm.

Sách của Bọ Lập, cuốn “Ba Đồn mạn thuật” này khá kén chọn người đọc. Nó không phải thứ sách ngôn tình, diễm lệ, chuyện gay cấn hồi hộp nút thắt nút mở, khơi gợi tò mò thân xác tình dục, lấy nước mắt; không có ý định “dành cho giới trẻ”, những 9X, 10X, Gen này Gen nọ; không phải kiểu sách của âu sần Vương (Ocean Vương) mà người ta đang tranh cãi. Đại loại vậy. Nhưng “Ba Đồn mạn thuật” là cuốn sách đúng nghĩa sách, bác học mà dân dã, hợp với tất cả những người yêu sách, thích đọc sách, ưa khám phá, ham mở mang kiến thức, và yêu quê hương đất nước mình (dù sách này chỉ khai phá một… làng).

Đọc sách về Ba Đồn của Bọ Lập, bất giác ta liên tưởng tới những điều tương tự. Thời còn làm cho một tờ báo to, tôi thường được gặp, tiếp cụ nhà văn Thái Vũ – Bùi Quang Đoài. Nhiều người biết ông ở góc độ ông là nhân vật liên quan đến Nhân văn Giai phẩm. Ông từng rủ tôi tới thăm cụ Trần Đức Thảo lừng danh khi cụ Thảo “lánh nạn” vào tá túc trong cái phòng nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực quận 1 Sài Gòn. Thái Vũ thông kim bác cổ, hay chuyện, rất thẳng thắn. Có lần ông nói với tôi, cậu bảo thằng Xuân Ba bạn cậu, nó giỏi thật đấy, tớ rất phục nó, nhưng nó cứ hay dùng từ “thi thoảng” mà đúng ra phải là “thỉnh thoảng”, dùng thế là sai bét. Thái Vũ người Quảng Bình, lại ở ngay huyện Quảng Trạch, lại ở ngay vùng Ròn, Ba Đồn nữa. Ông rất yêu quê, nặng tình quê. Ông tặng tôi cuốn sách “Xứ Ròn – Di Luân” viết về quê chôn nhau cắt rốn, đọc rất thích. Giờ xứ Ròn có thêm sách Bọ Lập, hoành tráng, đầy đủ, chi tiết, mê mẩn hơn. Sao một vùng quê nho nhỏ nghèo mà lắm người tài, người nghĩa tình chịu ơn quê đến vậy.

Cầm trên tay, nói chính xác là ôm, cuốn tân kỳ thư của Bọ Lập, cũng lại nhớ tới một người hùng vĩ ở xứ này, cụ bác học Quế Đường Lê Quý Đôn. Những người yêu nước Việt, ưa khám phá các vùng miền, ham nạp kiến thức có thể tỉ mẩn tìm được rất nhiều điều qua các ghi chép của cụ Quế Đường như “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Việt thông sử”, “Đại Việt sử ký tục biên”…, kể từ phong tục, địa lý, văn hóa, con người cho tới món ăn, cây cỏ, thậm chí cả những bãi cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa cũng được nhắc cụ tỉ, cẩn thận. Về mảng sách này, nói không ngoa, trong Nguyễn Quang Lập có hình bóng con người Lê Quý Đôn. Hậu sinh khả úy, sau 200 năm.

“Ba Đồn mạn thuật” là một công trình, công trình văn hóa, thiển ý có gắn cho nó từ “vĩ đại” cũng không sao. Tôi cứ hình dung, ở xứ này bao lâu nay, đủ các ban bệ viện nghiên cứu, với cách mà họ từng làm, để có đứa con như thế, có nhẽ phải vài chục người, phân công ai chủ biên, ai làm phần nào phần nào, rồi họp bàn, phân tích, bổ sung, nâng lên đặt xuống, sơ kết, tổng kết, báo cáo, có khi mất vài năm, thậm chí chục năm. Biết bao nhiêu “kinh phí” đổ vào đấy để có sự “thành công tốt đẹp”.

“Ba Đồn mạn thuật” chỉ đề tên tác giả Nguyễn Quang Lập, bởi bọ làm một mình, nhõn một mình, trong 2 năm dịch, cụ thể như chính bọ khai, “451 ngày đêm”. Chưa đầy một năm rưỡi, hoàn thành, một mình. Kinh! Nếu không phải là quần quật bỏ ăn bỏ ngủ, xuyên ngày xuyên đêm thì chỉ có thần thánh trợ lực, chứ siêu nhân cũng không làm được, để ra cuốn kỳ thư nặng trĩu 650 trang khổ lớn nặng đúng 1 ký 2 mà tôi đang nâng niu đây.

Cuốn sách gồm 5 phần đại, riêng nội dung chính đã 15 chương, không thể nào kể ra hết được, dù chỉ cái tên, trong một bài ngắn như thế này. Có cảm giác, hầu như tất cả những gì Ba Đồn có, Ba Đồn trải đều được tìm hiểu kỹ lưỡng, không bị bỏ qua, sót lọt, từ một dấu tích, sự việc, thửa ruộng, con người, chuyện vui chuyện buồn. Tôi rất khoái khi đọc đến phần văn hóa văn nghệ được “gặp” lại bậc đàn anh đồng môn, bác Nguyễn Tri Nguyên, mà bấy lâu bặt tin. Bác Nguyên học trước tôi 2 khóa, khóa 15. Năm 1974, cả khoa Văn xôn xao khi sinh viên Nguyễn Tri Nguyên có truyện ngắn “Sóng lừng” đăng trên báo Văn nghệ – tờ báo như ngôi đền thiêng của giới văn nghệ miền Bắc không dễ gì đặt chân vào. Bác Nguyên là dân Ba Đồn chính cống, một “danh nhân” của làng này.

Thật cảm động khi lia mắt vào mấy dòng trong phần “Đôi lời” mở đầu cuốn sách, bọ thủ thỉ chân thành cảm ơn tất cả những ai đã ít nhiều giúp bọ thai nghén, sinh nở. Bọ bảo “Chưa bao giờ tôi nhờ cậy mà họ nói không. Có thể nói, không có những người kể trên sẽ không có cuốn sách này. Xin khấu đầu tạ ơn tất cả”. 

Ảnh: “Nhà bác học” Bọ Lập và Thông Cào (tháng 9.2015)

*

Khi mới chỉ đọc gần xong “Ba Đồn mạn thuật” của Bọ Lập (dài, ngồn ngộn kiến thức, mặc dù cấu trúc, phân bố cực kỳ mạch lạc), tôi đã thoáng liên tưởng đến những cuốn sách xưa và người xưa lừng lẫy tới tận bây giờ. Trong số ấy, nhà cháu đã kính cẩn nhắc tới cụ Lê Quý Đôn với “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”…, và có lẽ đừng quên một Thái sơn khác, cụ cử Phan Kế Bính – cha đẻ cuốn sách gối đầu giường của bất cứ người Việt nào, “Việt Nam phong tục”. Những cuốn kỳ thư cung cấp cho ta kho kiến thức ta mang theo suốt đời, đọc sớm có sớm, đọc muộn có muộn, không bao giờ phí cả.

Có nhẽ nên bạch đôi dòng về tên cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật”. Ba Đồn thì khỏi cần diễn giải, hầu như ai cũng biết đó là địa danh, một vùng quê, làng quê nổi tiếng xứ Quảng Bình, ở huyện Quảng Trạch xứ ấy. “Mạn thuật”, từ nghe vừa quen vừa lạ, có gốc Hán Việt. Từ ‘mạn”, khi chưa nhìn thấy cuốn sách, chỉ nghe… đồn, tôi cứ tưởng “mạn” nghĩa giống như ta vẫn dùng “mạn tính” trong y học, là từ từ, chậm chậm, nhẩn nha (chỗ này phải nói thêm, rất nhiều thầy thuốc, kể cả lãnh đạo bộ y tế, giáo sư bác sĩ, nhà báo… quen mồm quen tay nói/viết thành “mãn tính” để đề cập tới thứ bệnh đến từ từ, càng ngày càng nặng, chẳng hạn bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, gút). Rồi nghĩ, chắc ông bọ nhẩn nha kể chuyện, nhẩn nha biên chép nên mới đề “mạn thuật”. Té ra không phải. Chữ “mạn” bọ dùng, bọ đặt tên sách, có bộ thủy, có yếu tố nước. Mạn là nước dâng lên, ngập tràn. Nước kiến thức được chứa đầy trong từng trang sách, người viết càng bơm đùn lên, người đọc càng thỏa chí vẫy vùng. Ngoài ra, mạn cũng có nghĩa sự tùy thích, phóng túng, không bị ràng buộc, cứ tha hồ thể hiện những điều mình ghi nhận, bắt gặp, gom góp được. Trong di sản đồ sộ của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi có khá nhiều bài thơ không đặt tên riêng, nằm trong chùm tên chung “Mạn thuật”, hay cực kỳ. Phương thức “mạn” này rất hợp với con người, phong cách, lối văn Bọ Lập.

Thuật, ngay cả đứa trẻ con cũng hiểu. Bất cứ đứa nào học cấp 1 (khi trước) hoặc tiểu học bây giờ đều được học các lối văn, từ đơn giản tới phức tạp, gồm miêu tả, tường thuật, kể chuyện. Thạo được mấy lối ấy thì cũng hết cấp 1, sau đó lên cấp 2 bắt đầu học làm văn nghị luận các kiểu chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận, bình giảng. Miêu tả là dễ nhất, đại loại thầy cô ra đề hãy tả ông nội em, có đứa tả “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông già khọm, tóc bạc trắng, đi đứng run rẩy, chả làm được gì. Bởi vậy suốt ngày ông nằm, đọc sách lý luận, coi tivi, xong thì ngủ. Ngủ chán, ông dậy hỏi nhà có gì ăn chưa bây”. Thuật để chỉ hành vi bày tỏ, kể lại, thuật lại, trình bày. Khẩu thuật là kể lại bằng miệng, kể miệng. Trong văn viết, theo cụ Thiều Chửu giải thích, chép lại biên lại những điều đã nghe, đã nắm được thì gọi là thuật.

“Ba Đồn mạn thuật” được Bọ Lập dày công biên chép, kỳ khu ghi lại, sắp xếp tỉ mỉ, khoa học tất cả những thứ nén chật ních trong bộ nhớ kinh hoàng của bọ, và cả trong biết bao nhiêu hồ sơ, tư liệu, truyền khẩu của mấy trăm năm, của hàng nghìn người về một vùng đất với đủ thứ trên đời. Tất cả được dưỡng thai rốt ráo trong hơn 450 ngày bị lốc đao (lockdown), phong tỏa, cấm túc, giam cầm để tránh dịch Covid. Ông bạn tôi còn cười bảo, may, lão bọ và bạn đọc phải thắp hương tạ ơn Cô vít mới đúng, bởi không có nó thì dễ gì dồn lực cũng như thì giờ cho Ba Đồn mấy lị mạn thuật.

“Ba Đồn mạn thuật” 650 trang khổ lớn, 15 chương cả thảy, tất tần tật thiên nhiên, con người, xã hội, địa lý, lịch sử, phong tục, văn hóa, quá khứ, hiện tại, biết bao vui buồn, những thăng trầm lận đận, những cố gắng vươn lên, cả cái hay cái dở, cả những bi kịch được thể hiện kín đáo, nụ cười vui, tiếng thở dài, vô danh và hữu danh, người bình dân và những đấng bậc… dường như tác giả không bỏ sót thứ nào. Quá phục sự công phu mà nhẹ bẫng, tỉ mỉ mà bao quát, không bỏ qua, sót lọt chi tiết cần thiết. Không yêu mặn mà chân thành quê nhà, cụ thể là Ba Đồn – Phan Long, rộng hơn là Quảng Bình, rộng hơn nữa là đất nước, dẫu tài thánh, ba đầu sáu tay, dẫu rộng dài thời gian năm này tháng khác, cũng chỉ bó tay, nuôi mãi cái gọi là dự án. Đừng ai nói hoặc yêu cầu tôi kể lại nội dung cuốn này. Đây là thứ sách không kể lại được. Lối văn cực kỳ giản dị, bình dân, mà không nhố nhăng tầm thường. Chỉ có thể nói nước đôi về nó: không dễ đọc và rất dễ đọc. Nếu mở ra, cảm thấy dễ đọc, bị lôi cuốn, thì say ngay, không dứt. Và ao ước, giá nước mình, tỉnh mình, huyện mình, xã mình làng mình cũng có được cuốn ghi chép kỳ khu như thế; mình làm được cho làng mình “tấm bia” như thế. Khổ nỗi, mình không phải Bọ Lập, mà cả nước này người như Bọ Lập như sao buổi sớm, lá mùa thu.

Ông bạn tôi đùa, tao mà có quyền, tao đặc cách học vị tiến sĩ cho Bọ Lập, trao giải thưởng nhà nước hoặc giải thưởng cụ Hồ cái rụp. Trong cả triệu trí thức ăn lương xứ An Nam ta, hằng hà sa số giáo sư tiến sĩ, đố ông bà nào làm được thế đấy. Mà sao Nguyễn Quang Lập lại không có tên hiệu giống các cụ xưa cho oách nhỉ, chẳng hạn Ngọc Bọ, Kim Cương Bọ, Bọ Ngọc Nguyễn Quang Lập để sử sách về sau lưu truyền, rằng đã từng có một nhà bác học làng chỉ nhờ vợ nuôi ngày hai bữa, không có bất cứ bổng lộc tiền bạc gì của nhà nước mà viết nên kỳ thư “Ba Đồn mạn thuật”.

Ba Đồn, vùng đất đã nổi tiếng, lừng danh trong hàng trăm nghìn làng quê Việt, giờ có thêm sách của Bọ Lập lại càng vang xa, thu hút hơn. Thật hãnh diện.

Ảnh: Bọ Lập và nhà văn Nguyễn Một, người đứng sau là nhà báo Lê Thanh Phong.

N.T.

NguồnFB Nguyễn Thông

This entry was posted in Nguyễn Quang Lập, tù nhân lương tâm, Văn học Việt Nam. Bookmark the permalink.