BBC – 9 tháng 5/2024
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), đã bị bắt với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước.
Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), vừa bị chính quyền Việt Nam bắt với cáo buộc vi phạm điều 337 Bộ luật Hình sự về tiết lộ tài liệu mật.
Ngày 9/5, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bình.
Ông Bình bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”. Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.
Trước khi bị bắt, ông Bình, 51 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, là vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Số điện thoại ông Bình đã không thể liên lạc được từ nhiều ngày qua.
BBC đã liên lạc theo số điện thoại được cho là của ông Bình hôm 7/5, nhưng không có tín hiệu.
Theo tin từ Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam – số điện thoại của ông Bình không còn hoạt động kể từ ngày 15/4/2024.
Vào ngày 6/5, BBC truy cập vào website MOLISA thì thấy trong trang của Vụ Pháp chế, ở mục Lãnh đạo đơn vị, chỉ còn hình ảnh và thông tin của ba vụ phó.
Trên một số website của các tổ chức quốc tế mà ông Bình từng hợp tác, BBC Tiếng Việt ghi nhận vẫn còn thông tin và hình ảnh của ông Nguyễn Văn Bình trên cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế của MOLISA.
Chẳng hạn trên website của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong phần tiểu sử cho hay ông Bình có “lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động”.
Tổ chức này viết rằng trong thời gian làm việc cho MOLISA, ông là người chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức.
Trong cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Bình cũng được ghi nhận là đã nỗ lực thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam.
Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Văn Bình trong một hội thảo về nhân quyền. Nguồn hình ảnh: UNDP IN VIETNAM
Nỗ lực thành lập công đoàn độc lập và Chỉ thị mật 24
Theo Dự án 88, vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình có liên quan đến Chỉ thị 24, chỉ thị mật về bảo đảm an ninh quốc gia của Bộ Chính trị vừa bị rò rỉ.
Theo chỉ thị này, các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã ra lệnh cho chính phủ thắt chặt kiểm soát xã hội dân sự, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả công dân đi du lịch nước ngoài.
Chỉ thị 24 yêu cầu chính phủ thí điểm thành lập một số công đoàn độc lập nhưng phải bảo đảm rằng mọi tổ chức công đoàn đều do nhà nước kiểm soát.
Dự án 88 cho hay thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để trình Quốc hội.
Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước vào năm 2023, nhưng chính phủ Việt Nam sau đó đã ít nhất hai lần trì hoãn.
Hiện Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dự án 88 nhận định rằng chính phủ Việt Nam muốn “trông ra vẻ tuân thủ Công ước ILO 87, nhưng trên thực tế Chỉ thị 24 cho thấy họ coi các công đoàn lao động độc lập là mối đe dọa an ninh quốc gia, và việc bắt giữ Bình rõ ràng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa được cho là đó”.
Sự tham gia sâu rộng của ông Bình với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế về cải cách lao động trái ngược với quan điểm cứng rắn của giới lãnh đạo trong nước, vốn rất dè chừng ảnh hưởng của nước ngoài trong các hoạt động cải cách lập pháp và hoạch định chính sách, theo nội dung của Chỉ thị 24 do Dự án 88 công bố.
Dự án 88 cho hay một nguồn tin tiết lộ rằng ông Bình ngày càng bị cô lập tại MOLISA sau khi các đồng minh quyền lực và các nhà cải cách từ chức trong những năm gần đây.
‘Coi các nhà cải cách là mối nguy’
Chỉ thị 24 cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngăn chặn các khuynh hướng cải cách, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới quan chức chính phủ, lo ngại việc này sẽ dẫn đến “làm suy yếu chế độ từ bên trong và đe dọa lợi ích quốc gia, nhân dân và sự tồn vong của chế độ”.
Theo Dự án 88, việc bắt giữ ông Bình càng cho thấy chính phủ coi các nhà cải cách như ông là mối đe dọa với ai ninh quốc gia.
Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Doanh nghiệp xã hội chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE).
Giống trường hợp ông Bình, bà Nhiên cũng bị bắt với cáo buộc chia sẻ thông tin mật và họ đều bị bắt sau khi Chỉ thị 24 được ban hành.
Trong kỳ họp thứ 37 từ ngày 6-8/3 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên các dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng MOLISA, nơi ông Bình làm việc.
Theo đó, ban này đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện”.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng MOLISA, ủy viên Trung ương Đảng, đã bị đề nghị kỷ luật.
Hàng loạt cán bộ khác của MOLISA bị nêu tên dịp này, nhưng không có tên ông Bình.
Nỗ lực của Việt Nam để thoát ‘nền kinh tế phi thị trường’
Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES
Vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình được cho là diễn ra trước thềm phiên điều trần của Việt Nam trước Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5/2024 về khả năng đưa Việt Nam thoát khỏi danh sách “nền kinh tế phi thị trường”.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này trước ngày 26/7/2024.
Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Hiện chỉ có 12 quốc gia được Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường.
Trong 21 năm qua, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Việt Nam hiện đang ráo riết vận động hành lang để quốc hội Mỹ sớm thông qua việc nâng cấp nước này lên thành nền kinh tế thị trường trước kỳ bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024.
Bản đăng ký bổ sung của Đạo luật Đăng ký Đại diện cho Nước ngoài (FARA) đệ trình lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam đã thuê Công ty Steptoe có trụ sở tại Washington hỗ trợ việc này.
Nhưng chiến dịch vận động của Việt Nam cũng vấp phải sự phản đối từ bên trong Hoa Kỳ.
Hơn 30 nhà lập pháp Mỹ vào tháng Một đã gửi thư chung cho Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thay đổi quy chế và việc đáp ứng mong muốn của Hà Nội sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”.
Một quốc gia phải đáp ứng sáu tiêu chí để Bộ Thương mại Mỹ chỉ định là nền kinh tế thị trường, trong đó có một tiêu chí là mức lương ở nước này được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý.
Mới đây, vào ngày 8/4/2024, trong văn bản phản hồi yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ về các nội dung trong Chỉ thị 24, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thừa nhận sự tồn tại của chỉ thị này và lập luận rằng công đoàn nhà nước “luôn ủng hộ quyền lợi của người lao động” (trang 7).
Tuy nhiên, việc chỉ có một tổ chức công đoàn duy nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nằm dưới sự quản lý của ĐCSVN, được xem là không phù hợp với các quy định quốc tế về quyền người lao động, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Nhà nước Việt Nam trên thực tế luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.
Cụ thể, Chỉ thị 24 yêu cầu chỉ “thí điểm” thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất ở nước này “vững mạnh”.
Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn: “Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay. Còn cái gọi là ‘công đoàn độc lập’, hay ‘nghiệp đoàn độc lập’ không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị”.
Trong báo cáo phân tích vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Dự án 88 nhận định rằng “đây chưa phải là lúc Việt Nam thoát khỏi ‘nền kinh tế phi thị trường'”.
“Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Thương mại Mỹ và việc bắt giữ Nguyễn Văn Bình, người đang nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho thấy điều này”.
Ông Nguyễn Văn Bình là ai?
Ngoài những thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Bình còn được biết đến với thành công trong việc thúc đẩy chính phủ phê chuẩn các công ước của ILO về thương lượng tập thể và lao động cưỡng bức.
Trước khi làm việc cho MOLISA, ông Bình từng làm việc cho Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Ông Bình cũng lần đầu tiên xuất bản văn bản của tất cả các công ước cốt lõi của ILO bằng tiếng Việt.
Ông Nguyễn Văn Bình được ghi nhận là có khuynh hướng ủng hộ nữ quyền.
Năm 2015, ông soạn thảo bộ quy tắc ứng xử đầu tiên về quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam.
Sau khi cập nhật bộ quy tắc vào năm 2022 để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, ông Bình tuyên bố: “Không phân biệt đối xử là một tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và đây là cam kết nằm trong một thế hệ hiệp định thương mại tự do mới”.
Ông Nguyễn Văn Bình là tiến sĩ luật và thông thạo tiếng Anh.
Nguồn: BBC Tiếng Việt