Điện Biên Phủ – Góc nhìn khác của người lính

Lưu Trọng Văn

Trong một khu rừng, Tô, lính pháo binh trẻ bị biệt giam, phía ngoài có lính canh bồng súng.

Lính canh nói với tướng Giáp.

- Thưa Đại tướng cậu ta chống lại tiểu đoàn trưởng ạ.

- Chuyện gì?

- Dạ, cậu ta bảo trận địa pháo mà không có hầm phòng thủ, không chuẩn bị phương án rút lui khi bị tấn công là giết lính. Tiểu đoàn trưởng bảo, cậu là lính công tử Hà thành hèn nhát, chưa đánh nhau đã sợ chết lo lùi, chống lại khí thế toàn quân “đánh nhanh thắng nhanh” mà…

- Mà tôi chỉ đạo, đúng không? Cho tôi gặp cậu ta!

Lính canh mở khoá dẫn Tô ra. Tô cúi chào tướng Giáp.

- Cậu sợ nhất điều gì?

- Niềm khát vọng sống lại bị những kẻ chủ quan, kiêu ngạo cho là sự hèn nhát sợ chết, thưa Đại tướng.

- Cậu thấy mình cô đơn không?

- Phải chăng Đại tướng không thấy mình cô đơn?

Về lại lán chỉ huy, một mình trong im lặng, tướng Giáp nhớ lại tuổi thơ của mình, là người đỗ đầu của tỉnh Quảng Bình, nhưng chủ quan coi mình là nhất, thi vào Quốc học Huế bị trượt. Liệu Điện Biên Phủ này đang lặp lại sai lầm kiêu ngạo mà tuổi thơ ông đã gặp phải? Khi đó ông đã khóc. Bố ông bảo: “Con là đàn ông, phải gạt nước mắt đi. Nước mắt không giúp gì được cho con đâu!”. Thế rồi ông đã miệt mài học lại. Năm sau đỗ đầu Quốc học Huế.

Nơi Tô bị biệt giam, hôm sau nhạc sĩ Hoàng Vân đến, nhìn thẳng cặp mắt mở to của chàng học trò trường Bưởi Hà Nội, nhạc sĩ hỏi:

- Tớ nghe tiểu đoàn trưởng kể, cậu là lính pháo duy nhất khi kéo pháo lên đồi đã không hát bài “Hò Kéo pháo” của tớ. Tớ muốn biết vì sao?

- Tôi sợ câu hát “Vực nào sâu bằng chí căm thù”, mặc dù tôi rất thích câu “Gà rừng gáy trên nương rồi”.

- Vậy khi cậu hát “Tiến quân ca” của Văn Cao thì sao?

- Đến câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” tôi chỉ lí nhí trong miệng. Từ nhỏ mẹ tôi thường hát tôi nghe Trương Chi, Suối Mơ của Văn Cao…

- Vậy tại sao cậu lại tình nguyện đến Điện Biên Phủ này, đây đâu phải chỉ là thung lũng hoa ban, hoa mơ, mà…

- Câu hỏi của anh, tôi nghĩ cả đại tướng cũng không nên hỏi bất cứ thằng lính nào ở Điện Biên Phủ này. Vì, nó là câu hỏi của kẻ kiêu ngạo bề trên.

Tướng Giáp và Hoàng Vân bên một con suối trong rừng.

- Tôi vừa được báo cáo lại là đại tướng Navarre đến thăm Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội. Ông ta muốn tìm câu trả lời nào ở đấy? Ở trong lịch sử theo cách nhìn của ai? Nhiều người cho rằng ông ta ngạo mạn, tôi không nghĩ như thế. Ông ta muốn tìm hiểu chúng ta, có nghĩa là ông ta chưa thực hiểu chúng ta mà thôi. Nhưng chính chúng ta nhiều khi còn chưa hiểu chúng ta nữa là. Cậu Tô ấy không thích lời “Vực nào sâu bằng chí căm thù” à? Tướng Giáp cười. Vậy nhạc sĩ định sửa lại lời à? Hồi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca”, có câu “Đường vinh quang xây xác quân thù”, Văn Cao cũng muốn sửa lại đấy.

- Vậy theo ý của anh thì sao ạ?

- Với tư cách người dạy lịch sử tôi ủng hộ cậu Tô ấy. Nhưng với tư cách tổng tư lệnh quân đội tôi không cho phép cái ý nghĩ ấy trong bất cứ người lính nào lúc này. Tướng Giáp gằn giọng. Chúng ta không được quyền thua trong trận chiến này. Vì vậy tất cả những gì giúp cho tinh thần, ý chí người lính để giành chiến thắng đều cần thiết với chúng ta. Anh hãy nói với cậu Tô như vậy. Và đó chính là mệnh lệnh của tôi. Nhưng…

- Dạ thưa anh, nhưng… gì ạ?

- Tôi vẫn rất trăn trở câu nói của cậu ấy với anh khi anh hỏi cậu ấy vì lẽ gì có mặt ở Điện Biên Phủ này, cả ông đại tướng cũng không nên hỏi câu hỏi ấy với bất cứ người lính nào vì đó là câu hỏi của kẻ kiêu ngạo bề trên. Kiêu ngạo… đúng, thói kiêu ngạo nào cũng sẽ dẫn đến chủ quan …

- Phải chăng chính anh cho rằng cách “đánh nhanh thắng nhanh” mà anh chỉ đạo là biểu hiện của thói kiêu ngạo ấy ư?

Tướng Giáp im lặng hồi lâu rồi lặng lẽ bước một mình trên con đường mòn giữa rừng già chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả với thế giới riêng của chúng.

Một tuần sau tướng Giáp đến nơi Tô bị biệt giam.

- Cậu hãy trở về đơn vị!

- Vậy là Đại tướng cho kéo pháo xuống ạ?

Tướng Giáp ngạc nhiên trước câu nói của Tô.

- Sao cậu nghĩ vậy?

- Vì Đại tướng cho tôi trở về đơn vị.

- Tôi tin cậu sẽ là một nhà quân sự tài ba trong tương lai.

- Tôi cũng từng mơ ước như vậy, thưa Đại tướng. Từ nhỏ cha tôi đã cho tôi đọc binh pháp của Tôn Tử, của Khương Tử Nha rồi binh pháp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, và đặc biệt Nhân pháp của Nguyễn Trãi.

- Nhân pháp của Nguyễn Trãi ư? “Nhân pháp”? Thú thật với cậu lần đầu tiên tôi nghe đến. Cha cậu là ai?

- Là một người Việt bình thường nhất, thưa đại tướng.

- Vậy tại sao cậu lại không muốn “nuôi chí căm thù”?

- Dạ, vì cha tôi nói, kẻ nào chỉ nuôi chí căm thù kẻ đó có thể bắn chết nhiều kẻ bên kia chiến tuyến cho hả dạ nhưng không có nghĩa là sẽ trúng đích, thưa Đại tướng.

- Tôi quyết định lại, cậu về Bộ Chỉ huy của tôi.

- Dạ, thưa Đại tướng, xin Đại tướng cho phép tôi ở lại đơn vị kéo pháo xuống núi. Kéo pháo xuống sẽ gian khổ hơn nhiều so với kéo pháo lên, tôi không muốn…

- Vì sao gian khổ hơn?

- Dạ, vì lòng người không đồng nhất, vì không còn ca khúc ấy, hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo… Cha tôi cũng dạy tôi rằng, trong chiến trận người tổng chỉ huy chỉ nghĩ binh pháp thì có thể thắng trận nhưng lại không trả lời được câu hỏi những người lính ra trận để làm gì?

Tướng Giáp chợt bần thần trước câu nói của Tô.

- Cậu hãy nói thẳng đi, chúng ta không còn thời gian nữa. Ý cậu là sao?

- Thưa Đại tướng, xin Đại tướng trả lời câu hỏi này cho tôi trước đã, vì sao Đại tướng quyết định kéo pháo khỏi trận địa, bỏ cách “đánh nhanh thắng nhanh”?

- Vì tôi muốn đánh chắc, thắng chắc.

- Thật ra những người lính chúng tôi ở Điện Biên Phủ này không thể hài lòng với câu trả lời như thế của Đại tướng được.

Tướng Giáp sững sờ trước câu nói của Tô.

- Vì sao? Vì sao nào? Trong câu hỏi có pha chút sự tức giận.

- Vì, cha mẹ, vợ con, người thân của những người lính chúng tôi mong đợi, chờ đợi điều duy nhất là chúng tôi lành lặn trở về. Trong câu trả lời của Đại tướng không có chỗ cho xương máu của chúng tôi. “Binh pháp” và “Nhân pháp” khác nhau cơ bản chỗ ấy thưa Đại tướng.

Tô quay người lặng lẽ leo dốc về đơn vị của mình. Tướng Giáp nhìn theo dáng gầy gò lầm lũi của Tô, trên khoé mắt của ông tứa ra giọt nước mắt.

Nhạc sĩ Hoàng Vân ôm cây guitar xuất hiện đối diện với Tô.

- Tôi không thể đổi câu “vực nào sâu bằng chí căm thù” … Thôi cứ để cho hậu thế phán xét vậy. Hãy thứ lỗi cho tôi!

Nghĩa trang đồi A1,

70 năm sau.

Tức ngày hôm nay 7.5.2024.

Những ngôi mộ vô danh.

Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in chiến tranh, Lưu Trọng Văn, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ. Bookmark the permalink.