Khuat Thu Hong
Chúng ta muốn con người là trung tâm của mọi chính sách xã hội thì phải có chính sách đầu tư nhất quán và hợp lý cho con người và phải theo suốt vòng đời, bắt đầu từ khi một đứa trẻ được sinh ra (còn tốt hơn nữa khi nó mới là dự định). Chúng ta muốn không để ai bị bỏ lại phía sau thì mọi đứa trẻ đều phải được đối xử bình đẳng từ khi mới chào đời để không còn em bé nào phải khát sữa và không bà mẹ nào phải đi làm với ngực áo ướt đẫm vì sữa. |
Một hôm tôi đi làm sớm hơn thường lệ nhưng lại quên chìa khoá nên bị “nhốt” bên ngoài cơ quan. Trong khi đang đứng chờ và co ro vì tiết trời se lạnh cuối đông tôi chợt để ý đến một người phụ nữ trạc 30 tuổi đang quét dọn ở cổng sau của một nhà hàng đối diện. Nghe tiếng phàn nàn và tiếng xuýt xoa của tôi, cô ngẩng lên “Chào bác ạ!”. Tôi gật đầu chào lại và chợt nhìn thấy ngực áo cô ướt đẫm với những vệt trắng nhờ nhờ tạo thành bờ loang lổ. Nhớ lại thời mình nuôi con nhỏ tôi hiểu ngay cơ sự và thấy se lòng. Tôi nhắc “Áo em ướt hết cả rồi kìa, có lạnh không?”. Cô ngượng nghịu đáp “Những lúc sữa về nhiều thì nóng lắm bác ạ, cháu cứ mải làm nên không để ý. Chỉ thương thằng cu ở nhà phải ăn bù nước cháo. Mà cứ càng nhớ con thì sữa nó càng chảy ra nhiều mới khổ…”. Tôi hỏi ‘Thế thằng cu được mấy tháng rồi?”. Cô cúi đầu như có lỗi “Cháu mới được hơn hai tháng. Mà cháu đi làm từ lúc nó được có một tháng”. Tôi định hỏi thêm nhưng có tiếng gọi từ bên trong nhà hàng, cô chào tôi rồi cẩm cây chổi chạy vào.
Ngồi vào bàn làm việc rồi tôi vẫn luẩn quẩn với câu chuyện của cô. Tôi cứ nghĩ mãi về ngực áo ướt đẫm loang lổ của cô gái đó và hình dung về đứa trẻ đang đói sữa mẹ ở nhà. Căn cứ vào độ tuổi của cô, tôi phỏng đoán em bé này không phải là đứa con đầu tiên của cô. Không kịp hỏi về hoàn cảnh kinh tế của gia đình cô ra sao nhưng tôi chắc rằng thuộc loại khó khăn.
Tôi chợt thấy ngượng khi nhớ lại cảm giác tự hào của mình mỗi khi chia sẻ trong các hội thảo, hội nghị rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có chế độ thai sản hào phóng nhất với 6 tháng nghỉ hưởng nguyên lương cho các bà mẹ. Những lúc đó tôi quên (hay lờ đi) một con số khác rằng hơn 60% phụ nữ ở nước mình làm việc ở khu vực phi chính thức, nơi họ không có bất kỳ một phúc lợi nào liên quan đến thai sản. Những giọt mồ hôi và cả những giọt sữa bị chảy ra làm loang lổ ngực áo của những người phụ nữ đó đã làm ra những hạt gạo ngon nhất thế giới, giữ cho thành phố nơi tôi sống sạch sẽ, đã làm nên những khu chợ đầy ắp rau tươi, giúp cho bao nhiêu gia đình có cơm ngon canh ngọt, khiến cho chị em phụ nữ thị thành hãnh diện với mái tóc, làn da được chăm chút nhờ những hiệu cắt tóc gội đầu, spa mọc lên như nấm…
Một nghiên cứu mới đây của Alive & Thrive cho thấy, cứ hai đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ có mẹ không được hưởng bất kỳ một chế độ thai sản nào. Trong tổng số 1.535.688 trẻ sinh ra sống năm 2019 trên toàn quốc, chỉ có 733.006 trẻ có mẹ được hưởng chế độ thai sản. Có nghĩa là, có rất nhiều trong số 802.662 đứa trẻ giống như con của cô gái tôi gặp sẽ ít được bú mẹ hơn, cũng đồng nghĩa là có chừng đó bà mẹ đi làm với ngực áo ướt đẫm vì sữa. Ngay cả khi mua bảo hiểm xã hội tự nguyện thì lao động nữ ở khu vực phi chính thức cũng không được hưởng chế độ thai sản vì theo Luật BHXH hiện hành, bảo hiểm tự nguyện không bao gồm chế độ thai sản mà chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất.
Điều 101 Dự thảo Luật BHXH mà dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay đề xuất đối với người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh. Đó cũng là một động thái tích cực của Nhà nước để khuyến khích người dân mua bảo hiểm tự nguyện như một giải pháp tăng cường an sinh xã hội nhưng trong thực tế, kể cả khi họ muốn, rất nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức, đặc biệt là những người làm nông nghiệp hoặc tự làm, không đủ khả năng chi trả 30% thu nhập để mua bảo hiểm tự nguyện (Nghiên cứu của ILO năm 2020). Và dù có đủ tiền để mua BHXH tự nguyện, mức 2 triệu đồng cho một đứa trẻ được sinh ra không thấm tháp gì so với chi phí để nuôi một đứa trẻ trong thời buổi mà các giá cả sinh hoạt và phí dịch vụ xã hội cơ bản cho giáo dục và y tế ngày càng đắt đỏ như hiện nay.
Bệnh nghề nghiệp lại làm tôi lan man nghĩ đến những lo ngại gần đây rằng tỷ lệ sinh giảm đi kèm với xu hướng già hoá dân số nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động và tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước. Không ít người cho rằng đó là do người trẻ ngày nay ích kỷ, lười biếng, thích hưởng thụ nên không chịu sinh con. Tôi lại nghĩ, trong nền văn hoá mà gia đình luôn luôn ở vị trí trung tâm của hệ giá trị xã hội như Việt Nam, điều kiện kinh tế khó khăn mới là nguyên nhân chủ yếu của xu hướng “ngại” sinh con hiện nay.
Chúng ta muốn con người là trung tâm của mọi chính sách xã hội thì phải có chính sách đầu tư nhất quán và hợp lý cho con người và phải theo suốt vòng đời, bắt đầu từ khi một đứa trẻ được sinh ra (còn tốt hơn khi nó mới là dự định). Chúng ta muốn không để ai bị bỏ lại phía sau thì mọi đứa trẻ đều phải được đối xử bình đẳng từ khi mới chào đời để không còn em bé nào phải khát sữa và không bà mẹ nào phải đi làm với ngực áo ướt đẫm vì sữa.
K.T.H.
Nguồn: FB Khuat Thu Hong