Ổn định chính trị và phát triển kinh tế

Trần Gia Ninh 

Bài không để giải trí, thậm chí còn gây bực mình, vì nhiều thứ khó nghe!

1- Sự ổn định mong manh

Sau một cuộc thay đổi xã hội dữ dội do cách mạng, chiến tranh, hay sự sụp đổ kinh tế, khi nền kinh tế quốc gia lúc đó ở gần số không, kinh tế sẽ tăng trường vượt bậc nếu chính trị ổn định, thường là nhờ một nền chính trị chuyên chính (độc tài). Những thí dụ như Sovijet, Nazi, Trung cộng, Hàn quốc, Đài loan, Nga Putin… minh chứng điều đó.

Nhưng khi kinh tế đã phát triển đến một mức nhất định thì không tránh khỏi khủng hoảng thể chế và xã hội bắt đầu cần có sự thay đổi.

Người ta thường hay lấy mốc 30/4/1975 để đánh giá sự phát triển kinh tế Việt Nam. Về kinh tế thì chọn mốc đó là chưa hợp lý (lý do thì dài quá nên xin không bàn ở đây), mà nên lấy mốc 1993.

Rõ ràng là nước ta sau khi được bỏ cấm vận – 1993 [chính thức:  1994 – BVN chú thích] – nhờ có sự ổn định chính trị, kinh tế mà từ gần như từ số không, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng từ 182 USD năm 1993 [281 USD năm 1994 – BVN chú thích] lên 3.694 USD năm 2021, gấp hơn 20 lần và đã được xếp vào loại phát triển vượt bậc, nhanh nhất ASEAN, vào loại top thế giới. Tuy vậy, vẫn chỉ xấp xỉ 1/4 mức trung bình thế giới (12.894 $ năm 2023), ít nhất phải tăng tiếp 5,6 lần nữa mới đến bước ngoặt bắt buộc chuyển biến tự nhiên từ độc tài sang dân chủ như các trường hợp đã nói ở trên. Khi đó nền kinh tế chẳng những phải phát triển cao về lượng mà bản chất cũng phải thay đổi từ kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên, đất đai hay lực lượng lao động giá rẻ chuyển sang kinh tế chất lượng cao, hàm lượng trí tuệ lớn.

Việt Nam hoàn toàn do một đảng cầm quyền kiểm soát. Nền kinh tế là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á. Nhưng những gì từng được coi là một nền kinh tế đầy hứa hẹn gần đây đã gặp khó khăn. Tăng trưởng kinh tế năm ngoái (2023) là 5,03%. DNNN chiếm 40% GDP và nhà nước đã bị thiệt hại vì bọn này đã lợi dụng nguồn tín dụng dễ dàng để thực hiện những khoản đầu tư “dại dột”. Trong những năm qua, các nhóm lợi ích đầy quyền lực trong giới cầm quyền phần lớn chống lại lời kêu gọi cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Khá nhiều quan chức cấp cao của đảng bị cáo buộc tham nhũng, lợi dụng chức vụ, cấu kết với kinh tế tư nhân tư bản hoang dã để kiếm tiền cho cá nhân họ chứ không phải cho nhà nước. Công cuộc “đốt lò” là một phản ứng tức thời, để cứu vãn tình thế, đáng hoan nghênh, nhưng chỉ là chữa triệu chứng và phụ thuộc quá nhiều vào cá nhân, nên không thể và không phải là giải pháp lâu dài, căn cơ. Công cuộc đó dễ bị lợi dụng để đấu đá phe phái. Tức là hiện chúng ta chưa tìm được lời giải. 

Có khá nhiều quan điểm được nêu ra. Dễ nhất là ý kiến chọn giải pháp thay đổi thể chế độc đảng ngay. Giải pháp dễ nhất thường là tệ nhất. Nên biết rằng cho đến nay nhân loại chỉ mới có đảng Nazi và đảng cộng sản (dưới các tên khác nhau) là hai hình thức tập hợp lực lượng được tổ chức cực tốt, nhất là khi nó đã nắm được quyền lực quốc gia. Trừ khi nó tự sát như Hitler hoặc Elsin-Gorbachev thì đng hy vọng lật đổ. Chúng ta không bao giờ nên nghe xui dại để làm một cuộc “cách mạng – revolution” –  đổ máu vô nghĩa nữa! (Ukraine đã làm cuộc cách mạng nhung 1991 rồi, chưa vừa lòng mà lại làm tiếp Maidan 2014 là một thí dụ).

Nhưng thực hiện một tiến trình thay đổi chính trị để phát triển nhanh kinh tế là cấp thiết. Thay cho một cuộc “cách mạng – revolution” vô vọng và vô nghĩa thì lúc này phương pháp “TIẾN HOÁ – evolution” là rất khả thi và hữu ích cho dân tộc. Cái mà nước ta đang mắc kẹt hiện nay là những mâu thuẫn quyền lợi giữa ủng hộ và chống đối cuộc “tiến hoá – evolution” này.

Tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự bất ổn của môi trường chính trị có thể làm giảm đầu tư và tốc độ phát triển kinh tế. Mặt khác, hiệu quả kinh tế kém có thể dẫn đến bất ổn chính trị, thậm chí cả sự sụp đổ thể chế. Tuy nhiên, khi đó sự ổn định chính trị có thể đạt được thông qua sự đàn áp. Trong trường hợp này, sự ổn định chính trị là con dao hai lưỡi. Mặc dù môi trường hòa bình mà sự ổn định chính trị có thể tạm thời mang lại điều mong muốn, nhưng nó có thể dễ dàng trở thành nơi sinh sản của chủ nghĩa thân hữu mà không bị trừng phạt. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều quốc gia có trật tự chính trị ổn định mong manh bằng đàn áp phải đối mặt. Phải chăng Việt Nam đang bước vào tình thế này?

 2- Chính trị và Quản trị – Politics and Governance

(Lưu ý: chữ Quản trị với nghĩa Governance, mà không phải là Administration – Quản lý như vẫn quen dùng)

Tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên ỔN ĐỊNH cậy nhờ vào hệ thống CHÍNH TRỊ còn TĂNG TRƯỞNG lại phụ thuộc vào hệ thống QUẢN TRỊ.

Khi sự ổn định do hệ thống chính trị chuyên chính (độc tài) của một đảng trong thời gian cần thiết, thì điều đó có thể có lợi trong ngắn hạn. Nền kinh tế có thể hoạt động tốt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vì sự ổn định có nghĩa là môi trường chính trị có thể dự đoán được. Tuy nhiên, nếu về chính trị mà độc tài không đủ thông minh thì các khía cạnh khác của xã hội có thể bị ảnh hưởng vì tính tự mãn, thiếu cạnh tranh và thiếu minh bạch. Khi kẻ độc tài mà tổ chức không tốt, không quản chặt được lực lượng bạo lực, thì sẽ sinh ra kiêu binh, đàn áp xã hội vì quyền lợi riêng, do đó sự ổn định chính trị cậy nhờ vào đàn áp (công an trị) không phục vụ cho phát triển đất nước. Nền kinh tế cuối cùng bị ảnh hưởng vì những điều này. 

Do đó, các chính phủ ổn định lúc này không nhất thiết phải có tăng trưởng kinh tế cao hơn. Dân chúng sở dĩ hy sinh một phần quyền con người, quyền dân chủ của mình, chịu đựng sự độc tài để đổi lại sự gia tốc phát triển kinh tế sẽ phản ứng lại, đàn áp lại tăng lên… vòng xoáy tiếp tc, nguy hiểm máu xương.

Trong thực tế hiện nay, VIỆC THAY ĐỔI THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ NGAY LẬP TỨC (theo kiểu cách mạng) LÀ ẢO TƯỞNG. Vì vậy, hãy chấp nhận thực tế đó còn kéo dài (ít nhất là chục năm nữa), ta thử bàn xem có cách nào làm tốt hơn không? Nói nôm na là tìm cách làm cho thể chế độc đảng chuyên chính toàn trị hiện nay thông minh hơn, hiệu suất kinh tế hơn, được lòng dân hơn. Nghe thật buồn cười cho ý nghĩ lẩm cẩm quá trời này! Nhưng chớ cười vội, nếu nhờ đó nền kinh tế được tăng tốc nhanh, thì càng nhanh để dân sinh, dân trí đạt đến cái ngưỡng quy luật tự nhiên chuyển sang thể chế văn minh dân chủ.

Tình trạng VN hiện nay và cách cải tiến có thể tóm tắt như sau:

(i) Thể chế chính trị thì theo mô hình chuyên chế tập quyền của Trung Quốc (TQ) nhưng sự tổ chức lại khác. TQ là tập quyền thật sự thì chuyên chế ở ta là nửa vời. Ví dụ TQ có tổng diện tích là 9.596.961 km2 mà Hoàng đế ở trung ương (tập quyền) chỉ phải trực tiếp nắm chặt 31 ông vua con (22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc). Ở ta diện tích xấp xỉ 3,5% của TQ nhưng tổ chức theo kiểu có một Vua (tập thể ) ở TW và 63 vua con cùng mô hình với triều đình TW chia nhau quyền và lợi. Hậu quả là chuyên chính tập quyền nửa vời, không thông minh, lãng phí ưu thế của chuyên chính, chỉ làm cho người dân chịu nhiều ách kìm kẹp, kìm hãm hoạt động kinh doanh.

(ii) Tổ chức bộ máy và nhân sự thể chế lẫn lộn giữa chính trị và quản trị. Cho nên dù chính trị có ổn định thì kinh tế phải trả giá.

(iii) Sự nhập nhằng về nhân sự giữa chính trị với quản trị là một trong những nguyên nhân của tham nhũng tràn lan mọi cấp, cũng như sự suy đồi của quan chức từ tối cao đến cơ sở. Không thu hút được nhân tài vào bộ máy nhà nước.

Nên cải biến nâng cấp thể chế độc đảng, chuyên chế toàn trị hiện nay ở nước ta như thế nào?

Dưới đây là chuyện “gái goá bàn việc triều đình”, biết vậy nhưng cứ viết ra… cho mọi người đàm luận chơi.

Có thể một kẻ độc tài chuyên chế thông minh cỡ như Tập ngày nay hay Lý quang Diệu, Pak Chung Hy ngày trước mà có ở nước ta lúc này thì đó là con đường ngắn nhất đến dân chủ phồn vinh. Việc này khó hơn lên trời, nên bỏ qua phương án này.

Khó có anh nào lên thay mà xoá được thể chế “ông vua tập thể”. Nhưng nhân dân đã hy sinh chịu đựng thể chế độc tài tạm thời với mong muốn ổn định chính trị và phát triển nhanh kinh tế, thì vua tập thể, nếu vì dân vì nước thật, hãy nên làm ngay những việc sau:

(1) Đã độc tài thì nên độc tài đến tận cùng, từ trung ương đến địa phương, chứ đừng nửa dơi nửa chuột. Cần tổ chức lại hệ thống phân chia rõ ràng quyền lực chính trị và quản trị cấp trung ương ngay. Vua tập thể phải tổ chức lại bộ máy quyền lc, nắm trực tiếp khối Quốc phòng và khi An ninh. Thay cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thì lập ra Uỷ ban An ninhvà Uỷ ban Quốc phòng do Bộ chính trị trực tiếp nắm. Chính quyền trung ương phân thành hai khối: 

Khối quyền lực chính trị gồm Uỷ ban An ninh, Uỷ ban Quốc phòng, Toà án và Viện kiểm sát. Để điều hành trực tiếp suôn sẻ, trên dưới thông suốt thì nên chia cả nước thành 9 vùng thôi, lấy theo hệ thống quân khu hiện hành để quản lý. 

Khối thứ hai là khối quản trị, bao gồm chính phủ và 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Trong chính phủ thì không có Bộ Công an, thay vào đó là lực lượng cảnh sát trật tự thuộc Bộ Nội vụ (bộ phận an ninh điều tra đã chuyển sang Uỷ ban An ninh rồi). Cũng không cần có Bộ Quốc phòng trong chính phủ. Cấp tỉnh chỉ là cấp quản trị địa phương cho nên cần bãi bỏ cách tổ chức như chính phủ trung ương. Đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm. Tỉnh trưởng điều hành bộ máy quản trị của địa phương thông qua thành lập các văn phòng chức năng một cách linh hoạt, bãi bỏ các sở, ban ngành theo chức năng ngành dọc từng bộ của chính phủ như hiện nay.

(2) Xoá bỏ hệ thống nhà nước song trùng “Hùng Vương Đông – Hùng Vương Tây. Chỉ có một nhà nước duy nhất của “Vua Tập thể”.

(3) Quốc hội tuy là hình thức nhưng vẫn cần thiết để đáp ứng tính chính danh đối ngoại và đối nội. 51-60% đại biểu quốc hội là thành viên của Ban chấp hành TW Đảng, do đảng tổ chức bầu. Số đại biểu còn lại do dân bầu thật, để tăng cường tính trí tuệ của quyền lực lập pháp mà không ảnh hưởng đến sự kiểm soát quyền lập pháp của đảng.

Hội đồng nhân dân các tỉnh thành cũng tương t, 60-70% là đảng uỷ viên do đảng bầu. Thiểu số còn lại do dân bầu thật.

(4) Chín (9) vùng của hệ thống quyền lực thì không cần có các tổ chức thông qua bầu bán mà là bổ nhiệm, chỉ định từ trên xuống dưới. Tổ chức nhân sự 100% là đảng viên.

(5) Chính phủ và chính quyền địa phương là hệ thống quản trị, cho nên cần nhân tài quản trị. Vì vậy tổ chức nhân sự chọn lựa chủ yếu theo tài năng, không nhất thiết 100% là đảng viên, không nhất thiết theo kiểu quy hoạch cán bộ. 

Bằng cách tổ chức nhân sự phân chia rõ ràng giữa Quyền lực chính trị với Chức năng quản trị, sẽ ngăn chặn được nạn lợi dụng chức vụ để kiếm lợi cá nhân, đồng thời cũng ngăn chn được tận gốc tệ nạn hối lộ, thoái hoá biến chất của nhân sự từ cấp cao đến cấp thấp. Cùng chặn bớt khả năng: cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ngày càng trở thành một phương tiện chiến tranh phe phái…

(6) Về lý luận, đảng muốn đề ra lý thuyết, khẩu hiệu gì của đảng cũng được, dân không quan tâm đâu. Nhưng đề ra những thứ mà làm hụt mất tiền của dân thì nên bãi bỏ. Ví dụ hô càng to “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì dân mất hàng ngàn tỷ (cho đến nay) vì thế giới đa phần không công nhận nước ta là kinh tế thị trường, do đó hàng hoá xuất khẩu ra các nước phải chịu áp đặt thuế suất cao, bị trừng phạt thương mại, dân thiệt chứ đảng nào thiệt? Nếu khôn hơn thì nên hô thật to “xây dựng kinh tế thị trường kiểu (theo đặc thù) Vit nam” là đủ rồi. Đặc thù VN là định hướng lên thiên đường … cũng được, nhưng cần gì phải nói ra cái chưa biết đó cho mất tiền oan.

Vĩ thanh

Việc chế độ độc tài toàn trị thì theo quy luật là không bền vững, sẽ sụp đổ để chuyển sang dân chủ văn minh là tất yếu, không trước thì sau thôi. Nhưng lúc này nó vẫn có lợi cho sự tăng tốc kinh tế. Ta phải tìm cách làm sao để tận dụng lợi thế này, càng đẩy mạnh độc tài thông minh càng mau đến chuyển đổi. 

Hy vọng là sau thời gian ngắn (cũng phải tính bằng thập kỷ) khi thế hệ thứ 4 tính từ 1975 (tức là gen50) nắm quyền thì có thể Hiến pháp dân chủ 1946 được tái lập, CHXHCNVN sẽ trở lại VNDCCH 1946… Từ đó mà đi vào thế giới Dân chủ, Phồn vinh.

T.G.N.

Nguồn: FB Gia Ninh Trần

 

This entry was posted in Phát triển kinh tế, Quản trị xã hội, Thể chế chính trị. Bookmark the permalink.