Charmaine Misalucha-Willoughby | ThinkChina ngày 26 tháng 3 năm 2024
Biên dịch: Lê Bá Nhật Thắng | Hiệu đính: Hương Nguyễn
Rào chắn chống đổ bộ trên bãi biển Kim Môn đối mặt với Trung Quốc. Ảnh: Chi Hui Lin/The Guardian
Vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, một tàu đánh cá Trung Quốc đã đi vào vùng biển bị hạn chế xâm nhập của Đài Loan ngoài khơi Kim Môn. Cơ quan Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) đã cố gắng ngăn chặn tàu Trung Quốc, nhưng chiếc tàu này lại tìm cách trốn thoát bằng cách di chuyển dích dắc. Khi bẻ lái, tàu cá trên va chạm với tàu tuần tra CGA và bị lật úp. Hai trong số bốn ngư dân đã thiệt mạng trong vụ việc.
Vài ngày sau, người phát ngôn tại Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc (TAO) nói: “Chưa bao giờ có khái niệm gọi là ‘vùng cấm’ hoặc ‘vùng nước bị hạn chế’ trong các ngư trường”. Sau đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố tăng cường tuần tra xung quanh Kim Môn, và Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã lên một tàu du lịch để kiểm tra. Vụ việc gây hoang mang vì đây là hành động bất thường kể từ khi Đài Loan thiết lập vùng biển cấm và hạn chế gần đảo Kim Môn và Mã Tổ vào đầu những năm 1990. Đến ngày 21 tháng 2 năm 2024, hai tàu CCG và một tàu giám sát Trung Quốc được phát hiện gần đảo Mã Tổ của Đài Loan.
Những hành động này của Trung Quốc không mới. Trong những năm qua, Trung Quốc hiện diện tại các hòn đảo của Đài Loan để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và nạo vét cát. Được coi là vũ khí mới trong chiến thuật vùng xám của mình, Trung Quốc đã và đang nạo vét ở vùng nước nông gần đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan. Năm 2020, Đài Loan báo cáo số lượng tàu nạo vét cát và tàu vận chuyển cát của Trung Quốc bị trục xuất khỏi vùng biển của họ tăng 560%. Ngoài những hoạt động này, Trung Quốc còn sử dụng các tàu nghiên cứu để đi vòng quanh Đài Loan và thu thập thông tin tình báo. Những tàu này thu thập dữ liệu về môi trường biển vốn rất quan trọng đối với nghiên cứu thương mại và phi quân sự, nhưng chúng cũng có tính lưỡng dụng và có thể hỗ trợ tình báo quân sự.
Chiến thuật tương tự được áp dụng trong các cuộc giao tranh với Philippines
Bất chấp những hoạt động này, Trung Quốc vẫn cho rằng mình là bên bị hại trong vụ lật thuyền. Với hai người thương vong, điều này là dễ hiểu. Tuy nhiên, mỉa mai thay, [điều này cũng có nghĩa là] việc thực thi quyền tài phán của Đài Loan đã bị Trung Quốc lợi dụng để định hình câu chuyện thách thức các vùng biển bị hạn chế được phân định trong Đạo luật Xuyên Eo biển năm 1992. Trung Quốc từng sử dụng chiến thuật tương tự ở Philippines.
Vào ngày 23 tháng 3, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đang thực hiện nhiệm vụ luân phiên và tiếp tế định kỳ cho tiền đồn trên tàu mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Các tàu của CCG và lực lượng dân quân biển Trung Quốc sau đó đã triển khai các cuộc diễn tập, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng, qua đó gây thiệt hại cho các tàu tiếp tế và làm bị thương nhân viên Philippines.
Trung Quốc lên án Philippines “xâm phạm” vùng biển của Trung Quốc và “cố tình phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, bất chấp phán quyết trọng tài năm 2016 xác định các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử là không có hiệu lực pháp lý. Trên thực tế, Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vụ việc mới nhất này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên của cộng đồng quốc tế. Trong những diễn biến mới nhất vào ngày 25 tháng 3, Bộ Ngoại giao của các bên đã đưa ra những “cảnh báo” cho bên còn lại.
Các tranh chấp trước đây giữa hai nước cũng nhiều lần liên quan đến PCG và CCG ở nhiều nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Trước sự cố ngày 23 tháng 3, tờ Manila Times đã đăng bài viết dẫn lời một quan chức Trung Quốc cáo buộc Philippines đã phớt lờ đề xuất của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines. Trung Quốc muốn Philippines ngừng vận chuyển vật liệu nâng cấp cho Sierra Madre và đổi lại, nước này sẽ cho phép một tàu Philippines đi qua trong các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên. Hình như cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã thực hiện thỏa thuận ngầm này với Trung Quốc.
Bài báo cũng nhấn mạnh việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr không có động thái nào đối với 11 tài liệu mà Trung Quốc gửi đến Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố đáp lại bài báo của Manila Times. Chính phủ nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán song phương là bí mật và các đề xuất của Trung Quốc không thể được xem xét nếu vi phạm hiến pháp Philippines hoặc các cam kết của nước này đối với luật pháp quốc tế. Thật rõ ràng, Trung Quốc đang sử dụng lịch sử và luật pháp quốc tế theo quan điểm riêng của mình để khởi đầu một câu chuyện trong đó họ là bên bị hại.
Định hình câu chuyện
Một ví dụ cuối cùng về cách các sự kiện được vũ khí hóa là những ngày đầu Nga xâm chiếm Ucraina. Phản ứng tức thì của nhiều người Philippines trên mạng xã hội là giữ thái độ trung lập, điều mà Tổng thống Duterte khi đó đã tận dụng để ngăn đất nước trở thành con tốt của phương Tây. Theo logic này, việc không đứng về phía nào được coi là điều đáng ngưỡng mộ khi đứng lên chống lại phương Tây. Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng đưa ra một kịch bản tương tự, khẳng định rằng Philippines nên giữ thái độ trung lập trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc và chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Đi xa hơn, diễn ngôn này còn gợi ý rằng việc liên kết với Hoa Kỳ – mặc dù là đồng minh lâu đời – sẽ chỉ gây bất lợi cho Philippines. Trong bối cảnh này, nếu Trung Quốc bị coi là hành xử quyết đoán ở Biển Đông thì đó chỉ là do nước này không còn lựa chọn nào khác. Những nước khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Philippines, phải chịu trách nhiệm vì đã thách thức Trung Quốc và khiến họ buộc phải tự vệ. Cách kể chuyện này còn ngụ ý rằng vì tất cả các cường quốc đều hoạt động theo logic tổng bằng không, nên ít nhất Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia thực dân. Do đó, một quốc gia như Philippines, nơi có những vết sẹo thuộc địa sâu sắc từ Hoa Kỳ, tốt hơn hết nên hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau chống lại phương Tây.
Nói tóm lại, Trung Quốc tự miêu tả mình là một chủ thể hiền lành, dù thường là nạn nhân của sự hiểu lầm, ví dụ như những tương tác thân thiện của nước này thường bị nhầm lẫn với những hành động tương đương với việc lật đổ trật tự lâu đời dựa trên quy tắc
Những ví dụ này cho thấy các quốc gia có thể dễ dàng thao túng và sử dụng cách kể chuyện như thế nào để có lợi cho mình.
Lời nói là công cụ đắt giá và những câu chuyện có tầm vóc của riêng nó. Lời nói, câu chuyện và cách kể chuyện có thể định hình các cuộc thảo luận và thúc đẩy các chính sách đối ngoại theo những hướng cụ thể. Nếu có một bài học từ những sự việc trên thì đó là một quốc gia cần phải hoạch định cẩn thận đường lối của mình trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc thiết lập một câu chuyện cần gắn với tính chiến lược. Nếu chỉ dựa trên phản ứng tức thời, các quốc gia có thể sẽ rơi vào tình thế bất lợi.
Lập trường của Đài Loan cho đến nay vẫn là ủng hộ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Câu chuyện của Philippines dưới thời Duterte phù hợp với nhận thức mà Trung Quốc mong muốn, còn chính quyền Marcos hiện tại liên kết với Hoa Kỳ nhiều hơn. Trong khi đó, việc Trung Quốc sử dụng cách diễn giải lịch sử và luật pháp quốc tế của riêng mình để tạo lợi thế có vẻ như đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đối với các quốc gia, sự hiệu quả trong việc bóp méo các câu chuyện trước dư luận trong nước và quốc tế có thể không đem lại hiệu quả vô hạn.
C.M.W.
———-
Charmaine Misalucha-Willoughby là Phó Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, Manila. Bài viết gốc được đăng trên trang ThinkChina ở https://www.thinkchina.sg/kinmen-south-china-sea-weaponising-narratives.
Lê Bá Nhật Thắng và Th.S Hương Nguyễn lần lượt là ứng viên cộng tác và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông