Bị kiện tại Mỹ với cáo buộc thổi phồng thông tin, VinFast phản hồi như thế nào?

BBC

Một cổ đông đã có đơn kiện tập thể nhằm vào VinFast liên quan đến các tài liệu mà công ty xe điện của Việt Nam đệ trình để niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, theo thông tin từ công ty luật Robbins.

Chụp lại hình ảnh: Hình ảnh xe điện VinFast tại triển lãm xe Los Angeles Auto Show vào ngày 17/1/2021 tại MỹNguồn hình ảnh: Patrick T. Fallon/Afp/Getty Images

Công ty luật Robbins – tên đầy đủ là Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ – đang phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast.

Phản hồi với BBC News Tiếng Việt, công ty xe điện Việt Nam nói cáo buộc nhằm vào họ là “vô căn cứ”.

Cáo buộc điều gì?

Vào ngày 12/4, Robbins đã thông báo cho các nhà đầu tư việc một cổ đông đã phát đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast.

Theo đó, cổ đông này đã phát đơn kiện, đại diện cho tất cả cá nhân hoặc pháp nhân đã mua hoặc giành được quyền sở hữu (thông qua hình thức khác) cổ phiếu của VinFast Auto Ltd. Inc. (mã Nasdaq: VFS) trong một số giai đoạn của năm 2023 và 2024.

Đơn kiện cáo buộc công ty xe điện của Việt Nam đã không trung thực về năng lực tài chính trong quá trình đệ trình hồ sơ cho phi vụ sáp nhập trước khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Vụ kiện đưa ra cáo buộc VinFast và một số quan chức điều hành, giám đốc cũ hoặc đương nhiệm của VinFast đã vi phạm Đạo Luật Chứng khoán năm 1933 (Securities Act of 1933) và/hoặc Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 (Securities Exchange Act of 1934) của Mỹ.

Theo nội dung vụ kiện mà công ty luật Robbins đăng tải vào ngày 12/4, các cáo buộc bao gồm, trước và sau vụ sáp nhập, VinFast đã thổi phồng tiềm năng của công ty, tuyên bố về mục tiêu hoàn thành các chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, và bên cạnh đó, “tiếp nối dấu ấn tăng trưởng toàn cầu tại các khu vực kỳ vọng có nhu cầu xe điện”, và tuyên bố doanh số kỳ vọng “giao số lượng xe điện từ 40.000 đến 50.000 chiếc trong năm tài khóa 2023”.

Tuy nhiên, theo nội dung đơn kiện, vào ngày 18/1/2024, VinFast đã công bố số lượng xe điện bàn giao trong Quý 4 năm 2023 thấp hơn mục tiêu đã được đề ra trước đó. 

Kết quả là cổ phiếu VinFast đã bị sụt giảm 2% gần xuống mức 5,64 USD mỗi cổ phiếu, sụt giảm 84,78% nếu so với mức giá 37,06 USD vào ngày 15/8/2023 khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau phi vụ sáp nhập, theo nội dung đơn kiện.

Nguyên đơn cáo buộc hồ sơ VinFast đã không cung cấp các nội dung sau đây:

– VinFast thiếu nguồn vốn để thực thi chiến lược tăng trưởng như kế hoạch.

– VinFast không thể thực hiện mục tiêu giao xe năm 2023.

– Do đó, VinFast đã thổi phồng sức mạnh của mô hình kinh doanh và năng lực hoạt động của mình, cũng như kinh doanh hậu sáp nhập và các viễn cảnh tài chính.

– Các tài liệu cung cấp và tuyên bố công khai của Vinfast trong suốt quá trình là sai lệch về nội dung hoặc gây hiểu sai.

Kiện tập thể là gì?

Tại Mỹ, kiện tập thể (class action) là một hình thức khiếu kiện quan trọng, trong đó một nhóm cùng chịu thiệt hại tương tự nhau, hoặc có yêu sách pháp lý chung tương tự nhau, sẽ cùng đệ trình vấn đề của mình ra tòa với tư cách là đại diện cho một nhóm lớn hơn (được gọi là tập thể, hay “class”).

Các vụ kiện tập thể được điều chỉnh theo Luật 23 (Rule 23) trong Quy trình Tố tụng Dân sự Liên bang (Federal Rules of Civil Procedure) hoặc các quy định tương tự ở cấp bang.

Để có thể thực hiện một vụ kiện tập thể, nguyên đơn bắt buộc phải hội đủ các điều kiện dưới đây (ở đây chỉ dẫn một số tiêu chí cơ bản):

– Số lượng lớn: Số lượng các cá nhân của tập thể phải đủ lớn tới mức việc tất cả các thành viên cùng đứng ra kiện là không khả thi, do đó cần có cơ chế đại diện đi kiện.

– Tính đại diện: Yêu sách từ các đại diện của tập thể phải mang tính đặc trưng, đại diện cho yêu sách của cả tập thể.

– Tư cách đại diện: Các đại diện tập thể phải đảm bảo đủ tư cách và sự công bằng khi đại diện cho lợi ích của tập thể.

– Chứng nhận: Tòa án phải chứng nhận tập thể đó, xác định rằng tập thể đó hội đủ các yêu cầu của một vụ kiện tập thể.

Các vụ kiện tập thể thường được tiến hành trong nhiều trường hợp, như lừa đảo người tiêu dùng, lừa đảo chứng khoán, tranh chấp về sử dụng lao động,…

Nếu kiện thắng, “chiến lợi phẩm” sẽ được chia cho các thành viên của tập thể theo một kế hoạch được tòa án duyệt.

VinFast phản hồi như thế nào?

Liên quan đến cáo buộc trên, Công ty VinFast từ Việt Nam đã phản hồi với BBC News Tiếng Việt ngày hôm nay 16/4 như sau: 

“Cáo buộc này là vô căn cứ. VinFast hoạt động theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, luôn tuân thủ pháp luật cũng như quy định tại các thị trường mà Công ty đang hiện diện. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm”.

VinFast niêm yết trên Nasdaq theo SPAC

Chụp lại hình ảnh: VinFast đã lên sàn Nasdaq thông qua một “công ty rỗng”. Ảnh chụp sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở thành phố New York, Mỹ vào ngày 24/1/2023. Nguồn hình ảnh: Eduardo Munozalvarez/Viewpress

Vào ngày 12/5/2023, theo một nghị quyết mà Vingroup gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Việt Nam), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thì Hội đồng Quản trị tập đoàn đã thông qua giao dịch sáp nhập theo hình thức de-SPAC giữa VinFast Auto Pte. Ltd, Nuevo Tech Limited và Black Spade Acquisition Co với mục đích niêm yết cổ phần phổ thông của VinFast tại Mỹ.

Vào tháng 8/2023, VinFast đã phát hành đại chúng bằng cách sử dụng một công ty ‘rỗng’ (shell company) thông qua sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special Purpose Acquisition Company – SPAC) là công ty Black Spade Acquisition, vốn đã được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Ngày 14/8/2023 theo giờ Mỹ, tức 15/8/2023  giờ Việt Nam, VinFast và Black Spade Acquisition đã công bố hoàn tất hợp nhất kinh doanh.

SPAC là loại công ty thường được những công ty khởi nghiệp sử dụng để đẩy nhanh quy trình niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. 

Hiểu một cách đơn giản, điều này có nghĩa là sáp nhập một công ty chưa được niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán với một công ty đã được niêm yết.

Vào ngày 15/8/2023 theo giờ Mỹ, tức ngày 16/8/2023 giờ Việt Nam, VinFast đã chính thức “rung chuông” trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Trước đó, Vingroup đã đưa ra thông cáo chính thức vào ngày 10/8/2023 về vụ hợp nhất:

“Ngày 10/08/2023 – VinFast Auto Pte. Ltd. (‘VinFast’) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (‘Black Spade’) công bố Cổ đông Black Spade đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh tại Đại hội Cổ đông Đặc biệt (‘EGM’) diễn ra vào ngày 10/08/2023.

Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (‘SEC’).

Giao dịch hợp nhất dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/08/2023. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (‘Nasdaq’) vào, hoặc khoảng, ngày 15/08/2023, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là ‘VFS’ và ‘VFSWW’”.

Trong giao dịch này, “VinFast được định giá với giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu 23 tỷ USD”, theo thông cáo của Vingroup hồi tháng 7/2023.

Vào ngày 15/8/2023 theo giờ Mỹ, khi được niêm yết trên sàn Nasdaq, giá trị vốn hóa của VinFast là 23 tỷ USD. Công ty tuyên bố có thể huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu trong vòng 18 tháng tiếp theo.

Khi đó, giá cổ phiếu trong phiên mở cửa giao dịch ngày đầu tiên là 22 USD, cao hơn gấp đôi so với 10 USD mỗi cổ phiếu đã đồng thuận với đối tác Black Spade Acquisition.

Một số nét về tình hình của VinFast

Chụp lại hình ảnh, Xe điện VF-8 của VinFast được trưng bày tại Santa Monica, California vào tháng 9/2022Nguồn hình ảnh: Apu Gomes/Afp/Getty Images

Công ty luật Robbins kêu gọi các nhà đầu tư là nguyên đơn chính hợp pháp trong vụ kiện tập thể nhằm vào VinFast hãy liên lạc với công ty này để đệ đơn lên tòa án trước ngày 11/6. 

Nguyên đơn chính là người đại diện cho các bên đi kiện trong quá trình kiện tụng của một vụ kiện tập thể.

BBC News Tiếng Việt đã email đến công ty luật Robbins để có thêm thông tin.

VinFast có công ty mẹ là tập đoàn VinGroup. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup.

Từ tháng 1/2024, ông Vượng kiêm chức tổng giám đốc (CEO) của công ty sản xuất xe điện VinFast, thay bà Lê Thị Thu Thủy, người chuyển sang làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang “trực tiếp điều hành các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường” của VinFast, theo thông cáo từ công ty. 

Hồi tháng 2/2024, VinFast đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ với kỳ vọng đi vào sản xuất xe trước thời điểm giữa năm 2025.

Việc sản xuất trước hết là để phục vụ thị trường nội địa và sau đó là hướng đến xuất khẩu, Tổng Giám đốc điều hành VinFast tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nói với Reuters. 

Ông Châu là cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.

Hiện Vingroup đang phải đối mặt với những rủi ro tài chính ngày càng tăng do công ty con VinFast thua lỗ, bất chấp kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng, theo phân tích của Reuters ngày 12/4 dựa trên hồ sơ chứng khoán gần đây và thông tin do công ty cung cấp.

Reuters cho biết VinFast lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua.

Ông Phạm Nhật Vượng đã công bố tặng 1 tỷ USD cho VinFast vào cuối tháng 4/2023 từ nguồn tài sản cá nhân và từng tuyên bố “Vingroup quyết định làm VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước”.

Vingroup cũng đã triển khai dịch vụ Taxi Xanh SM (GSM) bằng xe điện VinFast từ tháng 4/2023. GSM chính là một trong những khách hàng mua xe điện VinFast nhiều nhất.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in Vinfast. Bookmark the permalink.