Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo từ chức, chuyển quyền cho cấp phó

BBC

15 tháng 4 2024

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore thông báo sẽ rời nhiệm sở vào ngày 15/5/2024. Lên thay ông sẽ là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong.

Chụp lại hình ảnh: Thủ tướng Lý Hiển Long (trái) sẽ từ nhiệm vào tháng 5; Phó Thủ tướng Lawrence Wong lên thay. Nguồn hình ảnh: Getty Images

Văn phòng Thủ tướng Singapore hôm nay (15/4) đã thông báo: “Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Ông sẽ chính thức tham mưu cho Tổng thống bổ nhiệm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong kế nhiệm ông. Phó Thủ tướng Wong nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nghị sĩ Đảng Hành động Nhân dân”.

Ông Lý Hiển Long, sinh 1952, làm thủ tướng Singapore từ ngày 12/8/2004.

Ông là con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã làm thủ tướng Singapore trong 31 năm 176 ngày, từ năm 1959 đến 1990.

Ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015.

Ông Lawrence Wong sinh năm 1972, làm phó thủ tướng từ năm 2022 và bộ trưởng Tài chính từ năm 2021. Tên tiếng Hoa của ông là Hoàng Tuần Tài.

Theo Văn phòng Thủ tướng Singapore, tân thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 15/5/2024 tại Istana, tức Phủ Tổng thống Singapore.

Đây là lần đầu tiên quốc đảo Singapore có sự thay đổi lãnh đạo trong 20 năm qua.

Trước đó, ông Lý Hiển Long, 72 tuổi, từng nói rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trước ngày 21/11/2024, đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập của đảng cầm quyền – Đảng Hành động Nhân dân (PAP).

Sau khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông Lawrence Wong sẽ dẫn dắt PAP tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2025.

Đảo quốc Singapore tổng cộng đã có ba thủ tướng kể từ khi giành độc lập vào năm 1965 và tất cả đều có thời gian tại vị tương đối lâu, bao gồm: ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng từ 1959 đến 1990; ông Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) làm thủ tướng từ 1990 đến 2004; ông Lý Hiển Long làm thủ tướng từ năm 2004 đến nay.

Ông Lý Hiển Long là con trai của ông Lý Quang Diệu – vị thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Ông Lý Hiển Long từng dự tính rời cương vị thủ tướng, nhường lại sự lãnh đạo lại cho đội ngũ “thế hệ thứ tư” (4G) của PAP vào năm 2022, trước khi ông tròn 70 tuổi.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi kế hoạch này, ông Lý cho biết.

Tháng 4/2022, ông Lawrence Wong được ủng hộ trở thành lãnh đạo của đội ngũ thế hệ thứ tư.

Kể từ đó, ông bắt đầu tham gia định hình các chính sách chủ chốt và đường lối ngoại giao của đất nước. Ông cũng kiêm chức vụ Bộ trưởng Tài Chính Singapore.

Lawrence Wong là ai?

Chụp lại hình ảnh: Ông Lawrence Wong (phải) dẫn Hoàng tử William, Thân vương xứ Wales, tham quan phong cảnh thiên nhiên của Singapore vào tháng 11/2023Nguồn hình ảnh: Getty Images

Ông Lawrence Wong, 52 tuổi, sinh tại Singapore, nhưng có gốc gác Hải Nam, Trung Quốc.

Ông là Phó Tổng thư ký Đảng Hành động Nhân dân.

Lawrence Wong không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa. Cha ông là một người bán hàng cấp quản lý còn mẹ là giáo viên tiểu học.

Lawrence Wong học ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ theo chương trình học bổng của Ủy ban Dịch vụ Công Singapore.

Ông từng là chánh thư ký của Thủ tướng Lý Hiển Long từ năm 2005 đến năm 2008.

Năm 2011, ông chính thức bước vào chính trường sau khi được bầu làm đại biểu khu vực Boon Lay, thuộc đơn vị bầu cử West Coast (Tây Hải Ngạn).

Chức vụ chính trị đầu tiên của ông là quốc vụ khanh giáo dục và quốc phòng.

Quá trình thăng tiến của ông Lawrence Wong được đánh giá là chậm mà chắc, qua nhiều cấp bậc với các chức vụ ở nhiều bộ khác nhau, gồm cả Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, nơi ông được bổ nhiệm làm quyền bộ trưởng hồi năm 2012 và được chính thức giữ chức bộ trưởng sau hai năm.

Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2015, ông chuyển sang tranh cử ở đơn vị bầu cử Marsiling-Yew Tee mới thành lập.

Sau cuộc bầu cử, ông giữ chức bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia từ năm 2015 cho đến tháng 7 năm 2020.

Tới năm 2021, vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông Heng Swee Keat đã được trao cho Lawrence Wong. Một điều đáng chú ý, ông Lý Hiển Long và người tiền nhiệm Goh Chok Tong đều từng là bộ trưởng tài chính trước khi lên làm thủ tướng.

Trong đại dịch Covid-19, ông Lawrence Wong được đánh giá là đã có những thành công khi đảm nhận vị trí đồng chủ tịch một hội đồng mà sau này gọi là lực lượng đặc trách chống Covid-19. Giới chuyên gia đánh giá rằng đây là cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông.

Phó Thủ tướng Lawrence Wong được đánh giá là người “bình tĩnh trong suốt cuộc khủng hoảng khi ông đứng ra giải thích các chính sách một cách rõ ràng và điềm đạm”, theo Strait Times.

Báo chí Singapore còn mô tả ông là một người yêu âm nhạc. Ông hay chơi đàn ghita từ năm 8 tuổi và đã có những video vị phó thủ tướng đàn hát được lan truyền trên mạng xã hội.

Ông cũng là người có niềm đam mê xe phân khối lớn và yêu chó.

Lý Hiển Long dưới bóng người cha Lý Quang Diệu

Chụp lại hình ảnh: Ông Lý Quang Diệu (trái) chúc mừng con trai lúc ông Lý Hiển Long vừa nhậm chc thủ tướng vào năm 2004. Nguồn hình ảnh: Roslan Rahman/Afp/Getty Images

Ông Lý Hiển Long là con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Ông từng là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học danh tiếng Cambridge và Harvard và đã trở thành chuẩn tướng trẻ nhất trong lịch sử quân đội Singapore trước khi bước chân vào chính trường ở tuổi 32 vào năm 1984.

Ông Lý Hiển Long được bổ nhiệm vào chức vụ quốc vụ khanh thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp và Bộ Quốc phòng vào tháng 12 năm 1984.

Ông trở thành quyền Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp năm 1986 và sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông trở thành Phó Thủ tướng khi ông Goh Chok Tong đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Singapore tháng 11/1990. Tháng 8/2004, ông Lý Hiển Long lên làm thủ tướng.

Di sản trong thời kỳ lãnh đạo của ông rất rộng lớn và phức tạp, nhưng về chính sách đối ngoại thì rõ nét nhất là cách nhìn nhận vai trò Mỹ và Trung Quốc.

Trên cương vị thủ tướng, ông giữ quan hệ hòa hảo với Trung Quốc và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Ông Lý Hiển Long còn đề ra chính sách khuyến khích học giả Singapore đến Trung Quốc học tập, nhưng nhiệm kỳ của ông cũng có những giai đoạn căng thẳng với cường quốc châu Á này, nhất là về vấn đề Biển Đông.

Chính quyền của ông Lý cũng được coi là bày tỏ lập trường thân Mỹ khi lên án Nga xâm lược Ukraine và tăng cường quan hệ quân sự với Washington.

Năm 2020, ông Lý Hiển Long đã cảnh báo về cuộc đối đầu Mỹ – Trung và nói châu Á không muốn bị buộc phải chọn phe. Ông chỉ ra rằng Mỹ không thể thay thế vai trò cung cấp hàng hóa số một của Trung Quốc và Trung Quốc cũng không thể thay thế vai trò kinh tế của Mỹ ở châu Á.

Ông Lý Hiển Long cũng nhắc nhiều đến vai trò trung lập của ASEAN, muốn hòa hiếu với cả hai “người khổng lồ” và cho rằng thành công của các nước châu Á, cũng như tương lai của Thế kỷ châu Á, sẽ tùy thuộc rất nhiều vào việc Mỹ và Trung Quốc có khắc phục được khác biệt, xây dựng niềm tin và cùng làm việc vì trật tự thế giới hòa bình hay không.

Chụp lại hình ảnh: Ông Lý Hiển Long và vợ, bà Hà Tinh, một nhân vật đầy quyền lực trong doanh giới. Nguồn hình ảnh: Suhaimi Abdullah/Getty Images

Là con của nhà lập quốc Lý Quang Diệu, sự nghiệp chính trị của ông Lý Hiển Long dường như luôn bị ám ảnh với những cáo buộc về gia đình trị không chỉ từ người ngoài mà còn từ trong chính gia đình mình.

Hai em của ông Lý Hiển Long từng lên án anh trai mình lạm quyền và không nghe theo di nguyện của cha.

Năm 2016, kỷ niệm ngày mất của cha, em gái ông Lý Hiển Long là bà Lý Vỹ Linh đã cáo buộc ông lợi dụng di sản của cha.

Năm 2017, bà tiếp tục lên tiếng nói không còn tin tưởng sự lãnh đạo đất nước của anh trai và cho rằng anh trai mình nuôi tham vọng chính trị cho con trai.

Tháng 3/2017, ông Lý Hiển Long đã bác bỏ cáo buộc của hai người em về chủ nghĩa gia đình trị liên quan đến vợ ông là Hà Tinh và con trai ông, Lý Hồng Nghị.

Cậu con trai này sau đó đã đăng trên Facebook rằng mình không có hứng thú với chính trị.

Sau đó, trước Quốc hội, ông Lý Hiển Long đã nhắc lại điều này và nói rằng “Tôi cũng không ép con mình tham gia chính trị”.

Cuối tháng 5/2019, Thủ tướng Lý Hiển Long có bài viết trên Facebook về cựu Thủ tướng Thái Lan Prayut Cha-o-cha. Trong đó, ông viết rằng giai đoạn ông Prayut làm thủ tướng trùng với thời gian mà năm thành viên của ASEAN (khi đó có năm nước) cùng nhau đồng lòng “chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia”.

Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phê phán phát ngôn của ông Lý Hiển Long và cho biết đã làm việc với Bộ Ngoại giao Singapore.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Singapore. Bookmark the permalink.