Mô hình giáo dục cổ chày

Thái Hạo 

Thật bi hài. Ngày xưa, thời tụi mình, ai đậu đại học thì làm cỗ mời làng; nay đậu lớp 10 mới mở tiệc, đại học chả ai quan tâm nữa. Nhưng mà lên lớp 10 rồi thì lại có nghĩa là sẽ đậu đại học (nếu muốn). Mà khổ nỗi, khó vào công lập thì đi học nghề, học bổ túc, học tư thục – rồi tất cả lại cũng cùng rủ nhau vào đại học.

Nghĩa là con “đường giáo dục” của Việt Nam bây giờ trông như một cái chày, bỗng dưng bị thắt nghẹn lại ở giữa, còn hai đầu thì nở tè le. Quả là một mô hình độc đáo.

Nhìn kỹ hơn, không chỉ thắt ở duy nhất một điểm, mà thắt tùy tiện, có khi vào lớp 1, lớp 6 cũng đều là những cái nút, bị ứ lại. Nó cứ thắt như đột ngột bị bóp cổ vậy. Cho đến khi đứng trước cổng lớp 10 thì bóp một phát chí mạng, như muốn tắt thở luôn.

Một cuộc chiến thi lên lớp 10 diễn ra vô cùng khốc liệt, nhưng thực chất là ảo, là giả tạo. 

Vì sao? 

Vì chưa thi đã bị “mời làm việc”, bị ngăn, bị dọa, bị cấm. Vì chả có cái gì giống như “phân luồng, hướng nghiệp” ở đây cả. Thiếu trường, thiếu lớp, và sống chết mặc bay. Cả xã hội loạn lên, chen lấn, dẫm đạp nhau trong vài tháng, xong rồi ai cũng trầy vi tróc vảy, bơ phờ, tơi tả. Kẻ vào được công thì cũng thương tích đầy mình, nhưng vuốt mồ hôi cười ngạo nghễ; đứa đi bổ túc hay tư thục thì “ồ, cũng chả sao”. Rồi hết 12 thì cả công cả tư đều rủ nhau đi thi đại học, sau 4 năm thì ra, thất nghiệp đầy đường.

Nhưng cái nút cổ chày kia (cùng với biết bao thứ phản giáo dục suốt hàng chục năm liên tục giáng lên thân) thì kinh khủng, nó để lại di chứng vĩnh viễn trong tâm lý và nhân cách của tất cả. Méo mó, dị dạng và thương tổn suốt đời. Cha mẹ cũng phát bệnh lên, cả một xã hội bấn loạn, không hiểu vì sao…

T.H.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam. Bookmark the permalink.