Sạn chữ (*) (Kỳ I và Kỳ II)

Thái Hạo

Kỳ 1 - Sách giáo khoa Tiểu học – sai dấu câu

[Bài đầu tiên của mục Sạn chữ xin bắt đầu từ “sạn” trong sách giáo khoa Tiểu học, cấp học quan trọng và là đặt nền móng cơ sở cho việc sử dụng tiếng Việt của mọi người Việt]

Trong sách giáo khoa cấp Tiểu học, tôi lấy làm ngạc nhiên về cách viết các loại dấu câu. Trừ dấu chấm (.), dấu phẩy (,), và dấu ba chấm (…) là viết sát vào chữ liền trước, còn các dấu còn lại như dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu 2 chấm (:), dấu chấm phẩy (;) đều viết tách ra. Nếu là viết trên máy tính thì nó tương ứng với một lần gõ phím spacebar. Xin xem hình, chụp bài đầu tiên trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5, tập hai, Nxb Giáo dục, 2021.

Tất cả các sách Tiểu học mà hiện nay đang còn được áp dụng cho lớp 5 đều thống nhất cách viết dấu câu như đã nêu trên, chứ không phải chỉ riêng môn Tiếng Việt. Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ, khi lên cấp THCS thì tất cả các sách giáo khoa lại đồng loạt thay đổi: dấu câu được viết sát vào chữ liền trước.

Như chúng ta biết, dấu câu trong văn bản luôn phải được viết sát vào chữ liền trước. Nếu như trên đây là quy tắc mới để từ đó toàn bộ các văn bản tiếng Việt đều được được thay đổi cách viết dấu câu thì còn hiểu được, nhưng đằng này nó lại chỉ áp dụng cho cấp Tiểu học, và sau đó thì không dùng lại nữa. Còn nữa, tất cả các sách của mọi môn học thuộc bộ sách này đều viết như thế, nhưng sang bộ sách của Chương trình mới (2018) thì lại đồng loạt bỏ đi quy tắc ấy. Lý do nào đằng sau việc quyết định áp dụng và không áp dụng những quy tắc viết dấu câu này ở các cấp học và các bộ sách khác nhau?

Rõ ràng, cách viết dấu câu của bộ sách Tiểu học này vừa sai, vừa thiếu thống nhất và gây khó khăn cho việc dạy và học. Cách viết này không những sai với quy tắc của văn bản tiếng Việt mà còn xa lạ với “thông lệ quốc tế”(**) khi chúng ta thấy các văn bản tiếng Anh cũng không viết như thế.

Tiểu học là cấp học đầu tiên, dạy những kiến thức cơ bản nhất, giúp học sinh làm quen và bắt đầu biết viết tiếng Việt. Nhưng nếu ngay từ đầu đã bị dạy sai/ dạy tùy tiện một cách có hệ thống thì sau này việc sửa chữa sẽ rất vất vả; học sinh cũng không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, và sai đúng dựa trên tiêu chuẩn nào.

Các tác giả của bộ sách giáo khoa Tiểu học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Giáo Dục và các bên liên quan phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi ‘Vì sao lại có cách viết dấu câu khác lạ như vậy?’. Một thực tế đã tồn tại hàng chục năm và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học trò trên cả nước, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Hiện nay, khi đọc báo, và nhất là mạng xã hội, chúng ta luôn có thể bắt gặp cách viết dấu câu một cách tùy tiện như thế (bị cách ra khỏi chữ liền trước, thậm chí là viết sát vào chữ liền sau). Phải chăng, do sách giáo khoa và cách dạy viết các loại dấu câu trong nhà trường một cách không đúng chuẩn mực và thiếu nhất quán đó đã góp phần tạo ra tình trạng này?

T.H.

* Chúng tôi quyết định đổi cái tên đã dự kiến là “Nhặt sạn trên báo” thành “Sạn chữ” để có thể đề cập đến một phạm vi xuất bản phẩm rộng hơn, thay vì chỉ trên lĩnh vực báo chí.

** Thông lệ này đúng với tiếng Anh chứ không đúng với tiếng Pháp. Nhưng khi tôi tham khảo một số trang tiếng Pháp cũng thấy dấu câu không được viết tách ra nên đã đưa ra nhận định đây là thông lệ chung của quốc tế.

Có thể là hình ảnh về văn bản

 

Kỳ 2 - Về cách dùng chữ ‘tội’ trên báo chí

Mỗi khi có một vụ bắt người, báo chí sẽ đưa tin. Cấu trúc của tiêu đề thường là “Bắt ông A vì tội B”. Ví dụ gần nhất, hàng loạt báo chạy tít: “Bắt Shark Thủy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”/ “Shark Thủy bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Vậy cách viết/ nói này đúng hay sai, và nếu sai thì sai như thế nào?

Như chúng ta đã biết, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Nhưng, với thói quen của mình, mỗi khi một người bị bắt, báo chí thường vô tư viết “bắt vì TỘI”, đó là cách dùng từ không chính xác. Người bị bắt chưa phải là người có tội, chỉ đến khi có một bản án đã có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên, khi đó họ mới bị coi là có tội. Với việc “vô tư” dùng chữ “tội”, báo chí đã vô tình hay cố ý thay mặt tòa kết án một người. Mặc nhiên coi họ là những người đã có tội.

Xét một cách sâu hơn, đây không chỉ đơn thuần là việc dùng từ thiếu chính xác; mà nghiêm trọng, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công khai kết luận người khác có tội, trong khi điều đó không thuộc thẩm quyền của mình và chưa có một phán quyết của tòa án, như Điều 13 đã quy định.

Khi gõ từ khóa “bắt vì bị cáo buộc” vào thanh tìm kiếm, trong 0,31 giây Google cho ra 34.500 kết quả; nhưng gõ “bắt vì tội” thì con số là 421.000 kết quả chỉ trong 0,25 giây, lớn hơn gấp hơn 12 lần! Đây là những con số nói lên thực trạng sử dụng sai từ ngữ đã trở nên chiếm thế thượng phong như thế nào trên báo chí và truyền thông nói chung.

Với thói quen dùng chữ “tội” theo cách này, lâu dần có thể khiến báo chí vượt quá quyền hạn và đánh mất tính vô tư khách quan trong việc đưa tin, và tự biến mình thành một tòa án trên không gian mạng. Tai hại hơn, với cách nói này của mình, báo chí sẽ gieo vào người đọc một tâm lý và nhận thức sai lầm, dẫn đến hành xử sai lầm: cứ thấy bất cứ ai bị bắt là nghiễm nhiên coi rằng họ đã có tội, mặc sức kết án và buông lời bình phẩm, thóa mạ hoặc tuyệt vọng. Điều đó cũng sẽ dần triệt tiêu đi tinh thần “suy đoán vô tội” vốn là một nguyên tắc tiến bộ của luật pháp văn minh.

Vì thế, để dùng đúng chữ “tội” trong trường hợp này, cần viết “Bắt ông A vì bị CÁO BUỘC tội B”… “Cáo buộc” tức là chưa có tội nhưng đủ cơ sở pháp lý bắt người. Còn có tội hay không phải đợi tòa án kết luận bằng một bản án.

Khi viết có ai đó bị bắt vì một “cáo buộc” thì nó được hiểu rằng đây mới chỉ là phần buộc tội từ một phía; và việc của bị cáo còn đó, chẳng hạn là sẽ bào chữa để chứng minh rằng cáo buộc ấy không đúng. Điều này rất quan trọng, vì trước hết nó giúp bảo đảm những quyền con người và quyền công dân của bị can, bị cáo; thứ hai nó tạo nên tâm thế “bình đẳng trước pháp luật” của mọi công dân.

Một chữ thôi nhưng hệ trọng ghê gớm đối với tương lai xã hội. Muốn tiến bộ, trước tiên cần bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như thế, đó là dùng từ ngữ cho chính xác.

T.H.

* Cảm ơn luật sư Ngô Anh Tuấn (Tuan Ngo) đã nhiệt tình chia sẻ trước các câu hỏi của tôi về góc độ pháp lý của việc sử dụng từ ngữ được đề cập trong bài này.

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

This entry was posted in Giáo dục, Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và pháp luật, Thái Hạo. Bookmark the permalink.