Thanh Hà
Một lần nữa Nga trở thành mục tiêu của các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Tại sao vào thời điểm này? Quan trọng hơn nữa là câu hỏi phải chăng các phong trào Hồi giáo vũ trang đang trở thành những «lực lượng độc lập và đủ mạnh để làm khuynh đảo bàn cờ địa chính trị quốc tế?».
Nhân viên điều tra của Nga tại hiện trường sau vụ khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall- Matxcơva. Ngày 23/03/204 © AP
Một tuần lễ sau vụ khủng bố nhắm vào nhà hát Crocus City Hall ở Matxcơva hôm 22/03/2024, vẫn chưa thể giải đáp nhiều câu hỏi. Điện Kremlin tập trung tìm cách quy trách nhiệm cho Ukraina đứng đằng sau vụ tấn công đẫm máu nhất từ nhiều năm qua cho dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo /Daech/IS-K nhận là tác giả.
Nga và tổ chức Hồi giáo Daech/ISRAEL: mối thâm thù
Công luận Nga có thể là đã quên Daech từ sau vụ khủng bố hồi năm 2017 đánh vào một trạm xe điện ngầm ở thành phố Saint Petersbourg làm 15 người thiệt mạng. Đó là đợt gần đây nhất phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan tiến hành trên lãnh thổ Nga. Nhưng nước Nga luôn là một mục tiêu ám ảnh các toán thánh chiến Hồi giáo vũ trang.
Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS của Pháp, Jean de Gliniasty, hôm 26/03/2024 trong một bài tham luận trên trang chủ của viện này nêu bật Afghanistan, Tchetchenia và Syria: ba lý do khiến các mạng lưới Hồi giáo cực đoan nhắm vào Matxcơva.
Từ khi đưa quân xâm chiếm Afghanistan năm 1979 và trong suốt mười năm hiện diện tại quốc gia Hồi giáo Nam Á này, Matxcơva luôn «vấp phải lực lượng Hồi giáo Afghanistan được Mỹ trang bị vũ khí và một phần trong số đó đã trở thành Al Qaeda sau này. Hai cuộc chiến tại Tchetchenia năm 1996 và 2000 nuôi dưỡng cho phong trào thánh chiến trong vùng Capkaz. Rồi tại Syria, từ khi yểm trợ chính quyền Damas, Nga phải đối mặt với Daech. Từ 2021 khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban và Daech đã lao vào một cuộc đối đầu và mối quan hệ tương đối tốt giữa Matxcơva với lực lượng Taliban, khiến nước Nga trở thành mục tiêu tấn công trong mắt tổ chức Nhà nước Hồi giáo».
Từ khi lên cầm quyền năm 2000 Vladimir Putin đã nhiều lần phải đối mặt với các vụ khủng bố tàn bạo (hơn 300 người chết trong vụ bắt giữ con tin tại một trường học ở Beslan, cách thủ đô Matxcơva hơn 1700 km về hướng đông nam, hồi năm 2004) nhắm vào các công dân Nga. Gần đây nhất là vào tháng 9/2022 khi Daech tấn công tòa đại sứ Nga ở Kabul, Afghanistan, làm 10 người thiệt mạng.
Về câu hỏi tại sao Daech ra tay vào thời điểm này, tất cả giới trong ngành đều đưa ra cùng một nhận định: IS/ Daech tận dụng thời cơ nhân viên an ninh và tình báo Nga được huy động theo dõi Ukraina và theo dõi chính các công dân Nga đề phòng mọi mầm mống nổi loạn chống Vladimir Putin.
Trả lời tạp chí Le Grand Continent hôm 25/03/2024 Hugo Micheron, chuyên gia về Trung Đông giảng dạy tại trường Khoa học Chính trị Paris, Sciences Po. bổ sung thêm ba ý:
– Một là hình ảnh tang tóc và nhà hát Crocus City Hall cháy rụi phủ nhận luận điểm cho rằng tất cả các kẻ thù của phương Tây đều là những đồng minh của nước Nga, đồng thời Daech thách thức nước Nga «cận thị» không nhìn thấy đâu là những mối đe dọa thực sự.
– Điểm thứ nhì theo chuyên gia Micheron là dưới nhãn quan của Daech, trên thế giới như thể chỉ có hai phe: những người trung thành với phe thánh chiến và những kẻ «ngoại đạo». Trong danh sách «những kẻ ngoại đạo» đó thì không chỉ có Nga mà ngay cả những nước Hồi giáo như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng là «những mục tiêu chính đáng như là Mỹ hay châu Âu».
– Điểm thứ ba giáo sư trường Sciences Po. Paris ghi nhận trong bài trả lời phỏng vấn của báo Le Grand Continent, là «chiến lược chống khủng bố của Nga không hiệu quả hơn so với của các nước phương Tây».
Hai mươi năm sau khi tuyên chiến với quân thánh chiến Hồi giáo, Matxcơva lại là mục tiêu khủng bố tấn công.
Hugo Micheron giải thích: Matxcơva đã phải đương đầu với các nhóm thánh chiến từ những năm 1990, vào thời điểm mà nước Nga còn đang trong thế yếu, phải gầy dựng lại cả hệ thống chính trị và kinh tế sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ. Khi đó «các phong trào Hồi giáo thánh chiến năng động tại Tchetchenia đã thừa thắng xông lên». Nhưng chính quyền Vladimir Putin đã mạnh tay giải quyết vụ bắt giữ con tin tại một nhà hát ở Matxcơva năm 2002. Tổng thống Putin «khai thác» thảm họa này để trục lợi về mặt chính trị.
Hai mươi năm sau, báo chí phương Tây vẫn còn nhớ đến câu nói để đời của nguyên thủ Nga: ông sẽ «truy lùng những kẻ khủng bố đến tận trong nhà xí», ngụ ý những kẻ gây ra tội ác, thì có chạy đằng trời cũng không thoát!
Sự bành trướng và sức mạnh từ các tác nhân phi nhà nước
Điều đáng tiếc là theo như ghi nhận của giáo sư Micheron, «một cách cơ bản, quốc tế vẫn không hiểu được rằng thánh chiến Hồi Giáo là những tác nhân địa chính trị thực thụ, là một lực lượng hoàn toàn độc lập».
Loạt khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11/09/2001 đã chứng minh rằng các mạng lưới thánh chiến Hồi Giáo là «một tác nhân địa chính trị, khi mà họ làm thay đổi cục diện quốc tế. Thực chất mục tiêu chống khủng bố của Hoa Kỳ đã thay đổi sau biến cố nói trên. Giờ đây thế giới tiếp tục phạm sai lầm cũ (…) vẫn không trông thấy vai trò càng lúc càng lớn của các tác nhân phi nhà nước».
Để minh chứng cho sự cận thị đó của các nhà quan sát phương Tây, giáo sư Hugo Micheron nêu lên nhiều thí dụ cụ thể: «Từ đầu cuộc nội chiến ở Syria, năm 2011, vai trò càng lúc càng lớn của Al Qaeda, rồi của Daech kể từ 2013 trở đi đã quá rõ rằng. Nhưng mãi đến 2014 và khi mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo được thành lập sau khi chiếm được Raqqa và Mossul, thì giới quan sát mới công nhận phe thánh chiến Hồi Giáo là những tác nhân hàng đầu (…) » trên hồ sơ này.
Tương tự như vậy, người ta cũng đã có cái nhìn sai lệch về những chuyển biến và vị trí trung tâm của các nhóm phi nhà nước này. «Taliban, trước khi Mỹ rời khỏi Afghanistan, lực lượng này đã chiếm lại và kiểm soát quyền lực» tại quốc gia Nam Á này.
Trong trường hợp của tập đoàn «Wagner tại Nga, chính quyền vẫn để ý tới, và từ lâu nay Matxcơva vẫn sử dụng các nhóm phi nhà nước như công cụ để thực hiện một số mục tiêu về mặt địa chính trị ở Châu Phi và những nơi khác nữa». Nhưng đó là một lực lượng có tổ chức độc lập…
Nhìn sang Cận Đông, vụ tấn công hôm 07/10/2023 do Hamas tiến hành đã khiến từ «Iran đến Israel bất ngờ». Phong trào Hồi giáo Palestine này đẩy toàn bộ khu vực vào thế kẹt vì phá hỏng tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước trong vùng Vịnh.
Biến cố 07/10 năm ngoái tác động trực tiếp đến bang giao quốc tế. Giáo sư Micheron xem đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy các tổ chức phi nhà nước «có hẳn những tính toán riêng» của họ và vào thời điểm mà quốc tế tập trung vào chiến tranh Ukraina thì «các nhóm thánh chiến Hồi giáo đang chỉ rõ ra rằng cộng đồng quốc tế bắt buộc phải nhìn nhận vai trò và tầm mức quan trọng của số này trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng mà mọi người không trông thấy ở trước mắt».
T.H.
Nguồn: RFI Tiếng Việt