Bùi Thanh Hiếu
Trong công cuộc “đốt lò” của Đảng CSVN có nhiều thay đổi lớn rất quan trọng và chắc chắn tác động hiệu quả đến hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.
Thứ nhất là các trường hợp đại biểu quốc hội, đảng viên các cấp bị bắt khẩn cấp, không cần phải thông qua đảng uỷ hoặc quốc hội. Nếu như trước đây, việc công an bắt đảng viên cần phải thông báo qua đảng uỷ nơi đảng viên đó sinh hoạt. Những nơi này ra quyết định khai trừ, công an mới tiến hành lệnh bắt.
Nhưng nay, công an bắt khẩn cấp uỷ viên trung ương, bí thư, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh … những cán bộ do trung ương quản lý mà không cần Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm, trình trung ương để ra quyết định kỷ luật khai trừ như trước đây, rồi mới tiến hành bắt giữ.
Gần đây đã có nhiều trường hợp khởi tố, bắt giam thời gian rồi sau đó mới làm thủ tục khai trừ đảng, miễn nhiệm vụ, cách chức.
Trường hợp cán bộ là đại biểu quốc hội, cán bộ chuyên trách của quốc hội cũng vậy.
Về mặt luật pháp, ít nhiều đây là sự tiến bộ, công bằng về mặt hình thức. Khi cơ quan điều tra phát hiện tội phạm, họ ra lệnh khởi tố và bắt giữ khẩn cấp. Tuỳ theo vụ việc, có thể khi tiến hành điều tra, đã xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của đảng uỷ, có thể là không cần xin vì muốn giữ bí mật. Nhưng dù là thế nào thì việc bắt trước, khai trừ đảng tịch sau là một sự thay đổi đáng ghi nhận.
Nhiều trường hợp sai phạm, nếu theo quy trình của đảng, phải để ban kiểm tra điều tra xem xét, ra hình thức khai trừ, rồi công an mới vào cuộc khởi tố bắt giữ. Điều này sẽ khiến đối tượng có thời cơ chạy chọt, huỷ tang chứng, xin xỏ, vận động hoặc bỏ trốn gây nên khó khăn khi xử lý hình sự.
Về cấp uỷ viên Bộ Chính trị có sai phạm vẫn phải chờ Bộ Chính trị, Trung ương họp ra quyết định kỷ luận, loại ra khỏi Trung uơng rồi sau đó mới khởi tố bắt tù như ông Đinh La Thăng, hoặc bắt làm đơn xin rút như đối với Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh… Về mặt pháp luật, điều này chưa được thuyết phục, vì mang tính chất nhân nhượng. Tuy nhiên so với trước đây, đó cũng là một bước tiến lớn khi cấp cao như vậy bị kỷ kuật và buộc phải về lúc đang giữ chức vụ trọng trách rất cao.
Quy định trách nhiệm, quyền hạn của các phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cho phép các phó ban thu thập thông tin các cá nhân, tổ chức sai phạm và báo cáo với trưởng ban, chuẩn bị hồ sơ tài liệu và có thể thay mặt trưởng ban điều hành… cùng với các vị trí phó ban là trưởng Ban Nội chính, trưởng Ban Tổ chức trung ương, trưởng Ban Uỷ ban Kiểm tra, Bộ trưởng Công an… là chia quyền phát hiện đề nghị xem xét xử lý cho 4 cơ quan trên. Việc này khá tích cực, vì nếu có vụ việc mà 3 phó ban kia không muốn đưa ra, nhưng một phó ban đưa lên cho trưởng ban và đề nghị xử lý thì đối tượng hoặc vụ việc khó thoát được. Đối tượng muốn thoát khỏi cuộc chống tham nhũng, phải lo lót chạy chọt cho đủ 4 phó trưởng ban hoặc trưởng ban mới có hy vọng thoát tội.
Cho nên dù Bộ Công an, Uỷ ban Kiểm tra trung ương làm ngơ hoặc không biết vụ việc nào đó. Nhưng Ban Tổ chức trung ương, Ban Nội chính phát hiện và đưa hồ sơ ra đề nghị xử lý, các ban khác muốn bao che cũng rất khó khăn.
Về mặt hạn chế, quy định của Ban Phòng chống Tham nhũng cho trưởng ban quyền hạn quá lớn, thiếu dân chủ. Vì nếu vụ việc nào mà trưởng ban không muốn đưa ra, hoặc muốn trì hoãn các thành viên trong ban chỉ đạo cũng phải chịu. Ở trường hợp ông Trọng làm trưởng ban sẽ khắc phục phần nào vì bản thân ông là người khởi xướng, ông phải gương mẫu. Nhưng nếu rơi vào tay người khác làm trưởng Ban chỉ đạo PCTN, chắc hẳn sẽ nhiều vụ việc bị gác sang bên, thậm chí người đưa ra còn bị nguy hiểm.
Một điểm tích cực nữa là vai trò uỷ viên BCT không quá còn là quan trọng, không cần phải bổ sung thay thế người bị kỷ luật. Các Uỷ viên BCT bị kỷ luật buộc về giữa nhiệm kỳ, không cần họp trung ương bổ sung người thay thế. Điều này khiến cho các uỷ viên BCT ý thức được họ sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào, cũng như những uỷ viên trung ương muốn lật người khác để thế chỗ cũng không có hy vọng. Mọi vị trí phải chờ đến đại hội đảng xem xét và bầu bán. Những người muốn có ghế trong Bộ Chính trị càng phải giữ mình, phấn đấu đợi đến đúng thời gian diễn ra đại hội.
Tóm lại là trước kia xử lý một uỷ viên trung ương là một vấn đề lớn, nan giải. Ngày nay thì Uỷ viên Trung ương đương nhiệm khi sai phạm bị đưa ra, vào tù nhanh như chớp. Còn uỷ viên Bộ Chính trị không còn là bất khả xâm phạm, đến tứ trụ cũng có thể bị kỷ luật và sa thải bất cứ lúc nào.
Có một tư duy thay đổi nữa là trước kia Đảng CSVN e ngại xử lý cán bộ tham nhũng cấp cao vì sợ mất uy tín, sợ dư luận nhân dân đánh giá quy trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng có vấn đề, khi để lọt vào trung ương những thành phần thoái hoá, biến chất.
Thêm nữa là không bảo thủ, cố chấp, giữ kiểu phân bổ vùng miền Bắc, Trung, Nam trong tứ trụ như lệ định trước đây.
Hôm nay thì đảng bất cần giữ quan điểm ấy… dù Uỷ viên Trung ương hay Bộ Chính trị cũng đem ra xử lý. Đây là động thái rất tích cực, cho dù chưa đạt được đến tầm tứ trụ phải vào tù. Nhưng hy vọng theo đà này trong tương lai gần, trưởng các ban trong đảng, tứ trụ cũng có người phải vào tù nếu như sai phạm.
Những thay đổi trên có mang lại hiệu quả nhìn thấy rõ ràng.
Thay đổi hiệu quả là, trước kia các vị trí như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, thường trực ban bí thư đều có sân sau đeo bám, có những động thái hay chỉ đạo có lợi cho sân sau của mình một cách công khai. Những tập đoàn lớn bám gót theo hầu thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội rất lộ liễu như cố tình khoe với thiên hạ rằng mình có người đỡ đầu. Những tờ báo, những nhân vật ảnh hưởng truyền thông tô vẽ khen ngợi lãnh đạo ngút trời mây, giờ cũng ít đi.
Quyết tâm làm trong sạch đảng viên của ông Trọng là có thật, về trong nội bộ đảng đã có hiệu quả trông thấy, nhìn số lượng uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị bị xử lý trong thời gian ông làm Tổng Bí thư là điều không thể phủ nhận. Việc các quan chức ngày nay e dè không dám làm gì vì sợ mắc tội cũng rất phổ biến.
Đến đây dẫn ra hệ luỵ khác mặc dù ông Trọng đã chỉ được ra, nhưng cách giải quyết chưa có lối đi nào hiệu quả, đó là đặc điểm kinh tế thị trường mang định hướng CNXH mà ông thể hiện tư tưởng của mình qua các bài viết, sách vở khi bàn đến vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Trong tác phẩm này, ông chỉ ra việc kinh tế thị trường khiến cho cán bộ tiếp xúc với tiền, với lợi ích rất nhiều so với trước kia. Cho nên cần phải chấn chỉnh mạnh đạo đức, răn đe nghiêm khắc. Điều này đúng nhưng chưa đủ, nếu chỉ có vậy thì chắc chắn sẽ không mang lại sự kích thích phát triển kinh tế.
Ví dụ một quan chức thanh liêm, đồng lương ít ỏi, trên cương vị của mình, họ ra chính sách hoặc chỉ đạo chính sách, tạo cho một doanh nghiệp phát triển và không nhận biếu xén, quà cáp gì. Người đứng đầu doanh nghiệp thu lợi hàng ngàn tỷ, đời sống xa hoa, sắm cả dàn siêu xe như Vũ Trung Nguyên, rồi thừa tiền quá lên giọng dạy thiên hạ “Tiền nhiều để làm gì?”.
Thử hỏi nếu vậy cá nhân quan chức ấy có muốn làm không? Sai thì cá nhân mình chịu, đúng thì thằng trọc phú được lợi. Việc mình làm có tâm không ai hay. Trọc phú có tiền huênh hoang báo chí, dân tình đua nhau ngưỡng mộ?
Cho nên để khuyến khích người lãnh đạo, cần phải xiết chặt và làm nghiêm khắc việc thu thuế của doanh nghiệp. Cán bộ lãnh đạo ra chính sách giúp doanh nghiệp phát triển, là để doanh nghiệp đóng thuế nhiều hơn cho đất nước, tạọ ra nhiều công ăn việc làm. Thuế doanh nghiệp càng nhiều thì càng chứng minh hiệu quả thành công của cán bộ. Bản thân người cán bộ cũng lấy những con số đó để tự hào việc mình đã làm.
Nếu như chỉ chăm chăm xử lý, răn đe cán bộ của mình; không có biện pháp chấn chỉnh gắt gao với các doanh nghiệp, sẽ tạo ra tâm lý chán nản, lảng tránh công việc của cán bộ lãnh đạo.
Song song với xử lý nghiêm khắc và răn đe đạo đức cán bộ đảng viên, cần phải có những xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp lớn để răn đe, đặc biệt những doanh nghiệp mà người đứng đầu có đời sống xa hoa, phô trương. Những doanh nghiệp thu lợi từ sản xuất và các doanh nghiệp thu lợi từ đất đai phải tính mức thuế khác nhau.
Việc kê khai tài sản hiện nay chỉ diễn ra trong nội bộ đảng. Trong khi bên ngoài xã hội nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên có tài sản kếch xù, lối sống xa hoa vượt trội ngàn lần so với người lao động mà chưa thấy ngành thuế báo cáo về con số thuế mà họ đã đóng. Đây là điều cần suy ngẫm và có giải pháp triệt để, đưa ra xử lý làm gương sớm một số trường hợp.
Con đường CNXH và kinh tế thị trường cần có cán bộ lãnh đạo có tài, đức, vì nước vì dân thì cũng cần những doanh nhân vì nước, vì dân. Những doanh nhân vì nước, vì dân sẽ không làm tha hoá cán bộ. Xử lý cán bộ thôi mà e ngại kinh tế thị trường không kiên quyết xử lý doanh nhân lợi dụng cơ chế CNXH và KTTT trục lợi cho bản thân là chưa đủ.
B.T.H.
Nguồn: FB Thanh Hieu Bui