Thay áo mới cho Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Khuê Anh 

Khuyến nghị mô hình điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả là một nội dung cấp thiết trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nếu không cùng chung tay giải quyết, ĐBSCL sẽ chìm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ảnh: Hải Đông

Mạnh ai nấy chạy

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Luật Ngân sách Nhà nước có hiệu lực năm 1996 đã gia tăng phân cấp, giúp địa phương có không gian chính sách và thẩm quyền rộng hơn, đồng thời làm suy yếu khả năng kiểm soát và điều phối của chính quyền trung ương. Việc trung ương đánh giá năng lực lãnh đạo bằng thành tích tăng trưởng kinh tế khuyến khích các địa phương chạy theo lợi ích cục bộ, dẫn đến quá trình cạnh tranh ngày càng kém hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, gây tác hại chung cho phát triển của toàn vùng. 

Đành rằng địa giới hành chính trở thành địa giới kinh tế diễn ra trên phạm vi cả nước, nhưng hệ lụy của “cuộc chạy đua xuống đáy” không nghiêm trọng như ĐBSCL. Một mặt, ĐBSCL vốn là vùng đất nghèo, thiếu nguồn lực mà lại cát cứ, phân mảnh khiến sức mạnh từng địa phương và toàn vùng yếu đi. Mặt khác, do gắn bó mật thiết về tài nguyên, môi trường, sinh thái nên các địa phương cùng đứng trước những thách thức có tính sống còn trong bối cảnh những mô hình Ban chỉ đạo, Hội đồng điều phối vùng không phát huy hiệu quả.

“Nếu không có một hệ thống quản trị, điều phối, hợp tác và liên kết vùng hiệu quả thì sự tụt hậu của vùng là điều không thể tránh khỏi, thậm chí sự tan rã của ĐBSCL chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Tự Anh nói. 

Lắm cha con khó lấy chồng 

ĐBSCL là vùng đầu tiên có cơ chế thí điểm liên kết vùng theo QĐ 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo nhóm nghiên cứu, cơ chế hiệu quả và lý tưởng nhất là Chính phủ cho phép ĐBSCL thí điểm chính quyền vùng. Sở dĩ phải thí điểm bởi Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương không cho phép thành lập chính quyền vùng. Luật Ngân sách Nhà nước cũng không cấp ngân sách cho chính quyền vùng.

Thừa nhận mô hình này ở thời điểm hiện tại “khó thực hiện và bất khả thi về chính trị”, ông Tự Anh trình bày lựa chọn thứ hai theo 6 điều kiện gồm: (1) cơ quan điều phối có đủ thẩm quyền pháp lý; (2) có ngân sách rõ ràng; (3) có phân công, phân nhiệm và trách nhiệm giải trình; (4) có lộ trình triển khai cụ thể; (5) có bộ máy thường trực và toàn thời gian đủ năng lực theo dõi và đánh giá thực thi (thay vì bộ máy kiêm nhiệm bán thời gian như hiện nay); và (6) các bên hữu quan có động cơ thực thi. Cơ sở pháp lý của mô hình này là Quy hoạch vùng ĐBSCL, thỏa mãn 4/6 điều kiện mà nhóm nghiên cứu đề xuất. 

Hội đồng Điều phối vùng đóng vai trò nhạc trưởng. Cho rằng Văn phòng Hội đồng điều phối vùng không nên tiếp tục đặt ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư bởi từ trước đến nay cơ quan này có tính chất kiêm nhiệm, không có nhân sự chuyên trách cũng như trách nhiệm giải trình rõ ràng, nhóm nghiên cứu đề xuất dời cơ quan này về TP. Cần Thơ. “Hội đồng Điều phối vùng phải có nhân sự chuyên trách, các bộ liên đới gửi nhân sự biệt phái làm việc toàn thời gian, từng cá nhân chịu trách nhiệm giải trình rõ ràng, được đề bạt khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…”, ông Tự Anh nói.

Cũng liên quan đến việc sử dụng quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, TS. Nguyễn Đình Cung liệt kê hàng loạt văn bản do trung ương ban hành, trực tiếp chi phối hoặc liên quan đến vùng ĐBSCL. Ông Cung nhận xét số lượng văn bản quá nhiều (12 nghị quyết và quyết định), được quyết định bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau, tại những thời điểm khác nhau, cấp độ pháp lý cũng khác nhau, dẫn đến phân mảnh, thiếu hệ thống, thiếu nhất quán, thậm chí mâu thuẫn.

Chẳng hạn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quyết định giữ lại 3,5 triệu ha đất lúa như một giải pháp cứng để bảo đảm an ninh lương thực, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp, bất lợi đến việc thực hiện chính sách tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng của vùng. Nhưng rào cản lại nằm ngoài quyền hạn của địa phương, đã được nhận dạng nhiều năm, nói đến nhiều lần, ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa thay đổi.

Thêm nữa, ý chỉ từ trên khác nhau có thể khiến địa phương bối rối, không biết thực thi theo ai, lộ trình ưu tiên thế nào. “Tại sao không tập trung năng lực, trí tuệ để làm thật tốt quy hoạch vùng (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – PV)”, ông Cung nói thành viên của Hội đồng Điều phối vùng, nhất là những thành viên là các chủ tịch UBND cấp tỉnh, cần ý thức được vị thế của Hội đồng là “tổ chức tư vấn liên ngành cho Thủ tướng Chính phủ chứ không phải tư vấn cho một bộ trưởng nào đó, cũng không phải là cơ quan tham vấn của các bộ”.

Hội đồng hoạt động liên tục, xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến phát triển của vùng nên cần có cơ quan thường trực độc lập, chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn cũng như nguồn lực để tổ chức nghiên cứu những rào cản phát triển, từ đó đề xuất giải pháp hợp lý, khả thi trình Hội đồng vùng thảo luận, thống nhất ý kiến trước khi tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Hội đồng sử dụng thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp, chỉ đạo các bộ, UBND trong vùng thực hiện. 

Nhận xét quan điểm của chuyên gia có nhiều điểm khác biệt so với Quyết định 974/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL ban hành ngày 19.8.2023, ông Cung nói với phóng viên Người Đô Thị rằng “trước đây không phải không có kiến nghị thành lập cơ quan điều phối đặt tại Cần Thơ, nhưng người ta không tiếp thu thì khó có sự thay đổi trong nhiệm kỳ này”. 

Đoàn kết hay là “chết”? 

Cách nay khoảng 6 năm, dư luận xôn xao về dự án nhà máy giấy bên dòng sông Hậu. Quyết định cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài trước mắt đóng góp vào thành tích tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, rủi ro phát thải ô nhiễm từ dự án có thể nhiều tỉnh thuộc vùng ĐBSCL cùng gánh chịu khi chất thải từ hoạt động sản xuất đổ xuống dòng sông, theo con nước tỏa lan vào kênh rạch nội vùng châu thổ. Khi phóng viên Người Đô Thị đề nghị người đứng đầu một tỉnh trong vùng thảo luận chung quanh nguy cơ phát thải có tính xuyên vùng bên lề Diễn đàn Mekong Connect tổ chức tại Bến Tre, vị này khước từ bộc lộ quan điểm. Vị thế chính trị tương đương giữa các lãnh đạo địa phương hay nói cách khác là thiếu nhạc trưởng dẫn đến hệ sinh thái, môi trường của vùng mang thân phận “cha chung”. Chuyện năm nào chỉ là một trong những biểu hiện về liên kết vùng thực chất vừa thiếu, vừa yếu, tồn đọng đến nay. 

Ở cấp địa phương, mặc dù thực trạng cát cứ là trục trặc phổ biến trên bình diện quốc gia nhưng quản trị và quản lý phân mảnh ở ĐBSCL mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều những vùng khác trên cả nước bởi theo TS. Vũ Thành Tự Anh, đặc trưng thủy văn khiến vùng châu thổ là một thể thống nhất về mực nước, kéo 13 tỉnh ĐBSCL lên chung một thuyền. Nhận dạng “mâu thuẫn cơ bản của quản trị nguồn nước ở ĐBSCL”, ông  Tự Anh khuyến cáo nếu “không cùng chung tay giải quyết, đồng bằng chìm cả nghĩa đen (dưới mực nước biển) lẫn nghĩa bóng (tụt hậu)”. Nhìn về trung ương, Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 ghi nhận hiện nay 9 bộ cùng chia sẻ chức năng và nhiệm vụ quản lý nguồn nước, cho thấy sự phức tạp và phân mảnh của hoạt động này không tạo ra tổng thể quản lý một cách nhất quán, hiệu quả và có nhiều kẽ hở. 

Thách thức về quản trị nguồn nước ở ĐBSCL còn phải đặt trong mối quan hệ với các tác nhân bên ngoài mà nhiều khi nằm ngoài năng lực của chính quyền địa phương. Biến đổi khí hậu được xem như xu thế không thể đảo ngược. Nghị quyết 120 của Chính phủ định hướng “thuận thiên”, khẳng định nước mặn, nước lợ là tài nguyên phát triển kinh tế, trở thành cơ sở để hạn chế tối đa các giải pháp công trình, trong đó có những công trình ngọt hóa.

Bên cạnh đó là chính sách khai thác nguồn nước ở thượng nguồn trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp… giảm lưu lượng nước cung cấp cho vùng châu thổ. Một diễn biến đáng lo ngại là hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, Campuchia khởi động dự án kênh đào Phù Nam Tecco đổ thẳng ra vịnh Thái Lan. Kênh dài 180 km, bề ngang đủ cho làn tàu trọng tải 1.000 tấn di chuyển, mực nước từ 4,7 m đến 5,2 m. Dự án dự kiến hoàn thành sau 4 năm dẫn đến việc thiếu nước vào mùa khô ở ĐBSCL có thể trầm trọng hơn. 

Những tác nhân bên ngoài khó dự báo, kiểm soát là cơ sở để các chính sách trong nước giữ vai trò chủ đạo. Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất là cơ sở để đánh giá lại một cách căn bản chiến lược và chính sách nông nghiệp của ĐBSCL vì mục tiêu sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, đặc biệt là tư duy an ninh lương thực cứng nhắc, dựa vào vai trò chủ lực của 3,5 triệu ha đất lúa giữ đến 2030. Việc nước ngọt ngày càng khan hiếm còn là cơ sở để Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần áp dụng cơ chế thị trường. Tài nguyên miễn phí sẽ bị sử dụng lãng phí. “Định giá và lộ trình thực hiện ra sao, hỗ trợ ngược lại nông dân như thế nào là câu chuyện của chính sách”, ông Tự Anh lưu ý khuyến nghị này có thể gây nhiều tranh cãi. 

Kinh nghiệm quốc tế trong quản trị nước là một trong những đóng góp quan trọng của nhóm chuyên gia UNDP. Nhắc lại những bài học thành công từ Úc, Pháp và Hà Lan, ông Patrick Haverman – Phó đại diện thường trú UNDP Việt Nam – khuyến nghị Việt Nam xem xét thành lập các Tổ chức lưu vực sông (RBO) toàn khu vực ĐBSCL hoặc hai, ba cơ quan quản lý lưu vực sông cho các tiểu vùng có tính toàn vẹn về thủy văn. Với năng lực pháp lý, nhân lực, tài chính đủ mạnh, RBO được trao quyền để thực hiện, quản lý vận hành, tham vấn người sử dụng nước và thực thi các quy định liên quan đến quản lý nước ở địa phương trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. RBO đồng thời sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu và thông tin cho các bên liên quan. 

K.A.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

 

 

This entry was posted in Liên kết vùng, Phát triển vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Cửu Long. Bookmark the permalink.