Văn hóa giữ nước và văn hóa tham nhũng

Lê Học Lãnh Vân

1) Cứ tới ngày ngày 14/3 hàng năm, người Việt tưởng nhớ sáu mươi bốn cán bộ, chiến sĩ công binh hải quân Việt bị giết chết trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Gạc Ma chống lại quân Trung Quốc xâm lăng năm 1988. Ngày đó luôn có một cụ già lụm cụm bày bàn cúng trên bãi biển, hướng ra biển, vái mời anh linh sáu mươi bốn liệt sĩ Trường Sa về hưởng. Trong số sáu mười bốn người đó, có một người là con của cụ. Và cụ coi tất cả là con của cụ, những người bỏ mình bảo vệ quê hương!

Cụ Hoàng Nhỏ mất ngày 30/1/2023. Từ khi cụ già yếu năm 2022 không còn ra bãi biển cúng được nữa, con cháu thay cụ bày bàn cúng giỗ anh linh liệt sĩ Trường Sa hàng năm!

Cụ Hoàng Nhỏ và gia đình cụ là hiện thân của văn hóa Việt trong tập tục, hành vi giữ nước. Những người như cụ luôn tôn trọng truyền thống chống xâm lăng, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ thiêng liêng ông cha dày công máu xương để lại. Giặc tới nhà là chống, con trai cụ hy sinh tại trận. Đảo mất, con và đồng đội bị giết, cụ luôn tưởng nhớ anh linh liệt sĩ, lòng tưởng nhớ và xót thương không phải nhất thời mà rất lâu dài, hàng chục năm bền bỉ mâm giỗ cùng đất trời sông núi.

Việc làm của cụ Hoàng Nhỏ cho thấy ý tưởng, niềm tin, lễ nghi, sự cảm thụ, truyền thống, tập tục, thái độ, hành vi… của cụ và gia đình, tức các khía cạnh thể hiện văn hóa, hướng về chống xâm lăng! Đây đích thị là Văn hóa Giữ nước, một khía cạnh rất quan trọng trong văn hóa Việt!

2) Thời gian gần đây, nghe người ta nói nhiều tới chấn hưng văn hóa. Con số gần mười lăm tỉ đô-la Mỹ được đưa ra như một yêu cầu của sự chấn hưng!

Để chấn hưng văn hóa chống xâm lăng như cụ Hoàng Nhỏ thể hiện cần bao nhiêu tiền?

Không cần xây tượng đài, cụm tượng đài chống xâm lăng hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng Việt Nam! Không cần xây tượng cụ Hoàng Nhỏ như nhiều tượng khác tạo cơ hội cho kẻ tham nhũng ăn cắp tiền của quốc gia! Chỉ cần thực lòng biết ơn cụ, quý trọng tấm lòng và văn hóa sống của cụ, tặng quà, tiền cho gia đình cụ với tất cả lòng trân quý!

Chỉ cần để những tiếng nói chống xâm lăng được tự do cất lên trong cộng đồng! Chỉ cần để những bài viết về tấm lòng dân tộc đối với liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lăng, những bài đó được tự do phổ biến trên báo chí…

Chỉ cần để những phê phán, tố cáo thái độ hèn nhát, nhường quyền lợi quốc gia cho kẻ xâm lăng đánh đổi quyền lợi cá nhân hay phe nhóm, những ý kiến phê phán đó được thảo luận tự do trên các diễn đàn rộng rãi…

Và để cho xã hội biểu lộ ý muốn, lòng dân qua các cuộc tập họp rộng lớn, bên trong để góp ý cho nhà chức trách, bên ngoài để biểu lộ ý chí quốc gia, cảnh cáo ý đồ xâm lăng, khống chế Việt Nam của bất kỳ thế lực quốc tế nào!

Bài viết này tin rằng đề nghị trên nếu được thực hiện sẽ chấn hưng mạnh mẽ văn hóa chống xâm lăng của người Việt. Chấn hưng văn hóa như vậy không cần nhiều tiền mà cần người chủ trì có văn hóa đó sâu đậm! Ta có thể suy ra các mặt chấn hưng văn hóa khác cũng vậy. Với yêu cầu phải có tiền (khủng) mới chấn hưng được văn hóa, tiến trình chấn hưng văn hóa đã lạc đường ngay từ bước đầu tiên!

3) Số tiền 350 ngàn tỉ đồng Việt Nam, tức mười bốn tỉ sáu trăm triệu đô-la Mỹ được yêu cầu để chấn hưng văn hóa lớn bao nhiêu?

Năm 2023 tổng GDP Việt Nam khoảng 430 tỉ đô-la Mỹ. Giá trị gia tăng Việt Nam tạo ra khoảng 20%, khoảng 86 tỉ đô-la Mỹ. Vậy số tiền yêu cầu bằng khoảng 17% tổng giá trị gia tăng Việt Nam tạo ra trong một năm! Số tiền đó quá lớn so với nội lực kinh tế hiện thời của Việt Nam.

Trong hoàn cảnh tình trạng tham nhũng tại Việt Nam cao ngất trời, các công cụ kiểm soát tham nhũng có tác dụng rất ít, người dân trên thực tế không có quyền giám sát tham nhũng, dám yêu cầu số tiền khủng như vậy thì đáng khen là can đảm, không sợ dân chúng nghi ngờ! Hay là đã quen thói qua vườn dưa sửa dép, dưới gốc mận sửa nón?

Chắc chắn lòng dân nghi ngờ. Bản thân việc lòng dân nghi đã là vấn đề lớn. Ngoài ra, lúc này, có ai dám tự tin nói mình kiểm soát được số tiền khủng đó không? Hậu quả tai hại của việc không kiểm soát được, để bòn rút, để tham nhũng là rất khủng khiếp. Chỉ kể ba điều hại có thể thấy trước như sau:

Điều hại thứ nhất là một nguồn lực lớn của quốc gia còn nghèo này bị mất đi vào mục tiêu chưa được xác định rõ ràng và minh bạch, thay vì đầu tư cho những mục tiêu khác, cụ thể hơn, dễ kiểm soát hơn và sinh lợi trước mắt, có ích lợi cho phát triển công nghiệp, cải thiện dân sinh.

Điều hại thứ hai là, nếu số tiền khủng đó không được quản lý hiệu quả, chấn hưng văn hóa sẽ thành “chấn hưng văn hóa tham nhũng”!

Nếu nguy cơ của điều hại thứ hai thành sự thật, quốc gia chịu điều hại thứ ba là thêm một nhát búa chí mạng bổ vào lòng tin của dân chúng, lòng tin từng bị các nhát búa Vinashin, Vinalines, Thủ Thiêm, FLC, Việt Á, chuyến bay giải cứu trục lợi trên sinh mạng đồng bào trong dịch Covid… giáng cho tơi tả rồi!

Hậu quả ghê gớm đó có làm cho quốc gia yếu ớt và rệu rã không? Nếu có thế lực nước ngoài tìm cách chiếm thêm đất đai, biển đảo, hay khống chế Việt Nam, ảnh hưởng trên chính sách cai trị có lợi cho họ, kềm hãm Việt Nam phát triển thì quốc gia còn đủ sinh lực kháng cự không?

Vậy thì, chấn hưng văn hóa với số tiền ba trăm năm chục ngàn tỉ đồng Việt Nam có lợi hay có hại? Đem lại nguy cơ gì cho sự phát triển quốc gia?

Có nguy cơ nào khiến văn hóa Việt nói chung bị biến dạng, truyền thống giữ nước nói riêng cũng dần mất đi theo cụ Hoàng Nhỏ?

L.H.L.V.

Nguồn: FB LVan Le

This entry was posted in Chấn hưng văn hoá, Gạc Ma, Lê Học Lãnh Văn. Bookmark the permalink.