Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền: năm nào Chính phủ cũng hô hào

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Thủ tướng lại tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp…

Hô hào đẩy mạnh “phân cấp – phân quyền”

Hai năm về trước vào ngày 10-01-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong Quản lý Nhà nước. Theo đó về quan điểm, Nghị quyết cho biết yêu cầu ở đây là “Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong Quản lý Nhà nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 gắn với hoàn thiện thể chế; bảo đảm quản lý Nhà nước thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;

Kế thừa và phát huy hiệu quả các quy định hợp lý về phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước giữa trung ương và địa phương; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các quy định của pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách, có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế – xã hội vùng;

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và yêu cầu quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý;

Gắn việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện;

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước giữa trung ương và địa phương” – trích Điều 2.1, Nghị quyết 04/NQ-CP.

Nhưng thế nào là “phân cấp – phân quyền” thì chưa ai hình dung ra?

Về lý luận thì hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành chưa giải thích rõ thuật ngữ thế nào là phân quyền, phân cấp, mà chỉ quy định một số nội dung cụ thể của phân quyền, phân cấp. Theo Từ điển luật học của Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, thì phân quyền có nghĩa là “phân cho một tập thể hay một đơn vị hành chính – lãnh thổ tự quản lý, có tư cách pháp nhân, có những quyền hạn và những nguồn lực nhất định, dưới sự kiểm tra của Nhà nước”; còn phân cấp có nghĩa là “chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật”.

Như vậy mang so với các quy định của Hiến pháp và luật tổ chức các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, việc phân quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam được hiểu theo 2 góc độ như sau: Theo chiều ngang là “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiên các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Theo chiều dọc là sự phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền trong bộ máy Nhà nước.

Trong góc nhìn phản biện, vấn đề đặt ra là thay vì loay hoay với “Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng”, thì tại sao không thực thi theo bài bản mà hiện nay một số nước trên thế giới quan niệm đơn giản hơn đó là về phân quyền là phân chia quyền lực hay tam quyền phân lập.

Đường có sẵn, sao không chọn đi?

Mô hình tam quyền phân lập là kết quả của sự phát triển triết học về nhà nước từ trong lịch sử châu Âu bắt đầu từ John Locke (1632 - 1704) và Charles de Secondat Montesquieu (1689 - 1755). Theo đó, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp (quyền lập pháp giao cho Nghị viện, quyền hành pháp giao cho Chính phủ, quyền tư pháp giao cho Tòa án). Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau.

Mức độ áp dụng nguyên tắc phân quyền của các quốc gia không hoàn toàn giống nhau. Những nước theo chế độ cộng hòa tổng thống thường áp dụng triệt để nguyên tắc phân quyền theo học thuyết của “tam quyền phân lập”. Trong khi đó, các nước theo chính thể cộng hòa đại nghị hoặc quân chủ đại nghị thường áp dụng nguyên tắc phân quyền mềm dẻo hơn. Ví dụ: Phân quyền cứng rắn (Hoa Kỳ), phân quyền mềm dẻo (Pháp, Đức…).

Quan niệm về phân quyền trên thế giới được hiểu không chỉ theo chiều ngang như trên mà còn được hiểu theo chiều dọc, tức là việc phân quyền giữa chính quyền địa phương, chính quyền tỉnh/bang và chính quyền trung ương hay nhà nước, hoặc các tổ chức cao hơn nhà nước, ví dụ: Liên minh châu Âu.

Trong khi đó thì mặc dù là độc đảng toàn trị, nhưng nhiệm kỳ của đảng lại tùy nghi vào chủ ý của người đứng đầu đảng ở khóa đó cho các hành xử ở “phân cấp – phân quyền”. Chính điều này dẫn đến gần như câu cửa miệng quen thuộc của quan chức được lặp đi lặp lại song vẫn là dọ dẫm trong tìm kiếm của “phân cấp – phân quyền”.

N.H.

VNTB gửi BVN

 

This entry was posted in Quyền lực nhà nước, Quyền lực đảng, Tam quyền phân lập. Bookmark the permalink.