Cảnh Chân
(VNTB) – Những chính sách về hoạt động xã hội Việt Nam càng bị siết chặt thì lại càng có thêm những con người nhiệt huyết tìm cách thúc đẩy những thay đổi tích cực cho người dân và cộng đồng yếu thế.
Những thách thức làm cản trở phong trào xã hội Việt Nam
Trong những năm gần đây, các phong trào xã hội tại Việt Nam đi xuống rõ rệt. Đa phần là do các chính sách càng ngày càng khắt khe khiến những người hoạt động xã hội và các tổ chức lớn bị kiểm soát gắt gao. Quy trình phê duyệt các dự án mất nhiều thời gian hơn trước đây cùng với những thủ tục phức tạp đã ngăn chặn khả năng triển khai hiệu quả các hoạt động xã hội.
Không chỉ bị đóng cửa mà một số người đứng đầu các tổ chức xã hội cũng bị bắt giam với những cáo buộc liên quan tới khai báo thuế, hoặc các hoạt động nhân quyền bị chụp mũ lợi dụng quyền tự do dân chủ… Ngoài ra, tình hình kinh tế ảm đạm cùng với bối cảnh dịch bệnh và chiến tranh cũng khiến cho các nguồn lực tài chính cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài bị giảm sút. Việc thiếu kinh phí và mất nguồn tài trợ bền vững cũng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, giải quyết và duy trì các dự án. Đặc biệt là với những tổ chức nhỏ, mới thành lập.
Bàn về những thách thức này, Giáo sư Vũ Tường, Giám đốc phân khoa Khoa học Chính trị, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Á Châu thuộc Đại Học Oregon (Hoa Kỳ) cho rằng: “Việt Nam có nền tảng là chế độ toàn trị, là quốc gia độc nhất ở Đông Nam Á có chế độ này. Khác với hầu hết các nước Đông Nam Á, luật pháp Việt Nam không cho phép đảng đối lập hoạt động và kiểm soát ngặt nghèo báo chí và xã hội dân sự, nên phong trào xã hội gặp trở ngại hơn nhiều”.
Giáo sư Vũ Tường, hiện cũng là cố vấn của Rise, một tổ chức Phi chính phủ (NGO) có tư cách pháp nhân tại Hoa Kỳ. Đánh giá về việc thúc đẩy phong trào xã hội tại Việt Nam, giáo sư Vũ Tường nói: “nếu có điều kiện, phong trào xã hội ở Việt Nam có thể cử người sang thăm các nước Đông Nam Á để tạo liên kết và tham khảo, cũng như quan sát những tổ chức của họ khi vận động bầu cử hay đấu tranh cho quyền lợi của các nhóm dân chúng, và học những gì có thể học được từ cách họ tổ chức và vận động”.
Cái khó ló cái khôn
Khi những tổ chức xã hội trong nước đi xuống, cũng là lúc những tổ chức quốc tế vào cuộc để tiếp nối và thúc đẩy phong trào. Điểm nhấn trong giới hoạt động xã hội hiện nay là sự xuất hiện của Rise, một NGO tiên phong trong đào tạo, thúc đẩy và liên kết các phong trào dựa vào người dân để mang lại thay đổi xã hội tại Việt Nam.
Rise do các cô Trinity Phạm, Trinh Nguyễn, Angelina Huỳnh thành lập vào ngày 29/02/2020. Đến nay tổ chức này đã trải qua 4 năm hoạt động và đang bước vào năm thứ 5 với những mục tiêu cao đẹp trong hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy phong trào XHDS tại Việt Nam.
Cả ba sáng lập viên của Rise đều là những người Việt sống ở nước ngoài nhưng luôn hướng về quê hương, mong muốn mảnh đất và con người được tốt đẹp hơn, vì vậy đã dành nhiều năm hoạt động cho các thay đổi tích cực tại Việt Nam. “Năm 2020 chúng tôi thấy rằng dựa trên các bài học trong lịch sử Việt Nam cũng như quốc tế, mọi thay đổi phải đến từ người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh chính trị và xã hội hiện tại thì nhiều người chưa tin rằng thay đổi có thể đến từ mình và nhiều người hoạt động cộng đồng chưa có đủ công cụ và hỗ trợ để có thể tạo ra các thay đổi bền lâu”. Chị Angelina Trang Huỳnh, giám đốc điều hành Rise nói về ý tưởng ban đầu khi thành lập NGO này.
“Các sáng lập viên thấy rằng thấy việc nuôi dưỡng tư duy phong trào và thúc đẩy các nỗ lực từ người dân là cách thiết thực nhất. Vì vậy Rise bắt đầu bằng việc truyền đạt kiến thức về phong trào xã hội qua các khóa đào tạo, với mục tiêu ban đầu là hướng tới các tổ chức hoạt động vì môi trường sống, nhưng về sau thì nới rộng phạm vi hoạt động này để có thể hỗ trợ nhiều cộng đồng yếu thế và vấn đề xã hội hơn. Qua bốn năm hoạt động, các khóa học cũng không ngừng được tinh chỉnh để phù hợp hơn cho nhu cầu của các đối tượng học khác nhau”. Chị Trang Huỳnh nói tiếp.
Bên cạnh các khoá học, Rise cũng đã xây dựng nhiều giải pháp giúp đỡ các nhóm cộng đồng đã hoạt động có bước tiến chắc chắn và bền lâu. Cụ thể, hàng năm tổ chức này đều có chương trình hỗ trợ phong trào bằng những gói tài trợ tài chính lên tới 30 triệu đồng cho các dự án thúc đẩy xã hội. Song song đó, đội ngũ chuyên gia của Rise cũng đồng hành cùng các đề xuất thiết thực cho xã hội. Các nền tảng mạng xã hội của Rise đã tiếp cận gần 2 triệu lượt người, trong khi đó các khoá học của tổ chức này cũng đã đào tạo được khoảng 260 học viên. Ngoài ra Rise cũng đã tương tác với 50 nhóm cộng đồng và tổ chức xã hội trong vòng 4 năm qua.
Hai năm gần đây, Rise cũng gây tiếng vang qua việc tổ chức thành công Liên hoan Phong trào Xã hội (Social Movement Festival – SMF) với sự tham gia của nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ chức quốc tế. Năm ngoái, trong hai ngày diễn ra SMF 2023 ở Tokyo, Liên hoan đã quy tụ 140 tham dự viên, với nhiều dự án phục vụ cộng đồng được đề xuất. Ban tổ chức đã trao hai phần thưởng trị giá 15 triệu đồng cho hai nhóm tiềm năng nhất.
“Mục tiêu của Rise là nuôi dưỡng tinh thần và phát triển khả năng của những tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Cùng với đó, chúng tôi cũng tìm các phương pháp tiếp cận cộng đồng và hỗ trợ các phát kiến từ cộng đồng có tính sáng tạo để phong trào xã hội có thể “sống” ngay khi điều kiện khách quan nhiều thách thức. Rise cũng đang kết nối với các tổ chức quốc tế trong khu vực để tạo cơ hội trao đổi và học tập cho học viên của mình và cộng đồng hoạt động xã hội tại Việt Nam nói chung”. Chị Trinity Hồng Thuận, nhà đồng sáng lập Rise nói về định hướng hoạt động cho năm thứ 5 của Rise.
Những biến động trong thời gian qua khiến cho các hoạt động phong trào gặp nhiều thách thức, nhưng đó cũng là cơ hội cho các tổ chức mới vươn lên, qua việc tìm kiếm cách tiếp cận mới. Giáo sư Vũ Tường, cố vấn của Rise, đánh giá: “Tham gia và tổ chức phong trào xã hội không dễ dàng kể cả khi chính quyền không cấm đoán. Điều kiện Việt Nam làm cho khó khăn hơn, nhưng không phải không thể làm được. Thường là phong trào xã hội phát triển theo chu kỳ, khi lên khi xuống, cho nên các bạn trẻ cần sự kiên trì và tầm nhìn xa để điều chỉnh chiến lược và phát triển phong trào dựa theo chu kỳ”.
C.C.