Bình luận vài ý trong bài báo của Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Đình Cống

1. Giới thiệu

Vừa qua Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng công bố bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” (gọi tắt là bài báo). Bài dài trên 13 ngàn chữ, ngoài đoạn mở đầu thì nội dung gồm ba phần, ứng với ba giai đoạn lịch sử (1. Từ 1930 đến 1975, 2. Từ 1975 đến nay, 3. Từ nay đến 2030).

Bài viết được các đài, báo lề đảng đăng toàn văn với những lời ca ngợi rất hùng hồn. Tôi đã đọc qua một lần và phát hiện một số ý không giống như các lời ca ngợi, xin viết để trao đổi với những ai có quan tâm.

Quan trọng của một bài báo là thông tin, có mới không, có giúp ich gì cho người đọc không hay chỉ là gây nên tình trạng để người ta phải than thở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Chắc GS Trọng đã dự kiến được điều này nên mở đầu bằng câu “Như chúng ta đều đã biết”. Mọi người đều đã biết thì, nếu rất cần chỉ nên nhắc lại một cách tóm tắt chứ viết dài dòng mà làm gì. Liệu bắt người ta đọc những điều họ đã nghe đến nhàm chán thì có thể “khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của Đất nước ta hay không (câu trích từ đoạn mở đầu), Thế mà hầu như toàn bộ thông tin được bài báo dẫn ra đúng như tác giả đã viết là mọi người đều đã biết.

Khi mới lướt mắt qua tôi thấy trong bài báo có những ánh lấp lánh, cố đọc kỹ để mong “đãi cát tìm vàng”, nhưng chỉ tìm thấy cái lấp lánh của những giáo điều. những giáo điều như vậy được nhắc đi nhắc lạị đến nỗi một số khá đông người ngộ nhận đó là sự thật không thể phản bác.

2. Về phần một - Thời kỳ từ 1930 đến 1975

Trong phần 1, bài báo viết: “Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long,…, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc,…, Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của Dân tộc và nguyện vọng tha thiết của Nhân dân”

Trong đoạn trên ít nhất có vài ý không phản ảnh đúng thực tế mà chỉ là những giáo điều. Thứ nhất là năm 1930 mà cho rằng giai cấp công nhân của Việt Nam đã trưởng thành là khó chấp nhận. Giáo điều ở chỗ cho rằng đã là đảng cộng sản thì phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân trong lúc những người đến hội nghị hợp nhất không có ai đại diện cho cho công nhân cả. Ngay bây giờ cho rằng Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân cũng là giáo điều hạng nặng. Giáo điều thứ hai ở chỗ cho rằng giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Thực ra lãnh đạo cách mạng tháng 8 là Việt Minh, một tổ chức do Đảng lập ra gồm những người yêu nước mà chủ yếu là các trí thức trẻ. Đặt ra giai cấp lãnh đạo là một suy diễn của Mác Lênin, thực tế không tồn tại sự lãnh đạo như vậy.

Điều thứ ba là đã lập lờ về “Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập”. Luận cương đoàn kết dân tộc chống thực dâp Pháp do Nguyễn Ái Quốc đưa ra, được thông qua, nhưng sau đó đã bị Tổng bí thư Trần Phú loại bỏ để thay bằng khẩu hiệu “trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Khi Hồ Chí Minh lãnh đạo Việt Minh mới khôi phục được phần nào luận cương của Nguyễn Ái Quốc. Cách trình bày của bài báo có thể làm người ta hiểu nhầm giữa Luận cương của Nguyễn Ái Quốc và luận cương của đảng do Trần Phú đề xuất.

Ngay sau khi thành lập đảng đã vội tiến hành cách mạng đấu tranh giai cấp bằng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và đã thất bại. Phong trào này chỉ thể hiện tinh thần hy sinh anh dũng của nông dân và một số đảng viên chứ không thể hiện một chút nào tài năng của lãnh đạo đảng, chưa chứng tỏ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác Lê. Nó chỉ thể hiện sự giáo điều về đấu tranh giai cấp.

Nhận xét về các phong trào yêu nước trước năm 1930, bài báo viết: “song, do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng, các phong trào đó đã không thành công. Lịch sử đòi hỏi phải tìm con đường mới”. Bài báo cho rằng con đường và chủ nghĩa Mác Lê do Đảng Cộng sản chọn là hoàn toàn đúng vì Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” và kháng chiến chống Pháp 9 năm đã thắng lợi. Đây là một đánh giá thiên lệch. Thực chất của cuộc Cách mạng tháng Tám là Việt Minh huy động lực lượng đông đảo quần chúng cướp chính quyền chủ yếu bằng biểu tình, với tay cầm gậy gộc và hô khẩu hiệu. Long trời lở đất bằng cái gì khi việc đánh nhau bằng tay chân cũng không xảy ra. Cách mạng thành công chủ yếu nhờ lợi dụng được thời cơ, Pháp đã bị Nhật loại bỏ vào ngày 9 tháng Ba, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh vào đầu tháng Tám, vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập vào tháng Tư năm 1945 và chính quyền của Bảo Đại (do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng) lúc đó không có quân đội.

Chưa thể kết luận con đường mà Đảng Cộng sản đã chọn là hay, là đúng vì ngay năm 1945 Hồ chí Minh đã thấy cần sự hợp tác với Mỹ, được Mỹ công nhận. Muốn thế cần từ bỏ con đường cộng sản. Vì thế Hồ Chí Minh đã có ý muốn giải tán Đảng Cộng sản để lập ra đảng mới, có tính dân tộc, nhưng thực chất Đảng lại rút vào bí mật. Điều này không qua mặt được tình báo Mỹ nên việc thiết lập quan hệ với Mỹ không thành. Từ đó phải kháng chiến chống Pháp 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Lại còn mất 20 năm chiến tranh mới thống nhất được đất nước.

Con đường Đảng Cộng sản chọn cho dân tộc đúng sai đến đâu hiện nay chưa bàn được, còn chờ lịch sử phán xét. Nhưng so với các nước thuộc địa khác thì nhiều nước vẫn giành được độc lập, tạo được thống nhất mà nhân dân không cần đổ máu, đất nước không bị phá nát, tình cảm hòa hợp dân tộc không bị rạn nứt như ở VN.

Cuối phần một, bài báo viết: “Nhìn lại chặng đường 1930 – 1975, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác,… Tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, giành chính quyền về tay Nhân dân,… Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”

Cho rằng “Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác” là giáo điều và chỉ mới viết ra một phần sự thật. Thế thì Xô viết Nghệ Tĩnh thắng lợi vang dội ở chỗ nào, từ cải cách ruộng đất đến hợp tác xã nông nghiệp bậc cao ở miền Bắc, cải tạo công thương ở miền Nam sau 1975, làm kiệt quệ một nền kinh tế đang trong tình trạng phát triển tốt, chủ trương đối xử tàn bạo với những người bên phía bại trận đã xô đẩy hàng triệu người trốn tránh vượt biên mà không ít đã bỏ xác giữa biển khơi, rồi những quả đấm thép của kinh tế quốc doanh (là kinh tế chủ đạo) đã làm thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng, đánh mạnh vào nền kinh tế non trẻ, rồi sự phát triển nóng nền kinh tế (để đạt chỉ tiêu này nọ) đã phá nát môi trường vật chất và tinh thần, rồi sự suy thoái về đạo đức, văn hóa, giáo dục và nhiều tệ hại khác thì có phải là thắng lợi vang dội không? Rồi rất nhiều đảng viên cao cấp bị bắt, bị xử tù vì đủ thứ tội danh thì có phải là thắng lợi không? Đảng có phải chịu trách nhiệm gì trước dân tộc không?

Chỉ nhấn mạnh vào điều mà Đảng tự cho là thắng lợi vang dội (mà có những việc cũng chưa chắc là thắng hay bại) mà lờ đi những thất bại rõ ràng, thì đó là sự kiêu ngạo của những người thiếu lương thiện,

Cho rằng cuộc đấu tranh tốn nhiều xương máu và tài sản của nhân dân là nhằm “giành chính quyền về tay nhân dân” là một sự đánh tráo khái niệm. Thực ra chính quyền giành được từ đối phương đã bị Đảng chiếm giữ toàn bộ cho mình mà không chịu trả lại cho dân. Thể hiện rõ nhất là chỉ có đảng viên mới được giữ những chức vụ then chốt, Quốc hội là do Đảng cử dân bầu. Không những chính quyền mà đất đai, tài sản quốc gia Đảng cũng tự xem là của mình tuốt tuồn tuột.

Cho rằng, Đảng Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”

Viết như thế về miền Bắc là chỉ mới nói ra một phần sự thật, vì trong những năm trước 1975, ở miền Bắc có chống chiến tranh phá hoại, là rõ ràng, còn xây dựng xã hội với hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, không cho dân tự phát triển sản xuất, đến nỗi Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc phải chết trong sự giằng xé nội tâm dẫn đến trọng bệnh. Xã hội như vậy không thể phải là xã hội chủ nghĩa như ông Trọng định nghĩa, mà là một hình thái gì đó rất gần xã hội nô lệ.

3. Về thời kỳ từ 1975 đến nay (2024)

Mở đầu phần hai, bài báo viết: “Sau khi đất nước được thống nhất, nước ta phải đối mặt với nhiều hậu quả rất nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 1976 – 1980 và 1981 – 1985. Qua đó, hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục – đào tạo, giao thông, thuỷ lợi từng bước được khôi phục. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể được chăm lo phát triển, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Sau chiến tranh mọi khó khăn đổ lỗi cho nó là quá đơn giản, nhưng điều đó chỉ đúng một phần cho miền Bắc mà không đúng cho miền Nam, nơi vẫn giữ được nền kinh tế khá phồn vinh. Chỉ đến khi ông Đỗ Mười vào thực hành cải tạo công thương nghiệp, không cho làm kinh tế tư nhân, đưa người đi làm kinh tế mới, ngăn sông, cấm chợ, cấm tư nhân buôn bán thì đã xô cả nền kinh tế xuống vực thẳm. Sai lầm này của ông Mười được Đảng lờ đi, không nhận.

Ở miền Bắc Đảng bắt ép nông dân vào hợp tác xã, làm cho sản xuất nông nghiệp trì trệ. Nhiều người thợ thủ công tài giỏi như vua lốp Nguyễn Văn Chấn, làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội thì bị cấm đoán, bị tịch thu, bị bắt giam, đời sống của cán bộ thường và người dân rơi vào cảnh cùng quẫn chứ không được như nhận xét cùa bài báo. Chỉ có cán bộ cấp cao, được cung cấp hàng hóa giá rẻ mới có thể sống ung dung được.

Bài báo viết về “đổi mới”, với việc cho làm kinh tế tư nhân, mở cửa đón đầu tư từ nước ngoài, phát triển ngoại thương, nhờ thế mà đã khôi phục được kinh tế. Nhưng đó thực chất là sửa sai, làm trái với đường lối kinh tế của chủ nghĩa Mác Lê chứ chẳng đổi mới ở đâu cả.

Bài báo viết tiếp:Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp”. Nhận thức được như vậy, với người có hiểu biết thì nên tạm dừng lại để nghiên cứu xem có khả năng chọn sai đường hay không, nếu chọn sai thì phải tìm cách đổi hướng. Cứ nhắm mắt, bịt tai “đâm lao phải theo lao” là thái độ của người cố chấp, bảo thủ, cuồng tín.

Bài báo viết tiếp: “Đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới”.

Cho rằng đưa thêm cái đuôi “định hướng XHCN” là đột phá lý luận và sáng tạo, là sự suy diễn thiếu căn cứ. Phải chăng như chỗ tôi biết được, đó chẳng qua là câu trao đổi bất chợt của hai đảng viên mà một ủy viên bộ chính trị khóa IX nghe được. Nhưng cái đuôi ấy chỉ được dùng trong nước. Với nước ngoài muốn vận động người ta công nhận nền kinh tế thị trường thì phải cắt đuôi. Tuy vậy cũng chưa thuyết phục được ai.

Thực ra kinh tế thị trường có kiểm tra, giám sát của nhà nước đã xuất hiện từ lâu ở nước Anh, chỉ là trong “định hướng XHCN” thì phải chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Bài báo viết: “phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng”. Đoạn này viết đúng sách, nhưng nhìn vào thực tế thì thấy Đảng nói như thế nhưng không làm được thế. Trong mấy chục năm qua đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa và giáo dục suy thoái. Đảng với vai trò lãnh đạo toàn diện không được thoái thác trách nhiệm về các việc đó.

Bài báo viết tiếp: “Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa,… Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ”

Mô hình nhà nước ba cấp (Đảng lãnh dạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ) là mô hình tạo ra sự chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, lãng phí. Cũng đã có người thấy ra nhược điểm của nó và chủ trương “nhất thể hóa” vị trí người đứng đầu bên Đảng và chính quyền, nhưng bộ máy vẫn giữ nguyên, chỉ khắc phục được chút ít mà thôi. Cơ chế này nên được thay thế chứ không nên kéo dài.

Cho rằng “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN và Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ” là một cách tuyên truyền, không phản ảnh đúng sự thật, không những đối với toàn dân mà nhiều quy định về bầu cử trong Đảng là trái với dân chủ. Còn việc Đảng cử dân bầu Quốc hội là một dẫn chứng rõ ràng về dân chủ giả hiệu.

Bài báo viết: “Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ”.

Khi nói về tăng trưởng kinh tế Đảng thấy rất rõ vai trò lãnh đạo của mình mà quên mất hai nhân tố quan trọng hơn là nhờ vào vị trí địa lý và tài nguyên của đất nước, nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nhân, các trí thức Việt. Chính vì phát hiện ra điều này mà Le Van Vu (levanvu@acl.com ngày 27/1) viết bài: Few contries are better placed than VietNam to get rich Yet political could slow it down (Ít có nước nào có điều kiện làm giàu tốt hơn Vietnam, nhưng tê liệt chính trị làm chậm tiến trình).

Trong sách Tại sao các quốc gia thất bại tác giả này chỉ ra rằng thể chế chính trị (là dân chủ hay độc quyền tàn bạo) có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoặc thất bại. Trong lúc thể chế của Việt Nam được Đảng cho là dân chủ, của dân, do dân, vì dân thì những người phản biện nhận ra rằng đó là thể chế toàn trị của Đảng dựa vào công an và tuyên giáo. Thể chế đó có phần kìm hãm chứ không thúc đẩy sự phát triển.

Cứ nhận rằng GDP là 430 tỷ USD thì một phần đáng kể trong số đó là do tư bản nước ngoài nắm giữ, chúng ta chỉ được cái tiếng. Nhưng với đất nước và dân như VN mà chính thể thật sự dân chủ như Nhật Bản, Đài loan, Nam Hàn, Singapor, Malassia thì liệu GDP sẽ tăng hay giảm so với 430 USD. Theo tôi, cũng như theo Le Van Vu và nhiều người khác thì sẽ tăng, có thể đến gấp rưỡi hoặc trên gấp đôi.

Sau khi kể ra nhiều công lao của Đảng, bài báo viết: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước.

Về hình thức, đoạn trên phản ảnh đúng một sự thật, nhưng nguyên nhân tại đâu. Có phải dân tộc Việt không thể sinh ra người tài giỏi. Không phải như vậy mà chính vì Đảng Cộng sản cầm quyền không chấp nhận bất kỳ ai có ý kiến khác với họ. Công an và tòa án sẵn sàng đàn áp tàn khốc những xu hướng chính trị chỉ hơi khác với chính quyền. Mới sinh ra, chưa kịp thở đã bị bóp chết thì làm sao có thể trưởng thành để lãnh đạo đất nước.

Kết thúc phần hai, bài bào viết: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: "Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng! Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Nói ra bên ngoài là khiêm tốn, nhưng bên trong ẩn giấu sự kiêu ngạo cộng sản mà không khó khăn gì để phát hiện.

4. Về phần ba, thời kỳ từ nay (2024) đến năm 2030 (một trăm năm ngày thành lâp Đảng).

Ở đọan đầu của phần ba, bài báo viết: “Chúng ta tự hào, tin tưởng tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngĐể hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do Đại hội XIII của Đảng đề ra thì tốc độ tăng trưởng bình quân 6 năm 2024 – 2030 phải đạt khoảng 8%,…, đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.”

Đề ra mục tiêu, chỉ tiêu của phát triển kinh tế không phải thuộc kinh tế thị trường mà là do cái đuôi định hướng XHCN, tàn dư của nền kinh tế kế hoạch, mang nặng chất duy ý chí. Tăng trưởng 8% đối với VN vào cuối thế kỷ 20 (lúc GDP còn quá thấp) là chỉ tiêu dễ đạt được, nhưng khi GDP đã thuộc mức trung bình thì việc tăng thêm 1% đã là khó khăn. Mục tiêu, chỉ tiêu do đại hội Đảng biểu quyết thông qua, nhưng khi biểu quyết ít có đại biểu hiểu được phải làm sao để thực hiện. Hơn nữa khi kinh tế đang kiệt quệ, việc tạm gác lại các vấn đề liên quan đến môi trường, đạo đức, giáo dục và văn hóa để ưu tiên phát triển kinh tế là cần, nhưng khi môi trường, đạo đức, giáo dục, văn hóa đang suy thoái mà vẫn ưu tiên phát triển kinh tế thì chưa phải đã là cách lựa chọn đúng nhất vì nó tạo ra một xã hội quá quan tâm đến đồng tiền, và khi quá quan tâm đến phát triển kinh tế thì dễ bị lơ là những lĩnh vực thuộc tinh thần.

Khi đặt ra chỉ tiêu quá cao để đến nỗi rất khó đạt thì dễ phạm lỗi làm cho qua chuyện để báo cáo, tạo ra lãng phí lớn cho xã hội vì sản xuất ra những sản phẩm vật chất kém chất lượng, chưa dùng đã hỏng, vì tạo ra thói lập thành tích dỏm, khuyến khích sự dối trá.

Ngoài tầm nhìn đến năm 2030, người ta còn vạch ra tầm nhìn đến năm 2045 (một trăm năm thành lập chế độ). Cách tạo ra tầm nhìn là một đặc điểm của xã hội VN trong những năm gần đây. Đó cũng là một loại duy ý chí, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động.

Tiếp đến bài báo vạch ra những tiêu cực, bất cập trong nhiều lĩnh vực và viết: “Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động.” Thực ra, những tiêu cực, những bất cập của xã hội mà bài báo chỉ mới kể loa qua (còn thực tế là trầm trọng hơn) thì Đảng lãnh đạo toàn diện phải chịu trách nhiệm về đường lối, như thế thì “chúng ta” làm sao còn đủ tự hào và tin tưởng tiến lên dưới lá cờ của Đảng.

Tiếp theo, bài báo nêu ra những bài học kinh nghiệm chép lại từ nghị quyết. Đọc qua thấy hay, nhưng xem kỹ mới biết rằng phần lớn các kinh nghiệm được rút ra từ lý luận, được viết theo mẫu, chứ không phải từ hoạt động thực tế.

Cuối phần ba, bài báo dẫn ra vài câu thơ của Tố Hữu ca ngợi Đảng và viết: “Niềm tự hào, niềm tin đó của Nhân dân ta đối với Đảng từng bước được vun đắp, nâng cao, ngày càng bền chặt hơn qua suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng… … Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng … …, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên đây vừa trich một đoạn văn tuyên truyền đầy chất giáo điều, trái với thực trạng. Sự độc quyền Đảng trị đã tạo ra nhiều cán bộ tham nhũng, thoái hóa về đạo đức, trong đó có cả một số ủy viên bộ chính trị và ban chấp hành trung ương, lại có cả những “cặp đôi hoàn hảo” gồm bí thư và chủ tịch tỉnh khoác tay nhau vào tù. Cũng sự độc quyền ấy đã tạo ra nhiều vạn dân oan bị cướp đất, bị phá nhà như ở Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Dương Nội và nhiều nơi khác, bị đàn áp, khủng bố như Đoàn Văn Vươn, Lê Đình Kình và dân thôn Hoành, Đồng Tâm, bị thủy điện xả lũ trôi nhiều nhà cửa như ở miền Trung, bị tòa án kết tội oan sai đến mức tử hình bằng những “bản án bỏ túi”, gây ra cảnh “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”. Rồi giáo dục, văn hóa, đạo đức suy thoái, rồi những vụ án kinh thiên động đia (Việt Á, Chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, v.v…). Với tình hình xã hội như vậy thì làm sao mà: “Tự hào về Đảng quang vinh,… tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”. Đã từng có phát biểu của một số lãnh đạo rằng “Niềm tin của dân vào Đảng ngày càng giảm sút”.

Về thể chế, liệu để xây dựng một đất nước thật sự dân chủ, mọi người được tự do, hạnh phúc, bình đẳng, thương yêu và tôn trọng nhau trong cuộc sống hòa bình, hợp tác, có nền sản xuất tiên tiến, có nền văn hóa, nền giáo dục nhân bản, khai phóng thì có nhất thiết phải xây dựng thể chế XHCN do đảng cộng sản theo chủ nghĩa Mác Lê lãnh đạo hay không. Trả lời dứt khoát là không nhất thiết mà có thể chọn một con đường khác thuận lợi hơn.

Thực tế sinh động chứng tỏ rằng Liên Xô và các nước Đông Âu đang xây dựng XHCN giữa chừng thì bị sụp đổ, mà nguyên nhân cơ bản là không thể giải quyết những mâu thuẫn gay gắt nội tại, những mâu thuẫn đó hiện nay Đảng Cộng sản VN đang mắc phải. Ở VN, ông Tổng bí thư Đảng công nhận là con đường xây dựng CNXH gặp quá nhiều khó khăn và đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc đã làm được.

Một thực tế sinh động khác là tại các nước Bắc Âu. Ở đó người ta không xây dựng XHCN với sự lãnh đạo của cộng sản theo Mác Lê, người ta không gặp một khó khăn, trở ngại nào cả mà đã xây dựng được những đất nước thật sự dân chủ, tự do, hạnh phúc, bình đẵng cho tất cả mọi người.

Một tấm gương nữa là lý thuyết “mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình. Với lý thuyết đó Trung Quốc đã phát triển ngoạn mục, tiếc rằng vì tư tưởng Đại Hán mà Tập Cận Bình đã đi lệch phương hướng,

Thực ra ông Trọng chỉ mượn tiếng XHCN để che lấp ý đồ chính là xây dựng thể chế do Đảng cộng sản của ông điều hành, có như thế thì tên của ông mới được hậu thế đặt ngang hoặc cao hơn Hồ Chí Minh. Thế rồi những nhà tuyên truyền cộng sản dựng lên câu chuyện, rằng chinh Hồ Chí Minh và toàn dân VN chọn chế độ XHCN. Thực ra nhân dân không chọn gì cả mà bị áp đặt.

Theo Milovan Djilas, thể chế toàn trị của cộng sản đã sinh ra một “Giai cấp mới” đầy quyền lực, tạo ra những áp bức độc ác, thô bạo, phản nhân tính so với áp bức của những thế lực thống trị trước đây (đặc biệt là đối với những người bất đồng chính kiến).

Ông Trọng đã thể hiện một người rất nặng giáo điều, cuồng tín vào lý thuyết cộng sản. Nhân dân VN chỉ còn một số it, vì cuồng tín mà tin vào ông còn đại đa số không còn hy vọng gì, họ tin chắc rằng không sớm thì muộn, sẽ có ngày họ thoát được thể chế toàn trị của cộng sản để xây dựng chế độ thực sự dân chủ.

5. Thay cho lời kết

Trước hết viết vài điều về chủ thuyết cộng sản. Ông Trọng làm luận án tiến sĩ về xây dưng đảng. Thông thường luận án được bắt đầu bằng “Tổng quan”. Hình như ông nghiên cứu sinh Trọng được hướng dẫn làm tổng quan chỉ theo một chiều nên đã bỏ qua một tài liệu rất quan trọng là sách “Giai cấp mới” của Milovan Djilas (1911-1995), nguyên là cán bộ cấp cao của Cộng sản Nam Tư, được xếp thứ hai sau lãnh tụ Ti Tô (Milovan là người cộng sản gộc, chỉ dưới một người, trên nhiều chục triệu người). Nam Tư từng là một nước trong phe XHCN, nhưng năm 1947 đã bị Stalin khai trừ vì cho là đi theo con đường xét lại, làm những việc khác với Liên xô. Ti Tô giao cho Milovan tổ chức nghiên cứu thật kỹ về cộng sản để chứng minh Ti Tô đúng còn Stalin sai. Milovan đã tổ chức nghiên cứu một cách khoa học và rút ra kết luận rằng chủ nghĩa cộng sản chứa nhiều bất hợp lý, những dự đoán của Mác chỉ là ảo tưởng. Milovan trung thực báo cho Ti Tô rằng không những Liên xô mà Ti Tô cũng phạm sai lầm. Ti tô đã kết tội và khai trừ Milovan. Sau đó vì tham gia biểu tình phản đối việc các nước theo Liên xô can thiệp vào Hungari nên ông bị kết án tù ba năm. Trong tù ông viết sách Giai cấp mới và gửi ra xuất bản ở nước ngoài. Sách được Phạm Nguyên Trường dịch ra tiếng Việt và bí mật truyền bá giữa những bạn bè (có thể tìm đọc trong Google).

Giai cấp mới là những người có quyền cao trong hệ thống của đảng cộng sản cầm quyền. Ở Việt Nam hiện nay họ được gọi là “Các nhóm lợi ích”. Họ được đảng cộng sản trao cho rất nhiều quyền hành, trở thành những kẻ áp bức mới, với những thủ đoạn tàn bạo chưa từng có trong lịch sử. Có đọc được Giai cấp mới, mới hiểu được bản chất của cộng sản. Milovan nói rằng “Ở tuổi bốn mươi mà không từ bỏ cộng sản là người không có trí tuệ”.

Cậu bé Trọng có một tuổi trẻ được giáo dục một chiều, rằng chủ nghĩa Mác Lê là tuyệt đối đúng, là kim chỉ nam của mọi hành động để đưa nhân loại đến hạnh phúc, Theo đúng thói quen thông thường, cậu ta ghi nhận mọi điều dạy bảo của người lớn và biến chúng thành chân lý. Khi làm nghiên cứu sinh lại gặp phải ông thầy đã bị khống chế bởi ý thức hệ Mác Lê, cả thầy và trò không thể nào thoát ra được.

Ông Tổng bí thư Trọng nói rằng “đất nước chúng ta chưa có bao giờ được như ngày nay”. Có thể là ông nói thực lòng vì ông, cùng với an ninh và tuyên giáo đã dựng lên quanh mình một tường lửa, ngăn chặn mọi thông tin ngược chiều từ xã hội. Ông tưởng nhầm rằng mình đã biết được sự thật qua những báo cáo từ cấp dưới, từ những nguồn thông tin đại chúng, từ các buổi tiếp xúc cử tri được dàn dựng công phu. Có biết đâu ông đã bị lừa.

Ông mặc nhiên cho rằng những người như Milovan Djilas (Nam Tư), Gorbachov, Elsin (Nga), Walesa (Ba Lan), là những tên chống cộng quốc tế, những Trần Độ, Trần Xuân Bách, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính,Tống Văn Công và nhiều trí thức phản biện khác của VN là những kẻ phản động, tự chuyển hóa. Đáng ra ông phải cho người tim hiểu và đối thoại với họ để tìm chân lý, tìm con đường đúng thì ông chọn cách “phủ định sạch trơn”, rất dễ cho ông nhưng có hại cho dân tộc.

Ông hô hào: Trên dưới một lòng, nhất hô bá ứng, dọc ngang thông suốt…, chỉ là hô hào suông.

Nhận thức về đảng. Phải chăng Đảng cộng sản VN là một đảng chính trị. Tất cả các đảng chính tri (tạm trừ đảng cộng sản) do một người hoặc một nhóm người lập ra, có cùng chí hướng về một lĩnh vực nào đó của xã hội, chủ yếu là để được cầm quyền bằng cách vận động bầu cử. Riêng Đảng Cộng sản VN và một số đảng cộng sản khác chủ trương giành chính quyền bằng bạo lực với phương châm thể hiện trong lời đảng ca : “… Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành… Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình…”.

Theo Lênin, đảng cộng sản phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, phải gồm những người ưu tú. Một thời khá dài Đảng tuyên truyên rằng được vào Đảng là vinh dự nhất đời, và Đảng là một tổ chức thiêng liêng mà mọi người chỉ có thể phục tùng vô điều kiện và kính trọng tuyệt đối. Tuyên truyền của Đảng còn dựng lên một lãnh tụ vĩ đại gần giống như một vị thánh để nhân dân thờ phụng. Đảng đặt ra danh từ quần chúng để phân biệt với đảng viên.

Thực ra Đảng Cộng sản VN về bản chất cũng chỉ là một đảng chính trị, là công cụ của một số chính trị gia bậc cao, Đảng được nhập từ ngoài vào và dựa và dân, đăc biệt dựa vào lòng yêu nước của đảng viên cà của nhân dân để phát triển.

Xem dân tộc như một cây chủ thì tổ chức Đảng như một cành tầm gửi sống nhờ vào nhựa của cây. Đảng chăm lo đến phát triển kinh tế, một phần vì dân, nhưng chủ yếu là cho Đảng, vì chi tiêu của Đảng đều lấy từ ngân sách, từ tiền thuế của dân.

Với đảng cầm quyền, ngân sách nhà nước có nghĩa vụ cung cấp một khoản nào đó để hoạt động, nhưng phải công khai thông qua Quốc hội. Nhưng với Đảng cộng sản VN, hình như ngân sách nhà nước cũng là của Đảng nên chưa bao giờ thấy việc Quốc hội thông qua ngân sách cấp cho Đảng. Ở VN, hình như mọi người công nhận việc Đảng tự đặt mình đồng nhất với nhà nước và mọi thứ trên đất này đều thuộc về Đảng, mỗi người dân phải thuộc lòng câu “Nhờ ơn Đảng nên dân ta mới có được như ngày nay”, rằng mọi người phải nhớ ơn Đảng. Thực ra, nói ngược lại là Đảng phải nhớ ơn dân mới đúng.

Tiếp theo xin bàn một chút về vị thế ngoại giao của VN. Trước đây đã từng có những người Việt tự hào rằng, tuy là nước nhỏ nhưng VN xứng đáng là người lính xung kích của phe XHCN, là tấm gương sáng về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa trong phong trào ba dòng thác cách mạng. Nhưng gương dựng lên rồi để đó, ngoài nước Lào bị khống chế ra chẳng có ai học theo. Đến nỗi, để trả lời sự khoe khoang của ông Phạm Văn Đồng rằng VN tự hào đã đánh thắng Pháp và Mỹ, một Thủ tướng Thái Lan nói rằng họ lại tự hào vì không phải đánh nhau với ai cả.

Gần đây, một số lãnh đạo và người dân có một tự hào vì VN được nhiều nước kết bạn, công nhận, tôn trọng thể chế và bầu vào một số hội đồng cùa Liên Hiệp Quốc. Người ta tự hào vì có hai sự nhầm. Một là VN có nhiều bạn nhưng không có bạn thân, bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Người bạn Trung Quốc vừa là bạn, vừa là kẻ thù. VN lại mắc mưu TQ chủ trương quốc phòng bốn không, tự trói tay chân nếu bị TQ xâm lấn.

Nhầm thứ hai là VN đã đạt được sự tin cậy và kính trọng của nhiều nước vì họ tôn trọng quyền tự chọn thể chế và bầu vào một số hội đồng của Liên Hiệp Quốc. Nhầm là lẫn lộn giữa tôn trọng sự lưạ chọn với tin cậy, kính trọng.

Trước đây Mỹ và nhiều nước rất lo ngại việc cộng sản Trung Quốc và tên lính xung kích VN sẽ tràn ra khắp Đông Nam Á. Nhưng càng ngày càng rõ rằng cộng sản ngày nay chỉ còn đủ sức gây ra những bất lợi cho nhân dân do họ thống trị mà không còn đủ sức truyền bá rộng rãi, dân nhiều nước đã thấy rõ những độc hại của cộng sản mà không bị lừa dối.

Nhận thức rằng lựa chọn thể chế chính trị, tuy là rất quan trọng, nhưng là quyền tự do của mỗi nước, cũng như kết hôn là quyền tự do của con người trưởng thành. Vì nhân quyền mà người ta tôn trọng sự lựa chọn thể chế, nhưng từ tôn trọng sự lựa chọn đến cho rằng sự lựa chọn đó là đúng, là hay, dẫn đến sự tin cậy, kính trọng còn một quảng khá xa.

Lấy thí dụ, cạnh nhà bạn có ông bị mắc bệnh aids (sida). Trước đây vì sợ bệnh dễ lây nên bạn tránh xa, nhưng khi hiểu ra bệnh đó chỉ làm hại người bệnh mà khó lây cho người khác, nên bạn thỉnh thoảng chào hỏi ông ta, thậm chí cùng ngồi ăn uống với nhau, đối xử vói ông bình đẳng. Như vậy không có nghĩa bạn xem ông ấy là tốt, đáng tin cậy và kính trọng.

Việc vận động các nước công nhận VN có kinh tế thị trường, tuy đã tốn nhiều công sức nhưng chưa đạt được vì người ta thấy rõ sự thiếu trung thực trong đó. Riêng về việc được bầu vào hội đồng của Liên Hiệp Quốc thì hình như cũng phải tốn nhiều công vận động để có được cái danh hão mà tuyên truyền chứ thực chất của việc đó không có ý nghĩa thực tế. Tự hào về những điều vừa kể là tự hào một cách hoang tưởng (Hết bài).

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chủ nghĩa xã hội, cộng sản, Nguyễn Phú Trọng. Bookmark the permalink.