Xung quanh câu chuyện bán con bị xử tù 23 năm

Võ Xuân Sơn

Câu chuyện hai vợ chồng bán đứa con nhỏ bị xử tổng cộng 23 năm tù ở Trà Vinh, là một cậu chuyện bi đát, mà một ngày nào đó, nó sẽ được đưa vô sách lịch sử, phản ánh một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Là một người sinh ra và lớn lên trong chế độ mới, tôi không phải là người cố chấp đối với chế độ này. Một trong những điều tôi nhìn nhận, chế độ này đã làm tốt, là mang lại cuộc sống về vật chất tốt hơn rất nhiều, cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa.

Nếu bạn tới Tây Nguyên, hoặc lên vùng núi cao Trường Sơn, bạn sẽ thấy những con đường nhựa phẳng lì dẫn tới các buôn làng, thấy ánh sáng điện chiếu sáng các buôn làng, đó là những điều thiết thực mà chế độ này mang lại cho những người dân vùng sâu, vùng xa. Và cả những ngôi trường, phần nhiều là khá khang trang (tất nhiên, vẫn còn có một số điểm trường còn bệ rạc).

Còn một điều nữa, mà chỉ những người làm ngành y mới có thể nhìn thấy. Đó là mạng lưới y tế cơ sở đã được mở đến tận những nơi hẻo lánh nhất. Và đa phần, các trạm y tế vùng sâu vùng xa như vậy, vẫn có các bác sĩ phụ trách. Tôi còn nhớ mãi cái điểm trạm y tế thôn bản, tại làng của người Rục, ở Trường Sơn, sát biên giới với Lào. Tôi cũng nhớ mãi những nhân viên y tế ở Tây Nguyên, phải đi bộ trong rừng nhiều ngày để tiếp cận những đồng bào du canh du cư trong rừng sâu, để khám chữa bệnh miễn phí cho họ.

Tuy nhiên, ngoài những "chiến dịch" chăm sóc cho đồng bào vùng sâu vùng xa, với chi phí lớn từ ngân sách, thì những công việc dài hơi hơn và không đòi hỏi nhiều chi phí, lại không được chú ý. Các cháu học tại những ngôi trường khá khang trang nhưng bữa ăn của nhiều cháu lại không có thịt. Các trạm y tế có máy móc xét nghiệm, siêu âm hiện đại, nhưng lại không có kinh phí duy trì hoạt động. Các điểm trạm y tế, hoặc trạm y tế ở những nơi hẻo lánh không có máy phát điện dự phòng, điều bắt buộc phải có đối với các cơ sở ở thành phố…

Ngoài việc đầu tư không đồng bộ làm giảm hiệu quả của những đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, thì về mặt văn hóa, giáo dục, cũng còn quá nhiều tồn tại. Việc hai bạn trẻ nghèo, đẻ tới 4 đứa con, rồi phải quyết định bán đi đứa nhỏ, để có tiền nuôi 3 đứa còn lại, cho thấy công tác giáo dục, theo dõi, phát hiện, xử lí… của cả một hệ thống bảo vệ bà mẹ trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em… rất tệ hại.

Không chỉ một chuyện này, những câu chuyện đau lòng khác vẫn hiện diện trên đất nước chúng ta, như bà mẹ tự tử với mong muốn con mình có tiền phúng viếng để được đi học, như chuyện cặp vợ chồng già không có tiền chữa bệnh phải dùng điện để tự tử… phản ánh sự bế tắc của một tầng lớp người trong xã hội hiện nay, mà trách nhiệm thuộc về nhà nước, và những đoàn thể tiêu tốn hàng đống ngân sách.

Nếu hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, hội bảo vệ quyền trẻ em… và bao nhiêu các hội khác, có hoạt động thực sự, thì cặp vợ chồng kia có dừng lại ở 1 hoặc 2 con, để nuôi dạy cho tốt không? Nếu các hội hoạt động tốt, thì ngay cả khi "lỡ" có tới 4 đứa con, thì họ vẫn có thể nhận được sự trợ giúp, kể cả việc cho con của họ cho những gia đình hiếm muộn, để các cháu có được cuộc sống tốt hơn.

Khi sự việc xảy ra rồi, thì cách xử lí của tòa án cũng cho thấy, họ thật sự vô cảm, trước số phận của 4 đứa trẻ, áp dụng luật pháp một cách máy móc. Có lẽ, tòa án của chúng ta chỉ thực sự nhân văn, khi xét xử các quan chức, với những mức án mang tính “tượng trưng” cho những tội trạng đáng lẽ ra phải tử hình.

Cả thế giới đang làm nhiều cách để chống lại nạn buôn bán người. Việt nam cũng tham gia vào các cam kết quốc tế về chống nạn buôn bán người. Đó là sự thật. Nhưng nhiều cán bộ của nhà nước ta, có trình độ nhận thức quá kém cỏi, để đánh đồng hành vi của cặp vợ chồng này với nạn buôn bán người mà cả thế giới đang chống lại.

Nếu thực tâm chống buôn bán người, thì hãy xử lí ngay việc để người “đi nhờ” chuyên cơ của Quốc hội trốn ở lại nước ngoài. Nếu muốn chống buôn bán người, thì hãy làm gì đó để truy tìm những kẻ đã lừa tuyển dụng để bắt người mà em sinh viên đã may mắn trốn được (không biết bao nhiêu người đã không may mắn như em sinh viên ấy).

Nếu muốn chống nạn buôn bán người, thì hãy xử lí rốt ráo bọn quan chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, bần cùng hóa người dân. Nếu muốn chống nạn buôn bán người, thì hãy xử lí đúng mức tội trạng của bọn lợi dụng dịch bệnh để gây tang thương cho người dân, đẩy người dân đến tình trạng kiệt quệ về kinh tế, mất niềm tin vào cuộc sống, làm cho người dân phải tìm đường mưu sinh bất hợp pháp, làm mồi cho bọn buôn người.

Chứ bắt một cặp vợ chồng thất học, ở khu vực vùng sâu vùng xa, trong hoàn cảnh bế tắc, tìm cách cho con mình được sống tốt hơn, rồi khép họ vào tội buôn bán người, và xử họ với mức án cao hơn nhiều so với tay Bộ trưởng góp công lớn trong việc lừa cả đất nước này về bộ kit test để ăn hối lộ, thì tầm thường quá, bất nhẫn quá.

Những hành động vừa vô tâm, vừa thiếu tầm như vậy làm cho nhiều người không nhìn thấy những thành tựu của nhà nước trong việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

V.X.S.

Nguồn: FB Xuân Sơn Võ

This entry was posted in luật pháp, Nạn buôn bán người, Quản lý xã hội, Tư pháp, Xã Hội. Bookmark the permalink.