Lý Trực Dũng
Cám ơn anh Lý Trực Dũng. Không hiểu sao Bộ VHTTDL và tỉnh Hải Dương không có trách nhiệm với một địa chỉ văn hóa rất có ý nghĩa với Tiếng Việt, với Văn học Việt Nam. Không ai dám hóa giải cái tội vạ mà ông Trường Chinh đã gán cho TLVĐ từ năm 1943. Cũng hèn! Tự lực văn đoàn có công trong việc phát triển văn học, văn hoá, văn minh thế nào, cũng đã rõ. Vậy mà không hiểu tại sao trại văn Cẩm giàng vẫn mãi là phế tích, trong khi không ít "nhà lưu niệm" đầu tư nhiều chục tỉ đồng cứ vắng như "chùa bà Đanh" lại được quan tâm (!) Những người có quyền lực họ không đọc, hoặc có đọc cũng không cảm thụ được văn chương của Thạch Lam, Nguyễn Tường Tam nên họ không muốn xây dựng nhà tưởng niệm nhóm Tự lực Văn đoàn. Bây giờ cả nước hay nói: ông xã tôi, bà xã tớ…nhưng có lẽ không ai biết rằng danh hiệu mang tính hài hước ấy là của Thạch Lam khi viết về ông Xã xệ trong Nam phong tạp chí từ những năm 1930. Những kẻ lãnh đạo ngành văn hoá chắc chả bao giờ đọc tác phẩm của TLVĐ, nhiều cô giáo còn chả biết TLVD là gì! Họ còn mải lo giữ ghế và kiếm lời cho bản thân, đâu nghĩ tới văn hoá! họ chỉ thích xây tượng đài, quảng trường vì dễ kiếm lời hơn! Buồn cho HD quê tôi!!? Dung Trinh Pham Chính xác |
Gần đây qua mạng xã hội thấy có rất nhiều người đăng rất nhiều ảnh ngôi nhà có bàn thờ các danh tài Tự lực văn đoàn ở NƠI LƯU NIỆM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN Cẩm Giàng, Hải Dương xuống cấp nghiêm trọng, trông quá thê thảm. Sau khi điện thoại trao đổi với một số anh em văn nghệ sĩ quen biết ở Hà Nội và Hải Dương, là KTS và có kinh nghiệm nhất định trong công việc sửa chữa, cải tạo, duy tu các công trình kiến trúc mới và cũ kể cả di tích văn hóa lịch sử… tôi bày tỏ nguyện vọng được sửa chữa ngôi nhà lưu niệm này bằng kinh phí của cá nhân tôi.
Nhớ năm 2017 khi thăm Hội An tôi tình cờ ghé thăm nhà thờ tộc Nguyễn Tường và vô cùng ngạc nhiên khi biết phụ thân của anh em Nguyễn Tường Tam là người Quảng Nam. Trước đây tôi cứ tưởng Nguyễn Tường Tam là người miền Bắc. Tôi vốn rất ngưỡng mộ Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) vì ông chính là người đầu tiên ở Việt Nam đưa tranh biếm họa lên báo và chính ông là tác giả của nhân vật Lý Toét lừng danh trên tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Tôi có giới thiệu hai nhân vật biếm họa Lý Toét và Xã Xệ này trong sách Biếm họa Việt Nam.
Thành thật trước tháng 10/2023 tôi không hề biết có nhà lưu niệm Tự lực văn đoàn ở Cẩm Giàng. Để hiểu hơn về lịch sử của nhà lưu niệm này, tôi đã tìm đọc nhiều bài viết được đăng tải trên các báo Vietnamnet, Báo Hải Dương, Báo Quảng Nam v.v… liên quan đến các cụ thân sinh 7 anh em Nguyễn Tường Tam khi còn ở Cẩm Giàng hồi đầu thể kỷ 20. Cụ ông Phán Nhu thân sinh 7 anh em Nguyễn Tường Tam mất năm 1918 khi mới 37 tuổi. Tôi vô cùng xúc động khi được biết cụ bà Lê Thị Sâm gốc Huế con gái cả của quan võ Lê Quảng Thuật ở Cẩm Giàng đã phải một mình tần tảo, gồng gánh nuôi các con khôn lớn và 5 trong 7 người con này của các cụ đã đổ Cử nhân! Mộ của hai cụ giờ nằm cách khu nhà xưa của các cụ ở Cẩm Giàng khoảng 800m. Chợt nghĩ đến mình… Gia đình tôi gốc Thừa Thiên Huế. Ba tôi nguyên Trưởng đoàn Văn công tỉnh Thừa Thiên, được Trung ương điều động ra Việt Bắc từ năm 1953… Năm 1960 ông mất ở Hà Nội khi cũng mới 37 tuổi do bạo bệnh vì từng bị Pháp bắt và tra tấn dã man thời còn hoạt động cách mạng ở Huế. Mạ tôi, tôi và các em tập kết ra Bắc năm 1955. Khi Ba tôi mất Mạ tôi mới 32 tuổi, không có nhà, không có đất, không có cả tiền bạc và cũng không thể quay trở về Huế… đã phải một mình ở lại miền Bắc bươn chải lo nuôi 4 đứa con. 4 anh em giờ chỉ còn 2 : Tôi và HS Lý Trực Sơn. Mạ tôi mất năm 2018. Giờ Ba Mạ tôi đã cùng ở bên nhau tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên Hòa Bình sau 58 năm âm dương cách trở…
Sáng ngày 6.12.2023 tôi và nhân viên kiến trúc, xây dựng của tôi từ Hà Nội xuống Cẩm Giàng. Chúng tôi dự kiến sẽ khảo sát đo đạc, chụp ảnh… và lập hồ sơ kiến trúc hiện trạng rồi sẽ trao đổi với chủ nhà lưu niệm này và nếu được đồng ý chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa ngay trong tháng 12/2023 để kịp hoàn thành trước Tết âm lịch Giáp Thìn 2024.
Chúng tôi được anh Trần Quang Thông và chị Trần Thụy Linh đón tiếp. Khi vào nhà lưu niệm, tôi ngạc nhiên vì kiến trúc của ngôi nhà này quá đơn giản, chỉ là một ngôi nhà cấp 4 chắc mới xây được 10-15 năm và đã xuống cấp, chắc chắn không phải là một ngôi nhà cũ có tuổi đời khoảng một trăm năm của gia đình Nhất Linh.
Sau khi thắp hương cho các anh tài Tự lực Văn đoàn và khảo sát ngôi nhà, chúng tôi thấy tối thiểu phải cải tạo khu vệ sinh và hệ thống cấp nước sạch ngay để khách từ xa đến thăm có chỗ đi vệ sinh… rồi róc vữa bị thối, trát mới tường bị hư hại và sơn bả lại, sửa cửa đi, cửa sổ… còn mái nhà bằng tôn thì tạm thời giữ nguyên. Nếu được phép, chúng tôi sẽ cho thợ tiến hành sửa chữa ngay trong tháng 12.2023 và sẽ xong trước Tết Giáp Thìn.
Khi ngồi hỏi chuyện với anh Thông và chị Linh về ngôi nhà Lưu niệm này để lên lich sửa chữa… tôi choáng khi được biết: Đây không phải là nhà của bố mẹ anh em Nguyễn Tường Tam còn sót lại… mà là nhà của một người dân do anh em trong Hội văn học nghệ thuật Cẩm Giàng mượn để làm nhà lưu niệm Tự lực Văn đoàn từ 2008.
Còn đất? Đây chính là khu đất rộng khoảng 3 mẫu sát đường tàu hỏa được Cụ bà Lê Thị Sâm tậu và chính Cụ từng cho người đào ao lấy đất đắp nền để xây nhà… Nhưng rồi với thăng trầm của lịch sử, nhà cửa của gia đình Cụ bị tiêu thổ thời kháng chiến chống Pháp 1945 – 1955 và lại còn bị tan hoang khi máy bay Mỹ ném bom ga tàu hỏa Cẩm Giàng, khu đất trở nên hoang phế… Rồi một phần khu đất này bị Chính quyền địa phương lấy xây kho lương thực và phần còn lại giao cho người khác sử dụng. Nghe nói người này đã được cấp cả sổ đỏ?! Như vậy khu đất này không còn thuộc quyền sở hữu của con cháu gia đình Nguyễn Tường Tam. Như vậy ở Cẩm Giàng hiện không còn nhà cũng không còn đất của gia đình Nguyễn Tường Tam.
Năm 2008 ở Cẩm Giàng từng có Hội thảo khoa học khá rầm rộ bảo tồn phát huy giá trị của Tự lực văn đoàn với sự tham gia của lãnh đạo Bộ văn hóa TT&DL, Hội nhà văn, v.v… Đến năm 2012 còn có cả Dự án đầu tư xây dựng công trình KHU CÔNG VIÊN TỰ LỰC VĂN ĐOÀN rộng gần 24.000 m2 rất hoành tráng tại thị trấn Cẩm Giàng. UBNN Thị trấn Cẩm Giàng là Chủ đầu tư và nghe nói vốn đầu tư cho Dự án này cả trăm tỉ đồng!? Nhưng cho đến nay sau 13 năm Dự án đó chỉ nằm trên giấy. Còn trên thực tế, chính quyền địa phương chưa có bất kỳ đóng góp gì thiết thực gì cho Khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn trừ việc năm 1995 họ đã đặt tên Thạch Lam cho con đường dẫn vào ga Cẩm Giàng sau bao nỗ lực yêu cầu, đề nghị của những người yêu mến Tự Lực Văn Đoàn ở địa phương.
Khu lưu niệm này thực tế do anh chị em quê Cẩm Giàng là thành viên của Hội văn học nghệ thuật Hải Dương và cả bác Đạm chủ nhà ngưỡng mộ, yêu quý Tự lực văn đoàn vui vẻ tự xưng “Tự lực" do anh Trần Quang Thông là nghệ sĩ nhiếp ảnh chủ trì dựng lên từ năm 2008 sau Hội thảo khoa học về Tự lưc văn đoàn nói trên. Họ tự sưu tầm, gom góp tư liệu về Tự lực văn đoàn và hình ảnh các hoạt động có liên quan rồi đóng khung trưng bày. Ngay cái bàn thờ uy nghi bằng gỗ tứ thiết cũng do họ quyên góp mà có… Mỗi khi có khách về thăm khu lưu niêm này, họ lại bỏ thời gian công sức để tiếp đón, phục vụ. Tôi thực sự cảm động, khâm phục họ. Đáng buồn, về pháp lý tôi không thể sửa chữa hay cải tạo Khu lưu niệm Tự lực văn đoàn này bởi ngôi nhà và đất thuộc quyền sở hữu của một người không liên quan đến gia đình Tự lực văn đoàn và nghe nói người chủ nhà này sắp tới sẽ bán cả nhà lẫn đất…
Chúng tôi đành chia tay anh Thông, chị Linh, chia tay “ Thị trấn văn chương” quay về Hà Nội. Buồn vì một việc không thành trong năm 2023!
L.T.D.
Nguồn: FB Lý Trực Dũng