Katsuji Nakazawa, “Did Putin’s tip lead Xi to purge his foreign minister?”, Nikkei Asia, 14/12/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sau khi Tần Cương biến mất, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường về cuộc chiến Ukraine.
Những vấn đề thúc đẩy các quyết định chính trị đôi khi có thể kịch tính hoặc kỳ lạ đến mức khó tin.
Theo tiết lộ từ các nguồn tin quen thuộc với quan hệ Trung-Nga, vụ thanh trừng bất ngờ và bí ẩn đối với Ngoại trưởng Tần Cương hồi mùa hè này nhiều khả năng là do Moscow chỉ điểm.
“Tần Cương đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thông tin vốn phản ánh sự bất hòa giữa Trung Quốc và Nga”, một nguồn tin cho biết. “Đây là một vấn đề rất rộng”.
Tần đã bất ngờ bị cách chức vào cuối tháng 7. Nguồn tin nhận định đây là một sự cố quan trọng ảnh hưởng đến động lực chính trị quốc tế xoay quanh việc Nga xâm lược Ukraine. Quyết định sa thải này cũng là một biện pháp phòng ngừa trước hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Mỹ vào tháng 11.
Đây là một vở kịch chính trị phức tạp, trong đó Trung Quốc và Nga là hai vai chính, còn Mỹ chỉ đóng vai phụ.
Sergey Lavrov (phải), Ngoại trưởng Nga, và Tần Cương, khi đó vẫn còn là Ngoại trưởng Trung Quốc, gặp nhau ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 13/04. © Cơ quan Báo chí Bộ Ngoại giao Nga/AP
Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 5, khi một phái đoàn dẫn đầu bởi Lý Huy, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga, đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Cuộc gặp này cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Lý hiện là đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu.
Lý Huy, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, tại Moscow vào ngày 26/05. Chuyến đi của ông tới Kyiv cùng tháng đó đã phản ánh lập trường mới của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine. © Reuters
Điều quan trọng cần lưu ý là chuyến thăm của Lý diễn ra khi Ukraine đang trên đà phát động một cuộc phản công chống lại quân Nga xâm lược.
Ngay sau cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc tại Kyiv, Zelenskyy đã tới Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Chiếc chuyên cơ của ông, được Chính phủ Pháp cho mượn, phải bay một quãng đường đáng kể qua Trung Quốc đại lục.
Cũng dễ hiểu khi kết luận rằng Chính phủ Pháp đã nhận được sự cho phép trước từ Bắc Kinh. Đạt được sự chấp thuận từ Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đến Nga, là điều quan trọng nếu Pháp muốn tránh việc máy bay của mình bị máy bay quân sự Nga cản đường và đảm bảo Zelenskyy có thể đến Nhật Bản an toàn.
Về phần Trung Quốc, họ muốn hợp tác để đảm bảo an toàn cho Zelenskyy vì Trung Quốc mới bắt đầu chuyển sang làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga.
Trong hội nghị thượng đỉnh G7, Zelenskyy đã chỉ trích Nga và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Ukraine.
Ông cũng tham quan Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Tràn đầy năng lượng, Zelenskyy đã gây ấn tượng mạnh mẽ.
Ngày 21/05, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chụp ảnh trước một đài tưởng niệm ở Hiroshima tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ thả bom nguyên tử năm 1945. © Văn phòng Tổng thống Ukraine/ AP
Nhiều khả năng Nga đã thất vọng vì bối cảnh chính trị toàn cầu đang thay đổi, thậm chí còn lo ngại Trung Quốc để lại ấn tượng rằng họ đang hỗ trợ nhà lãnh đạo Ukraine dưới danh nghĩa trung gian hoà giải.
Tập đã đến thăm Nga vào cuối tháng 3 để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ để tiếp tục làm lãnh đạo tối cao của Trung Quốc tháng 10/2022. Cả hai nhà lãnh đạo có lẽ cũng muốn thể hiện tình bạn thân thiết của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới buổi hội đàm tại Moscow vào ngày 21/03. © Điện Kremlin/Reuters
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc lại tới Ukraine, rõ ràng là đi ngược lại mong muốn của Nga. Tại thời điểm này, Moscow chí ít cũng nghi ngờ rằng Trung Quốc, một đồng minh đáng tin cậy, đang thay đổi lập trường cơ bản về cuộc chiến.
Quan hệ Trung-Nga dần trở nên căng thẳng hơn những gì người ngoài có thể tưởng tượng, với việc Nga cuối cùng đã chấp nhận đánh một canh bạc lớn: Thả một quả bom thông tin xuống Bắc Kinh. Chủ đề của quả bom chính là Ngoại trưởng Tần Cương, người đã được đích thân Tập Cận Bình bổ nhiệm.
Rất dễ để nhận ra điều gì đã thúc đẩy người Nga. Trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Tần Cương hẳn là người chịu trách nhiệm cử phái đoàn Trung Quốc tới Ukraine.
Phía Nga xem Tần là người thân Mỹ vì ông từng giữ chức Đại sứ tại Mỹ trong một thời gian ngắn trước khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Vì vậy, họ đã “chuyển thông tin nội bộ đến giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, rằng Tần bị nghi ngờ là gián điệp cho Mỹ,” một nguồn tin khác quen thuộc với quan hệ Trung-Nga cho biết. Nguồn tin này cũng nói thêm là tin tức có thể đã đi kèm một số “bằng chứng”.
Tháng 5 và tháng 6 là khoảng thời gian khủng khiếp đối với nước Nga. Vào tháng 6, Wagner, tổ chức quân sự tư nhân do Yevgeny Prigozhin quá cố lãnh đạo, đã phát động một cuộc nổi dậy ngắn ngủi chống lại quân đội chính thống của Nga. Prigozhin, người đáng lẽ nên tiếp tục là một trong những trợ lý thân cận nhất của Putin, sau đó đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng 8.
Ngày 01/10, một người phụ nữ khóc thương bên cạnh khu tưởng niệm tạm thời dành cho Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner, dịp kỷ niệm 40 ngày ông qua đời theo truyền thống Chính thống giáo, ở Saint Petersburg, Nga. © Reuters
Cuộc binh biến ngày 23-24 tháng 6 đã diễn ra ngay trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc.
Rudenko gặp Tần vào ngày 25/06. Đây là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Tần trên cương vị Ngoại trưởng, và ông sẽ bị cách chức một tháng sau đó.
Nga đã đưa “bằng chứng” gì cho Trung Quốc?
Rất có thể nó liên quan đến chuyện Tần ngoại tình với một nữ dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc.
Vụ việc, được truyền thông phương Tây tiết lộ với thế giới sau khi Tần bị sa thải, đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Theo thông tin, Tần đã có con với người này nhờ dịch vụ sinh hộ ở Mỹ.
Nga đã tập trung vào vụ bê bối này, cũng như việc người nữ dẫn chương trình từng sống ở Anh và Mỹ.
Sau khi Tần biến mất, Trung Quốc đã nhanh chóng quay trở lại lập trường thân Moscow đối với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Trung Quốc cũng ngừng công khai bày tỏ ý định làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Có lẽ là để bày tỏ sự trân trọng trước việc Bắc Kinh thay đổi quan điểm, Putin đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 10, tham dự một hội nghị quốc tế kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường do Tập Cận Bình phát động.
Nhìn bề ngoài, dường như mối quan hệ Trung-Nga, bao gồm cả hợp tác quân sự, đang trở lại đúng hướng. Nhưng một quan sát cẩn trọng hơn về cuộc giằng co khốc liệt diễn ra trong sáu tháng qua cho thấy ‘tuần trăng mật thứ hai’ này không chỉ có hạnh phúc.
Trong lúc sự chú ý của thế giới đổ dồn vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cuộc chiến của Nga với Ukraine đã không còn là tâm điểm như trước đây. Đối với Nga, đó là một diễn biến đáng hoan nghênh.
Đầu tháng này, sau khi nhận thấy rằng cuối cùng đã đến thời điểm thích hợp, Putin chính thức tuyên bố tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3 năm sau.
Nhưng vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc lại chấp nhận các thông tin từ Nga, vốn có thể được coi là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chuyện các quan chức cấp cao Trung Quốc ngoại tình không phải là hiếm. Nhưng số trường hợp quan chức bị cách chức vì vi phạm như vậy không nhiều.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Tần Cương, Bắc Kinh có thể đã làm theo lời khuyên của Nga và phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng vượt xa chuyện ngoại tình.
Do cũng liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ nên vụ bê bối cuối cùng đã bùng nổ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Mỹ hơn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Với thông tin từ Nga, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc không thể không nghĩ rằng người tình của Tần có thể đã chuyển thông tin tình báo liên quan đến các vấn đề chính trị trong nước cho Washington. Nếu điều này thực sự xảy ra, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Tập.
Tần từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông luôn tháp tùng Tập tới các sự kiện ngoại giao trong và ngoài nước.
Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, và sau đó, ở độ tuổi 57, một độ tuổi có thể coi là trẻ bất thường, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Điều này giúp Tần được coi là trợ lý thân cận của Tập.
Tần được cho là cũng nắm thông tin về đời sống riêng tư của Tập, và các trợ lý thân cận nhất của Tập có lẽ đã cho rằng họ không thể giữ Tần ở chức Ngoại trưởng trước thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Vấn đề Tần Cương nghiêm trọng đến mức không thể được thảo luận công khai ngay cả trong đảng. Các nhà lãnh đạo đảng đang bị yêu cầu phải giữ bí mật nghiêm ngặt, và lời giải thích nội bộ dành cho các đảng viên cấp cao khác rất mơ hồ, thường lấy lý do “vấn đề liên quan đến lối sống,” ngụ ý ngoại tình hoặc các lý do tương tự.
Lời giải thích này không phải là cốt lõi của vấn đề. Hồi tháng 10, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra, Tần cũng bị cách chức ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp Phó thủ tướng mà ông từng đảm nhiệm. Trọng tâm bây giờ là liệu đảng sẽ trừng phạt ông một cách nghiêm khắc, hay có bắt đầu một vụ án hình sự chống lại ông hay không.
Loạt thông tin của Nga đã có sức mạnh tiêu diệt nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và xoay chuyển tình thế chính trị toàn cầu theo hướng có lợi cho Nga. Nó cũng ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ, và cuối cùng phát triển thành một vấn đề chính trị trong nước nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, toàn bộ chi tiết của vở kịch phức tạp này sẽ không bao giờ thực sự được tiết lộ trọn vẹn cho thế giới.
K.N.
—
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org