Bổn phận của chúng ta

Luân Lê

Câu nói này không sai về tư cách và trách nhiệm quốc dân, nếu bất cứ ai cũng hiểu đó là thuộc một phần bổn phận của mình trước vận mệnh Tổ quốc mình. Nếu đất nước là mái nhà của mỗi cá nhân thì bất cứ điều gì xảy ra trong đó nên là mối bận tâm và cũng cần hướng đến trách nhiệm cho những điều đó để xử lý.

Tuy vậy, trước hết cần phải xác định những trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp để giải quyết ổn thoả trong phạm vi mà nó có tác động. Sau rốt mới đòi hỏi đến trách nhiệm quốc dân, vì nhẽ, khi thiết chế có quyền hành và trách vụ quản lý phải thấy rõ phận sự của mình trước hậu quả (sự chính danh và tính ràng buộc) thì khi ấy mọi vấn đề liên quan khác mới có thể rõ ràng và có ý nghĩa.

Song sau cùng, dù cho các thiết chế đã để xảy ra tình trạng đó, thì việc để xảy ra cả sự kiện lẫn việc các thiết chế không hiệu quả trong việc quản lý, tựu trung lại, đều đến từ một phần trách nhiệm quốc dân của chúng ta chưa hoàn thành.

Một sự bất công ở bất cứ đâu cũng là bất công với mỗi chúng ta. Đó là nguyên cớ chính để ta thấy rằng chính chúng ta luôn phải có trách nhiệm với mọi việc xảy ra trên đất nước mình. Và giờ đây, bổn vụ của chúng ta là yêu cầu các thiết chế có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về những việc tồi tệ đã xảy ra ngay trên lãnh vực quản lý của chính họ.

Một hoặc nhiều thiết chế có phẩm vụ đã vận hành không hiệu quả trong khi lại luôn muốn xử lý người phê phán sự yếu kém trong vai trò họ đảm nhận, và khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với trách vụ của họ, họ cần phải gánh chịu các chế tài nghiêm khắc vì đã để cho những thứ đó diễn ra mà rồi họ lại cho rằng trách nhiệm chính cho sự việc ấy là thuộc lỗi của toàn xã hội.

Không cho người dân quyền tương xứng thì không thể buộc cộng đồng phải chịu trách nhiệm với hệ quả mà trực tiếp họ không gây ra, trong khi cái quyền năng cơ bản là tự do ngôn luận và quyền làm chủ quyền lực còn bị thiết chặt đến nghẹt thở mỗi khi họ muốn sử dụng tới như cứu cánh cuối cùng trước mọi thứ.

Có thể là hình ảnh về 9 người và văn bản cho biết 'THỨ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT: TOÀN XÃ HỘI PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG VỤ HỌC SINH DỒN CÔ GIÁO VÀO GÓC LỚP'

L.L.

Nguồn: FB Luân Lê

This entry was posted in Trách nhiệm xã hội. Bookmark the permalink.