Ông Lưu Bình Nhưỡng có oan không?

LS Lê Ngọc Luân

Bài viết dựa trên dữ liệu của báo Tuổi trẻ, nếu thông tin có khác hoặc phát sinh thông tin mới – bài viết này có thể không còn phù hợp.

Trích tin báo Tuổi trẻ: “CQĐT cáo buộc ông Nhưỡng đồng phạm giúp sức “Cưỡng đoạt tài sản” vì Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Để gây sức ép với doanh nghiệp, Cường cùng đồng bọn tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi tại các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha hòng xác lập quyền sở hữu trái phép để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được với giá 1.500 đồng/m³. Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.

Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.”

Có 2 khả năng xảy ra:

1) Ông Nhưỡng bị oan khi:

– Ông Nhưỡng không biết việc Cường tự ý cắm cọc trái phép hoặc biết cắm cọc nhưng không biết việc cắm cọc này là trái phép nhằm mục đích gây sức ép với các doanh nghiệp đưa tiền 1.500 đồng/m3. Trên cơ sở đó, nếu Cường quắt phản ánh, cung cấp thông tin với ông Nhưỡng rằng có một số nhóm xã hội cản trở, gây khó dễ… nên với tư cách ĐBQH ông gửi đơn kiến nghị đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các nhóm xã hội thì không có căn cứ để cho rằng ông Nhưỡng đồng phạm giúp sức.

– Chi tiết ông Nhưỡng là “bố nuôi” của Cường quắt (giả sử đúng) thì đó không phải là căn cứ then chốt, quyết định chứng minh vai trò đồng phạm, bởi dù có là bố nuôi hay bố đẻ nhưng nếu ông Nhưỡng không biết việc Cường quắt cắm cọc để cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp thì việc Cường quắt phản ánh có “dân xã hội – tức giang hồ” thì ông Nhưỡng với tư cách ĐBQH đại diện cho người dân Thái Bình có đơn kiến nghị là đã thực hiện đúng trách nhiệm, cần hoan nghênh.

– Nếu dùng lập luận “vì ông Nhưỡng” có đơn kiến nghị nên củng cố tinh thần cho Cường quắt thực hiện hành vi “cưỡng đoặt” và ông Nhưỡng không tìm hiểu xem Cường quắt cắm cọc đúng hay sai mà vẫn có đơn kiến nghị để làm căn cứ buộc tội, tôi cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở để cho rằng ông Nhưỡng “giúp sức tinh thần” bởi: Ông Nhưỡng không có trách nhiệm, nghĩa vụ tìm hiểu việc cắm cọc (đó là trách nhiệm của cơ quan khác) và ông Nhưỡng thấy, tin vào thông tin Cường quắt là đúng có nhóm “người xã hội” gây khó dễ nên việc ông Nhưỡng gửi đơn kiến nghị là bắt buộc phải làm bởi thông tin người dân (Cường quắt phán ảnh có cơ sở) mà ông với tư cách ĐBQH không phản ánh đến cơ quan chức năng vào cuộc là vi phạm nghĩa vụ và không làm tròn trách nhiệm của một ĐBQH. Hiểu xa hơn, ông Nhưỡng gửi văn bản là trên tinh thần của một người đại diện cho người dân chứ không phải là đại diện cho cá nhân, cơ quan thực thi luật pháp. Sau khi có đơn của ông Nhưỡng kết quả ra sao thuộc về thẩm quyền xác minh, kết luận của cơ quan pháp luật, ông Nhưỡng không có yếu tố quyết định.

– Giữa doanh nghiệp khai khác cát và Cường quắt có thoả thuận trả tiền (doanh nghiệp tự nguyện) thì Cường quắt không có tội cưỡng đoạt (về khía cạnh pháp luật hình sự) lúc này ông Nhưỡng cũng vô tội theo. Đương nhiên, hành vi của Cường quắt và doanh nghiệp có thể vô hiệu và nếu xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một vụ án thông qua thủ tục tố tụng trọng tài hoặc toà án. Nếu không ai kiện thì huề cả làng.

– Ngoài ra, cần nêu thêm ý kiến mở rộng “các cơ quan nhà nước gửi văn bản đề nghị xử lý nhóm giang hồ (nếu có) từ đơn của ông Nhưỡng có trách nhiệm, liên quan gì không”? Và có hay không có hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của các cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật khi để cho Cường quắt cưỡng đoạt tài sản doanh nghiệp khai thác cát? Điểm này quan trọng cần điều tra quyết liệt, xử lý đến nơi đến chốn!

2) Ông Nhưỡng “có dấu hiệu” có tội chỉ khi nào có đầy đủ các yếu tố sau:

– (a) Biết rất rõ và có đầy đủ thông tin để biết rõ (tôi xin nhắc lại là “biết rõ” và “có đầy đủ thông tin để biết rõ”) Cường quắt cắm cọc nhằm mục đích cản trở trái phép và đe doạ, ép buộc doanh nghiệp khai thác cát để thu lợi bất chính 1.500 đồng/m3 sau đó Cường quắt phản ánh với ông Nhưỡng có nhóm xã hội cản trở, đe doạ hành vi cắm cọc của Cường quắt dẫn đến mất nguồn “thu lợi bất chính” từ những doanh nghiệp này (ĐIỀU KIỆN CẦN); (b) Và từ đó Cường quắt đặt vấn đề nhờ ông Nhưỡng có biện pháp can thiệp, giúp đỡ để nhóm xã hội kia không đe doạ, quậy phá nhưng ông Nhưỡng không giải thích, khuyên bảo Cường quắt dừng lại hành vi vi phạm pháp luật mà còn gửi văn bản kiến nghị xử lý “nhóm xã hội” nhằm mục đích tạo điều kiện giúp cho nhóm Cường quắt tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật (CQĐT phải chứng minh được ý thức chủ quan lỗi cố ý của ông Nhưỡng) thì mới có dấu hiệu “gián tiếp” giúp sức tinh thần [có “dấu hiệu” chứ chưa thể khẳng định chắc chắn] (ĐIỀU KIỆN ĐỦ). Tuy nhiên, lúc này cần phải xem xét đến yếu tố nếu ông Nhưỡng biết rõ hành vi cưỡng đoạt của nhóm Cường quắt là biết thời điểm nào để đánh giá chính xác…v.v.

Lưu ý: Giả sử như ông Nhưỡng “biết rõ việc Cường quắt cắm cọc trái phép cản trở doanh nghiệp để thu tiền trái pháp luật” nhưng ông Nhưỡng ngó lơ không báo cáo cơ quan chức năng xử lý Cường quắt thì cũng không có căn cứ cho rằng đồng phạm giúp sức. Trường hợp này ông Nhưỡng có thể xem xét (xin nhấn mạnh từ “có thể” chứ không đương nhiên) bị xử lý vi phạm do ông ấy đang giữ vai trò ĐBQH bằng biện pháp khác tuỳ tính chất mức độ. Ví dụ: nhắc nhở, khiển trách…

P/S: Tôi chưa gặp ông Nhưỡng và không quen biết ông Nhưỡng. Bài viết chỉ nhằm mục đích duy nhất chia sẻ, phân tích pháp luật theo yêu cầu của một số người. Hi vọng vụ án này phải được xử lý, giải quyết khách quan, công bằng nhất!

Cuối cùng, chúc ông Nhưỡng khoẻ, bình an!

Ngày 9/12/2023

LS L.N.L.

Có thể là hình ảnh về 1 người, bộ vét và giày mũi cánh đục lỗ

Nguồn: FB Lê Ngọc Luân

This entry was posted in đại biểu quốc hội, Vụ án Lưu Bình Nhưỡng. Bookmark the permalink.