Bao giờ cho đến ngày xưa

Lưu Trọng Văn

Xưa các làng quê, phố thị Bắc Bộ dịp tết luôn có chợ tranh tết. Đa phần là tranh dân gian Đông Hồ với đám cưới chuột, cô em tung váy hứng dừa, gà trống muôn màu sắc, ả lợn sề cùng lúc nhúc bầy con. Và cả bộ tranh tứ bình bốn nàng áo váy chèo, quan họ thổi sáo, đánh đàn.

Các cụ bảo, treo tranh dân gian của tổ tiên cho vui cửa vui nhà.

Các cụ dạy, biết yêu tranh dân gian của tổ tiên thì thêm yêu quê, thì thêm yêu người.

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà                                   
                                (Tú Xương)
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp                                     
                                   (Hoàng Cầm)

Giờ, hầu như không còn chợ tranh, sạp tranh nữa. Giản đơn vì ngày tết đã mất hút cái lệ, cái vui treo tranh dân gian.

Cái mất quá lớn.

Mất văn hoá là mất tất.

Trẻ trong giờ hoạ không còn biết yêu tranh dân gian. Trẻ trong giờ nhạc không còn mê đắm nhạc dân tộc.

Thì cái việc ném dép vào mặt cô giáo dạy nhạc là chuyện không ngạc nhiên. Cái chuyện văng tục trước cả lớp học là chuyện không ngạc nhiên.

Gã về làng tranh Đông Hồ, xưa có đến 17 dòng họ làm tranh, giờ chỉ còn hai dòng họ. Đúng ra là hai gia đình làm tranh đó là nhà cụ Nguyễn Đăng Chế và nhà ông Nguyễn Hữu Sam. Thay vào đó cả làng làm hàng mã những chân dài, xe sang, nhà lầu giấy bóng, giấy vàng để đốt: sống khốn khổ mong chết đủ đầy.

Nhìn từ đê sông Đuống xuống làng Đông Hồ, niềm tự hào văn hoá Kinh Bắc, đâu đâu cũng thấy các bảng hiệu hàng mã lạnh người…

Chấn hưng văn hoá ư?

Bao giờ cho đến ngày xưa:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp                                     

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.