Tại sao Đảng che giấu nguyên nhân cơ bản của tham nhũng

Nguyễn Đình Cống

Cứ mỗi đợt đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng nhập thêm vài súc củi gộc, lần sau lớn hơn lần trước, thì một số người hân hoan, phấn khởi, ca ngợi, hy vọng, nhưng một số khác lại thờ ơ, vì cho rằng ông Trọng không thật lòng chống tham nhũng, nên vừa đốt củi này lại để củi mọc lên ở chỗ khác. 

Vì sao vậy? 

Vì một lý do nào đó mà vô tình hay cố ý không vạch ra nguyên nhân cơ bản làm phát sinh, phát triển tham nhũng. Ban do ông Trọng lập ra có tên “chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, nhưng chẳng thấy phòng được gì, chỉ thấy tìm củi để đốt. Mà phải chăng, tham nhũng chỉ mới là tiêu chuẩn cần nhưng chưa đủ để đưa vào lò

Tôi không đồng ý với một số người đưa ra kết luận rằng Nguyên nhân cơ bản của nạn tham nhũng là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành” (1). Tôi không tìm thấy nguyên văn, chỉ viết lại theo trí nhớ đã đọc nhiều lần và không đồng ý với kết luận đó.

Trong văn bản Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũngtiêu cực không nêu nhiệm vụ tìm nguyên nhân tham nhũng và ở mục 1 điều 3 có ghi : 

Điều 3. Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo

1. Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.

Theo Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị là nghi ngờ chủ nghĩa Mác-Lê (CNML) và lý tưởng cộng sản (LTCS), là đòi đa nguyên, đòi thoát ly sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, là phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và đòi thành lập các tổ chức xã hội dân sự, v.v. Đảng cho rằng đó là tiêu cực lớn và rất lo sợ điều này, phải xem việc chống lại nó là trọng tâm.

Xin tạm chưa bàn đến quan điểm của  Đảng là đúng hay sai, chỉ biết rằng những điều vừa kể là sự nhận thức lại về CNML và LTCS của một số người. Trước đây họ nhận thức rằng bản chất CNML là đúng, là tốt, LTCS là đáng tôn thờ, thì bây giờ, qua kiểm nghiệm thấy rằng nó khác xa chứ không phải như thế. Thực tế chứng tỏ rằng, sự nhận thức lại bất kỳ việc gì, thường là đúng. Đảng đang ra sức chống người có nhận thức lại, kết tội họ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Việc đó là trái lẽ tự nhiên.

Đọc kỹ đoạn trên thấy rằng kết luận (1) chưa phải là nguyên nhân cơ bản mà chỉ là nguyên nhân gần. Dùng A>>B để ký hiệu “A là nguyên nhân, sinh ra B là kết quả”. Trong chuỗi A>>B>>C>> …. >>M>>N, khi truy từ A sinh ra B cho đến N, là truy xuôi, từ nguyên nhân ra kết quả, còn truy từ N ra M cho đến A là truy ngược, từ kết quả tìm nguyên nhân. Trong việc truy ngược này  sẽ  truy được nguyên nhân gần đến nguyên nhân cơ bản, giống như lần theo các cành cây, từ cành bé đến cành lớn để tìm gốc rễ. Truy ngược, đến một lúc thấy tạm đủ, không cần truy tiếp hoặc không thể tìm được câu trả lời mà phải công nhận là “Trời sinh ra thế” (Ngẫm hay muôn sự tại Trời - Truyện Kiều) thì có thể dừng lại và xem đó là nguyên nhân cơ bản.

Mà một kết quả N thường không phải chỉ do một nguyên nhân M mà là có sự kết hợp giữa nguyên nhân M1 và nguyên nhân M2, trong đó một cái được gọi là nhân, cái kia là duyên. Thí dụ một đám cháy, do chập điện tạo ra tia lửa (nhân), nó chạm vào vật cháy ngay được (duyên) mới xảy ra đám cháy. 

Để đề phòng, khắc phục, tiến tới xóa bỏ được một tai họa thì phải tìm cho được nguyên nhân cơ bản, còn nếu chỉ tìm thấy nguyên nhân gần mà tập trung vào chữa nó thì giống như bệnh trong tủy sống làm da bị ngứa mà chỉ gãi ngoài da, gãi chỗ này chưa xong đã ngứa chỗ khác. Tìm ra nguyên nhân gần khá dễ. Nhưng khi Đảng tuyên bố nguyên nhân (1) thì nhiều kẻ a dua đã vội ca ngợi và reo lên “Tìm thấy rồi”.

Phân tích mấy điều trình bày ở trên có thể vạch ra một số ngụy biện. Thứ nhất là ngụy biện kiểu “vàng thau lẫn lộn” bằng cách ghép người tự diễn biến về tư tưởng với người thoái hóa đạo đức. Hai loại người này đều bị Đảng chống lại, nhưng cho rằng từ tự diễn biến về tư tưởng chính trị sẽ chuyển thành thoái hóa đạo đức là một sự vu cáo. Trong thực tế có thể tìm thấy một vài người như thế, nhưng đó không phải là tất yếu. Đại diện cho những người tự diễn biến như các tướng Trần Độ, Đặng Kim Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, các ông Trần Xuân Bách, Hoàng Minh Chính, Chu Hảo, Nguyễn Đình Bin, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Hộ, Tống Văn Công, Phạm Đình Trọng, Tương Lai và nhiều trí thức phản biện khác, đã bị Đảng lên án hoặc trừng phạt. Họ là những người có đạo đức trong sáng, là những người yêu nước chân chính. Trộn tên của họ cùng với tên những ủy viên bộ chính trị, ủy viên BCH TƯ mà tham nhũng, đòi hối lộ là một thủ đoạn, nếu không phải đê hèn thì cũng chứng tỏ có trí tuệ quá thấp kém.

Từ phân tích vừa nêu thì phải bỏ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị ra khỏi định nghĩa (1) và chỉ giữ lại: “Nguyên nhân của nạn tham nhũng là sự thoái hóa đạo đức, lối sống của một số cán bộ các cấp các ngành” (2). 

Thứ hai, câu (2) vẫn chỉ là nguyên nhân gần mà chưa phải là nguyên nhân cơ bản, vì còn có thể hỏi và trả lời “Cái gì làm sinh ra sự thoái hóa đạo đức”. Cái đó là lòng tham có sẵn trong mỗi con người, là bản tính của con người, nó thuộc vào những yếu kém trong truyền thống chưa gột rửa được, và hình như không thể loại bỏ được, chỉ có thể hạn chế. Chứng cớ là người thuộc dân tộc nào, ở thời đại nào cũng có lòng tham, nhưng tham nhũng thì nơi này ít, nơi khác nhiều, lúc này ít, lúc khác nhiều. Ít hay nhiều lại phụ thuộc vào thể chế chính trị là dân chủ – quang minh hay độc tài - xảo trá, vào mức độ minh bạch, liêm khiết, uy tín của chính quyền. Cũng với những con người ấy nhưng với chính thể dân chủ, minh bạch thì nếu có tham nhũng cũng sẽ ít hơn (hoặc không có) so với thể chế độc tài, xảo trá, không minh bạch. 

Lòng tham của con người chỉ mới là một phần của nguyên nhân cơ bản tạo ra tham nhũng, tạm xem nó là nhân. Nó còn cần kết hợp với duyên là  thể chế độc tài, không minh bạch. Bản chất độc tài chưa đủ để tạo ra tham nhũng mà phải là độc tài của những người kém trí tuệ và tham lam. 

Độc tài ở Việt Nam hiện nay là chuyên chính vô sản, một thể chế độc tài toàn trị của đảng cộng sản, chưa từng có trong lịch sử trước khi có Liên xô, là độc tài của những người vừa kém trí tuệ, vừa tham lam, bắt toàn dân phải phục tùng. Nó được dựng lên từ cách mạng và chiến tranh do Đảng lãnh đạo, được duy trì và củng cố bằng một số thủ đoạn. Một là bằng bạo lực của công an cùng hệ thống tư pháp do Đảng lập ra, sẵn sàng dẫm lên công lý, chà đạp nhân quyền. Đó là biện pháp làm cho người ta sợ, không dám làm, không dám nói. Hai là hoạt động của tuyên giáo với những thủ đoạn gây ra và phát triển lòng hận thù giai cấp, không dung tha những ý kiến phản biện; bằng những  lời ca ngợi CNML, LTCS, sự anh minh của Đảng cùng lãnh tụ. Ba là tạo ra “Giai cấp thống trị mới”, đó là các “nhóm lợi ích” gắn kết chặt chẽ giữa những người có quyền cao chức trọng trong chính quyền cộng sản với bọn “tư bản đỏ” là những người rất giàu, vừa nổi lên nhờ kết hợp  với nhóm có quyền, làm sân sau cho họ. Chính giai cấp thống trị mới đã tạo ra một chế độ tư bản hoang dã, mang danh định hướng này nọ.

Tôi đã khái quát hóa như sau: Nguyên nhân cơ bản của mọi tai họa mà nhân dân Việt Nam phải chịu hiện nay (trong đó có nạn tham nhũng) là sự kết hợp và cộng hưởng, một bên là những yếu kém của truyền thống dân tộc, một bên là chất độc hại trong CNML.

Sự kết hợp hoặc cộng hưởng này là tự nhiên, tự động, không có ai vạch kế hoạch và lãnh đạo, nó diễn ra theo kiểu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. 

Lấy thí dụ, yếu kém của truyền thống như là dân trí chính trị thấp, dân chưa quen với sinh hoạt dân chủ mà quen với việc tin và sợ chính quyền, lại quen với cảnh “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Những yếu kém này rất thích hợp cho thể chế độc tài chuyên chính vô sản được dựng lên theo CNML, không minh bạch, không cho tự do ngôn luận, nơi các người có quyền vừa thiếu trí tuệ và tham lam bao che cho nhau, không để dân biết những việc làm gian dối của họ.

Tham nhũng, hối lộ bắt đầu từ việc đưa quà cáp, biếu xén có tác dụng tích cực như thứ dầu mỡ bôi trơn mà nguyên nhân gần là vì lương cán bộ thấp (3), đời sống khó khăn. Nhưng rồi lãnh đạo vì vô minh mà không thấy trước sự phát triển tai hại của thứ dầu mỡ này, hoặc cũng muốn dùng nó để trục lợi nên chỉ kêu gọi chống lại bằng lời chứ không hành động có hiệu quả. Muốn hành động có hiệu quả thì trong hai nguyên nhân phải trừ bỏ hoặc hạn chế ít nhất một thứ. Mà bỏ được yếu kém của truyền thống thì quá khó, chỉ có thể khắc phục một cách chậm rãi, còn độc hại của CNML thì có thể từ bỏ nhanh hơn. Mà từ bỏ CNML thì lãnh đạo cao cấp của Đảng không muốn, làm như vậy khác nào tự phủ định, tự cầm dao cứa vào cổ mình, tự phá nát nhóm lợi ích, tự giải tán giai cấp mới mà vì nó phải tốn bao công sức, xương máu (của người khác) mới tạo nên được. Đó là lý do chính mà khi lò của ông Trọng đang đốt củi này thì nhiều củi khác vẫn mọc ra. Củi vẫn mọc vì nguyên nhân cơ bản vẫn chưa bị đụng đến. Phải chăng các nhà lý luận của Đảng chưa thấy. Không phải họ chưa thấy mà họ bị buộc phải ngụy biện để che giấu sự thật. Những người bị đặt dưới sự khống chế của Đảng, không có tự do tư tưởng, không thể nào tìm được đúng nguyên nhân cơ bản của tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.

Ghi chú: (3) – Liên quan đến lương thấp tôi đã viết trong bài  “Bàn về dạy thêm học thêm”.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Nguyễn Đình Cống, tham nhũng, Thể chế chính trị ở Việt Nam. Bookmark the permalink.