Hàm ý của Tập Cận Bình gặp Joe Biden

Nguyễn quang Dy

Sau một thời gian dài quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng do các sự cố khó lường, đến lúc Tập Cận Bình và Joe Biden phải gặp mặt để làm giảm căng thẳng. Do đó, bản thân cuộc gặp quan trọng hơn các thỏa thuận cụ thể. Tuy gặp mặt cấp cao là do nhu cầu của cả hai bên, nhưng đối với “Hoàng đế Trung Hoa” thì việc giữ thể diện là mục tiêu quan trọng hơn. Vì vậy, cuộc gặp cấp cao này được dư luận chú ý vì kịch tính hơn là thực chất.

Mục tiêu giữ thể diện

Trong bài trước (CSP giữa Việt Nam với Mỹ và Hoàng đế Trung Hoa, BVN, 30/10/2023), tôi đã phân tích các nguyên nhân chính làm Trung Quốc phải chấp nhận Việt Nam và Mỹ nâng cấp “nhảy cóc” quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Trong bài này, tôi muốn trao đổi tiếp về hàm ý của sự kiện Tập Cận Bình đã gặp Joe Biden bên lề hội nghị APEC. Tuy hai bên đều cần phải gặp mặt, nhưng chắc Tập Cận Bình cần hơn.

Để “giữ thể diện”, Tập Cận Bình đến dự họp cấp cao BRICS tại Nam Phi nhưng không đọc diễn văn và không xuất hiện trước báo chí như thường lệ. Ông cũng không đến dự cấp cao G-20 tại Ấn Độ và cấp cao Đông Á tại Indonesia. Vì vậy, dư luận hoài nghi về khả năng Tập đến dự họp cấp cao APEC tại California để gặp Biden, như một chỉ dấu về “lằn ranh đỏ”. Cuối cùng, cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Joe Biden đã diễn ra (15/11).

Tập Cận Bình đã bị chỉ trích gay gắt về suy thoái kinh tế và quan hệ căng thẳng với Mỹ làm trầm trọng thêm khó khăn trong nước. Để duy trì quyền lực, Tập buộc phải điều chỉnh chính sách và ổn định quan hệ với Mỹ. Tuy hai bên đều bị sức ép trong nước cần giảm căng thẳng, nhưng chắc Tập Cận Bình ở vị thế yếu hơn. (Xi saves face by meeting Biden but accomplishes little, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Nov 17, 2023).

Về phía Washington, chỉ còn một năm nữa là đến cuộc tranh cử tổng thống năm 2024. Joe Biden cần chứng tỏ rằng mình có thể cứng rắn đối với Trung Quốc. Về phía Bắc Kinh, Tập Cận Bình đến Mỹ lần này với vị thế suy yếu hơn vì nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và kém hiệu quả. Vì vậy, Tập không muốn thấy kinh tế Trung Quốc gặp thêm nhiều khó khăn do Mỹ kiểm soát chặt xuất khẩu, đánh thuế cao và trừng phạt kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã trở thành vấn đề lớn (hơn 20%). Tình hình bây giờ còn nghiêm trọng hơn tháng 12/2022, khi Trung Quốc huỷ bỏ chính sách “zero-covid” đã làm suy yếu nền kinh tế. Mục đích Tần Cương gặp Elon Musk (30/5), và Tập Cận Bình gặp Bill Gates (16/6) đều liên quan đến suy thoái kinh tế Trung Quốc. Bối cảnh kinh tế đang suy thoái và chính trị nội bộ đang bất ổn đã buộc Tập phải gặp Biden.

Chính vì nền kinh tế Trung Quốc suy thoái mà Tập đã nói với Ngoại trưởng Blinken (19/6) rằng “Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ và không tìm cách thách thức hoặc thay thế Mỹ”. Hai nước có thể phát triển và đạt “thịnh vượng chung”. Đó chính là ý tưởng “chia đôi thế giới” (G-2) mà Tập đã nói với Barack Obama, nhưng bị từ chối. (After a decade, Xi floats ‘G2’ world with U.S. again, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, June 22, 2023).

Tranh chấp có tính hợp tác

Theo Giáo sư Joe Nye (Harvard), tuy xung đột kinh tế với Trung Quốc đang gia tăng, nhưng mục tiêu chiến lược của Mỹ là phải tránh leo thang xung đột. Mục tiêu lâu dài của Mỹ là “tranh chấp có tính hợp tác” (cooperative rivalry) chứ không phải “tranh chấp mãi” (enduring rivalry). Chìa khóa để đảm bảo lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là vai trò của Nhật Bản (Not Destined for War, Joseph Nye, Asialink, 4 Oct 2023).

Joe Nye lập luận rằng nhiều quốc gia hiện nay đang xem Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, là đối tác thương mại hàng đầu của họ. Nếu Mỹ kỳ vọng thay đổi Trung Quốc tương tự như cách đã làm với Liên Xô trước đây thì họ sẽ phải thất vọng. Không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết được những vấn đề xuyên quốc gia. Dù muốn hay không, Mỹ vẫn bị mắc kẹt vào một cuộc “tranh chấp có tính hợp tác” với Trung Quốc.

Trung Quốc có những điểm mạnh đầy ấn tượng nhưng cũng có những điểm yếu nghiêm trọng. Còn Mỹ tuy nắm trong tay những quân bài tốt, nhưng một chiến lược sai lầm có thể khiến nước Mỹ gặp thất bại. Chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh nên là “tránh cả chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh, và hợp tác khi có thể” (America should aim for competitive coexistence with China, Joseph Nye, Financial Times, Nov 6, 2023).

Hai bên đã đạt được thỏa thuận nối lại đối thoại quân sự nhằm tránh xung đột, kiểm soát chất fentanyl, đối phó với biến đổi khí hậu và rủi ro về AI. Về các vấn đề khác như Đài Loan và Biển Đông, cũng như chiến tranh Ukraine và xung đột Israel-Hamas, hai bên chưa có thỏa thuận gì mới. Vì chuyến đi California để dự cấp cao APEC và gặp Joe Biden quan trọng hơn, Tập Cận Bình đã hoãn chuyến thăm Việt Nam, dự kiến đầu tháng 11.

Theo Richard Haass (CFR) cần theo dõi xem tính toán của Tập Cận Bình có làm Trung Quốc kiềm chế hơn ở Biển Đông không. Cuộc gặp không làm đảo chiều quan hệ đang xấu đi và giảm bất đồng về các cuộc xung đột trên thế giới. “Hai nước ngày càng bất đồng về mọi thứ, và cuộc gặp không thay đổi được thực tế đó. Đừng ảo tưởng mong đợi nhiều ở cuộc gặp này” (Summing up the Biden Xi summit, Richard Haass, ASPI, 20 Nov 2023).

Bất ổn trong nội bộ là nguyên nhân chính làm Tập Cận Bình không đến dự họp cấp cao G20. Biden đã nắm được thông tin về nội bộ Trung Quốc nên đã bình luận về “nguyên lý” (tenet) của nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm khi Tập bị chỉ trích tại Bắc Đới Hà liên quan đến tư tưởng kinh tế của Tập Cận Bình thất bại (Biden administration detects red flags in Xiconomics, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Sept 14, 2023).

Có năm yếu tố để bình ổn quan hệ Mỹ-Trung. Một là kinh tế hai nước vẫn đan xen. Hai là tháo ngòi nổ Đài Loan. Ba là rút kinh nghiệm quan hệ Mỹ-Xô trước đây. Bốn là tăng cường hợp tác về y tế và phúc lợi. Năm là đối phó với biến đổi khí hậu. Cuộc gặp lần này tuy làm giảm căng thẳng trước mắt, nhưng chưa thể dừng xu hướng xung đột lâu dài (America and China Are Not Yet in a Cold War, Wang Jisi, Foreign Affairs, Nov 23, 2023).

Lời cuối

Trong bối cảnh đó Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác phát triển ngành bán dẫn và chuyển đổi số, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn. Hai nước đã lập “nhóm công tác” để hỗ trợ đầu tư cho ngành bán dẫn. Bên cạnh thương mại đạt 140 tỷ USD, Mỹ sẽ giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn và công nghệ số.

Trước đây nhiều người lo ngại không biết “Việt Nam sẽ đi về đâu”, nhưng nay định hướng đã rõ ràng hơn khi CSP tạo ra bước ngoặt mới và cơ hội mới. Vấn đề là những trở ngại và nút thắt về thể chế có được tháo gỡ kịp thời hay không, và có thể đào tạo kịp thời được nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ hay không. Nói cách khác, quả bóng đang nằm trong sân người Việt Nam. Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Tham khảo

1. America and China Are Not Yet in a Cold War, Wang Jisi, Foreign Affairs, Nov 23, 2023

2. Summing up the Biden-Xi summit, Richard Haass, ASPI, 20 Nov 2023

3. Xi saves face by meeting Biden but accomplishes little, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Nov 17, 2023

4. America should aim for competitive coexistence with China, Joseph Nye, Financial Times, Nov 16, 2023

5. The Biden-Xi meeting is good news for the global economy, Matthew Lynn, Spectator, Nov 16, 2023

6. Biden and Xi will resolve nothing in San Francisco, Daniel DePetris, Spectator, Nov 14, 2023

7. Abandonment of ‘Likonomics’ limits Xi Jinping’s options,” Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Nov 9, 2023

8. The Right Way to Deter China From Attacking Taiwan, Ryan Hass and Jude Blanchette, Foreign Affairs, Nov 8, 2023

9. CSP giữa Việt Nam với Mỹ và Hoàng đế Trung Hoa, Nguyễn Quang Dy, BVN, 30/10/2023

10. Not Destined for War, Joseph Nye, Asialink, 4 Oct 2023

11. Biden administration detects red flags in Xiconomics, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Sept 14, 2023

12. After a decade, Xi floats ‘G2’ world with U.S. again, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, June 22, 2023

N.Q.D.

25/11/2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Mặt thật Trung Quốc, Quan hệ Trung - Mỹ. Bookmark the permalink.