ChatGPT trên tiến trình cá nhân hóa

Nguyễn Vũ 

(KTSG) – OpenAI, cha đẻ của ChatGPT vừa giới thiệu chức năng giúp người dùng có thể tạo ra con chatbot AI cá nhân hóa cho riêng mình, gọi là các GPT. 

Có thể chia lịch sử phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo biết đối đáp với con người (chatbot AI) thành hai giai đoạn. 

Giai đoạn 1 từ tháng 11 năm ngoái khi OpenAI đưa ChatGPT ra cho công chúng thử nghiệm kéo dài đến nay; nó vừa tạo ấn tượng bất ngờ khi tỏ ra chuyện gì cũng biết, chuyện gì cũng bàn luận sắc sảo lại vừa gây hoài nghi vì nhiều lúc nói sai, bịa chuyện một cách tỉnh bơ.

Giai đoạn 2 vừa mới bắt đầu khi ra đời các “trợ lý AI” thật sự hữu dụng như giúp ta trả lời e-mail, đặt lịch hẹn, mua vé máy bay và đặc biệt rành rẽ một lĩnh vực nhất định nào đó, không còn sợ sai nữa.

Đó là do OpenAI, cha đẻ của ChatGPT vừa giới thiệu chức năng giúp người dùng có thể tạo ra con chatbot AI cá nhân hóa cho riêng mình, gọi là các GPT. Để dễ hình dung, hãy giả định bạn có đăng ký ChatGPT Plus, hàng tháng có trả phí 20 đô la, chỉ cần bấm chọn “Create a GPT” để tạo ra một GPT riêng dùng cho một mục đích cụ thể nào đó. Bạn có thể định nghĩa con GPT của riêng bạn như một luật sư chuyên về Bộ luật Dân sự Việt Nam xong rồi nhấn vào “Configure” để dạy cho nó, bao gồm cả việc tải lên toàn văn Bộ luật Dân sự, kích hoạt các tính năng như đọc các trang web liên quan. Từ nay bạn hỏi nó câu gì liên quan đến Bộ luật Dân sự nó sẽ trả lời rành rẽ và sau khi hạn chế nó chỉ sử dụng dữ liệu bạn cung cấp, sẽ không còn sợ nó nói sai, bịa chuyện hay nói chung là có hiện tượng “ảo giác” của ChatGPT giai đoạn 1 nữa.

Như thế người dùng có thể lập trình để con chatbot phục vụ cho riêng mình mà thực ra không cần biết gì về lập trình hết. Người dùng có thể nạp dữ liệu cho chatbot học, dù nó có thể là nội quy cơ quan, hay cơ sở dữ liệu các dự án địa ốc công ty họ đang quản lý, thậm chí nếu người dùng cho phép, nó có thể kết nối với các dữ liệu cá nhân như lịch làm việc, danh mục các việc cần làm, e-mail, danh sách bạn bè người thân… Bạn có thể nạp cho nó đọc hết mọi bài báo từng đăng của một tờ báo, danh mục mọi dự án đầu tư nước ngoài từ xưa đến nay, tác phẩm của tất cả các nhà văn, nhà thơ có trong chương trình giáo dục phổ thông…

Ở đây chúng ta sẽ thấy phát triển các mô hình AI doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu. Nếu công ty chưa chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, dữ liệu sạch, dữ liệu cập nhật và chính xác, khó lòng khai thác hết thế mạnh của AI. Quan trọng hơn, xây dựng dữ liệu là một quá trình lâu dài, bền bỉ và tốn kém.

Đúng là ở đây có nỗi lo tiết lộ thông tin cá nhân, dữ liệu riêng của cơ quan hay các bí mật kinh doanh khác. Cho dù OpenAI khẳng định họ không dùng các dữ liệu người dùng đưa lên để huấn luyện các mô hình AI của họ nhưng việc “giao trứng cho ác” như thế đã bị nhiều công ty cấm nhân viên làm. Có thể giai đoạn đầu khi các biện pháp bảo mật thông tin chưa chắc chắn, người dùng có tự hạn chế vào các dữ liệu ít nhạy cảm, dữ liệu dùng chung để huấn luyện chatbot cho riêng mình.

Theo tường thuật của tờ New York Times, các phiên bản AI cá nhân hóa được trình bày còn khá đơn giản như một GPT có khả năng tạo ra các hình vẽ cho học sinh tô màu, giải thích cách chơi bài, chơi cờ. Nhân viên OpenAI biểu diễn yêu cầu một GPT cô vừa tạo ra đọc lịch làm việc và tìm các cuộc hẹn bị trùng giờ rồi báo cho cô biết bằng e-mail. CEO của OpenAI, Sam Altman, biểu diễn một chatbot “tư vấn khởi nghiệp” có thể trò chuyện và đưa ra lời khuyên cho những ai muốn thành lập doanh nghiệp, dựa vào bài diễn văn về đề tài này mà ông trình bày cách đây vài năm và vừa tải lên cho nó.

Ý tưởng cá nhân hóa AI, biến nó thành một trợ lý đắc lực cho chúng ta là một bước tiến quan trọng trong chiến lược triển khai dần của OpenAI, tức tạo ra các bước tiến nhỏ với tốc độ nhanh hơn là các bước đột phá lớn trong thời gian dài. Thử hình dung một trợ lý cho luật sư nắm hết mọi điều luật, biết tham chiếu đến các điều luật khác nhau, nhớ hết các tiền lệ hay một trợ giảng môn lý, hỏi gì đáp nấy, kể cả làm các bài tập khó… Một AI chuyên biệt như thế sẽ rất có ích. OpenAI hiện đang ấp ủ ý tưởng sẽ có những chuyên gia các lĩnh vực tạo ra các AI chuyên môn hóa rất cao để chia sẻ với công chúng trên một ngôi chợ tương tự App Store của Apple hay Google Play của Google. Khả năng thương mại hóa AI từng lĩnh vực (do OpenAI chia lợi nhuận) sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường này. Hiện nay ChatGPT đã tạo ra nhiều con chatbot như thế, như “Creative Writing Coach” có khả năng đọc bài viết của người dùng rồi đưa ra nhận xét, chỉnh sửa; “Tech Support Advisor” hứa hẹn giúp người dùng mọi chuyện liên quan đến công nghệ, từ thiết lập máy in mới mua về đến giải quyết các trục trặc của các loại thiết bị văn phòng.

Phóng viên New York Times chia sẻ trải nghiệm tạo AI cá nhân hóa của anh khi tạo ra một con chatbot chăm sóc trẻ “Day Care Helper” bằng cách nạp cho nó các cuốn sách dạy làm bố mẹ, lịch hoạt động của nhà trẻ anh đang gửi con với mục đích con chatbot sẽ giúp trả lời mọi thắc mắc trong quá trình chăm con. Anh không tài nào nhớ các chi tiết sách bày, cũng như không biết ngày lễ nào trong năm nhà trẻ khu vực anh sẽ đóng cửa. Chỉ trong vòng vài phút anh đã có một AI cá nhân hóa giúp trả lời mọi câu hỏi của anh liên quan đến việc chăm con, nhất là sau khi nói rõ AI chỉ rút ra câu trả lời dựa vào thông tin đã nạp chứ không được tùy tiện nghĩ ra câu trả lời không có trong sách.

Thử hình dung một công ty lớn có phòng nhân sự, có lẽ lãnh đạo của phòng này phải dùng trên 20% thời gian làm việc để trả lời các câu hỏi của nhân viên công ty, như “Bảo hiểm của công ty chúng ta có bao quát việc chỉnh nha không?”, hay “Tôi dùng mẫu đơn nào để xin nghỉ sinh con?”… Nếu công ty xây dựng một con chatbot riêng, nạp cho nó mọi chính sách nhân sự của công ty, kể cả nội quy hay các biểu mẫu, chắc chắn con chatbot này sẽ tiết kiệm thời gian cho phòng nhân sự, lo tập trung vào chuyện khác hay giảm bớt 20% nhân viên. Những mô hình AI được huấn luyện để phục vụ khách hàng, trả lời các thắc mắc, khiếu nại của họ dựa vào các vụ đã được giải quyết sẽ thay thế rất nhiều nhân lực, lại kiên nhẫn hơn, tận tụy hơn, không ngại lặp đi lặp lại cho khách hàng khó tính.

Ở đây chúng ta sẽ thấy phát triển các mô hình AI doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu. Nếu công ty chưa chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, dữ liệu sạch, dữ liệu cập nhật và chính xác, khó lòng khai thác hết thế mạnh của AI. Quan trọng hơn, xây dựng dữ liệu là một quá trình lâu dài, bền bỉ và tốn kém. Ngay từ bây giờ nếu doanh nghiệp ý thức được công tác dữ liệu, ắt sau này việc ứng dụng AI vào quản trị sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều.

AI giai đoạn mới sẽ có những tác động lớn lên hoạt động của doanh nghiệp, kể cả quản lý nội bộ lẫn đối ngoại ra bên ngoài. Nay nhiều doanh nghiệp đã có thể đầu tư xây dựng các mô hình AI cho riêng công ty. Còn nếu vẫn e ngại vấn đề bảo mật thông tin, có thể chờ để xem GPT Store có những phiên bản AI cá nhân hóa nào phù hợp với công ty để tải về sử dụng.

Nguồn cơn xung đột bùng nổ ở OpenAI

Chính quyết định chuyển biến ChatGPT sang một giai đoạn mới với những tính năng mới, như giúp người dùng có thể tạo ra các GPT cá nhân hóa cho riêng mình rồi thành lập ngôi chợ trao đổi, mua bán các GPT này, được Hội đồng quản trị OpenAI xem là thương mại hóa quá vội vã, là một trong những nguyên nhân dẫn tới quyết định sa thải CEO Sam Altman, gây ra một chuỗi các sự kiện đầy kịch tính trong cuối tuần qua. Cuối cùng Sam Altman cùng nhiều nhân vật chủ chốt của OpenAI ra đi, sang đầu quân cho Microsoft; nơi này sẽ thành lập một bộ phận độc lập bên trong Microsoft lo chuyện phát triển các mô hình GPT mới. Chưa biết việc triển khai thương mại hóa các GPT cá nhân hóa tại OpenAI có chựng lại hay không sau biến cố này, nhưng chắc chắn Microsoft và đội ngũ cựu trào của OpenAI sẽ đẩy mạnh ý tưởng GPT Store trong tương lai. [BVN cập nhật: CEO Sam Altman đã về lại OpenAI]

N.V.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

This entry was posted in AI, Kiểm soát vũ khí trí tuệ nhân tạo, Quản lý AI. Bookmark the permalink.