RFA – 2023.11.08
Đã bước sang ngày thứ chín bà Diane Wilson, Khôi nguyên Giải Môi trường Goldman 2023, thực hiện cuộc tuyệt thực ngay trước nhà máy của Tập đoàn Formosa ở Texas, Hoa Kỳ để yêu cầu Formosa đền bù trực tiếp cho nạn nhân Việt Nam trong vụ “thảm họa môi trường 2016” do Formosa gây ra.
Bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, trong ngày 7/11 cho RFA biết bác sỹ gia đình của bà Diane Wilson đã đến khám sức khỏe cho bà trong cùng ngày và thông báo sức khỏe bà Diane Wilson bị suy giảm, có dấu hiệu tăng huyết áp. Bác sỹ cũng đưa ra yêu cầu bà phải được chăm sóc y tế. Trong khi đó, suốt chín ngày qua, Formosa vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào theo yêu cầu của bà Diane Wilson.
Liên quan đến vụ kiện này, bà Nancy Bùi cho biết, các các nạn nhân của thảm họa môi trường năm 2016 do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải đã theo đuổi vụ kiện Formosa ở Đài Loan từ tháng 6 năm 2019 đến nay. Và, trong suốt quá trình đó nhiều khó khăn đã xảy ra.
Nhằm cập nhật những diễn biến về vụ kiện này ở Đài Bắc, RFA đã có cuộc trao đổi với bà Nancy Bùi, đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, và Linh mục Nguyễn Văn Hùng – người tham gia hỗ trợ cho vụ kiện tại Đài Loan của các nạn nhân Formosa Việt Nam. Cuộc phỏng vấn thứ nhất về những khó khăn của vụ kiện, cuộc phỏng vấn thứ hai nói về những vấn đề pháp lý của vụ kiện.
Trước đó, hôm 6/11/2023, RFA cũng đã gửi tới Ban điều hành Formosa ở Đài Loan thông qua cổng thông tin điện tử của công ty này một loạt câu hỏi liên quan đến cuộc tuyệt thực của bà Diane Wilon và vụ kiện của các nạn nhân Formosa ở Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Người Việt ở Đài Loan biểu tình bên ngoài trụ sở của Formosa Plastic ở Đài Bắc hôm 10/8/2016. AFP
RFA. Có ý kiến nói nguyên đơn của vụ kiện đang bị bế tắc. Xin bà Nancy và Linh mục Hùng cho biết những khó khăn hiện nay phía nguyên đơn gặp phải khi theo đuổi vụ kiện này.
Bà Nancy Bùi: Phía Formosa có một luật sư rất giỏi, từng là thẩm phán ở Đài Loan. Theo luật pháp Đài Loan, khi vụ án có liên quan đến người ngoại quốc thì có quyền đòi hỏi bên nguyên đơn phải có giấy công chứng xác nhận thân phận. Ông ấy tư vấn cho Formosa đòi hỏi nạn nhân điều đó. Ông ấy biết là ở Việt Nam việc làm công chứng xác nhận thân nhân khá phức tạp. Nếu như ở Mỹ thì chỉ cần một người có con dấu được phép công chứng là xong. Nhưng ở Việt Nam, để công chứng thân nhân cho các hồ sơ nước ngoài thì cần đến chính quyền. Trước tiên họ phải xác nhận ở xã, rồi lên cơ quan an ninh trên bộ. Vụ việc liên quan đến Đài Loan nên còn phải đến Phòng Kinh tế Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Làm những điều đó ở Việt Nam sẽ bị lộ thân phận hết. Kiện ở Việt Nam còn không được phép, làm sao người ta cho phép kiện ở Đài Loan?
Cuối cùng, nhờ có một lá thư của các nghị sỹ Quốc hội gửi cho Chính phủ Đài Loan mà cuối cùng Bộ Ngoại giao Đài Loan đã can thiệp. Họ cho phép phía nguyên đơn có thể đơn giản hóa một số thủ tục.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Toà án yêu cầu cần có các giấy tờ pháp lý dịch ra tiếng Hoa và đi công chứng ở các cơ quan nhà nước Việt Nam, nộp cho Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Chúng tôi đã trình bày cho các khó khăn đó cho các vị dân biểu Đài Loan và sau đó Bộ Ngoại giao Đài Loan đã nỗ lực để đơn giản hóa một chút thủ tục.
Họ cũng yêu cầu có thể phải có một số văn bản pháp lý ở Việt Nam nữa và phải dịch sang tiếng Anh, được công chứng tại Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Loan ở Việt Nam. Một số nguyên đơn đã làm được việc đó. Tuy nhiên, những yêu cầu đó gây ra nhiều khó khăn cho các nạn nhân ở vùng bị thiệt hại.
Khó khăn thứ nhất là tâm lý sợ hãi của người dân trước sự đàn áp bắt bớ của nhà nước Việt Nam. Khó khăn thứ hai là họ là những người dân rất bình dân, họ khó khăn khi thực hiện các thủ tục giấy tờ.
RFA. Vậy những khó khăn nêu trên đã được tháo gỡ đến đâu, tính đến thời điểm này?
Bà Nancy Bùi: Mặc dù thủ tục đã được phép đơn giản hơn nhưng bây giờ các nạn nhân vẫn cần phải làm xong thủ tục hồ sơ thân nhân theo yêu cầu của tòa án. Khi phía nguyên đơn hoàn tất được việc này thì vụ án sẽ tiếp tục. Con số nạn nhân bên nguyên đơn khá lớn, lên tới 7.875 người, nên vẫn cần thêm thời gian chờ đợi.
Tối cao Pháp viện Đài Loan đã cho phép kiện tại Đài Loan mặc dù vụ việc xảy ra ở Việt Nam. Các luật sư Đài Loan cho biết đây là điều chưa từng có tiền lệ. Đó là một đầu mối đã được gỡ. Hy vọng sau khi tháo gỡ hết các khó khăn thì vụ kiện sẽ tiếp tục có diễn biến mới.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Hiện nay, những lo lắng của các nạn nhân càng ngày càng lớn hơn. Do thời gian qua, các cơ quan an ninh Việt Nam đã đi hạch hỏi, gây áp lực với những người mà không rõ vì lý do gì mà họ phát hiện ra việc công chứng giấy tờ này.
RFA. Đài Loan hiện nằm ở tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ Trung. Đảng Dân Tiến cầm quyền hiện gặp nhiều khó khăn trên chính trường. Những tình huống chính trị như trên có ảnh hưởng bất lợi gì cho ngư dân Việt Nam trong vụ kiện này không?
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Sau hơn 30 năm làm việc ở Đài Loan, tôi nhận ra sự lành mạnh trong sự vận hành quốc gia của Đài Loan. Đó là sự độc lập của tòa án và ngành tư pháp. Họ rất độc lập trong xét xử. Tôi không thấy có áp lực nào của bên hành pháp để ảnh hưởng đến quyết định của bên tư pháp. Vì vậy, tôi chưa thấy những căng thẳng giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ và việc vận động tranh cử tổng thống ở Đài Loan hiện nay ảnh hưởng gì tới quá trình thưa kiện của các nguyên đơn, quá trình tòa điều tra và xem xét vụ án này.
Công tâm mà nói, tôi cho rằng Bộ Ngoại giao Đài Loan nên nỗ lực để đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục theo như yêu cầu của bên tư pháp để giúp cho các nạn nhân có thể hoàn tất thủ tục dễ dàng hơn.
Đó là một trong những nỗ lực chúng tôi sẽ cố gắng vận động trong thời gian sắp tới. Ở Đài Loan, dù có căng thẳng và khó khăn trong quá trình vận động bầu cử tổng thống và cạnh tranh Mỹ – Trung, nhưng nếu vụ án được tiến hành suôn sẻ, đem lại công lý cho nạn nhân thì đó sẽ là một điểm son cho Đài Loan. Vì đây là một án chưa có tiền lệ ở Đài Loan. Việc Tối cao Pháp viện Đài Loan thụ lý hồ sơ đã là một điểm rất tốt của Đài Loan. Điều này hoàn toàn không phải do bên lập pháp hay hành pháp áp lực gì cả. Tòa án Đài Loan quyết định như vậy dựa trên việc xem xét hồ sơ mà các nạn nhân nộp cho họ.
RFA. Nhà nước Việt Nam có phản ứng thế nào với vụ kiện Formosa ở Đài Loan?
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Từ 2016, khi thảm họa xảy ra, đến nay là một thời gian rất dài. Nhà nước Việt Nam đã làm gì cho các nạn nhân trong thời gian đó? Điều duy nhất mà Chính phủ Việt Nam làm là làm việc với Formosa lấy nửa tỷ đô la. Đồng thời, vì áp lực dư luận mà bắt Formosa làm một số thủ tục để giải quyết vấn đề xả thải. Ngoài hai việc đó ra, tôi chưa thấy Chính phủ Việt Nam làm gì khác cho các nạn nhân. Việc lấy xong nửa tỷ đô la rồi phân phối, sử dụng ra sao thì không ai biết cả.
Thứ hai, việc bắt công ty Formosa xử lý xả thải thì đến giờ phút này tôi chưa thấy công bố Formosa phải thực hiện những gì, và họ đã thực hiện những bước nào. Tôi chưa thấy tổ chức quốc tế nào được khảo sát để thẩm định, đánh giá việc xử lý xả thải của Formosa. Theo tôi, hằng năm, hoặc mỗi sáu tháng, cần có những báo cáo dựa trên khảo sát để thẩm định mức độ an toàn của khu vực đã xảy ra thảm họa.
Về phía nạn nhân, Chính phủ Việt Nam thay vì giúp nạn nhân đòi công lý thì lại từ chối xét xử vụ kiện này ở Việt Nam. Thứ hai là Chính phủ đã đàn áp những người lên tiếng đòi công lý cho nạn nhân Formosa. Ít nhất có 24 người đã vô tù vì họ đã lên tiếng cho các nạn nhân Formosa, trong đó có chị Phạm Đoan Trang, Trần Thị Xuân, em Nguyễn Văn Hóa, anh Hoàng Bình, và nhiều tù nhân lương tâm khác. Những ai đòi quyền lợi cho nạn nhân của Formosa đều bị liệt kê vào thành phần gọi là “chống đối nhà nước”.
Nancy Bùi: Năm 2016, khi thảm họa môi trường xảy ra, hầu hết các hội đoàn người Việt ở hải ngoại thấy Chính phủ và Formosa không giúp đỡ người dân của mình thì chúng tôi quyên tiền gửi về cho người dân có gạo ăn và một số nhu cầu thiết yếu. Sau một thời gian, chúng tôi thấy họ tìm cách che giấu việc đền bù, họ cũng tìm cách từ chối, họ làm như người dân không có quyền đi kiện Formosa. Hơn nữa khi đó chúng tôi thấy người dân trong nước khi đi kiện, và cả những người giúp đỡ họ đi kiện, đã bị đánh đập rồi bỏ tù. Theo tôi nhớ thì gần 50 người đã phải vào tù. Chúng tôi thấy điều đó quá bất nhẫn. Tại sao Chính phủ lại đối xử như thế với con dân của mình khi một công ty ngoại quốc làm ăn sai trái, đến đất nước mình làm những điều kinh khủng như vậy.
RFA. Truyền thông Đài Loan nói gì về cuộc đấu tranh tuyệt thực hiện nay của bà Diane Wilson?
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Tôi có cơ may gặp bà Diane Wilson khi bà đến Đài Bắc để tham gia một sự kiện của đại hội cổ đông Formosa. Khi đó bà Diane đã đặt vấn đề Formosa phải đền bù cho nạn nhân Việt Nam.
Tôi có ghi danh tham gia tuyệt thực 2 ngày cùng bà Diane, để tri ân bà vì bà đã đấu tranh cho nạn nhân Việt Nam.
Formosa biết cuộc tuyệt thực toàn cầu của bà Diane Wilson. Ban tổ chức cuộc tuyệt thực toàn cầu này đã gửi công văn thông báo cho tập đoàn Formosa ở Đài Loan. Các luật sư Đài Loan hỗ trợ cho vụ kiện của các nạn nhân đã ra một thông cáo báo chí về sự kiện này. Tôi nghĩ trong những ngày tới sẽ có nhiều bản tin trên truyền thông Đài Loan về cuộc tuyệt thực của bà Diane Wilson.
Chúng tôi không biết Formosa sẽ làm gì. Nhưng chúng tôi không chờ Formosa làm gì. Tôi nghĩ là người Việt Nam thì chúng tôi cần lên tiếng cho người dân nước mình.
Tôi nghĩ chúng ta cần lên tiếng để hỗ trợ cho bà Diane. Đồng bào ở gần đó thì nên đến thăm bà để hỗ trợ cho bà, liên lạc với các nghị sỹ, dân biểu ở địa phương để cho họ biết. Nếu khắp thế giới càng có nhiều người biết về sự kiện này thì tiếng nói của các nạn nhân càng được lắng nghe nhiều hơn.
RFA xin cảm ơn bà Nancy Bùi và Linh mục Nguyễn Văn Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: RFA Tiếng Việt