2-11-2023
Những ý kiến của Thái Hạo rất hay nhưng có một điểm phải coi là mấu chốt thì hình như anh có hơi nhầm lẫn, hoặc nếu không thì là điểm mà giới chúng ta – xin cứ tạm coi là giới… có chút ít tinh hoa trong xã hội dân sự – thường tránh đi, mặc nhiên không bàn luận – Đó là: có thể xác định người dân Việt hiện nay đang ở vào cái tư cách nào trong xã hội hiện tại? Có thể nói họ là “công dân” hay không? Về phần chúng tôi, sau nhiều thập niên tự mình trải nghiệm thực hành cái gọi là quyền công dân của mình, người nào cũng phải trả giá cách này cách khác, cuối cùng chúng tôi rút ra kết luận: hiện nay, người dân Việt sống trên toàn lãnh thổ hình chữ S ở Đông Nam Á, chỉ là THẦN DÂN chứ không phải CÔNG DÂN. Xin tác giả ngẫm nghĩ lại xem có đúng hay không. Nếu đúng thì lập luận hiển nhiên logic của anh cũng chỉ đúng trong một xã hội chưa đến hoặc sẽ đến, chứ không phải là xã hội mà anh đang chứng sống. Nếu ý kiến này sai mong được tác giả trao đổi, biện chính. Chúng tôi rất đỗi cảm ơn. Bauxite Việt Nam |
Trong nhà trường, ngoài câu “Ta chỉ là chiếc lá – việc của mình là xanh” thì còn nhiều câu khác tương tự nữa mà giáo viên thường hay mang ra để giáo huấn học trò như một phương châm sống đầy tâm đắc, tỉ như “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó – Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”. Tôi gọi đó là triết lý vặt.
Xin thưa, việc tròn ngay tự trong tâm chẳng có liên quan gì đến việc chê cuộc đời méo mó cả. Một người không biết đá bóng thì không được chê một trận bóng dở sao? Một người nông dân thất học thì không được chê một ông quan to kém cỏi và hư hỏng sao? Thấy xấu ác, bất công, ngang trái cũng không được chê và phải quay về tự “xanh” thì mới là phải nhẽ? Chê là việc chê, tròn thì cứ việc tròn, cấm chê và chỉ được về nhà tự tròn vo đi, đó là lập luận ngụy biện.
Chiếc lá không phải chỉ là chiếc lá, chiếc lá là con của cành, là cháu của cây… Chiếc lá là gió, là mưa, là trời đất này hun đúc trong trùng trùng duyên nợ. Trong một lá cỏ là cả vũ trụ. Con người không phải chỉ là một cá thể trơ trọi trong cuộc đời. Con người thuộc về gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, nhân loại…
Đạo đức Đông phương dạy con người tu tâm, phải rồi, không có gì phải bàn cãi cả. Nhưng chừng ấy chưa đủ. Phan Châu Trinh gọi đó là tư đức, đức nhỏ; ông nói xã hội ta thiếu hẳn công đức, cái đức lớn làm người. Chính vì tuyệt đối hóa tư đức mà không ai bận tâm tới xã hội nữa cả, ai chết mặc ai phải ai tai nấy. Một khi ý thức công lợi không có thì lấy gì bảo đảm cho đời sống cá nhân được an toàn, hạnh phúc?
Thúy Kiều đụng tới ai để bị bán đi làm đĩ “khắp người ta” như vậy? Người nông dân trong văn học nửa đầu thế kỷ XX đụng đến ai để phải bị dẫm đạp như vậy? Ông Nguyễn Thanh Chấn đã gây nên tội lỗi gì để bị đày đọa như vậy? Đừng nghĩ chỉ việc ngồi đó và xanh ngắt đi hoặc tròn vo lại mà được yên thân.
Phan Châu Trinh nói dân ta tuyệt nhiên không ai biết đến luân lý xã hội, tức cái ý thức về những việc “không liên quan gì tới mình”, vì thế mà cứ đổ nát mãi, không sao ngóc đầu dậy được. Tôi tin rằng một xã hội thừa mứa những vị thánh chưa hẳn đã tốt bằng một xã hội có đầy đủ những người công dân.
Xanh thì cứ xanh, tròn thì cứ tròn, nhưng đừng lấy đó làm tự đắc, càng không thể lấy đó mà tự ru ngủ và ru ngủ nhau.
P/S: đây không phải là một bài bình thơ, xin chớ lạc đề.
T.H.
Tác giả gửi BVN