Nguyễn Xuân Thọ
Vụ bệnh viện ở Bắc Gaza bị ném bom đã dấy lên làn sóng chống Israel trên toàn cầu. Mọi cố gắng ngoại giao nhằm giảm bớt đau khổ cho dân Palestine và cứu 200 con tin thất bại toàn tập. Nguyên thủ của Jordanie, Ai-Cập và Palestine đã hủy cuộc gặp bộ tứ với tổng thống Biden của nước Mỹ siêu cường.
Hai bên đều đổ tội cho nhau. Kẻ nào là thủ phạm thì chưa rõ. Người thì cho rằng dù tên lửa của ai thì cũng đều do Israel không kich Gaza nên mới thế. Israel cho rằng phải không kích Gaza để xóa sổ Hamas khủng bố tàn sát dân thường Israel. Hamas đòi xóa sổ Israel vì tội cướp đất sống của người Palestine. Cái vòng xoắn bạo lực cứ thế dâng cao.
Thời học sinh ở Hà Nội tôi đã được xem vở kịch nói „Trở về Haifa“ (của tác giả Ghasan Kanafan) nói về bi kịch mất quê hương của người Palestine. Ngày nay, mỗi khi nghe câu nói „Sang năm tới Hoàng Sa“ trên FB của bác Nghiem Vietanh, tôi lại nhớ đến bài hát của người Do-Thái: „Sang năm về Jerussalem“. Từ thế kỷ 15, đây đã là lời thề của người Do Thái.
Có rất nhiều tác phẩm văn học, tài liệu lịch sử viết về cuộc xung đột này, không thể dẫn giải hết. Chỉ có một sự thật: Mảnh đất mà bên này gọi là Palestina, bên kia gọi là Israel từng là quê hương của cả hai dân tộc. Nằm lọt thỏm trong đó, thành phố Jerusalem từng là cái nôi của cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và đạo Do-Thái. Chiến tranh tôn giáo đã khiến cho người Do-Thái bị mất tổ quốc vào năm 70 sau công nguyên. Cả dân tộc bị xua đuổi, chạy tan tác khắp thế giới. Tới đâu họ cũng bị khinh rẻ, bị đàn áp và đã trải qua nhiều nạn diệt chủng.
Những người Palestine và số ít người Do-Thái còn trụ lại trên mảnh đất hình dao găm đó cũng chẳng sướng gì hơn. Họ luôn là nạn nhân của các đế quốc, của các cuộc thánh chiến. Đã tưởng chỉ có thời Trung cổ dã man mới gieo rắc thảm họa lên đầu họ. Nhưng đầu thế kỷ 20, khi phương tây đã có nền dân chủ đại nghị, đã có tự do báo chí, có công pháp quốc tế thì Chủ nghĩa Thực dân lại trở thành nguyên nhân của các xung đột mới. Trên „Diễn đàn Khai phóng“ có loạt bài dài nói về „Hiệp ước Sykes-Picot và 100 năm hỗn loạn ở Trung Đông“ [1].
Vào ngày 16 tháng 5 năm 1916 cách đây hơn 100 năm, Anh và Pháp ký kết hiệp ước Sykes-Picot để phân chia thuộc địa và các vùng bảo hộ ở Trung Đông sau khi đập tan đế quốc Ottoman. Hiệp ước này mang tên của hai nhà ngoại giao Mark Syke của Anh và François Georges-Picot của Pháp. Người ta đàm tiếu là hai ông dùng gậy vẽ trên cát các đường biên chia thuộc địa cho nước mình. Dù các đường biên sau đó không như các vạch cát thì hiệp ước này đã tạo ra vô số những xung đột sắc tộc. Trong đó có hai sự việc nghiêm trọng nhất: Xóa sổ quyền có nhà nước của người Kurd và ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine. Ai muốn tìm hiểu xin đọc loạt bài trên „Diễn đàn khai phóng“.
Do-Thái là một dân tộc có sức sống mãnh liệt. Trải qua 2000 năm tha hương, bị đàn áp, bị diệt chủng và đồng hóa, nhưng trong mỗi gia đình vẫn giữ nguyên tiếng nói và chữ viết, dù bị cấm. Đạo Do-Thái vẫn duy trì. Năm 1896, Theodor Herzl thành lập phong trào Zionism, lấy tên ngọn đồi Zion ở Jerusalem làm mục tiêu trở về quê hương của dân tộc Do-Thái.
Người Hồi giáo cảm nhận được việc này và luôn tìm cách đàn áp những người Do Thái di dân về đây. Các tổ chức kháng chiến Zionist cũng phải bắt đầu bằng khủng bố để chống lại [1]. Do được tổ chức tốt nên năm 1947 họ đã tận dụng cơ hội Liên Hiệp Quốc chia đất, phục hồi quê hương cho người Do Thái để thành lập nhà nước. Nhà nước này được thành lập bởi những người sống sót qua nạn diệt chủng Holocaus và những người thành công trong kinh tế, chính trị, văn hóa trên toàn cầu. Họ là kết tinh ưu tú nhất của dân tộc này và sử dụng bên cạnh kho kiến thức vô bờ bến cả ý chí sắt đá bảo vệ và phục hưng quê hương. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Israel trở thành một nhà nước hùng mạnh, văn minh, vượt xa các nước hồi giáo láng giềng. Họ đã khôi phục tiếng Hebrew từ một tử ngữ thành một sinh ngữ. Năm 1966 Samuel Agnon là nhà văn tiếng Hebrew đầu tiên được giải thưởng văn học Nobel.
Khi nhà nước Israel ra đời năm 1947, người Palestine vẫn chưa có nhà nước. Mảnh đất này luôn là thuộc địa của Ottoman và sau 1917 là của Anh. Mọi nỗ lực thành lập nhà nước của họ đều bị Anh đàn áp. Trong các cuộc chiến tranh 1948, 1967, 1973, cả thế giới Ả-Rập tập trung tiêu diệt nhà nước Do-Thái. Cứ mỗi lần như vậy, người Ả-Rập lại bị mất thêm đất, lãnh thổ Israel lại mở rộng. Người Palestine bị xua đuổi khỏi quê hương, chạy dạt sang các nước láng giềng. Sau đó chỉ còn người Palestine đơn độc chống lại Israel dưới sự lãnh đạo duy nhất của PLO (Tổ chức giải phóng Palestine). Rồi Israel tổ chức nhiều đợt tấn công sang các nước láng giềng (Sirya, Lebannon) nhằm tiêu diệt PLO.
PLO suy yếu không phải vì các đợt tấn công này, mà bởi các mâu thuẫn nội tại và sự sụp đổ của phe XHCN, vốn là chỗ dựa, là hậu phương của họ. Mất mát lớn nhất của PLO là cái chết của ông Yasser Arafat năm 2004. Từ đó ngọn cờ giải phóng Palestin bị giành giật giữa Fatah (nòng cốt của PLO) và các phe nhóm cực đoan: Hamas, Islamic Jihad và cả Hezbollah. Đỉnh cao của cuộc tranh giành quyền lực này là cuộc chiến giữa Hamas và Fatah vào năm 2007. Từ đó Hamas độc chiếm giải Gaza, đẩy toàn bộ lực lượng Fatah và chính quyền tự trị Palestine (Palestinian Authonomy PA) sang bờ tây sông Jordan.
Bờ Tây sông Jordan thực chất nằm trong tay quân đội Israel. Lực lượng này nằm ở đó để bảo vệ 750.00 người Do Thái sống trong hàng trăm khu định cư liên tục mọc ra như những cái rễ cây tre. Hễ có một hành động khủng bố nào xảy ra là họ tiến vào các thành phố Palestine để „tìm và diệt“. Chính quyền PLO bất lực. Người Palestine coi chính quyền của ông Abbas là bù nhìn và chỉ còn hy vọng vào Hamas.
Xung đột Palestine-Israel vốn mang cả yếu tố dân tộc, lãnh thổ, văn hóa, tôn giáo và cả chính trị. Nhưng xung đột lãnh thổ là khốc liệt nhất. Hiện nay hơn 9 triệu người Do Thái sống trên mảnh đất từng được gọi là Palestina. Họ coi 22.000 km² trong lòng nhà nước Israel và 6.000 km² của các khu định cư Do-Thái nằm sâu trong các vùng tự trị của Palestine là quê hương của họ.
Còn 6 triệu người Palestine sống chen chúc trong 6.000 km², bao gồm dải Gaza (368 km²) và bờ tây sông Jordan. Đó chưa kể 4 triệu người Palestine sống trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng (Jordanie, Lebanon, Syria, Ai-Cập...). Có thể nói toàn bộ dân tộc Palestine 10 triệu người đều là người tỵ nạn từ 75 năm qua. Giải Gaza là một nhà tù khổng lồ được bao bọc 3 phía bằng hàng rào thép gai. Phía Đông là biển bị hải quân Israel kiểm soát 100%. Tất cả họ đều muốn quay trở lại quê hương cũ của mình mà hiện người Do-Thái đang ở.
Sự bất bình đẳng về lãnh thổ này kéo theo sự bất bình đẳng về tài nguyên đặc biệt là nguồn nước. Các nhà sinh thái học còn coi đây là cuộc chiến vì nguồn nước. Nếu kể ra hết thì còn hàng trăm bất bình đẳng giữa hai bên.
Những người bênh Israel thì cho là người Palestine chỉ thích khủng bố, không đủ năng lực thành lập nhà nước nên mới khổ vậy. Người bênh Palestine thì cho là người Do-Thái vì bị ám ảnh ngàn đời về nạn mất quê hương khiến họ mất khôn, luôn tìm cách bành trướng lãnh thổ, điển hình là các khu định cư chui sâu vào vùng vốn đã được Liên Hợp Quốc chia cho Palestine. Có người phê pán phương Tây luôn bênh Israel vì chịu sức ép của giới tài phiệt Do-Thái. Điều này khiến cho phe PLO mềm mỏng bị lực lượng khủng bố Hamas đánh bại. Hamas đã khiến phong trào giải phóng dân tộc Palestine mất đi tính thế tục, trở thành phong trào thánh chiến mang đậm chất khủng bố hồi giáo.
Sự thật nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này. Ở cả hai bên đều có những kẻ cực đoan và những người tỉnh táo. Năm 1993, hai ông Arafat và Rabin đã ký thỏa thuận Oslo về việc thành lập hai nhà nước. Hai vị tổng tư lênh quân đội này đều quá hiểu cái giá của độc lập. Họ kết bạn với nhau đến mức cả hai bà vợ cũng thân nhau. Nhưng nền hòa bình này bị phá hoại, không phải do người Palestine, mà bởi Jigal Amir, một kẻ cực đoan Do-Thái. Hai viên đạn từ họng súng của y đã giết chết ông Rabin vào đêm 4.11.1995.
Ông Arafat đau xót vô cùng vì mất một người bạn lớn. Ông không thể sang dự lễ tang ông Rabin, vì Israel không công nhận PLO. Đêm trước hôm tang lễ vợ chồng ông lặng lẽ sang thăm bà góa Leah-Rabin. Bà Leah kể lại rằng ông Arafat đã làm một việc chưa từng có của người Palestine. Ông tháo chiếc khăn rằn đội đầu ra, cúi đầu viếng ông Rabin.
Còn nhiều cơ hội bị bỏ lỡ khác bởi cả hai bên. Có một điều là người Do-Thái dù văn minh hùng mạnh đến mấy cũng không thể tiêu diệt hết 10 triệu người Palestine mất quê hương. Cuộc sống trong một xã hội công nghệ cao, giàu có, văn minh mà luôn nơm nớp sợ bị giết thì vô giá trị.
Còn những người nằm dưới mà không thống nhất nổi thành một lực lượng, không tìm được một tiếng nói chung lành mạnh thì suốt đời chịu cảnh bị áp bức.
Cái bắt tay lịch sử của hai cừu địch tại Nhà trắng.
Bản đồ lãnh thổ giữa Israel và Palestine từ năm 1946 đến nay. Màu trắng là vùng của người Do Thái, màuxanh của Palestine. Khi chiến tranh thế giới 2 kết thúc, người Palestin chiếm 90% lãnh thổ nhưng không có nhà nước (vì cả Ottoman và Anh đều không muốn). Ảnh tiếp theo là bản đồ phân chia do LHQ vẽ ra năm 1947, khi đó người Palestine được hưởng 44%. Lẽ tất nhiên là họ không chịu. Ảnh thứ ba là diện tích sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 và ảnh cuối là hiện trạng. Các đốm trắng da báo là các khu định cư Do-Thái trong vùng “Tự trị Palestine”.
Bài trước:
—-
[1] https://www.ojp.gov/…/jewish-zionist-terrorism-and…
[2] https://diendankhaiphong.org/hiep-uoc-sykes-picot-va-bi…/
N.X.T.
Nguồn: FB Tho Nguyen