Diễn biến mới tại các dự án nhiệt điện than

Nguyễn Cảnh – 15/10/2023

TheLEADER Bên cạnh dự án BOT Quảng Trị dần hoàn tất thủ tục để dừng triển khai, 4 trường hợp nhiệt điện than còn lại đang rơi vào tình trạng loay hoay thu xếp vốn cũng như thay đổi chủ sở hữu.

Được Thủ Tướng phê duyệt năm 2003 nhằm cung cấp điện cho tập đoàn cũng như cho mạng lưới quốc gia, nhiệt điện Công Thanh tới nay vẫn chưa thể về đích (ảnh minh họa: txnghison.thanhhoa.gov.vn)

Về trường hợp nhiệt điện BOT Quảng Trị, tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương và chủ đầu tư đã ký thỏa thuận dừng phát triển dự án. Hoạt động này nhằm hoàn thiện kết luận của cuộc họp tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần 2 vừa qua. 

Trước đó, cuối tháng 5/2023, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi – chủ đầu tư dự án) đã gửi thông báo tới Bộ Công thương tái khẳng định việc dừng dự án (như nội dung cuộc họp tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần 2 và công văn hôm 10/5 của Bộ Năng lượng Thái Lan). 

Được biết, dự án có công suất 1.320 MW, đặt tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) và tiến độ vận hành thương mại theo Quy hoạch điện VIII là giai đoạn 2021-2030.

Tương tự, dự án BOT Sông Hậu 2 đang rơi vào tình trạng đáng lo ngại khi viễn cảnh khai tử đã được tính tới. 

Tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét việc thực hiện bước tiếp theo đối với dự án này theo phương án: Bộ Công thương sẽ thực hiện quyền gửi “Thông báo Ý định chấm dứt” theo quy định tại Hợp đồng BOT sớm nhất vào 1/4/2024 và Công ty BOT sẽ có 90 ngày cuối cùng để khắc phục việc thu xếp tài chính cho dự án. 

Đến hết 30/6/2024, nếu Công ty BOT vẫn không khắc phục được việc thu xếp tài chính thì sớm nhất vào 1/7/2024, Bộ Công thương sẽ gửi thông báo chấm dứt cho Công ty BOT. Với thông báo này, hợp đồng BOT sẽ bị chấm dứt ngay lập tức. Được biết, Bộ Công thương đang chờ ý kiến của Thủ tướng để có văn bản trả lời chủ đầu tư và Công ty BOT. 

Hiện Bộ này đã đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành thu xếp vốn, đồng thời gia hạn ký quỹ bảo đảm ban đầu để đảm bảo nghĩa vụ thu xếp vốn.

Định đoạt số phận của 5 dự án nhiệt điện than tỷ đô

Đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, dự án BOT Sông Hậu 2 có tổng công suất 2.120 MW, do Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 6/2024. Tổ máy 1 và nhà máy dự kiến vận hành thương mại chậm nhất vào tháng 9/2028 và tháng 3/2029.

Cùng thời gian vận hành dự kiến giai đoạn 2028-2029, dự án BOT Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận (do OneEnergy Ventures Limited (Hồng Kông) và EVN thực hiện) hiện vẫn vướng mắc khâu chủ sở hữu để thực hiện công việc tiếp theo.

Cụ thể, các nhà đầu tư đang tìm phương án giải quyết việc thay đổi chủ sở hữu của Công ty OneEnergy Ventures Limited (chủ đầu tư) để tiếp tục triển khai dự án. Trước đó, tháng 1/2022, Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC, do chủ đầu tư thành lập tại Việt Nam để triển khai dự án) thông báo đang thực hiện các biện pháp phù hợp liên quan.

Tháng 9/2023, sau khi Bộ Công thương đề nghị báo cáo về vấn đề nêu trên, Công ty VTEC cho biết vẫn đang tiếp tục xem xét các khía cạnh để đảm bảo thực hiện thành công dự án và nỗ lực để ký các tài liệu trước tháng 6/2024. Như vậy, sau hơn 18 tháng, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ đối với dự án nhiệt điện than có tổng công suất 1.980 MW.

Với diễn biến này, Bộ Công thương cho biết tiến độ dự kiến đóng tài chính và khởi công xây dựng dự án chậm nhất vào tháng 6/2025. 

Một trường hợp khác là BOT Nam Định 1 công suất 1.200 MW do Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất làm chủ đầu tư. Đây là công ty thành lập tại Singapore, do 2 cổ đông sở hữu là các công ty con và cháu của Taekwang Power Holdings Co., Ltd. – Hồng Kông và ACWA Power – Ả-Rập Xê-út. 

Chủ đầu tư đang đề xuất 2 vấn đề gồm: Thay đổi chủ sở hữu của chủ đầu tư dự án và hoàn thiện, ký kết hợp đồng dự án. Bộ Công thương cho biết đang xem xét các vấn đề này và làm việc với chủ đầu tư để trả lời theo nguyên tắc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. 

Đồng thời, Bộ Công thương cũng yêu cầu chủ đầu tư thúc đẩy triển khai dự án để đáp ứng tiến độ ký hợp đồng dự án vào tháng 6/2024, theo Quyết định 500 của Thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua. 

Cuối cùng, trường hợp nhiệt điện Công Thanh vẫn chưa thể rộng đường triển khai, sau khi chủ đầu tư Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đề nghị chuyển đổi sang sử dụng LNG, cũng như tăng công suất lên 1.500 MW từ hơn 1 năm nay.

Cụ thể, tháng 8/2022, sau khi hoàn thành một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất Bộ Công thương chuyển đổi nhiệt điện Công Thanh sang sử dụng LNG, tăng công suất từ 600 lên 1.500 MW với lý do không thu xếp được vốn.

Tháng 7/2023, UBND tỉnh gửi văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. 

Theo đó, dự án nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng để đầu tư nhà máy. Đồng thời, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài (như các Tập đoàn BP, GE, Quỹ đầu tư Actis) để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án bằng nhiên liệu khí LNG. 

Vì vậy, dự án Nhiệt điện Công Thanh có nhiều thuận lợi để triển khai, hoàn thành đi vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028) nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG. Bên cạnh đó, Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 có nội dung: “Với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo”.

Tới nay, Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh vẫn tiếp tục kiến nghị nội dung trên tới Chính phủ và Bộ Công thương về siêu dự án trị giá khoảng 2 tỷ USD này.

Theo quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn gồm: Công Thanh (600 MW), Nam Định (1.200 MW), Quảng Trị (1.320 MW), Vĩnh Tân III (1.980 MW) và Sông Hậu II (2.120 MW).

Quy hoạch điện VIII nêu, Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư các dự án nêu trên, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Trong số này, chỉ duy Nhiệt điện Công Thanh do doanh nghiệp trong nước (Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh) làm chủ đầu tư, còn lại đều là dự án BOT có chủ đầu tư nước ngoài.

Được cấp chứng nhận đầu tư hoặc giao đầu tư từ nhiều năm trước (có trường hợp từ năm 2011), các dự án này đều khó khăn trong triển khai, thu xếp vốn. Tuy nhiên, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Theo quan điểm của Bộ Công thương, cần tiếp tục để các dự án này trong Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án BOT, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước.

N.C.

Nguồn: The Leader

Đọc thêm: 

Mòn mỏi điện mặt trời

Nguyễn Cảnh - 15/10/2023

TheLEADER – Bộ Công thương cho biết, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII hiện chưa xác định được danh mục các dự án điện mặt trời tập trung.

Số phận các dự án điện mặt trời vẫn chưa thể minh định vì nhiều lý do (ảnh minh họa: evn.com.vn)

Tình trạng này, theo Bộ Công thương lý giải, xuất phát từ 2 nguyên nhân gồm: Chưa đủ cơ sở đánh giá từ địa phương (liên quan tới 23 dự án/phần dự án đã duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư) và nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Cụ thể, đối với 23 dự án/phần dự án điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất khoảng 2.330 MW (đã duyệt quy hoạch, được chấp thuận chủ trương và giao chủ đầu tư), Bộ Công thương đã báo cáo nhiều lần từ tháng 8/2022 tới nay.

Hiện tại, trong số này có 5 trường hợp (khoảng 343 MW) đã đóng điện theo cơ chế chuyển tiếp, 1 trường hợp công suất khoảng 79 MW đã hoàn thành thi công, 7 dự án (322 MW) chuẩn bị thi công và 10 dự án (khoảng 1.600 MW) đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Thực hiện các chỉ đạo và quyết định của Thủ tướng, Bộ Công thương đã có văn bản lấy ý kiến các địa phương về kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII vào cuối tháng 9 vừa qua. Trong đó, đề nghị các tỉnh/thành trực thuộc trung ương rà soát các dự án ĐMT tập trung để đánh giá mức độ đáp ứng của các dự án, nhất là 23 trường hợp nêu trên.

Tuy nhiên, tới 12/10, chỉ có 9/11 tỉnh liên quan phản hồi và các thông tin đánh giá dự án chưa đầy đủ. Vì vậy, Bộ Công thương nhận định chưa đủ cơ sở để xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Đáng chú ý là nội dung Kết luận 1027 của Thanh tra Chính phủ về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh ban hành hồi tháng 4/2023.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề cập tới việc bổ sung các dự án ĐMT là không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Trong khi đó, hiện Thủ tướng chưa có chỉ đạo đối với kết luận này.

“Do vậy, Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII chưa xác định được danh mục dự án điện mặt trời tập trung”, Bộ Công thương nêu rõ.

Theo Quyết định 500 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch điện VIII, đối với các dự án ĐMT đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Đồng thời, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn ĐMT dự kiến tăng thêm 4.100 MW. Trong đó, ĐMT mái nhà ước tính tăng thêm 2.600 MW, ĐMT tập trung tăng thêm là 1.500 MW.

N.C.

Nguồn: The Leader

 

This entry was posted in năng lượng điện. Bookmark the permalink.