Văn hóa phản văn hóa, giáo dục phản giáo dục

Chu Mộng Long

Những ai từng đọc “phủ định biện chứng” của Hegel hay của Marx đều không khó hiểu cái luận đề “Văn hóa phản văn hóa, giáo dục phản giáo dục” của bài viết này và lối hành xử của hai ngành văn hóa và giáo dục. Hegel và đến Marx đều khẳng định cái quy luật vận động của tiến hóa lẫn thoái hóa, rằng mọi sự vật hiện tượng tự nó phủ định chính nó để thành cái phản đề trước khi quay lại cái chính đề ban đầu.

Không kể các ngành khác khi mọi sự đều nhân danh cái tốt, cái đẹp nhưng tự nó lộ ra cái trái ngược. Nhiều năm trước, ngành y tế làm ngược với phẩm chất “lương y như từ mẫu” đã bật đèn xanh cho ngành truyền thông xử phạt bác sĩ Hoàng Công Truyện khi đòi Bộ trưởng Y tế từ chức. Với đồng nghiệp mà còn vậy, huống hồ đối với bệnh nhân. Lương y vậy là phản lương y!

Vài tháng trước, sau vụ cháy chung cư chết 56 người và lễ mừng công nhảy múa hát ca của ngành văn hóa, Bộ Văn hóa công khai luôn công văn đe dọa xử phạt những ai “nói xấu” ngành văn hóa. Văn hóa như vậy là phản văn hóa.

Đầu năm học này, sau vụ cô giáo hành hình kéo lê kéo lết nữ sinh chỉ vì cái bánh trung thu, Hiệu trưởng đã đe dọa giao người quay clip cho công an điều tra vì tội nói xấu nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo im hơi lặng tiếng, cứ xem như không phải trách nhiệm của mình. Nay chỉ vì lùm xùm về sai sót của sách giáo khoa, chính lãnh đạo Bộ lại soi mói sai sót của dân mạng và hành xử y chang gã Hiệu trưởng kia. Giáo dục như vậy là phản giáo dục!



Những trang mạng đưa hình ảnh trong sách cũ, kể cả chế để giễu các nhà làm sách, tôi thấy từ nhiều năm trước và biết ngay là chế. Đã chế để giễu, ắt cái đầu không hận thù, những người biết đùa chỉ có thấy vui vui. Chẳng hạn, họ chế chuyện dụ trẻ em ăn cứt gà, nhiều lắm thì chỉ tởm chứ không ghê như bắt trẻ em đi trên mẻ chai hoặc trên lửa than trong sách học trải nghiệm. Nhưng nay đã thành lớn chuyện khi Bộ hùng hổ đòi “xử lý nghiêm”. Lỗi của mình không thấy, chỉ thấy lỗi của người khác, có là nhà giáo dục chân chính không?

Nhà giáo dục biết “Bắt nạt là rất hôi”, nhưng chỉ dạy trẻ không bắt nạt, còn mình thì độc quyền bắt nạt thì là giáo dục lộn ngược à?

Tôi chỉ đặt câu hỏi, ngay từ đầu cuộc cải cách với Chương trình và Sách giáo khoa 2018, tôi từng vạch trần nhiều trang mạng lấy sách cũ và bài học mẫu cũ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để gán cho sách và cách dạy chương trình thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại để bôi xấu, tại sao khi đó Bộ không ra tay đòi cơ quan điều tra xử lý nghiêm như bây giờ? Phải chăng vì ông Đại là thù địch với Bộ? Phải chăng bây giờ, do dư luận đang tiếp tục mổ xẻ vào sách do Bộ trưởng ký duyệt mà Bộ tìm cách lấy cái sai của người khác để lấp cái sai của mình và đe dọa những ai tiếp tục vạch cái sai của sách đang lưu hành?

Ông Đỗ Ngọc Thống vừa phán trên tinh thần cầu thị, rằng những nhà làm sách rất cần tiếng nói góp ý, phê bình sách để sách tốt hơn, nhưng không thể chấp nhận sự gán ghép, xuyên tạc. Đúng, nhưng sự thực, sách Cánh diều của ông từ khi mới ra lò cho đến nay, người ta lên tiếng góp ý, phê bình rất nhiều, các ông đã cầu thị, tiếp thu được những gì? Khi tôi kiểm tra lại, thấy hoàn toàn giữ nguyên, mặc dù nhiều cái sai rất nghiêm trọng!

Tôi không phủ nhận có kẻ lợi dụng để gán ghép, xuyên tạc, bôi nhọ với tâm địa xấu, đáng bị xử phạt. Nhưng đó là việc của cơ quan chức năng, không phải việc của nhà giáo dục. Nhà giáo dục phải hiểu không có lửa thì không có khói và tự nhìn lại chính mình. Đặc biệt là loại chế để giễu cợt xuất phát từ cái sai của sách. Các ông học mỹ học ắt hiểu rõ cái luận đề có từ thời cổ đại: Khi giễu cợt cái xấu, người ta trở nên cao hơn nó.

Triết học thực dụng Mỹ dựa vào: (1) diễn biến tâm lý, (2) hành vi ứng xử, từ đó định hình tiến hóa lẫn thoái hóa: (1) khủng hoảng tâm lý khi mặc cảm tội lỗi, (2) trấn áp hoặc tiếp thu sửa chữa. Trấn áp thuộc thoái hóa và tiếp thu sửa chữa mới là tiến hóa.

Khi bị chỉ trích, mọi cá nhân đều khủng hoảng tâm lý là bình thường. Nhưng lãnh đạo thì khác. Không có bản lĩnh, cứ bị chỉ trích là chấn thương tâm lý thì khác gì con nít?

Khi bị chỉ trích cái sai, đã không tiếp thu mà còn thù vặt, thì đã đủ khôn lớn để làm nhà giáo dục chưa?

Tôi hiểu, việc vạch trần cái sai của Chương trình và Sách giáo khoa có thể làm chấn thương tinh thần lãnh đạo Bộ và những nhà làm sách. Nhưng nếu Bộ và những nhà làm sách có lời xin lỗi, tiếp thu và sửa chữa ngay thì dư luận ắt đánh giá Bộ và những nhà làm sách cầu thị và có tầm vóc lớn của nhà giáo dục. Biết làm vậy thì chẳng ai mang sách ra giễu cợt làm gì. Đằng này, từ đầu đến giờ, hoặc Bộ im lặng hoặc các nhà làm sách chỉ biết ngụy biện và cao điểm hiện nay là làm ngược: ra tay trấn áp một vài cá nhân để đe dọa muôn người.

Hàm ý, tao có đội ngũ Cờ đỏ, Sao đỏ như Hồng vệ binh rình mò, soi mói kỹ, đứa nào chỉ ra cái sai của tao mà sơ suất chia sẻ, bình luận không đúng thì tao khóa mồm và trừng phạt đấy. Tốt nhất là chúng mày hãy câm mồm hết đi!

Một nhà doanh nghiệp có tâm, có tầm ở thế giới văn minh, họ còn biết thưởng cho người phát hiện sản phẩm lỗi và thu hồi cả seri sản phẩm. Chỉ có doanh nghiệp làm ăn hoang dã mới đe dọa và tống tù người chỉ ra lỗi của mình.

Tổng thống D. Trump bị các trí thức, nhà dân chủ Việt Nam chỉ trích là độc tài, nhưng trong và sau khi bị dân Mỹ chửi, thậm chí bị kiện ra tòa về những việc làm xấu trong quá khứ, ông ta cũng không đe dọa ngược hay đòi cơ quan chức năng xử lý những người Mỹ bôi nhọ ông. Đó là tổng thống văn minh.

Giáo dục mà mang cái tâm địa hẹp hòi thì giáo dục được ai? Trẻ em cần học cái tầm cao cả và độ lượng hay học thói trịch thượng, uy hiếp, đe dọa? 

Nhà giáo dục không cần lắng nghe ai, chỉ biết dùng quyền uy bắt nạt dân như bắt nạt con nít thì các khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm” có phải là thứ nhãn mác dối trá không? 

Tôi hình dung, một đứa bị gọi là “xướng ca vô loài”, khi hát dở, hát sai nhạc, bị công chúng la ó cũng không dại lên tiếng chửi hay đe dọa, bắt nạt khán giả. Hát dở đã hôi rồi, lại lớn tiếng bắt nạt người nghe thì càng hôi hơn!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

 

This entry was posted in Văn hoá của quan chức Việt Nam. Bookmark the permalink.