Một số hoạt động của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn sự leo thang và mở rộng cuộc xung đột ở Trung Đông*

Đng Sơn Duân 

Chỉ trong vòng 72 giờ, Ngoại trưởng Antony Blinken tiến hành một sứ mệnh ngoại giao gió lốc ở Trung Đông, đến Israel, Bờ Tây, Jordan, Ả Rập Xê Út, UAE, quay lại Ả Rập Xê Út, sang Ai Cập, quay lại Jordan rồi hôm nay quay lại Israel.

Hoạt động ngoại giao con thoi chưa từng thấy này nhấn mạnh tầm quan trọng của thời điểm hiện tại, cho thấy “miền đất hứa” và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn đang ở ngã ba đường, trải qua những thời khắc định mệnh có thể thay đổi mãi mãi khu vực và nền hòa bình tương đối trong vài thập niên qua.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken chỉ là một khía cạnh trong cách tiếp cận nhiều mặt của Hoa Kỳ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Hoa Kỳ gần như đã triển khai mọi con bài ngoại giao và quân sự mà họ có trong tay để ngăn chặn sự leo thang và mở rộng của cuộc xung đột. 

Cuối tuần qua, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) đã ra khơi, trực chỉ Đông Địa Trung Hải để hội ngộ với nhóm nhóm tác chiến USS Gerald Ford (CVN 78). Trong vài ngày, hàng loạt phi đội F-15, F-16 và A-10 cấp tập đổ đến các căn cứ không quân của Bộ Tư lệnh vùng Trung (CENTCOM), trớ trêu thay, nằm rải rác ở các quốc gia Ả Rập, để răn đe và hậu thuẫn cho Israel. Bản thân điều này cũng là một yếu tố phức tạp trong chảo lửa hiện nay. 

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald Ford di chuyển gần Israel và Li Băng hơn. Trong hình là bán kính tác chiến của các chiến đấu cơ F/A-18F & F/A-18E trên tàu sân bay này.

Có một câu nói về tàu sân bay rằng, triển khai một nhóm tác chiến thể hiện tín hiệu, triển khai hai nhóm thể hiện quyết tâm, sự nghiêm túc trong việc thực thi lằn ranh đỏ. Cách tiếp cận chủ động của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chiến tranh lan rộng khắp khu vực và răn đe tham vọng phiêu lưu của các tác nhân bên ngoài khác, như tuyên bố ngay từ đầu của họ. Nhưng nó cũng nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình và sự mong manh của nền hòa bình được duy trì một cách tương đối.

Trong ngắn hạn, sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ có thể giúp kiềm chế xung đột lan rộng và tạo điều kiện cho Israel xử lý Hamas. Tuy nhiên, lịch sử đã chỉ ra rằng vấn đề Israel-Palestine không thể giải quyết chỉ bằng biện pháp quân sự. Các yếu tố sâu xa, bao gồm các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, thánh địa, hận thù truyền kiếp, quan ngại về nhân quyền và tình huống con tin… tạo ra một hỗn hợp thuốc súng thách thức các giải pháp nhanh chóng và đơn giản.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông là chưa từng có về nhiều khía cạnh, khiến nó khác biệt với các cuộc xung đột trước đây, với những hậu quả tiềm ẩn mang tính quyết định hơn bất kỳ cuộc chiến nào mà Israel đã trải qua kể từ khi lập quốc, khi một chiến thắng quân sự có thể mang lại cho Israel vài năm hòa bình tương đối.

Những cuộc tấn công quân sự bất ngờ trong quá khứ có thể khiến Israel rơi vào thế bị động, nhưng họ vẫn trụ vững và kết thúc chúng với tư thế người chiến thắng. Đó là cuộc chơi công bằng, giữa những quý ông. 

Nhưng một cuộc tấn công khủng bố ở mức độ tàn bạo nhất có thể gợi lên những nỗi kinh hoàng khắc sâu vào tâm khảm của người Do Thái – Holocaust. Dòng người trên khắp thế giới đổ về tòng quân cho thấy mức độ chấn động của sự kiện khủng bố đối với người Do Thái. Đối với họ, đó vẫn là cuộc chiến sinh tồn như mọi khi, nhưng nay nó hàm chứa thêm một yếu tố khác: báo thù!

Mặt khác, nó cũng cho thấy sự thất bại trong chiến lược trừng phạt răn đe của họ từ bấy lâu nay. Bất chấp những thành công về mặt quân sự, lịch sử đã chỉ ra rằng những hành động thù địch này sẽ quay trở lại với cường độ thậm chí còn lớn hơn. Ngay cả khi Israel loại bỏ Hamas, cũng không có gì đảm bảo cho hòa bình. Các tổ chức tương tự chắc chắn có thể xuất hiện trở lại, với sự tiếp tay của các quốc gia Ả Rập, được thúc đẩy bởi nỗi hận thù và bất mãn ngày càng tăng.

Hành động khủng bố của Hamas và thương vong từ sự trả đũa của Israel đẩy sự thù hận giữa các bên lên mức độ cao nhất trong lịch sử. Nó càng được thổi bùng lên bởi môi trường thông tin toàn cầu và mạng xã hội hiện nay, khi hình ảnh và thông tin lan truyền nhanh chóng, với đủ hình thức bóp méo.

Bầu không khí thù địch này có tiềm năng phá vỡ mọi ràng buộc về luật lệ chiến tranh và rào cản đạo đức, khiến nó trở thành một thời điểm định mệnh trong lịch sử của khu vực. Israel có thể sẽ đập tan Hamas ở Gaza, nhưng cơn ác mộng ở Trung Đông có thể chỉ mới bắt đầu.

Trung Đông đang ở ngã ba đường và những quyết định được đưa ra trong những ngày sắp tới sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng cho khu vực và thế giới.

*

Sau cuộc đàm phán xuyên đêm kéo dài 7 tiếng đồng hồ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ và Israel đồng ý vạch kế hoạch mở đường cho viện trợ nhân đạo được gửi đến thường dân ở dải Gaza, bao gồm cả năng thiết lập các khu vực an toàn để bảo vệ dân thường.

Ông Blinken cũng thông báo Tổng thống Biden sẽ đến Israel vào ngày 18.10 để thể hiện tình đoàn kết trước cuộc tấn công khủng bố tàn bạo của Hamas. Sau đó, ông Biden sẽ đến Jordan gặp Quốc vương Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Với việc ông Biden đến Israel, nhiều khả năng chiến dịch tấn công đường bộ vào Gaza của Israel sẽ được dời lại ít ngày so với dự tính. 

Về quân sự, Nhóm Sẵn sàng tác chiến đổ bộ đường biển USS Bataan và Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh 26 (USS Bataan ARG/26th MEU) đang di chuyển về hướng Israel theo đường Biển Đỏ, chuẩn bị cho tình huống sơ tán công dân Mỹ. 

Dự kiến cuối tuần này, sẽ có một lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến uy lực của Mỹ ở Đông Địa Trung Hải, gồm: Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78), USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) và Nhóm Sẵn sàng tác chiến đổ bộ đường biển USS Bataan. 

Đ.S.D.

NguồnFB Duan Dang

(*) Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in chiến tranh, Hamas, Israel, Trung Đông. Bookmark the permalink.