Thái Hạo
Theo quan sát của tôi, năm học này TP.HCM là địa phương có những thay đổi đáng ghi nhận trong giáo dục, từ những quyết định mạnh dạn về mặt chuyên môn như không kiểm tra miệng đầu giờ đến không giao bài tập về nhà. Đây là những thao tác đúng đắn để rút ngắn khoảng cách về sự tiến bộ với các nền giáo dục văn minh.
Năm nay, về việc thu tiền, ngành GD TP.HCM cũng ra tuyên bố: “Không có quỹ lớp, quỹ trường” và cấm thu khoản tiền này. Có thể nói, đây là địa phương thành thật đầu tiên trong cả nước khi thừa nhận một sự sai trái đã tồn tại suốt cả một thời gian dài và quyết đoán trong việc sửa chữa nó.
Tuy nhiên, dường như trái ngược những điểm sáng ấy, chính TP.HCM lại cũng là địa phương đang công khai thừa nhận và cổ vũ mạnh mẽ cho vấn nạn dạy thêm trong nhà trường. Nghị quyết 04 của HĐND thành phố “quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn” có một danh sách dài miên man các “môn học thêm” đủ loại đến chóng mặt.
Riêng ngoài giờ chính khóa có tới 16 “môn/món” tương ứng với 16 khoản tiền, trong đó ngoài những cái tên đã trở nên quen thuộc như STEM, tăng cường, tích hợp… thì còn có những “môn” rất lạ lùng, như “Tiền tổ chức học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ”. Bên cạnh đó là “Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các Đề án” gồm 4 đề án. Ngoài ra, còn 21 khoản thu khác thuộc vào “dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú” và “thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh”. Tóm lại, tổng 41 khoản thu, trong đó 21 khoản là các môn mang tính chất học thêm.
Nhìn vào đây có thể thấy, TP.HCM là địa phương đang “đi đầu” trong việc đưa dạy thêm, học thêm vào nhà trường.
So với những thay đổi tích cực nhưng nhỏ nhoi đã nhắc ở đầu bài viết (bỏ 1 khoản thu là tiền quỹ và thay đổi 2 thao tác chuyên môn) thì những gì TP.HCM đang làm đối với các chương trình mang bản chất dạy thêm khi đưa chúng vào nhà trường là quá sức tưởng tượng.
Vì sao? Vì với số lượng lên đến 21 “môn” học thêm, nó đã vượt xa cả chương trình giáo dục quốc gia (2018) ở cả 3 cấp học (tiểu học 12 môn, THCS 13 môn, THPT 13 môn – sau khi đã tính môn lựa chọn và tự chọn).
Học thêm nhiều hơn học chính? Kéo theo đó là tiền đóng gạo góp khiến không ít gia đình lao đao. Không chỉ có thế, chương trình giáo dục quốc gia có bị méo mó trầm trọng trước cuộc đổ bộ này của các môn học thêm? Thể chất, tâm lý, nhân cách của học trò có đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do gánh nặng học thêm này gây ra? Rồi các vấn đề tiêu cực phát sinh, như nạn ép học thêm bằng nhiều chiêu trò mánh khóe đang gây ra bức xúc và đổ vỡ niềm tin nghiêm trọng trong phụ huynh.
Thật khó có thể hình dung số lượng môn học thêm lại nhiều hơn cả môn học chính khóa trong nhà trường. Nếu không ngừng lại, cứ với đà này, chương trình giáo dục quốc gia có thể bị nuốt chửng hoàn toàn.
Theo tôi, TP.HCM nên đi theo hướng những thay đổi tích cực như đã nói ở đầu bài viết này; và nghiêm túc đánh giá lại những chương trình học thêm đang được tiến hành với quy mô và tính chất của một cuộc “xâm lược” vào chương trình giáo dục quốc gia; mạnh dạn ngừng và chuyển ra ngoài cho các trung tâm hoặc cơ sở giáo dục tư nhân làm. Đã đến lúc công – tư cần phân minh để góp phần phục hưng nền giáo dục vốn đang lâm trọng bệnh này.
T.H.
Tác giả gửi BVN