Sách giáo khoa phải chuẩn mực …

Nguyễn Hoàng Tuân 

Hình cụ Trần Trọng Kim

Dù thời thế thay đổi thế nào, thì sách giáo khoa tốt luôn đồng nghĩa với chuẩn mực. Nó phải là khuôn vàng thước ngọc để dạy trẻ thành nhân từ những bước chập chững đi học đầu tiên. Và những chuẩn mực này sẽ phải nằm ở nội dung sách (vừa là bài học dạy chữ, vừa lồng vào một cách khéo léo và truyền cảm hứng bài học dạy làm người). 

Chuẩn mực này phải nằm ở kết cấu và bố cục của sách (chia ra bao nhiêu phần, mỗi phần gánh trọng trách dạy cái gì cho các con). Chuẩn mực này phải nằm ở hình minh họa, sao cho hay cho đẹp, cho phù hợp với lứa tuổi, sao cho bé nhìn thấy sách muốn ôm vào lòng để học, muốn nâng niu trân quý. Chuẩn mực này nằm ở sự chân xác và tường minh, từ trích dẫn hay chú thích, dùng bài của ai đưa vào thế nào, vì sau này các con sẽ như vậy mà làm, không lừa đảo dối trá.

Muốn làm được vậy, những nhà sư phạm soạn sách phải có tri thức giỏi giang, thông tường Đông Tây kim cổ đặng chắt lọc cái hay cái đẹp, cái giản dị và tinh túy về dạy các con. Và trên hết, họ phải có cái tâm vì mầm non là ngày mai của đất nước, là tương lai quan trọng của quốc gia dân tộc, của xã hội và của từng gia đình trông cậy mai này.

Ban soạn sách giáo khoa tiểu học đầu tiên của người Việt Nam kể từ khi dùng chữ quốc ngữ do cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim đứng đầu. Tham gia ban này có cụ Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Ban này làm việc từ năm 1924 và hết sức cẩn thận soạn ra bộ sách quan trọng với 3 cuốn Quốc văn giáo khoa thưSử ký giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư cho các lớp ĐỒNG ẤU (LỚP NĂM), DỰ BỊ (LỚP TƯ) SƠ ĐẲNG (LỚP BA) dùng để học. 

Đây là 3 cuốn sách in ra từ khoảng những năm 1930, dù không phải hoàn hảo tuyệt đối vì nó là sách trong giai đoạn thuộc Pháp, nhưng nhìn chung so với mọi sách giáo khoa đã từng có ở ta cho học sinh tiểu học, thì vẫn là mẫu mực.

Ví dụ, chỉ cần dạy các trẻ sách Luân lý giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, các con cũng đã có thể hiểu được bổn phận đối với gia đình và xã hội, những điều sơ đẳng về thể chế, pháp luật cần tuân theo để làm một công dân tốt. Sách Sử ký giáo khoa thư rất trân trọng lịch sử nước nhà. Còn sách Quốc văn giáo khoa thư vừa dạy chữ, vừa dạy nết người. Mỗi lần tôi đọc lại các sách này đều khóc. Vì nó quá hay và đẹp, đã có đạo lý cao cả mà thấm đẫm tình người. Hơn nữa, lại được soạn ra rất dễ hiểu và dễ nhớ, trẻ bé tí cũng học được ngay.

Những nhà giáo dục trong Ban biên soạn này, chỉ có bằng cấp coi như ngang đại học thời nay, không ai là tiến sĩ, giáo sư. Nhưng các cụ giỏi chữ Việt, am tường Hán ngữ, Pháp ngữ. Mà lại một lòng một dạ vì quốc dân đồng bào trong bối cảnh phải làm việc trong Chính quyền do người Pháp quản trị. 

Như cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim từng trả lời phỏng vấn báo chí thời đó:

“Muốn tiến hóa một cách chắc chắn, không phải chỉ cần học lấy những cái mới của người mà còn cần phải biết rõ những cái hay của mình. Biết để mà giữ lấy, thiết tha mà giữ lấy, dù là trong cảnh ngộ nào. Những cái hay ấy tức là cái gốc của ta, cái tinh thần của ta; không có cái gốc ấy, dân tộc mình đã là một dân tộc vong bản”.

Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo cái chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao…”.

Nghĩ tới các cụ chỉ muốn rơi lệ vì cảm phục, vì kính trọng và tiếc nuối. Nay thiếu gì các hạng trí thức lưu manh làm công việc giáo dục, chỉ nghĩ tới tiền, chứ nghĩ gì tới tương lai trẻ con.

Nguồn: Chuyện giáo dục/Góc nhìn An Nam

N.H.T.

Nguồn: FB Nguyễn Hoàng Tuân

*

Xem thêm: 

Facebook Đỗ Trung Quân:

Nhân ồn ào vụ sách giáo khoa Lớp 1 của ê kíp ông Nguyễn Minh Thuyết nhiều người gọi tên tôi báo chuyện này và hỏi “ông Q có biết không?”. Xin thưa tôi biết từ hơn 20 năm trước và 20 năm sau nó vẫn y như cũ.

Khi ấy chưa có Internet, Email, tôi gửi thư tay và đến tận nơi chi nhánh của Nhà Xuất bản Giáo dục ở Sài Gòn với thái độ nhã nhặn và chỉ một đề nghị duy nhất: sửa lại cho đúng vì tác giả chưa … qua đời. Câu trả lời là phương pháp cũ: “để báo lên trên”, và cuối cùng sách vẫn hàng năm tái bản vẫn cứ sai như cũ. 

Nếu tôi nhớ không lầm thì báo Tuổi Trẻ cũng từng có loạt bài về Sách giáo khoa và sự kiện này cũng được đặt ra nhưng câu trả lời là “những người chủ biên CÓ QUYỀN sửa chữa cho phù hợp với phương pháp và học sinh …”. (Vậy thử sửa cho “phù hợp” với thứ thơ máu lửa của Tố Hữu hay những bài toán “giết vài tên lính Mỹ …” cho thiếu nhi xem sao?! Tôi thách!).

Tôi biết mình đã chạm vào bức tường thành kiêu căng của bộ máycủa thể chế và lợi nhuận quá lớn chưa kể thái độ ngầm “được vào sách giáo khoa, chưa “lại quả” còn muốn cái gì? 

Có người lại hỏi: thế họ (sách giáo khoa) có trả nhuận bút cho tác phẩm được chọn trích in không? Câu trả lời của tôi là: cá nhân tôi chưa từng nhận một xu nhuận bút, nếu đi đòi thì lại hệt “đáo tụng đình”, “được vạ thì má cũng sưng”, lại mất thời gian bỏ biết bao việc cần làm, đang làm… Vả lại, nếu họ bảo, ông nói không phải thơ ông, không đúng thơ ông cũng không có tên ông mà đòi là đòi cái gì thì có mà xấu hổ [tôi đến giờ vẫn còn biết xấu hổ nếu lỡ làm gì sai đấy].

Vậy nên, thưa các anh chị em đã gọi tên tôi, đã thông báo cho tôi, tuy vậy xin thưa rằng chuyện này với tôi không mới. Mong ước của tôi bây giờ là được họ loại khỏi sách giáo khoa bởi lẽ với nền giáo dục chỉ muốn biến con người thành con vật, trộm cắp, dối trá, ác độc… ngay từ khi ngồi ghế nhà trường mà hệ quả nó đang rành rành hiển hiện mỗi ngày trong xã hội, tôi không vinh dự gì nếu không muốn nói là xấu hổ ngồi trong nền giáo dục ấy qua sách giáo khoa.

 

 

This entry was posted in Giáo dục, Sách giáo khoa. Bookmark the permalink.