Lê Huyền Ái Mỹ
Ngày 13 Tháng 10 – ngày được coi là ngày Doanh nhân VN (Nhà nước quyết định từ 2004) đã qua, nhưng câu chuyện Doanh nhân không phải chỉ cho ngày 13/10 và không phải chỉ cho giới Doanh nghiệp bởi nó luôn song hành với sự phát triển của Quốc gia. Nó là vấn đề thường trực. Bauxite Việt Nam |
Năm 2024, Nhật Bản sẽ chính thức lưu hành tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất (10.000 yen) in chân dung Shibusawa Eiichi – “ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”. Thành tựu mà Shibusawa Eiichi để lại cho hậu thế không phải chỉ là thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại, các công ty dẫn đường cho lĩnh vực dệt vải, đóng tàu, bảo hiểm, hàng hải… mà còn, và chính yếu là ông đề cao đạo đức trong kinh doanh. “Nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được ấm no” (theo giáo sư Trần Văn Thọ – Kinh tế Nhật Bản).
Tinh thần ấy được lớp hậu bối của Shibusawa kế thừa rực rỡ. Đó là một Matsushita Konosuke, người sáng lập và điều hành Công ty Tổng hợp Điện và Điện từ Matsushita – mà ngày nay được biết đến với tên gọi Panasonic. Khi bắt tay sản xuất chiếc tivi kiểu mới, ông tình cờ nghe bài Quốc tế ca – International phát trên đài, tìm hiểu thì được biết từ “nation” có nghĩa “dân tộc”, “quốc dân”, thế là ông đặt luôn loại thiết kế tivi mới là Nation với suy nghĩ sản phẩm làm ra trước hết phải phục vụ tốt nhất cho dân mình.
Đó là “cặp đôi” Ibuka Masaru và Morita Akio – cha đẻ của đế chế Sony mà ngay trong diễn từ sáng lập công ty năm 1946, Ibuka đã nêu rõ “cần dùng sức mạnh của công nghệ để góp phần vào việc phục hưng kinh tế cho Tổ quốc của chúng ta”.
Và “ông tổ thời trung hưng Toyota” – Toyoda Eiji đã hiện thực hóa tâm huyết “Công ty Toyota được lớn mạnh như hiện nay là nhờ ân huệ của môi trường xã hội. Do đó, điều quan trọng là công ty phải đáp đền ân huệ đó đối với xã hội”.
Sự đáp đền ấy là: một người Nhật – mang tên Toyoda Eiji đã được đưa vào Điện Ô tô ở Mỹ, được tôn vinh, ghi nhớ vĩnh viễn là người có công phát triển ngành ô tô.
Những doanh nhân vĩ đại ấy, họ mang theo một tinh thần doanh nghiệp (bao gồm nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới; tích cực đầu tư, tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng chịu đựng rủi ro; mưu tìm lợi nhuận chứ không mưu tìm đặc lợi – theo GS Trần Văn Thọ). Và họ được lớn lên, nuôi dưỡng, kích thích và bảo vệ bởi một bộ máy quan chức nhà nước có tinh thần dân tộc cao, được đào tạo, tuyển chọn, sử dụng thực chất, minh bạch và đặc biệt liêm chính.
“Song song với một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh làm hạn chế những quyết định thiếu công minh của quan chức, sự giám sát, phê phán của xã hội đối với quan chức nhà nước rất chặt chẽ, nghiêm khắc làm cho quan chức nhà nước phải hết sức giữ gìn, thận trọng”.
Đến đây, lại nhớ cái cảnh cười ra nước mắt ở phiên tòa “giải kíu ngạo nghễ” hôm nào được tường thuật trên báo: “Bị cáo Dương thấy bị cáo Kiên quát tháo: ”Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý XNC) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng, các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc đưa cho tôi rồi tôi đưa anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép”.
Đến đây lại lướt báo tung hoa ngày 13.10 năm nay, thấy con số mà VCCI vừa công bố “10% người Việt là doanh nhân. Nếu tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể đạt con số 10 triệu”.
Mừng đến lã chã nước mắt. Thật.
Đã thế, lại còn mong muốn Chính phủ “đã yêu thương doanh nghiệp thì yêu thương nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn thì tháo gỡ hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn”.
“Doanh nghiệp mong Chính phủ là điểm tựa những lúc “tụt huyết áp”…
Không đọc nữa.
Không đọc nổi!
Lật sách, bắt gặp mấy dòng này trong cuốn “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” của anh Lê Minh Quốc ghi lại, chuyện hơn trăm năm trước, doanh gia Gilbert Trần Chánh Chiếu, người sáng lập tập đoàn kinh tế đầu tiên ở Nam Kỳ đã âm thầm ủng hộ chủ trương xuất dương cứu nước của cụ Phan Bội Châu. Ngày 20.6.1908, ông đích thân tiễn các du học sinh và dặn dò: “Mai đây hừng đông các trò từ giã Nam Việt, xa cha mẹ thân bằng, cùng ba triệu đồng bào mà ra đi, trong ba triệu đồng bào ấy có nhiều người dốt nát và quê mùa lắm, vì không có thể đi học như các trò, các trò hằng ngày hãy nhớ đến sự ấy luôn… Phải ráng nên người xứng đáng với thế gian là học làm quan bác vật, học cơ xảo, học đại thương… chúc các trò đi thuận buồm xuôi gió, học hành cho mau thông thái, đặng về giúp quê hương”.
L.H.A.M.
Nguồn: FB Lê Huyền Ái Mỹ