Khi công dân chọn im lặng làm lẽ sống

Thái Hạo

Thứ Hai, 2-10-2023

Có thể là hình ảnh về văn bản

Hàng ngày tôi đều nhận được rất nhiều tin nhắn như thế này. Nhưng việc tôi phản ánh về những tiêu cực, bất cập, sai trái, sai lầm trong giáo dục hiện nay, không phải chỉ để mong giải quyết từng sự vụ cụ thể ở từng cá nhân hay trường học, vì việc đó chỉ là dã tràng xe cát mà thôi.

Khi quyết định lên tiếng về một trường hợp cụ thể nào đó, phía sau nó, và quan trọng nhất, là một mong muốn: từ đây phụ huynh sẽ hiểu rõ các quy định của ngành giáo dục, biết được quyền lợi của mình cũng như quyền hạn của nhà trường/giáo viên, từ đó khởi lên tự tin và trách nhiệm mà tự mình hành động, chung tay xây dựng một môi trường giáo dục tử tế, trong sạch, lành mạnh cho con mình, cháu mình và tất cả những đứa trẻ trong nền giáo dục này.

Nhiều lúc buồn quá, vì không hiểu tại sao khi có nhiều người vào nhắn tin cho tôi, nói rằng đã đọc không sót bài nào của tôi, nhưng rồi sau đó chốt lại vẫn nhờ tôi lên tiếng về chuyện đang xảy ra ở trường con họ. Vậy rốt cuộc, chúng ta đọc và biết để làm gì nếu không biến nó thành hành động?

Có những trường hợp còn buồn thảm hơn, ví dụ như sau những bài đầu tiên cùng cộng đồng lên tiếng về tình trạng liên kết bát nháo ở Vinh, thì Sở GD-ĐT Nghệ An đã có quyết định dừng môn kỹ năng sống. Lúc ấy, có một giáo viên vẫn thường xuyên trao đổi với tôi trong mấy ngày liền để chia sẻ về những “bất cập” ở nơi vị này công tác, đã vào báo “tin vui” đó cho tôi biết bằng cách copy lại cái “tin nhắn chỉ đạo” của cấp trên. Cũng là ngay lúc tôi đang rất cần chia sẻ với phụ huynh về những chuyển biến tích cực để động viên mọi người, nên đã nhờ giáo viên này là chụp màn hình lại giúp tôi cái “tin nhắn chỉ đạo” kia chứ đừng copy, để tôi post lên. Tôi cũng đã kèm theo lời đảm bảo rằng sẽ che hết thông tin cá nhân, nên đừng lo lắng. Vả lại, đây là một chỉ đạo công khai chứ không phải vấn đề gì bí mật hay nhạy cảm cả, nên đừng sợ.

Nhưng, vị giáo viên này đã không gửi ảnh chụp. Và im lặng luôn sau khi đọc được tin nhắn của tôi. Lúc đó tôi cũng không biết hỏi ai để xác thực cái tin dừng môn kỹ năng sống ấy, nên đã lên google tìm thử, thì ra báo Nghệ An đã đăng! Tôi chụp lại và post lên.

Sợ hãi đến như thế về một điều hoàn toàn không cần sợ, thú thực, tôi không hiểu nổi.

Ai cũng mong muốn giáo dục tốt lên, xã hội tốt lên, nhưng nếu ta không tự mình cất tiếng và chung tay, thì nó sẽ tốt bằng cách nào đây? Ngay cả ở các nước văn minh nhất, người dân sống trong một xã hội mà ta vẫn thường nói là đáng mơ ước, thì họ vẫn phải ngày ngày lên tiếng, ngày ngày đấu tranh để duy trì trạng thái tiến bộ ấy. Không có điều gì là miễn phí cả, một chút phiền hà nhỏ nhoi mà ta cũng không muốn dây vào mình, thì điều tốt đẹp sẽ ở đâu mọc ra cho được?

Biết rằng Tiểu học bị cấm dạy thêm, vậy thì ta cứ thế mà làm, những cái chương trình liên kết, tăng cường tích hợp hay bất cứ cái gì ngoài giờ chính khóa thì đều là học thêm. Và ta cứ thể mà thẳng thừng từ chối tham gia. Thấy nhà trường dùng các chiêu trò như chèn vào chính khóa để tổ chức thì cứ vậy mà ý kiến và lên tiếng công khai.

Biết rằng học thêm (ở THCS – THPT) là tự nguyện thì ta cũng cứ thế mà tự mình quyết định, không muốn đi thì thôi, sao phải sợ hãi? Nếu nhà trường dùng chiêu trò để ép thì đó chính là cơ hội để mình “lập lại kỷ cương”, sao lại đi sợ kẻ làm sai?

Xã hội hóa là tự nguyện, anh muốn thì góp (không phải “đóng”), không muốn thì thôi, sao phải cầu cứu?

Chúng ta còn sợ hãi một cách vô lý như thế đến bao giờ nữa? Trong lĩnh vực này, nhà nước đã có các văn bản luật cho ta biết cách làm đúng và tự bảo vệ mình, nay ta không thèm biết, mà có biết cũng không thèm dùng, cứ thế cúi đầu cam chịu rồi về nhà than vãn, thực lòng nhiều khi tôi không hiểu nổi.

Mọi người hay nói rằng sợ con mình bị trù dập, nhưng đây phần nhiều là tự lừa dối bản thân. Trừ vài trường hợp cá biệt, thì chính những người dám lên tiếng công khai và mạnh mẽ là những người mà con cái họ sẽ được an toàn nhất. Nhà trường sẽ không dám đụng đến con của những vị này, ngược lại có khi còn ưu ái nữa. Không tin, quý vị cứ thử mà coi!

Tôi cũng là một phụ huynh có con nhỏ đang đi học, và có thể tôi còn nghèo và “thân cô thế cô” hơn quý vị nữa, nhưng tôi chọn lên tiếng vì tôi biết rằng nếu mình làm cha mẹ mà không bảo vệ con cái thì sẽ không ai làm việc đó cho mình!

Những gì thuộc về trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay, không thể để dành để làm “hồi môn” cho con cháu. Cái món hồi môn ấy, chính chúng ta đã được thừa kế từ cha mẹ mình và bây giờ ta lại muốn “di chúc” lại cho con mình sao?

Tôi tin rằng, ngay cả những nhà nước tiến bộ nhất cũng không thể duy trì được một trạng thái xã hội tốt lành nếu như công dân của họ đã chọn sự im lặng làm lẽ sống.

Tôi nói những điều trên đây không phải là một cách chối từ, mà là một sự chia sẻ. Tôi cũng làm cha, và từng làm thầy, nên tôi rất đồng cảm với các vị. Tôi cũng luôn mong muốn nhận được những chia sẻ để mình có thể nhìn bức tranh giáo dục và xã hội một cách rộng rãi và toàn diện hơn, từ đó mà biết phải làm gì với tư cách một công dân. Chúng ta chia sẻ với nhau để cùng nhau biết sống có trách nhiệm hơn, đó là điều cần thiết nhất, không phải chỉ cho lúc này, mà là cho tương lai.

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Áp lực thể chế, Giáo dục, Phụ huynh. Bookmark the permalink.