Cần ‘xử lý thích đáng’ những kẻ hăm dọa sự thật và bao che cho bạo lực

Thái Hạo

Thứ Ba, 3-10-2023

Nguyen Thi Khanh Tram

Ông hiệu trưởng lãnh chúa kia cần phải bị kỷ luật và em học sinh quay clip cần phải được tuyên dương. Nếu làm được như vậy thì chính quyền mới xứng đáng vì công lý và mới yên dân.

Trần Nhật Phong

Để Hiệu trưởng và Hiệu phó này ở đây thì các em HS sau này chắc sẽ uất hận và khóc thét. Sự kinh khủng của bọn này chính là thù rất dai và sẽ làm mọi cách để khủng bố tinh thần các em.

Trần Bông Mai

Bản thân là hiệu trưởng, ko quản lý được cấp dưới của mình lại nhắm mũi dùi vào mấy đứa trẻ con để che đậy sự thối nát của người lớn. Hiệu trưởng, giáo viên làm trong môi trường giáo dục hành xử vô đạo vậy mà phụ huynh trong trường cứ im lặng…

Ngay sau khi sự việc em nữ sinh mua bánh không đúng cửa hàng do cô giáo chỉ định, và bị cô đối xử thô bạo, tàn nhẫn trong một clip do học sinh trường Đa Phúc quay và đưa lên mạng, thì bà Hiệu phó Nguyễn Thị Phong Lan liền dõng dạc “Tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện cô giáo đánh học trò", còn ông Hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền thì dùng uyển ngữ “chưa chuẩn mực” cho hành vi đang bị cả xã hội lên án của cô giáo kia.

Với phản ứng bộc lộ sự bao che này, trong bài trước tôi đã dự cảm và đặt câu hỏi: “Tôi không biết chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra với em học sinh đã quỳ đến mức co giật kia và cả những em đã quay clip, ghi âm, trả lời báo chí? Ai sẽ bảo vệ các em trước sự vô cảm đầy quyền lực này?” [xem phần “Đọc thêm” ở dưới – BVN]. Và hôm nay điều ấy đã xảy đến: “Về phía học sinh phát tán đoạn video lên mạng xã hội, ngày 2.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao động, ông Nguyễn Duy Hiền cho hay, nhà trường sẽ đợi kết luận của cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng”!

Trong một diễn biến khác, cũng ngày 2.10 Sở GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo N.T.P, giáo viên của trường vì có hành vi kéo lê học sinh trên hành lang lớp học.

Thứ nhất, không có điều khoản nào cấm quay phim, chụp ảnh những hành vi vi phạm pháp luật và đăng lên mạng; thứ hai, theo lời một luật sư: các hình ảnh được ghi lại và sử dụng để bảo vệ an ninh trật tự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hoặc vì lợi ích chung thì không bị pháp luật nghiêm cấm, thậm chí còn phải hoan nghênh.

Tức là căn cứ vào quy định của pháp luật, tôi không quá lo sợ việc em học sinh đăng tải clip kia sẽ bị “xử lý thích đáng”. Cái tôi sợ nhất là những người như ông Nguyễn Duy Hiền vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng!

Đáng ra việc ông phải làm là lập tức đình chỉ công việc của giáo viên đã có hành vi tồi tệ kia, xin lỗi em học sinh và sau đó biểu dương em học sinh đã quay và up clip lên mạng; nhưng thay vào đó, trước một sự việc phản cảm, sai trái và xấu xa đến thế xảy ra trong chính nhà trường do mình quản lý, khiến cả xã hội dậy sóng, công an vào cuộc, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu đình chỉ công tác giáo viên, thế mà ông Hiền vẫn bao che, và không dừng lại, ông còn công khai đe dọa.

Tôi không biết ông Nguyễn Duy Hiền có thế lực lớn đến đâu nhưng nhìn cái cách ông ứng xử trong vụ việc này với sự hiên ngang cùng thái độ khinh rẻ đạo đức học đường và coi thường công luận một cách đầy tự tin ngạo mạn, tôi chỉ thấy hiện lên một lãnh chúa đầy quyền uy nơi trường học.

Theo tôi, người cần bị xử lý thích đáng chính là ông Nguyễn Duy Hiền và Ban giám hiệu trường này, vì đã để xảy ra vụ việc tồi tệ, phản giáo dục và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tình tiết tăng nặng là thái độ lấp liếm, bao che và hăm dọa những học sinh có ý thức bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải. Ông Nguyễn Duy Hiền không xứng đáng là người dạy học, càng không xứng đáng làm hiệu trưởng của một trường học, nơi vẫn gọi là thiêng liêng cao quý.

Cuối cùng: bảo vệ em học sinh đã quay clip này chính là bảo vệ sự thật và mặt mũi của mỗi người lớn chúng ta.

T.H.

Có thể là hình ảnh về văn bản

Tác giả gửi BVN

Đọc thêm 1:

Đấy là con người có ăn có học à?

Thái Hạo

Chủ nhật, 1-10-2023

“Hôm trước tôi với cô ấy đã nói rồi, là nhà bà Tám ấy, thống nhất như thế rồi, mà lúc nẫy tôi phải gọi điện. Tôi là cái đứa trẻ ranh đâu hả, hả (cùng với tiếng vật cứng đập trên bàn). Mất dậy! Để tôi gọi điện cho người ta để người ta nói tôi như thế à! Coi thường người khác! Hai cô kia bỏ đi, vào lớp!

Ngày mai, ngày mai là thứ Bẩy đúng không, ngày mai tôi sẽ mời bố mẹ cô đến và tôi sẽ làm việc với BGH nhà trường (?), tôi sẽ trả cô này ra khỏi lớp này. Đây không phải lần đầu tiên, tôi đã phải nhắc rất nhiều lần cô này cô ấy làm không đúng rồi, trao đổi với giáo viên ở trên lớp rồi. Và cô không được thi tốt nghiệp năm nay cô đừng trách tôi. Cô là ai, cô là ai mà cô dám tùy tiện như thế, hả? Tôi nhắc cô bao nhiêu lần, tôi nói cô bao nhiêu lần, cô vẫn trơ cái mặt cô ra như thế à, hả?! Đấy là con người có ăn có học à, nên tôi chửi cô mất dạy, đúng rồi đấy!”.

Trên đây là đoạn tôi chép lại từ băng ghi âm lời cô giáo ở trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, HN) chửi một nữ sinh lớp 12 ngay tại lớp học, vì em này đi mua bánh trung thu cho lớp theo lệnh cô nhưng không đến đúng cửa hàng mà cô giáo đã chỉ định. Sự việc sau đó là học sinh này khóc, “quỳ ôm chân cô giáo xin lỗi” và sau đó thì bị co giật trên hành lang trong lúc vừa quỳ vừa khóc suốt 2 tiếng đồng hồ. Hình ảnh cuối cùng được học sinh ghi lại là cô giáo này kéo lôi em nữ sinh trên sàn trước cửa lớp cùng với những lời hăm dọa.

Cô giáo này ngoài những biểu hiện không thể chấp nhận trong ứng xử và việc làm thì không những đã bạo hành tinh thần học sinh một cách thô bạo mà còn đe dọa sử dụng quyền lực để trù dập một cách vô pháp (đuổi ra khỏi lớp, không cho thi tốt nghiệp…).

Thế mà, điều đáng kinh ngạc là Ban giám hiệu trường Đa Phúc, trước các thông tin, hình ảnh và ghi âm này lại có nhận định rất kỳ lạ:

- Bà Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Phong Lan thông tin với báo chí rằng: "Thực ra clip chỉ là một phần rất nhỏ của sự việc chứ không phải toàn bộ câu chuyện. Nhìn vào đó mọi người đánh giá là cô giáo đánh học trò, bạo hành học trò nhưng thực ra không phải như thế. Tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện cô giáo đánh học trò" (Dân Việt).

- Còn Hiệu trưởng Nguyễn Duy Hiền, trong báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì nói như không có chuyện gì: “ngay sau khi sự việc xảy ra đã nhắc nhở giáo viên có hành vi kéo học sinh đứng lên chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên về viết tường trình chi tiết sự việc”. Ông cũng cho biết thêm "em C. xác nhận em mắc nhiều lỗi, bố học sinh C. cũng xác nhận lỗi do con mình" (báo Tuổi trẻ).

"Đấy là con người có ăn có học à", câu chửi này của cô giáo kia nên dành cho ai mới đúng đây?

Tôi không biết chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra với em học sinh đã quỳ đến mức co giật kia và cả những em đã quay clip, ghi âm, trả lời báo chí? Ai sẽ bảo vệ các em trước sự vô cảm đầy quyền lực này?

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

Đọc thêm 2:

Khi trẻ em bị dụ… ăn cứt gà

Chu Mộng Long

3-10-2023

(Hư cấu ngắn: Mọi quan sát chỉ là cái bóng của sự thật. Sự thật nằm ở tinh thần hướng về sự tuyệt đối – Plato).

Sau khi cô giáo túm tóc, túm cổ, kéo lê nữ sinh để hành hình như thời Trung cổ bị lộ ra ngoài, Hiệu trưởng đến tận lớp để răn đe:

– Tôi đã giao công an điều tra, hoặc kỉ luật hoặc bỏ tù đứa nào làm xấu hình ảnh của nhà trường! Ai đã làm việc đó thì tự giác khai báo để được khoan hồng…

Học sinh nghe vậy thì hào hứng vỗ tay hoan hô. Một em nghi ngờ đứng lên hỏi:

– Kỉ luật hay bỏ tù ai vậy thầy? Cô giáo hay bạn quay clip? Nếu cô giáo thì rõ quá rồi, khai báo gì nữa?

Hiệu trưởng trợn mắt quát:

– Trừng phạt cái đứa quay clip và phát tán lên mạng. Đó là truyền bá thông tin xấu, độc, gây tác hại đến nhà trường và cộng đồng. Theo quy định của pháp luật, tội này tương đương với tội ác của bọn thù địch, phản động!

Dừng lại giây lát cho có tiết tấu, Hiệu trưởng tiếp:

– Tao nói cho chúng mày biết, nhà tù tra tấn tù nhân còn cấm tiết lộ thông tin ra ngoài, huống hồ là nhà trường!

Cả lớp nghe vậy mà phát run. Có đứa đái trong quần. Lại có đứa xì xào: “Bỏ mẹ rồi! Chúng ta thành thù địch, phản động hết!” “Nói vậy thì cô giáo thuộc lực lượng tiến bộ, cách mạng. Cô giáo hành hình học sinh là thực hiện ý chí của Hiệu trưởng!” “Đồng chí với nhau mà!” “Nhà trường hơn cả nhà tù đấy!”…

Không để học sinh bàn tán, Hiệu trưởng hất hàm hỏi:

– Đứa nào quay clip và phát tán lên mạng? Khai luôn kẻ nào đã xúi giục chúng mày?

Cả lớp gục đầu xuống bàn. Không đứa nào dám nhìn vào mắt Hiệu trưởng, cái đôi mắt rực lửa căm hờn trước thế lực thù địch là đám học sinh kia.

Đối mặt với tình thế ngoan cố, thà chết không khai của học sinh, Hiệu trưởng buộc phải chỉ định một đứa có gương mặt trẻ con nhút nhát nhất lớp để hỏi. Cu cậu đứng lên với đũng quần ướt đẫm:

– Thưa thầy, em thấy báo đăng Chủ tịch nước khuyên rằng “Đất nước rất cần những tiếng nói trung thực, quả cảm”. Lẽ nào chúng em phản đối bạo lực học đường từ phía thầy cô giáo là sai?

Hiệu trưởng bất ngờ trước câu trả lời ấy. Nhưng rất thông minh như một nhà hùng biện chân chính, Hiệu trưởng nói:

– Cần trung thực, quả cảm là cần những người như tao và cô giáo dám trị tội chúng mày. Cũng như lãnh đạo ta đang ngày đêm chống các thế lực thù địch, phản động vậy. Còn chúng mày làm theo điều ấy ắt không thù địch, phản động thì cũng chỉ là trẻ con bị dụ ăn c*t gà. Hiểu chửa?

Cả lớp hiểu. Bọn trẻ rùng mình nhớ lại hình ảnh nữ sinh bị kéo lê kéo lết như con chó hoang bị hành hình trước khi đưa vào lò mổ…

Sau khi trấn áp học sinh, Hiệu trưởng rất tự tin đã đưa thông tin tốt ra ngoài đời sống và giải độc thông tin học sinh đã tung lên mạng xã hội.

C.M.L.

—-

Chuyện chỉ dựa trên nền sự kiện.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.