Thái Hạo
Chủ nhật, 24-9-2023
Phần I
Đêm qua, sau khi tình cờ đọc được thông tin về nơi chôn cất tử tù Lê Văn Mạnh, tôi và anh Hoàng Tuấn Công đã hẹn nhau đi thăm Mạnh. Sáng nay, hai anh em gặp nhau trước cổng nghĩa trang Chợ Nhàng, TP Thanh Hóa. Lặng lẽ bước vào. Một khu lăng mộ mênh mông, không biết Mạnh nằm đâu giữa rờn rợn nắng gió này… Chúng tôi phải ghé vào nhà quản lý để hỏi, anh nhân viên vừa nghe thì liền đứng dậy dắt xe máy, “Để em dẫn các bác ra”.
Chạy vòng vèo một hồi qua bạt ngàn mồ mả, người nhân viên dừng lại trước một khu cỏ hoang um tùm, chỉ tay, “Mộ đây”. Nhìn xuống, thấy hai nhân viên khác đang tay cuốc tay xẻng san khoảng đất trước nấm mộ. Họ nói để kê bàn thờ. Lát sau họ đặt lên đó một viên gạch hoa kê sát vào chân bia. Đây là “bàn thờ”…
Đứng lặng nhìn, một nấm đất mới, nằm trơ trọi giữa cỏ cây hỗn loạn dưới mặt trời buổi sáng trắng xóa. Chúng tôi đặt bó cúc vàng lên mộ Mạnh, đốt cho anh nén hương. Bên dưới mô đất này là một kiếp người vừa đi qua gần 20 năm tù ngục khổ đau trùng trùng…
Trở ra, đứng dưới bóng cây, đang nhìn ngôi mộ thì nghe thấy 3 người nữa đi vào. Tôi cúi đầu chào và hỏi một câu, người đàn ông luống tuổi trả lời “chúng tôi là người nhà của anh Mạnh, đây là em gái Mạnh…”. Cô gái bật khóc, tôi khẽ ôm lấy cô, cô cũng choàng tay ôm tôi, òa lên nức nở.
Cả ba người bước xuống bên mộ Mạnh, cô em gái liền ngồi thụp xuống mộ anh khóc vật vã, “Anh ơi, 19 năm mẹ đi đòi công lý cho anh mà giờ anh nằm đây. Anh ơi…”. Cô khóc mãi, nước mắt giàn giụa đầy mặt…
Tôi và anh Công đứng dưới tàn cây nói chuyện với bố chồng của em gái Mạnh, còn cô vẫn đương vật vã khóc than bên mộ anh trai. Ông bảo, trước hôm 22 là ngày nhận giấy Thông báo, thì mẹ và em gái Mạnh đã ra Hà Nội để tiếp tục kêu oan cho anh ấy. Ngày 23 lúc gia đình còn đang ở ngoài Thủ đô thì ở nhà nhận được giấy báo tử, ghi Mạnh đã được chôn cất ở đây. Lúc đó gọi điện ra, mẹ con mới kéo nhau về. Lúc Mạnh chết, không ai biết, cả nhà chẳng ai được gặp một lần cuối…
Mặt trời lên mỗi lúc một cao, chúng tôi sắp sửa ra về giữa tiếng khóc than chưa dứt của em gái Mạnh thì thấy một nhóm khoảng 5, 6 người đi vào. Một đứa bé đi trước, em rể Mạnh nói, “con trai anh Mạnh”. Chúng tôi nhìn thằng bé sinh năm 2004, người nhỏ quắt chắc chưa nổi 40 cân, da đen đúa, hình xăm kín cả hai cánh tay, miệng ngậm thuốc lá. “Bố đi tù, nó ở với bà nội, ông Nội thì ốm đau, bà Nội mò cua bắt ốc nuôi hai đứa, rồi lại phải ôm đơn đi kêu oan cho con trai, chúng nó sống được là mừng rồi… Đứa em thì ở với bà ngoại”, ông thông gia nói.
Đi sau con trai Mạnh một quãng là bà Việt – mẹ tử tù Lê Văn Mạnh, và em trai anh. Chúng tôi khẽ cúi đầu chào. Cả đoàn đi lướt qua, sà xuống mộ, tiếng khóc rền lên… “Ơi Mạnh ơi là Mạnh ơi, 19 năm trời đằng đẵng, mẹ mò cua bắt ốc để kiếm tiền kêu oan cho con mà con phải chết oan con ơi”. “Anh ơi, có phải anh nằm đây không anh ơi… Anh sống khổ sống sở, giờ anh chết lang thang đầu đường xó chợ anh ơi…”.
***
Người nhân viên nghĩa trang chỉ cho tôi và anh Công một tấm bia ở gần sát mộ anh Mạnh, nói “Đây cũng là một tử tù”. Tôi nhìn, không còn thấy mô đất cao nữa, do ván thiên sập, lõm xuống một rãnh ở chính giữa. Hình như gia đình ở xa quá, mộ không được ai chăm sóc, đã 8 năm rồi, cỏ dại phủ lấp. Nay nhân tiện chôn Mạnh ở đây mà mới thuận tay một thể dọn luôn cho ngôi mộ này.
Chúng tôi đứng trên đường nhìn xuống, cả một gia đình già trẻ gái trai đang kêu khóc vật vã bên mô đất, bất giác nghẹn đắng cổ họng, phải quay mặt đi.
Anh Công nói với tôi, “Bỏ án tử hình, đó là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam sớm muộn cũng sẽ bỏ thôi. Nếu Mạnh có phạm tội thật thì chung thân không ân giảm cũng là hình phạt đích đáng rồi, đâu cần phải giết một mạng người. Nhưng đây, dù còn một mảy may nghi ngờ hay chút ít uẩn khúc nào thì, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không thể tử hình một con người, vì nếu lỡ mà oan thật thì không sửa được nữa. Huống hồ, đã cầm tù người ta gần 20 năm, cách ly rồi thì đâu nguy hiểm gì cho xã hội nữa, nếu lỡ sau này mới phát hiện ra hung thủ thật sự thì sao đây. Phía sau một án tử là cả một gia đình, là số phận của biết bao nhiêu con người, sao họ nỡ… ”.
Chúng tôi ra về, để lại sau lưng là tiếng khóc rền rĩ chưa dứt, những thân người đang vật vã bên ngôi mộ giữa trời chang chang…
Tạm biệt Lê Văn Mạnh, tạm biệt một số kiếp bi thảm. Cầu nguyện cho anh sớm về nơi miền đất lành. Cầu nguyện cho đất nước tôi sẽ không còn những tiếng khóc xé ruột, những dòng nước mắt mặn chát trên đất đen bỏng rát này…
Phần II
Sáng nay, lúc tôi và anh Hoàng Tuấn Công đến thăm mộ tử tù Lê Văn Mạnh, thì thật tình cờ, sau đó được gặp cả gia đình Mạnh ở đó. Ngoài nước mắt và những tiếng kêu khóc thấu trời, chúng tôi còn được nghe kể những câu chuyện xung quanh gia cảnh và cuộc đời của Mạnh. Trong đó, đặc biệt là sự xuất hiện của một nhân vật tên là Tuấn ‘Thần Đèn’. Tôi không biết Tuấn Thần Đèn là ai nhưng rất tò mò, nên sau đó phải về mở mạng ra tìm…
Thì ra trên báo đầy ngập hình ảnh và bài viết về nhân vật này! Tờ Dân trí ngày 12/5/2023, nhân sự kiện Tuấn Thần Đèn bị khám nhà, đã có bài viết: “Lý lịch bất hảo của Tuấn “thần đèn” – đại ca giang hồ khét tiếng Thanh Hóa”; trong đó nêu, Tuấn Thần Đèn là một ông trùm giang hồ, đã nhiều lần vào tù ra tội vì phạm pháp đủ kiểu. Tuấn Thần Đèn “là cái tên khiến nhiều người dân tại tỉnh Thanh Hóa e dè, khiếp sợ mỗi khi nhắc đến”…
Theo lời kể của người trong gia đình Lê Văn Mạnh lúc ở nghĩa trang, thì Mạnh bị kết án tử và trong lúc nhốt để chờ thi hành án thì Tuấn Thần Đèn cũng bị bắt và giam chung một trại. Hai người gặp nhau, chứng kiến và biết được cảnh người mẹ già nghèo khổ của Mạnh ngày ngày vừa đi mò cua bắt ốc nuôi cháu, rồi vào trại thăm nuôi…, nên Tuấn rất thương. Từ đó, theo lời em trai Mạnh kể, tháng nào Tuấn cũng gửi quà cho bà cháu, ngày tết thì áo quần với tiền bạc giúp đỡ, để gia đình khỏi hiu quạnh.
Em trai Mạnh nói: “Hồi đó khi mà anh Tuấn được ra, anh ấy gọi cho mẹ tôi, bảo cháu là Tuấn, gọi là Tuấn Thần Đèn. Cháu cũng mới trong trại ra, cháu nghe em nó nói là nó bị oan, mà cháu thấy em nó bị oan thật đấy cô ạ. Cô đi kêu oan cho em nó đi”.
“Mẹ tôi cũng nói thật là cô nhà cũng không có điều kiện, không có tiền để đi kêu oan. Thì anh ấy bảo, cô đi làm cái thẻ đi, để cháu chuyển cho cô ít tiền cô đi kêu oan cho em. Rồi lần đó anh ấy chuyển cho mẹ tôi 10 triệu, từ đó mẹ tôi mới có tiền đi kêu oan cho anh…”.
Sau này Tuấn Thần Đèn vẫn đều đặn gửi chút tiền vào cho Mạnh. Em trai Mạnh tâm sự rằng “dù gia đình mình nghèo khổ, đói rách, nhưng anh Tuấn không khinh chê mà còn rất thương yêu. Anh Tuấn quý trọng cách sống của anh Mạnh, nên một mặt giúp đỡ gia đình, mặt khác luôn động viên anh Mạnh cố gắng kêu oan. Dù là người dưng nhưng anh Tuấn đối với anh Mạnh còn hơn cả ruột thịt…”.
Ông thông gia (tức bố chồng của em gái Mạnh) nói thêm: lúc biết Mạnh đã bị tử hình, tôi nói với con là gọi điện vào báo cho anh Tuấn biết đi, vì anh ấy là người quan tâm, lo lắng và thương yêu gia đình mình suốt bao nhiêu năm nay, nay Mạnh chết mà không cho anh ấy biết tin thì có lỗi lắm…
Tôi không biết gì về Tuấn Thần Đèn ngoài những bài viết trên báo chí về lý lịch “bất hảo” của nhân vật này, nhưng nghe câu chuyện tình nghĩa đầy lòng nhân ái giữa một giang hồ vào tù ra tội với một tử tù, lòng cứ dâng lên mãi sự xúc động về tình người ấm áp giữa cơ sự khô hạn, tàn nhẫn này. Thì ra, lẩn quất quanh ta, nơi tưởng chừng chỉ còn sự lạnh lùng vô cảm, vẫn còn đó những điều đáng yêu, đáng quý, vẫn còn đó những tấm lòng…
Em trai Mạnh kể: “Trong những lúc ở nơi tăm tối và khó khăn nhất, anh vẫn luôn nhận được sự yêu thương và giúp đỡ, không phải của một vài người mà là rất nhiều người”.
Tôi thấy lòng mình được an ủi, trong nỗi đau buồn đắng cay này…
T.H.
Tác giả gửi BVN